Các nhà mạng đã xử lý 20% giấy tờ thuê bao cá nhân đứng tên nhiều SIM di động

09/08/2023, 08:23

Theo thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông, đến giữa tháng 7/2023, theo số liệu các doanh nghiệp đã rà soát, làm rõ việc sở hữu đối với 100% thuê bao đối với khách hàng là tổ chức. Đối với thuê bao là khách hàng cá nhân đứng tên nhiều SIM (trên 10 SIM), các nhà mạng đã xử lý được hơn 20% tổng số giấy tờ đứng tên nhiều SIM

Ảnh minh họa

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại họp báo thường kỳ Bộ Thông tin và Tuyền thông chiều tối 08/8. Theo đó, đại diện lãnh đạo các đơn vị của Bộ đã thông tin nhiều nội dung liên quan đến việc ngăn chặn tình trạng các đối tượng lợi dụng đăng ký thuê bao đứng tên nhiều SIM, kích hoạt sẵn, bán tràn lan..., thực hiện các hành vi lừa đảo, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội; giải pháp xử lý cuộc gọi rác và các hình thức lừa đảo qua mạng viễn thông, cũng như trên không gian mạng.

Cụ thể, hiện nay đã có 56 Sở Thông tin và Truyền thông gửi báo cáo hoặc kết luận thanh tra về quản lý thông tin thuê bao. 08 đoàn thanh tra do Bộ thành lập đã kết thúc thanh tra trực tiếp, hiện đang tổng hợp kết quả thanh tra. Kết quả sơ bộ thanh tra diện rộng quản lý thông tin thuê bao di động cho thấy, ngoài việc vẫn còn tình trạng một thuê bao được đăng ký ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau trong thời gian ngắn, nhiều chủ thuê bao không thực hiện giao kết hợp đồng khi đăng ký từ SIM thứ 4 trở lên.

Để ngăn chặn tình trạng các đối tượng lợi dụng đăng ký thuê bao đứng tên nhiều SIM, kích hoạt sẵn, bán tràn lan..., thực hiện các hành vi lừa đảo, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông di động quyết liệt thực hiện đúng tiến độ việc rà soát, làm rõ đối với các khách hàng sở hữu nhiều SIM (trên 10 SIM). 

Về kết quả xử lý các thông tin thuê bao trên 10 SIM, tính đến 19/7/2023, với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Thông tin và Truyền thông, sự vào cuộc tích cực của các nhà mạng cùng với sự ủng hộ, phối hợp của người dân, khách hàng, việc xử lý thuê bao đứng tên nhiều SIM (trên 10 SIM) không đúng quy định đã thu được những kết quả tích cực.

Đến giữa tháng 7/2023, theo số liệu các doanh nghiệp đã rà soát, làm rõ việc sở hữu đối với 100% thuê bao đối với khách hàng là tổ chức. Đối với thuê bao là khách hàng cá nhân đứng tên nhiều SIM (trên 10 SIM), các nhà mạng đã xử lý được hơn 20% tổng số giấy tờ đứng tên nhiều SIM.

Đến nay, với việc truyền thông mạnh mẽ của các nhà mạng thông qua hình thức nhắn tin, gọi điện chăm sóc khách hàng, đề nghị người sử dụng đến điểm giao dịch để ký lại hợp đồng nếu sở hữu trên 3 SIM, đã có 80% số SIM của các chủ thuê bao có trên 10 SIM đã được xử lý.

Bộ đang tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các doanh nghiệp tiếp tục triển khai các biện pháp với mục tiêu đến 31/8/2023 cơ bản hoàn thành việc bảo đảm người đứng tên đăng ký thuê bao chính là người sử dụng số thuê bao đó.

Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục siết chặt kiểm soát và xử lý các trường hợp vi phạm trong công tác quản lý thông tin thuê bao cũng như các dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng viễn thông nhằm hạn chế, hướng tới xử lý dứt điểm tình trạng SIM rác, cuộc gọi rác và phổ biến, tuyên truyền về các hình thức lừa đảo thông qua mạng viễn thông và trên không gian mạng.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo Thanh tra Bộ, Cục Tần số vô tuyến điện, các doanh nghiệp viễn thông (Viettel, VNPT, Mobifone) thường xuyên rà soát, phát hiện, phối hợp lực lượng Công an bắt giữ, xử lý những trường hợp sử dụng BTS giả để phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo; cơ bản đã ngăn chặn được tình trạng này.

Đối với vấn đề cuộc gọi rác và các hình thức lừa đảo qua mạng viễn thông, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ sẽ tiếp tục siết chặt kiểm soát và xử lý các trường hợp vi phạm trong quản lý thông tin thuê bao, các dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng viễn thông, hướng tới xử lý dứt điểm tình trạng sim rác, cuộc gọi rác và phổ biến, tuyên truyền về các hình thức lừa đảo thông qua mạng viễn thông và trên không gian mạng tới người dân.

Trong đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã cơ bản ngăn chặn được tình trạng sử dụng trạm BTS giả để phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo. Theo đó, chỉ riêng trong tháng 7, qua thanh tra, kiểm tra, Cục Tần số vô tuyến điện đã phát hiện và xử phạt 17 vụ vi phạm. Đồng thời đã kiểm soát, giải quyết nhiễu cho 108 đài vô tuyến điện bị nhiễu, chủ yếu là trạm gốc di động; xử lý tổng số 49 nguồn gây nhiễu có hại, trong đó có 36 nguồn nhiễu là thiết bị trạm lặp thông tin di động, các thiết bị người dân không được tự ý lắp đặt, sử dụng.

Văn Quang

Tạp chí Điện tử Luật sư Việt Nam

Ngày đăng: 08/08/2023 23:38

Nguồn: