Đà Nẵng: Chủ động ngăn chặn hoạt động đưa người Việt Nam ra nước ngoài trái phép

14/03/2024, 08:51

Lãnh đạo Công an TP. Đà Nẵng đề nghị các sở, ban ngành, địa phương trên địa bàn chủ động phát hiện, ngăn chặn xử lý kịp thời tình trạng giả mạo hồ sơ, căn cước công dân để được cấp hộ chiếu, qua đó góp phần ngăn chặn các hoạt động đưa người Việt Nam ra nước ngoài trái phép.

 

Đà Nẵng: Chủ động ngăn chặn hoạt động đưa người Việt Nam ra nước ngoài trái phép- Ảnh 1.

Quang cảnh Hội nghị - Ảnh: VGP/Minh Trang

Ngày 13/3, UBND TP. Đà Nẵng tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTG ngày 3/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn TP. Đà Nẵng về phòng, ngừa đấu tranh, ngăn chặn tình trạng người Việt Nam xuất cảnh, di cư trái phép, cư trú và lao động bất hợp pháp, vi phạm pháp luật ở nước ngoài.

Theo Công an TP. Đà Nẵng, trong 5 năm qua, nhu cầu xuất cảnh của người dân trên địa bàn thành phố để du lịch, học tập, thăm thân, làm việc... có nhiều biến động do chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 trên toàn cầu và hiện nay có dấu hiệu tăng trở lại.

Đặc biệt sau thời điểm dịch COVID-19, nổi lên là các đối tượng lợi dụng người dân không có công ăn việc làm ổn định đã thông qua mạng xã hội (zalo, facebook...) đăng tin tuyển dụng lao động sang nước ngoài làm việc với mức lương cao, công việc nhẹ nhàng nhưng thực chất Ià bóc lột sức lao động, ép buộc làm những công việc bất hợp pháp trong các cơ sở đánh bạc trực tuyến, các công dân này trở thành nạn nhân bị cưỡng bức lao động và cưỡng đoạt tài sản.

Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn TP. Đà Nẵng có 83 công ty hoạt động dịch vụ tư vấn du học nước ngoài và 10 doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu lao động. Từ đầu năm 2020 đến nay, do chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên các công ty, chi nhánh này rất hạn chế trong việc đưa người Việt Nam đi xuất khẩu lao động, du học tại nước ngoài, chủ yếu tập trung công tác đào tạo, hướng dẫn kỹ năng, luyện tiếng... cho học viên trúng tuyển.

Kết quả từ năm 2018 đến nay, các đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã đưa 974 người lao động Viêt Nam đi làm việc tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc.

Cho đến nay, số người ra nước ngoài học tập và lao động đều chấp hành tốt pháp luật ở nước sở tại, chưa phát hiện trường hợp nào phải trả về Việt Nam do có những vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại thực trạng đáng chú ý như: Một số công ty hoạt động trong lĩnh vực đưa người đi xuất khẩu lao động tại nước ngoài nhưng chưa thực hiện đầy đủ việc báo cáo tình hình hoạt động; tình trạng công dân không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ khi được cử đi du học theo các Đề án, chương trình của thành phố, của các đơn vị sự nghiệp gây dư luận không tốt.

Đà Nẵng: Chủ động ngăn chặn hoạt động đưa người Việt Nam ra nước ngoài trái phép- Ảnh 2.

Nhiều người lao động tại huyện Hòa Vang được đưa đi lao động trong lĩnh vực nông nghiệp tại Hàn Quốc - Ảnh: VGP/Minh Trang

Thời gian qua Công an TP. Đà Nẵng đã kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính 23 trường hợp công dân Việt Nam trên lĩnh vực xuất nhập cảnh, trong đó 7 trường hợp qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất nhập cảnh; 13 trường hợp khai không đúng sự thật để được cấp hộ chiếu và 3 trường hợp không thông báo với cơ quan có thẩm quyền về việc mất hộ chiếu. 

Qua công tác quản lý xuất nhập cảnh, Cơ quan an ninh điều tra công an TP. Đà Nẵng thụ lý 4 vụ, 16 người có liên quan đến hoạt động xuất cảnh, di cư trái phép, cư trú và lao động bất hợp pháp.

Phát biểu tại hội nghị, Thượng tá Nguyễn Đại Đồng, Phó Giám đốc Công an TP. Đà Nẵng đề nghị trong thời gian tới, các sở, ban, ngành, UBND quận huyện quyết liệt làm tốt công tác quản lý địa bàn, lĩnh vực, đối tượng, đẩy mạnh thực hiện Dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các quy định về xuất nhập cảnh, quản lý nhân, hộ khẩu; chủ động phát hiện, ngăn chặn xử lý kịp thời tình trạng giả mạo hồ sơ, căn cước công dân để được cấp hộ chiếu, qua đó góp phần ngăn chặn các hoạt động đưa người Việt Nam ra nước ngoài trái phép trên địa bàn thành phố.

Chủ động nắm tình hình công dân Việt Nam xuất cảnh, di cư trái phép, các phương thức, thủ đoạn nổi lên để kịp thời có biện pháp ngăn chặn từ sớm, từ xa, không để bị động bất ngờ. Triển khai có hiệu quả các biện pháp quản lý để nắm rõ nguyên nhân, lý do vi phạm, phạm tội ở nước ngoài để theo dõi, quản lý tại địa phương và thường xuyên tiếp xúc, thăm hỏi, tạo điều kiện và có chính sách hỗ trợ các trường hợp vi phạm pháp luật về cư trú, ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.

Minh Trang

Ngày đăng: 13/03/2024  17:52

Theo Báo Điện tử Chính phủ

Nguồn