07 nhiệm vụ trọng tâm về PCCC phải thực hiện nghiêm trên toàn địa bàn Hà Nội

21/09/2023, 08:05

Ngày 20/9, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đã ký ban hành Chỉ thị số 25-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác PCCC và CHCN trên địa bàn TP. Hà Nội trong tình hình mới.

Ảnh minh họa.

Theo đó, tại Chỉ thị số 25-CT/TU, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội nêu rõ, gần đây, tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn vẫn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, nhất là cháy, nổ tại các khu dân cư, hộ gia đình, chung cư, nhà cao tầng, khu nhà trọ, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở hoạt động vui chơi giải trí, karaoke, vũ trường, chợ, cụm điểm làng nghề truyền thống, khu, cụm công nghiệp...

Đặc biệt, vụ cháy xảy ra đối với nhà ở nhiều căn hộ tại phường Khương Đình là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng và rất đáng tiếc, gây hậu quả, thiệt hại nặng nề về người và tài sản của nhân dân.

Chỉ thị số 25-CT/TU cũng chỉ rõ, nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém nêu trên có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do: Tốc độ đô thị hóa, tăng dân số nhanh, nhưng hạ tầng, trang thiết bị về PCCC được đầu tư, song chưa đáp ứng so với yêu cầu thực tế; quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực chưa coi trọng đến công tác PCCC&CNCH…

Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa nghiêm, nhiều nơi làm "qua loa, chiếu lệ", chưa quan tâm phân tích nguyên nhân các vụ cháy để rút kinh nghiệm, chỉ rõ trách nhiệm, có hình thức xử lý nghiêm khắc để phòng ngừa sai phạm; chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe; một bộ phận không nhỏ người dân chưa nhận thức, ý thức được tầm quan trọng đối với công tác phòng, chống cháy, nổ, phòng ngừa, ứng phó sự cố, tai nạn, còn chủ quan; kiến thức, kỹ năng về PCCC&CNCH còn hạn chế.

Từ tình hình trên, đặt ra yêu cầu cấp bách trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý, điều hành, đặc biệt là khâu tổ chức thực hiện từ công tác quy hoạch, cấp phép xây dựng công trình, nghiệm thu đưa vào sử dụng và kiểm tra, thanh tra, giám sát về công tác PCCC&CNCH, đồng thời, để hạn chế đến mức thấp nhất các nguy cơ cháy, nổ xảy ra; đảm bảo an toàn tính mạng về người và tài sản của nhân dân, của Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp.

Chỉ thị số 25-CT/TU cũng nêu rõ 07 nhiệm vụ trọng tâm yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thủ đô tập trung chỉ đạo, thực hiện nghiêm, hiệu quả.

Thứ nhất, quán triệt quan điểm trong công tác PCCC&CNCH: Người dân là trung tâm, là chủ thể, đặt an toàn, tính mạng người dân là trên hết, trước hết; an toàn cháy, nổ là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của Thủ đô Hà Nội.

Thứ hai, thực hiện nghiêm nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, thành phố về công tác PCCC&CNCH đảm bảo thực chất, toàn diện; việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC là một tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở đảng, cơ quan, đơn vị, đoàn thể, hội viên, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động; cá thể hóa trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị đối với nhiệm vụ PCCC&CNCH…

Thứ ba, đổi mới về nội dung, hình thức công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức kỹ năng về PCCC&CNCH, các biện pháp, kỹ năng phòng cháy, thoát nạn và xử lý các tình huống khi có sự cố cháy, nổ xảy ra; tập huấn thường xuyên về các kỹ năng thoát nạn cơ bản, hướng dẫn thoát nạn, kỹ năng cảnh báo khi có sự cố xảy ra.

Thứ tư, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC&CNCH. Tất cả các hành vi vi phạm về PCCC&CNCH phải được xử lý nghiêm theo quy định và bắt buộc các cơ sở không đảm bảo điều kiện an toàn PCCC&CNCH phải tổ chức khắc phục khi đủ điều kiện mới cho phép hoạt động…

Thứ năm, thực hiện nghiêm túc phương châm bốn tại chỗ "chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ", nòng cốt là lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở và chuyên ngành; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, phương án và các điều kiện để ứng phó kịp thời khi có cháy, nổ, sự cố, tai nạn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Thứ sáu, tăng cường đầu tư nguồn lực, xây dựng, trang bị cơ sở vật chất cho công tác PCCC; có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật về PCCC; nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất phương tiện, thiết bị PCCC và CNCH…

Thứ bảy, thực hiện nghiêm công tác thẩm định, cấp phép xây dựng, quản lý xây dựng, đô thị theo đúng quy định; xử lý nghiêm các công trình xây dựng không phép, trái phép và các công trình vi phạm về trật tự xây dựng, công trình chưa được thẩm định, phê duyệt, nghiệm thu về PCCC theo quy định nhưng đã đưa vào hoạt động.

Quý Nguyễn

Tạp chí Điện tử Luật sư Việt Nam

Ngày đăng: 21/09/2023 06:23

Nguồn: