48 tỉnh, thành đang triển khai phát triển đô thị thông minh
Việt Nam có 48/63 tỉnh, thành phố đang triển khai đề án phát triển đô thị thông minh. Hơn 40 địa phương đã triển khai Trung tâm điều hành thông minh (IOC) cấp tỉnh và gần 100 IOC cấp huyện, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục, phát triển các ứng dụng cảnh báo.
Thông tin này được đưa ra tại Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam – châu Á 2023 (Vietnam - Asia Smart City Summit 2023) được tổ chức tại Hà Nội ngày 29/11, với chủ đề "Khai thác dữ liệu – Xây dựng thành phố thông minh, phát triển bền vững".
Sau 5 năm triển khai Quyết định số 950/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030, Việt Nam đã có 48/63 tỉnh, thành phố đang triển khai đề án phát triển đô thị thông minh. Hơn 40 địa phương đã triển khai Trung tâm điều hành thông minh (IOC) cấp tỉnh và gần 100 IOC cấp huyện, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục, phát triển các ứng dụng cảnh báo
Tại Hội nghị, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng Sáng lập Vinasa cho biết, các doanh nghiệp công nghệ đang nỗ lực hết mình đồng hành với các tỉnh, thành phố trong định hướng, quy hoạch và xây dựng Smart City, đồng thời đưa những giải pháp tiên tiến nhất, hiệu quả nhất như AI, IoT, Bản đồ số 3D… giúp "thông minh hóa" công tác quản lý, điều hành các sở, ngành, các khu đô thị, các khu công nghiệp trên cả nước, và đang hướng tới các bài toán quản trị, khai thác dữ liệu số.
Tuy nhiên, xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam gặp rất nhiều thách thức. Thách thức lớn nhất là hành lang pháp lý chưa thuận lợi cho hợp tác công tư, đặc biệt các thủ tục liên quan đến: đầu tư, đấu thầu, thuê dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT). Bên cạnh đó, các đô thị chưa chú trọng quy hoạch thông minh, thông minh hóa các hạ tầng cơ bản, thiết yếu.
Tại Hội nghị năm nay, TP Hà Nội tham gia đồng tổ chức cùng Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (Vinasa). Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng, điều này cho thấy được quyết tâm rất lớn của lãnh đạo TP Hà Nội trong việc xây dựng Thủ đô hiện đại, phục vụ tốt hơn người dân, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.
Hà Nội có số dân đứng thứ 2 cả nước, có tổng sản phẩm nội địa (GRDP) năm 2022 tăng 8,89%; tổng thu ngân sách 9 tháng/2023: 305.300 tỷ đồng, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Hà Nội cũng đang là địa phương có nhiều khu đô thị được quy hoạch thông minh nhất cả nước với 3 khu: Vinhome Ocean Park, Vinhome Smart City, mới đây nhất là Thành phố thông minh Bắc Hà Nội.
Tuy nhiên, Hà Nội đang chịu áp lực lớn giải bài toán xây dựng thành phố thông minh để phát triển kinh tế xã hội xứng tầm Thủ đô. Thành phố đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ như: dân số đông, gia tăng cơ học một cách nhanh chóng; những vấn đề bất cập do hạ tầng giao thông chưa kịp phát triển để đáp ứng tốc độ đô thị hóa; ô nhiễm môi trường và các vấn đề liên quan đến cấp/thoát nước, xử lý ngập nước…Theo báo cáo từ Sở Thông tin và Truyền thông, Hà Nội đang cần giải quyết rất nhiều bài toán liên quan đến dữ liệu số. Hiện tại, dữ liệu vừa thiếu, vừa thừa; khai thác dữ liệu khó khăn, chưa có chuẩn kết nối, độ chính xác chưa cao, mô hình thông tin, chiến lược dữ liệu cũng cần được trú trọng đầu tư bài bản hơn. Đây chính là nhiệm vụ cấp thiết trong thời gian tới, trước khi triển khai các giải pháp về phân tích, hỗ trợ quản lý điều hành và xa hơn là khai thác dữ liệu để tạo ra những giá trị kinh tế xã hội mới.
Chủ tịch Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh kỳ vọng, đối với Hà Nội, Thành phố lựa chọn cách tiếp cận "Xây dựng thành phố thông minh" bền vững, hành động thực chất vì lợi ích chung trước mắt và vì trách nhiệm mang lại sự lựa chọn tốt nhất cho tương lai.
Đặc tính "bền vững" của Thành phố sẽ được thể hiện thông qua những lựa chọn "thông minh", giải pháp "thông minh", công nghệ "thông minh".
Trước những biến chuyển không ngừng của khoa học, công nghệ, đặc biệt là các ứng dụng công nghệ số và công nghệ khai phá dữ liệu ngày càng hiện diện sâu rộng trong mọi mặt đời sống, khả năng phân tích và khai thác dữ liệu ngày càng cao, lãnh đạo TP Hà Nội hy vọng, các diễn giả đến từ các cơ quan quản lý, các tổ chức, các chuyên gia trong nước và ngoài nước chia sẻ các khuyến nghị, kinh nghiệm, bài học thực tiễn hữu ích đối với Thành phố Hà Nội trong việc lựa chọn và tận dụng các cơ hội để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Thủ đô xanh, an toàn, phát triển nhanh, bao trùm, bền vững.
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Huy Dũng, phát triển đô thị thông minh chính là xây dựng một phương thức phát triển và vận hành đô thị hiện đại, hiệu quả dựa trên việc ứng dụng các công nghệ có tính đổi mới, sáng tạo, không phải một tập hợp rời rạc các hệ thống, ứng dụng của các cơ quan chuyên môn do các vấn đề trong đô thị có quan hệ chặt chẽ với nhau.
Đồng thời, phát triển đô thị thông minh tại địa phương phải bảo đảm gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số tại địa phương, không trùng lặp, tất cả đều hướng đến mục tiêu lấy người dân làm trung tâm. Người dân vừa là đối tượng phục vụ, vừa là chủ thể tham gia thông qua các hình thức đầu tư xã hội hóa.
Các địa phương cần coi hạ tầng thông tin đô thị, hạ tầng số và đặc biệt là hạ tầng dữ liệu như một hạ tầng thiết yếu của đô thị, là nền tảng để thông minh hóa các hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng kinh tế -xã hội.
"Phát triển đô thị thông minh là một quá trình liên tục và lâu dài, cần tầm nhìn dài hạn, toàn diện và một cách tiếp cận tổng thể, không chỉ tập trung vào khía cạnh công nghệ. Cũng giống như chuyển đổi số, đó là sự thay đổi về tư duy và nhận thức nhiều hơn", lãnh đạo Bộ TT&TT nhấn mạnh.
Hiền Minh
Theo Báo Điện tử Chính phủ
Ngày đăng: 29/11/2023 12:20