Đề nghị đưa Luật sư vào nhóm đối tượng ưu tiên cấp giấy đi đường để thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ pháp lý

06/09/2021, 15:11

Đoàn Luật sư TP. Hà Nội vừa ban hành Văn bản số 528/ĐLSTPHN về việc đề nghị đưa Luật sư vào nhóm đối tượng không phải cấp Giấy đi đường gửi Công an thành phố Hà Nội.

Ảnh minh họa.

Văn bản nêu rõ, ngày 03/9/2021, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội được biết, Công an TP. Hà Nội dự kiến sẽ cấp giấy đi đường cho 6 nhóm đối tượng trong giai đoạn giãn cách xã hội do dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong 6 nhóm đối tượng này, không có đối tượng là Luật sư và các chức danh bổ trợ tư pháp, bổ trợ doanh nghiệp khác.

Thực tế hiện nay, trong bối cảnh thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, các Luật sư của Đoàn Luật sư TP. Hà Nội vẫn phải tham gia hoạt động tố tụng, tham gia các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thu thập chứng cứ, thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các tổ chức, công dân; tư vấn pháp luật cho các tổ chức, cá nhân,... không chỉ trên địa bàn TP. Hà Nội mà còn ở cả các địa phương khác trên toàn quốc. Việc Luật sư không được quy định cụ thể vào 6 nhóm được cấp giấy đi đường sẽ gây khó khăn rất lớn cho đội ngũ Luật sư trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình.

Tại Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Công văn số 2601/VPCP-KGVX ngày 30/4/2020 của Văn phòng Chính phủ hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg, Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23/7/2021 của UBND thành phố Hà Nội đều xác định Luật sư là nhóm đối tượng được tiếp tục hoạt động để bảo đảm các dịch vụ pháp lý trong thời gian giãn cách xã hội chống dịch Covid-19.

Căn cứ vào các quy định nêu trên cũng như tình hình thực tế thì Luật sư và tổ chức hành nghề Luật sư là nhóm đối tượng được phép hoạt động để bảo đảm thực hiện cung cấp dịch vụ pháp lý trong thời gian giãn cách.

 

Văn bản số 528/ĐLSTPHN của Đoàn Luật sư TP. Hà Nội về việc đề nghị đưa Luật sư vào nhóm đối tượng không phải cấp Giấy đi đường gửi Công an thành phố Hà Nội.

“Để tạo điều kiện thuận lợi cho các Luật sư thực hiện nhiệm vụ của nghề Luật sư, theo quy định của pháp luật, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đề nghị đồng chí Giám đốc có ý kiến chỉ đạo các bộ phận chức năng đưa Luật sư vào nhóm 1 (nhóm được sử dụng giấy đi đường do Thủ trưởng các đơn vị duyệt, cấp cùng với Thẻ Luật sư) khi đi đường. Người đứng đầu các tổ chức hành nghề Luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP. Hà Nội chịu trách nhiệm về việc cấp và quản lý Giấy đi đường đúng đối tượng, đúng mục đích”, nội dung Văn bản nêu.

Trưởng Văn phòng cấp giấy cho Luật sư thành viên là hợp lý

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, văn bản đề xuất của Công an TP. Hà Nội về thủ tục cấp giấy đi đường đối với nhóm đối tượng được phép hoạt động trong thời gian thành phố Hà Nội áp dụng Chỉ thị 16 còn có nhiều nội dung chưa rõ ràng, khó áp dụng, đặc biệt là một số đối tượng được liệt kê theo Chỉ thị 16 thì không có tên trong văn bản này như Luật sư, công chứng, các lực lượng tham gia bổ trợ tư pháp.

Về góc độ lý luận thì quyền và thực hiện quyền là hai vấn đề cơ bản về chủ thể trong quan hệ pháp luật. Khi pháp luật đã quy định quyền cho các chủ thể thì trách nhiệm của nhà nước là phải đưa ra các quy định thuận tiện nhất phải đơn giản nhất để thực hiện quyền.

Nếu muốn giảm thiểu những người tham gia giao thông, những người làm việc, hoạt động thiết yếu trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội thì cách tốt nhất, khoa học nhất là giảm thiểu số người có quyền được thực hiện các công việc chứ không nên cản trở việc thực hiện quyền của họ bằng các thủ tục hành chính rườm rà.

Tuy nhiên, văn bản đề xuất của Công an TP. Hà Nội và văn bản của thành phố quy định về giấy đi đường lại liệt kê không đầy đủ các đối tượng theo Chỉ thị 16/CT-TTg dẫn đến một số cơ quan tổ chức trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp lại không được liệt kê về thủ tục đi đường.

Mặc dù giãn cách xã hội nhưng các cơ quan tố tụng ở Hà Nội và nhiều địa phương khác vẫn hoạt động bình thường, trong rất nhiều trường hợp bắt buộc phải có Luật sư tham gia thì hoạt động tố tụng mới thực hiện được. Luật sư là những người có hiểu biết pháp luật và chưa có trường hợp nào vi phạm quy định về cấp giấy đi đường. Bởi vậy, cần quy định các tổ chức hành nghề Luật sư cấp giấy đi đường cho các Luật sư thành viên là hợp lý và cần thiết để phục vụ cho hoạt động tư pháp.

Do đó, việc Đoàn Luật sư TP. Hà Nội kiến nghị với cơ quan chức năng về việc xem xét cấp giấy đi đường đối với Luật sư theo hướng để các tổ chức hành nghề Luật sư tự cấp giấy cho các thành viên của mình sẽ đảm bảo thủ tục được thực hiện nhanh chóng, thuận lợi, đáp ứng yêu cầu trong công tác phòng chống dịch bệnh cũng như phục vụ cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Luật sư Trương Quốc Hòe, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, Công văn số 2601/VPCP-KGVX ngày 30/4/2020 của Văn phòng Chính phủ hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ đã ghi nhận rõ tại khoản 2: “Cơ sở giáo dục, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chúng, Luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...)... được tiếp tục hoạt động. Người đứng đầu các cơ sở nêu trên chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn tuyệt đối và thực hiện đầy đủ các biện pháp chống dịch...”.

Theo Luật sư Hòe, Công văn số 2601/VPCP-KGVX ngày 30/4/2020 của Văn phòng Chính phủ đã xác định rõ Luật sư là nhóm đối tượng được tiếp tục hoạt động để bảo đảm các dịch vụ pháp lý trong thời gian giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19. Ngoài ra, không có bất kỳ văn bản nào giới hạn quyền đi lại của Luật sư nói riêng và tổ chức hành nghề Luật sư nói chung.

“Căn cứ Điều 5 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 về nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì Chỉ thị 20 của UBND TP. Hà Nội phải kế thừa các quy định của Công văn số 2601/VPCP-KGVX ngày 30/4/2020 của Văn phòng Chính phủ mà không được vượt quá quy phạm pháp luật của Công văn này. Do đó, 6 nhóm đối tượng được cấp giấy đi đường theo đề xuất của Công an TP. Hà Nội đã không đảm bảo tính thống nhất đối với Công văn số 2601/VPCP-KGVX ngày 30/4/2020 của Văn phòng Chính phủ hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg”, Luật sư Hòe nhấn mạnh.

Cần khắc phục vướng mắc trong chỉ đạo điều hành

Luật sư Nguyễn Hồng Hà – Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa cho rằng, từ tháng 7 đến nay, một số UBND tỉnh, thành phố đã ban hành công điện, thông báo chỉ đạo về việc tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, trong thời gian giãn cách, các tổ chức hành nghề Luật sư, công chứng không thuộc đối tượng được hoạt động, nên Luật sư không thuộc nhóm đối tượng được phép di chuyển trên đường.

Các công điện, thông báo chỉ đạo đã thiếu thành phần các chủ thể thực hiện dịch vụ thiết yếu bổ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ pháp lý cho người dân đã được quy định tại khoản 2, Công văn số 2601/VPCP-KGVX ngày 03/4/2020 của Văn phòng Chính phủ về việc thực hiện Chi thị số 16/CT-TTg về phòng chống dịch Covid-19.

Điều này dẫn đến việc các Luật sư không thực hiện được trách nhiệm tham gia tố tụng các vụ án hình sự theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, không thể tham gia bào chữa tại các phiên tòa; đặc biệt là không thể tham gia hỏi cung bị can yêu cầu của Cơ quan điều tra. Trong khi đó theo luật và thực tiễn cuộc sống, tiến trình buộc tội, hoạt động tố tụng hình sự và nhu cầu cung cấp dịch vụ pháp lý cho cá nhân, tổ chức doanh nghiệp là thiết yếu không thể ngừng nghỉ, không thể thiếu vắng vai trò của Luật sư.

Chính vì vậy, một số Đoàn Luật sư, Sở Tư pháp đã có văn bản kiến nghị UBND các cấp xem xét bổ sung tổ chức Luật sư, công chứng thuộc đối tượng được hoạt động, được phép di chuyển trong thời gian giãn cách xã hội vào các nội dung công điện, công văn của UBND các cấp để áp dụng thống nhất.

Luật sư Hà nhấn mạnh, tuy các công điện, thông báo chỉ đạo của UBND tỉnh, thành phố,... không phải là văn bản quy phạm pháp luật nhưng đang có hiệu lực thi hành trong tình hình phòng chống, dịch bệnh. Nếu các cơ quan chức năng không khắc phục những bất cập vướng mắc trong chỉ đạo điều hành thì ảnh hưởng đến hoạt động tố tụng các loại án nói chung, đặc biệt là án hình sự, ảnh hưởng lớn đến quyền con người, quyền công dân trong tố tụng.

Liên quan đến nội dung Văn bản của Đoàn Luật sư TP. Hà Nội gửi Công an TP. Hà Nội, PV Luật sư Việt Nam đã liên hệ với Công an thành phố để tìm hiểu thêm thông tin về việc này theo 3 số điện thoại hotline được Công an cung cấp: 069.219.4299 - 069.219.4295 - 069.219.4296. Tuy nhiên, sau nhiều lần liên lạc cả 3 số này đều báo máy bận.

Về việc cấp giấy đi đường cho các nhóm đối tượng trong thời gian giãn cách của thành phố Hà Nội, trao đổi với Luật sư Việt Nam, Thiếu tá Đào Việt Long, Phó Phòng CSGT TP. Hà Nội cho biết, đơn vị này chỉ duyệt danh sách cấp giấy cho các đơn vị như: Sở Giao thông vận tải, Sở Công thương, Sở TT&TT, Sở Xây dựng... sau khi các đơn vị này nộp danh sách lên.

HỒNG HẠNH - LINH NHI

Theo lsvn.vn

Thời gian đăng: 06/09/2021 10:56

Nguồn