Chuyển đổi số trong nông nghiệp: Hiệu quả trực tiếp cho người dân

23/09/2021, 17:58

Theo TS. Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, trước đây, nông dân vùng sâu, vùng xa tham gia các hoạt động của Trung tâm Khuyến nông quốc gia rất khó khăn. Nếu chúng ta thực hiện chuyển đổi số thành công thì với một chiếc điện thoại thông minh, nông dân vùng sâu, vùng xa không chỉ tham gia được các lớp tập huấn khuyến nông mà còn tiếp cận được nhiều dịch vụ khác.

Các chuyên gia chia sẻ tại Tọa đàm “Chuyển đổi số nông nghiệp: Không thể chậm trễ”.

Từ câu chuyện bưởi Phúc Trạch

Tại cuộc tọa đàm trực tuyến: “Chuyển đổi số nông nghiệp: Không thể chậm trễ” do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Báo Nông thôn ngày nay tổ chức ngày 23/9, ông Nguyễn Văn Trí, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh cho biết, địa phương này rất quan tâm đến vấn đề chuyển đổi kinh tế số. Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 393/KH-UBND ngày 29/10/2020 về chuyển đổi số tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
 
Chuyển đổi số ngành nông nghiệp được xác định là bước đi tất yếu nên UBND tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp trực tuyến với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông để lựa chọn đơn vị tư vấn có năng lực và tìm hướng đi thích hợp. Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh là đơn vị tiên phong phối hợp với Công ty CP iCheck thực hiện số hóa các vùng trồng và đưa lên sàn TMĐT các sản phẩm bưởi Phúc Trạch, cam Chanh, cam Bù Hà Tĩnh.
 
“Bưởi Phúc Trạch là sản phẩm được thực hiện chuyển đổi số đầu tiên. Đây cũng là sản phẩm mà nhiều năm qua cán bộ Trung tâm Khuyến nông đã dày công chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm phát triển về cả số lượng và chất lượng. Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã thành lập Tổ công tác chuyển đổi số ngay tại đơn vị. Tổ công tác đã nhanh chóng tiếp nhận công nghệ từ đơn vị tư vấn”, ông Nguyễn Văn Trí cho biết.
 
Tổng diện tích bưởi Phúc Trạch là 2.593 ha. Hà Tĩnh đã cài đặt phần mềm truy xuất nguồn gốc, đăng ký, nhập liệu cho 162 tài khoản doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và 2.825 tài khoản thành viên. Từ đó, thông tin được công khai, minh bạch, giúp người quản lý và người tiêu dùng nắm rõ nguồn gốc, đưa sản phẩm bưởi Phúc Trạch đến với khách hàng một cách nhanh nhất, tin cậy nhất.
 
Ông Trí cho biết, chỉ trong vòng 1 tháng vừa qua, Hà Tĩnh đã số hóa 990 ha bưởi Phúc Trạch và phối hợp cùng Công ty CP iCheck hoàn thiện Cổng thông tin buoiphuctrach.gov.vn và app Bưởi Phúc Trạch. Từ đầu tháng 9 đến nay, đã có 14.000 tấn bưởi Phúc Trạch được tiêu thụ trên các sàn TMĐT.
 
Ông Trí cũng cho biết, sau bưởi Phúc Trạch, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh sẽ tiếp tục thực hiện chuyển đổi số và đưa lên sàn TMĐT các sản phẩm nông nghiệp khác như cam Chanh, cam Bù của Hà Tĩnh.
 
Cần chuẩn bị hạ tầng và đổi mới việc chuyển giao công nghệ
 
TS. Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam phân tích: Đặc điểm ngành nông nghiệp là sản xuất phân tán theo địa phương với 8,6 triệu hộ nông dân nhỏ lẻ. Cùng với đó, tính chuyên nghiệp của nông dân chưa có, trong khi đó, thông tin dữ liệu về nông dân cũng còn thiếu nhiều… Vì vậy, việc chuyển đổi số khá khó khăn. Tuy nhiên, độ phủ sóng thiết bị di động thông minh rất lớn nên đây chính là cơ hội cho nông dân và ngành nông nghiệp thực hiện chuyển đổi số.
 
“Trước đây, nông dân vùng sâu, vùng xa tham gia các hoạt động của Trung tâm Khuyến nông quốc gia rất khó khăn. Nếu chúng ta thực hiện chuyển đổi số thành công thì với một chiếc điện thoại thông minh, nông dân vùng sâu, vùng xa không chỉ tham gia được các lớp tập huấn khuyến nông mà còn tiếp cận được nhiều dịch vụ khác”, TS. Đào Thế Anh phân tích.

Ông Dương Tôn Bảo, Vụ Bưu chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, người trực tiếp thực hiện việc đưa nhiều nông sản lên các sàn TMĐT thời gian qua chia sẻ, việc đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp qua các sàn TMĐT là giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. Từ đó, giúp hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã… trong việc quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường. Ông Bảo cho biết, nhiều nông sản đã đến tay khách hàng quốc tế (cụ thể tại Đức) chỉ sau 4 ngày khách đặt hàng online.

Cũng tại buổi tọa đàm, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, Trung tâm là đầu mối hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trên toàn quốc. Trước đây, việc chuyển giao công nghệ thực hiện theo phương pháp truyền thống là phải xuống trực tiếp các mô hình sản xuất. “Từ khi xảy ra dịch COVID-19, chúng tôi thấy rằng cần chuyển đổi ngay hình thức truyền thống sang sử dụng công nghệ thông tin, trong đó có việc áp dụng chuyển đổi số, xây dựng kế hoạch hành động chi tiết. Cụ thể, biến lớp học truyền thống thành lớp học online. Thông qua hình thức này, chúng tôi tiếp cận được bà con nông dân ở vùng sâu vùng xa”, ông Thanh cho biết.
 
Chia sẻ thêm về cách thức giúp bà con tiếp cận công nghệ, ông Dương Tôn Bảo cho biết, có những địa phương hướng dẫn cho con, em bà con nông dân trước. “Các cháu học sinh tầm cấp 2, cấp 3 rất hứng thú với công nghệ và có cách tiếp cận tốt. Các cháu có thể hỗ trợ bố mẹ ứng dụng công nghệ rất nhanh, nhất là khi họ nhìn thấy hiệu quả của công nghệ, bán được nhiều nông sản”, ông Bảo chia sẻ.
 

Đỗ Hương

Theo Báo điện tử Chính phủ

Thời gian đăng: 17:08, 23/09/2021

Nguồn