Bàn về tội ‘Đánh bạc sử dụng công nghệ cao’ theo pháp luật Việt Nam

17/08/2022, 15:56

Tội phạm công nghệ cao được nhen nhóm và rất nhanh chóng đã bùng nổ ở Việt Nam, mà điển hình là hành vi đánh bạc. Đây là một nội dung còn khá mới mẻ đối với các cơ quan tố tụng, gây nhiều vướng mắc trong quá trình định tội danh cũng như định khung hình phạt. Trong bài viết này, tác giả đi sâu làm rõ, giải quyết một số vướng mắc về tội 'Đánh bạc có sử dụng công nghệ cao'.

Ảnh minh họa.

Nhà tâm lý tội phạm học người Mỹ Stannon E. Samenow, trong cuốn "Tâm lý học tội phạm" của mình đã viết "Bản chất con người là bất biến, và do đó tư duy tội phạm cũng là bất biến. Tuy nhiên, một xã hội liên tục thay đổi đã tạo ra những con đường mới để tư duy tội phạm thể hiện vai trò của mình".

Trong thời đại 4.0, công nghệ thông tin ngày một phát triển, đã và đang giữ nhiều vị trí quan trọng, không thể thay thế. Nhưng đi kèm với đó, những thành tựu tiên tiến ấy của tri thức nhân loại, rất nhanh chóng đã bị tội phạm nghiên cứu, áp dụng vào hành vi, thủ đoạn phạm tội của mình. Tội phạm công nghệ cao được nhen nhóm và rất nhanh chóng đã bùng nổ ở Việt Nam, mà điển hình là hành vi đánh bạc. Đây là một nội dung còn khá mới mẻ đối với các cơ quan tố tụng, gây nhiều vướng mắc trong quá trình định tội danh cũng như định khung hình phạt. Trong bài viết này, tác giả đi sâu làm rõ, giải quyết một số vướng mắc về tội 'Đánh bạc có sử dụng công nghệ cao'. 

Tội “Đánh bạc” là gì?

Tội “Đánh bạc” được ghi nhận tại Điều 321 Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo đó, đánh bạc được hiểu là hành vi chơi được thua bằng tiền hoặc hiện vật dưới bất kỳ hình thức nào, như: Xóc đĩa, bầu cua, tổ tôm, tam cúc, số đề, cá cược, đá (chọi) gà, đua xe, cá cược, ... một cách trái phép. Trong đó, tiền có thể là tiền Việt Nam, ngoại tệ; hiện vật có thể là tài sản, như: ô tô, xe máy, nhà cửa, gia súc, hàng hóa,…Như vậy, có thể hiểu đánh bạc là tham gia trò chơi có được thua bằng tiền hoặc tài sản dưới bất kỳ hình thức nào. 

Đánh bạc trái phép là hành vi đánh bạc được thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào với mục đích được thua bằng tiền hay hiện vật mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng thực hiện không đúng với quy định trong giấy phép được cấp.

Khái niệm về tội phạm công nghệ cao

Hiện nay, Bộ luật Hình sự chưa có quy định cụ thể về tội phạm công nghệ cao. Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 25/2014/NĐ-CP quy định tội phạm có sử dụng công nghệ cao là hành vi nguy hiểm cho xã hội và được quy định trong Bộ luật Hình sự có sử dụng công nghệ cao. Theo đó, các đối tượng là tội phạm công nghệ cao thực hiện hành vi phạm tội thông qua mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông và các thiết bị số.

Như vậy, có thể hiểu tội phạm công nghệ cao là tội phạm thực hiện các hành vi để tác động trái phép đến thông tin, dữ liệu, tín hiệu được lưu trữ, xử lý, truyền tải trong hệ thống mạng máy tính. Các đối tượng phạm tội này thường là những người có kiến thức về công nghệ thông tin, có kỹ năng và các công cụ nhằm phục vụ hành vi phạm tội.

Có thể kết luận rằng, tội "Đánh bạc có sử dụng công nghệ cao" là hành vi đánh bạc sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông và các phương tiện điện tử để đánh bạc trực tuyến (như hình thành nên các chiếu bạc online hoặc sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để tổ chức đánh bạc, gá bạc) được thua bằng tiền hoặc hiện vật trực tuyến.

Hành vi sử dụng công nghệ cao để đánh bạc, cụ thể là "Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội" được coi là tình tiết định khung tăng nặng, quy định tại điểm c khoản 2 Điều 321 Bộ luật Hình sự năm 2015. Quy định là vậy, nhưng trong thực tiễn áp dụng định tội danh, định khung hình phạt đối với loại tội phạm này cũng còn xảy ra những vướng mắc nhất định. Điển hình là việc sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông để liên lạc, chuyển tiền nhằm thực hiện hành vi phạm tội, thì có coi là hành vi đánh bạc sử dụng công nghệ cao hay không? 

Ví dụ: Nguyễn Huy H., sinh năm 1970, cư trú tại xã Hợp Đức, huyện Tân Yên tỉnh Bắc Giang làm nghề ghi số lô đề. 08 giờ 15 phút ngày 16 tháng 5 năm 2022, Đinh Mạnh N., sinh năm 1983, là người cùng địa phương với H., nhắn tin qua Zalo cho H., nhờ đánh 100 điểm lô, con số 38. Sau đó, N. chuyển cho H. số tiền 23.000.000 đồng (hai mươi ba triệu đồng chẵn) để H. ghi 100 điểm con số 38. Vụ việc sau đó bị Công an Bắc Giang điều tra làm rõ, H. và N. bị bắt. Hành vi của N. được cơ quan điều tra và các cơ quan tiến hành tố tụng xác định là phạm tội "Đánh bạc".

Tuy nhiên trong trường hợp này có áp dụng tình tiết định khung tăng nặng "Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội" hay không vì hành vi của N. là sử dụng mạng xã hội và ứng dụng ngân hàng trực tuyến để liên lạc và chuyển tiền nhằm thực hiện hành vi đánh bạc, chứ không tham gia các trò chơi cờ bạc trực tuyến?

Nhằm giải đáp vướng mắc trên, Tòa án nhân dân Tối cao đã ban hành Công văn số 196/TANDTC-PC hướng dẫn áp dụng điểm c khoản 2 Điều 321 và điểm c khoản 2 Điều 322 của Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo đó, Tòa án nhân dân Tối cao nhận được ý kiến phản ánh của một số Tòa án về vướng mắc trong việc áp dụng tình tiết định khung tăng nặng “Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 321 và điểm c khoản 2 Điều 322 của Bộ luật Hình sự. Để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật việc áp dụng tình tiết nêu trên, Tòa án nhân dân Tối cao có ý kiến như sau:

“Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 321 và điểm c khoản 2 Điều 322 của Bộ luật Hình sự được hiểu là việc sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông và các phương tiện điện tử để đánh bạc trực tuyến (như hình thành nên các chiếu bạc online hoặc sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để tổ chức đánh bạc, gá bạc). Việc người phạm tội sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông và các phương tiện điện tử khác như là phương tiện để liên lạc với nhau (ví dụ: Nhắn tin qua điện thoại, qua email, zalo, viber,.... để ghi số đề, lô tô, cá độ đua ngựa...) mà không hình thành nên các trò chơi được thua bằng tiền hoặc hiện vật trực tuyến thì không thuộc trường hợp “Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông và các phương tiện điện tử để phạm tội” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 321 và điểm c khoản 2 Điều 322 của Bộ luật Hình sự".

Như vậy, hành vi sử dụng mạng internet, mạng xã hội,... để liên lạc với nhau hoặc cung cấp một số thông tin nhằm thực hiện hành vi đánh bạc thì không được coi là thực hiện tội phạm công nghệ cao và không phải chịu tình tiết định khung tăng nặng quy định tại điểm c khoản 2 Điều 321 Bộ luật Hình sự năm 2015. Vì vậy cần phải hiểu rõ, quán triệt sâu sắc và nhất quán nội dung này, tránh áp dụng sai, gây bất lợi cho người bị buộc tội.

LÊ THÀNH PHƯƠNG

Tòa án Quân sự Quân khu 1

Theo Lsvn.vn

Thời gian đăng: 17/08/2022 05:27

Nguồn