Các địa phương chuẩn bị nguồn hàng phục vụ thị trường Tết
Chỉ còn 2 tháng nữa là tới Tết Nguyên đán 2024, các siêu thị, tiểu thương, nhà cung ứng đang tập trung chuẩn bị nguồn hàng cho dịp Tết, không để đứt nguồn cung và biến động mạnh về giá.
Sức mua sẽ không tăng nhiều so với năm 2023
Hiện nay, các nhà phân phối, tiểu thương trên địa bàn TP. Đà Nẵng đang tất bật chuẩn bị hàng hóa Tết. Bà Trần Thị Hường, tiểu thương tại chợ Hàn cho biết, khoảng tầm 10 ngày nữa thị trường hàng Tết sẽ rất sôi động. Năm nay thị trường du lịch tại Đà Nẵng đã phục hồi rất khả quan, hy vọng thị trường sẽ bớt trầm lắng so với những năm xảy ra dịch.
"Khách du lịch rất chuộng các loại thực phẩm đồ khô, hải sản mua tặng làm quà, chúng tôi đặt nhiều hy vọng vào thị trường khách du lịch này. Tuy nhiên, lượng hàng hóa chuẩn bị cũng sẽ không hơn năm ngoái quá nhiều vì dự đoán năm nay kinh tế phục hồi chậm, người dân thắt chặt chi tiêu hơn", bà Hường bày tỏ.
Tại các siêu thị, nhà phân phối, hàng hóa cho dịp Tết cũng đã được chuẩn bị sẵn sàng. Đại diện Siêu thị Co.op mart Đà Nẵng cho biết, đơn vị đã làm việc với các nhà phân phối về cung ứng hàng Tết vài tháng nay, nỗ lực đưa đến người tiêu dùng sản phẩm chất lượng với giá tốt nhất, phối hợp thực hiện các chương trình khuyến mãi, tri ân khách hàng, kích cầu dịp cuối năm.
Ông Phan Thống, Giám đốc Siêu thị Co.op mart Đà Nẵng, cho rằng nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp cuối năm sẽ tăng nhưng không tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2023. Khách hàng sẽ chủ yếu tập trung vào các mặt hàng thiết yếu như bánh kẹo, đồ uống, gia vị, nông sản…
Không để thiếu hàng, sốt giá
Ông Nguyễn Hữu Hạnh, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng cho biết, báo cáo của các đơn vị và từ tình hình thực tế, năm nay kinh tế trong nước mặc dù có những dấu hiệu tích cực nhưng vẫn còn nhiều thách thức do phục hồi sau dịch COVID-19, khu vực sản xuất còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân, do đó sức mua, mức chi tiêu dùng của người dân giảm. Vì vậy, các doanh nghiệp đã chuẩn bị nguồn hàng dự trữ, nhưng không tăng nhiều so với năm ngoái và đưa ra một số chương trình khuyến mại, giảm giá.
Từ tháng 12 đến tháng 2/2024, Sở Công Thương sẽ tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm; khuyến mại, kích cầu mua sắm. Cụ thể tổ chức "Phiên chợ thanh toán không tiền mặt kết hợp phát động ngày mua sắm trực tuyến online Friday"; phát động "Tháng khuyến mại kích cầu mua sắm"; chương trình quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng - Đà Nẵng 2023; tổ chức Hội chợ Xuân 2024 với quy mô khoảng 250 gian hàng,
Tại Đắk Lắk, kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu trong dịp này có tổng giá trị hơn 1.783 tỷ đồng. Việc xây dựng, ban hành kế hoạch dựa trên cơ sở tính toán nhu cầu tiêu dùng bình quân trong một tháng của khoảng 1,9 triệu dân trên địa bàn tỉnh và dự báo nhu cầu tiêu dùng tăng 15% trong dịp Tết.
Theo Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk, hiện đã có 11 doanh nghiệp lớn xây dựng kế hoạch dự trữ nguồn hàng phục vụ Tết với khoảng 473,7 tỷ đồng; đáp ứng khoảng 26,5% nhu cầu tiêu dùng của người dân trong trường hợp nếu có xảy ra tình trạng khan hiếm nguồn hàng hóa.
Còn tại Gia Lai, dự kiến tổng lượng hàng hóa đối với nhóm lương thực, thực phẩm hơn 9.463 tỷ đồng; hoa Tết 47 tỷ đồng; hàng hóa dịch vụ khác 3.808 tỷ đồng.
Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk đã đôn đốc doanh nghiệp đầu mối, siêu thị, đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh chuẩn bị nguồn hàng, có kế hoạch phân bổ hàng cho đại lý trực thuộc nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của nhân dân, không để thiếu hàng, sốt giá; có kế hoạch tập kết hàng hóa về kho dự trữ trong tháng 12, trong đó tập trung các mặt hàng thiết yếu như: Nguyên nhiên liệu, năng lượng, lương thực, thực phẩm, bánh mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, văn hoá phẩm, hàng may mặc…
Minh Trang
Theo Báo Điện tử Chính phủ
Ngày đăng: 13/12/2023 21:57