Bộ Công Thương tiếp tục khẳng định không thiếu xăng dầu

12/10/2022, 08:41

Mặc dù có sự thiếu hụt xăng dầu cục bộ tại một số cửa hàng xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của một số thương nhân đầu mối bị gián đoạn hoạt động kinh doanh, Bộ Công Thương tiếp tục khẳng định, tồn kho xăng dầu của các doanh nghiệp vẫn cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng xăng dầu trong nước.

Bộ Công Thương tiếp tục khẳng định không thiếu xăng dầu - Ảnh 1.

Người dân xếp hàng đợi mua xăng tại các cây xăng ở Hà Nội - Ảnh: VGP/Phương Liên

Liên quan đến việc một số cửa hàng bán xăng dầu ngưng bán hàng cho người dân, Bộ Công thương khẳng định, hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đóng cửa tại TPHCM, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk… là không phổ biến, do có hơn 100 cửa hàng đóng cửa trong tổng số 17.000 cửa hàng đang hoạt động.

Thiếu xăng dầu chỉ là cục bộ

Đến 17h chiều 10/10, trên địa bàn TPHCM có 3/550 cửa hàng đóng cửa (chiếm 0,54%), có 121/550 cửa hàng tạm hết xăng (chiếm 20%). Đồng thời, có một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu quy mô lớn gặp khó khăn trong việc bảo đảm nguồn cung.

Tại Bình Phước có 27/415 cửa hàng bán lẻ xăng dầu (hầu hết ở địa bàn vùng sâu, vùng xa) dừng hoạt động (chiếm 6,5%), 23 cửa hàng hết xăng còn dầu, 2 cửa hàng hết dầu còn xăng.

Tỉnh An Giang đã tiếp nhận 24 thông báo tạm dừng kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Trong số này, Sở Công Thương chỉ chấp thuận cho 02/559 cửa hàng xăng dầu tạm dừng kinh doanh (chiếm 0,35%) do đường giao thông đang sửa chữa, 22 cửa hàng còn lại vẫn đang hoạt động bình thường. Toàn tỉnh có 30/559 cửa hàng vẫn mở cửa bán hàng nhưng không có xăng để bán (chiếm 5%).

Bộ Công Thương lý giải, sở dĩ có hiện tượng trên là do từ cuối năm 2021 đến nay, các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng mạnh, các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng nên chủ yếu chỉ duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối của doanh nghiệp mình và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định.

Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp đã giảm mạnh chiết khấu bán hàng để hạn chế việc lấy nhiều hàng của các đại lý bán lẻ, dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh thua lỗ. Cộng với tình hình bão lũ vừa qua cũng ảnh hưởng một phần đến việc giao hàng của các doanh nghiệp, dẫn đến gián đoạn hoặc thiếu hụt nguồn cung cục bộ tại một số địa phương.

Tính đúng, tính đủ giá xăng dầu và tăng cường phân phối

Trước tình hình trên, Bộ Công Thương đã kiến nghị Bộ Tài chính giảm các loại thuế liên quan đến mặt hàng xăng dầu (thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt); đồng thời sớm rà soát và gửi thông báo áp dụng mức chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng và premium trong nước theo mức phù hợp với thực tế phát sinh thời gian vừa qua để bảo đảm tính đúng, tính đủ trong giá cơ sở xăng dầu theo quy định hiện hành để khuyến khích các doanh nghiệp tăng lượng nhập hàng, bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường.

Bộ cũng phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn có phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu; duy trì việc cung ứng xăng dầu trong hệ thống phân phối của doanh nghiệp; chỉ đạo các đơn vị chức năng trên địa bàn đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về duy trì bán lẻ xăng dầu tại các cửa hàng xăng dầu theo đúng quy định.

Phối hợp với Bộ Tài chính, điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu, khuyến khích các doanh nghiệp duy trì nguồn cung và hạn chế các hành vi đầu cơ găm hàng hoặc buôn lậu xăng dầu qua biên giới sang các nước lân cận.

Chỉ đạo các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối hỗ trợ để điều phối nguồn hàng, tăng cường cung ứng xăng dầu tại một số địa phương có hiện tượng thiếu xăng dầu cục bộ.

Bộ Công Thương khẳng định, mặc dù có sự thiếu hụt xăng dầu cục bộ tại một số cửa hàng xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của một số thương nhân đầu mối bị gián đoạn hoạt động kinh doanh nhưng tồn kho xăng dầu của các doanh nghiệp vẫn cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng xăng dầu trong nước.

Đồng thời nguồn cung xăng dầu của các doanh nghiệp vẫn liên tục được bổ sung từ nguồn nhập khẩu và mua trong nước.

Thành lập Hội đồng thẩm định dự thảo kết luận thanh tra vi phạm xăng dầu

Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày hôm nay (11/10), Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa ký quyết định thành lập Hội đồng thẩm định dự thảo kết luận thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu của một số thương nhân kinh doanh xăng dầu.

Hội đồng này sẽ thẩm định dự thảo kết luận thanh tra của ba đoàn thanh tra được Bộ trưởng Bộ Công Thương thành lập từ trước đó vào tháng 2/2022 liên quan tới việc thanh tra 33 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu.

Hội đồng thẩm định có nhiệm vụ nghiên cứu, thẩm định dự thảo kết luận thanh tra do các đoàn thanh tra cung cấp; đồng thời Hội đồng này có trách nhiệm tiến hành thẩm định, xây dựng báo cáo kết quả thẩm định và chịu trách nhiệm trước pháp luật và Bộ trưởng Bộ Công Thương về báo cáo kết quả thẩm định. Báo cáo kết quả thẩm định là một trong các tài liệu để Bộ trưởng Bộ Công Thương tham khảo trước khi ký ban hành kết luận thanh tra.

Nội dung thẩm định sẽ bao gồm kết luận những nội dung đã tiến hành thanh tra như xác định hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, trên cơ sở kết quả các đoàn thanh tra đã kiểm tra, xác minh.

Thời hạn thẩm định trong vòng 10 ngày, kể từ ngày hội đồng thẩm định nhận được đủ dự thảo kết quả thanh tra và tài liệu có liên quan được các trưởng đoàn thanh tra bàn giao. Các đoàn thanh tra có trách nhiệm bàn giao đầy đủ dự thảo kết luận thanh tra và tài liệu có liên quan phục vụ việc thẩm định.

Trong thời hạn 3 ngày làm việc, tính từ ngày 10/10, quyết định có hiệu lực, các trưởng đoàn thanh tra xăng dầu phải bàn giao đầy đủ dự thảo kết luận thanh tra và tài liệu có liên quan phục vụ việc thẩm định.

Trường hợp cần thiết, Hội đồng thẩm định làm việc trực tiếp với trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra để làm rõ thêm nội dung của dự thảo kết luận thanh tra. Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm xây dựng báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định, trình Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Hội đồng thẩm định tự giải thể sau khi Bộ trưởng Bộ Công Thương ký ban hành kết luận thanh tra.

Bộ Công Thương tiếp tục khẳng định không thiếu xăng dầu - Ảnh 3.

Một cây xăng ở Thụy Khuê (Hà Nội) sáng 11/10 liên tục trong tình trạng quá tải vì người dân đến mua xăng - Ảnh: VGP/Đình Hải

Đầu năm nay, Bộ Công thương đã thành lập 3 đoàn thanh tra chuyên ngành, để thanh tra việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh xăng dầu đối với các doanh nghiệp đầu mối. 

Dù chưa công bố kết luận thanh tra chính thức nhưng Bộ đã thông tin việc xử phạt phạt hành chính và tước giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu với một số doanh nghiệp đầu mối, trong đó có 7 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối bị tước quyền kinh doanh từ 1 đến 2 tháng. Ngoài ra còn 5 doanh nghiệp vi phạm bị tước giấy phép 1 tháng. Tuy nhiên, để tránh nguy cơ đứt gãy nguồn cung, Bộ Công Thương tạm dừng thi hành quyết định xử phạt này.

Đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) cho rằng, trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới biến động mạnh, việc đưa ra những hình phạt tước giấy phép với doanh nghiệp xăng dầu đáng lẽ nên được đánh giá đầy đủ, kỹ lưỡng trên cơ sở phạm vi tác động, mức độ ảnh hưởng tới cung cầu thị trường.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, các cây xăng tại Hà Nội trong mấy ngày gần đây đều trong tình trạng quá tải, người dân phải xếp hàng 30-45 phút để mua xăng, có tình trạng một số cây xăng treo biển "Hết hàng" từ rất sớm. Có thể thấy, tình trạng doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh diễn ra tại nhiều tỉnh, thành phố, người dân xếp hàng nhưng thậm chí không mua được xăng dầu đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất.

Theo báo cáo của các doanh nghiệp đầu mối, lượng tồn kho của một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn vẫn đang được duy trì và bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng trong hệ thống như Petrolimex tồn kho đến ngày 8/10 là khoảng 489.000 m3 (gồm 208.000 m3 xăng và 280.000 m3 dầu); PVOil còn khoảng 230.000 m3; Công ty xăng dầu quân đội còn khoảng 19.000 m3; Saigon Petro còn khoảng 11.000 m3; Petimex Đồng Tháp còn khoảng 45.000 m3; Thanh Lễ còn khoảng 60.000 m3...;

Các doanh nghiệp cam kết vẫn đang tiếp tục nỗ lực nhập hàng để bảo đảm cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng thuộc hệ thống phân phối của mình.

Phan Trang

Theo baochinhphu.vn

Thời gian đăng: 11/10/2022  19:33

Nguồn