Đình chỉ vụ án do bị hại rút yêu cầu khởi tố

13/07/2023, 17:43

Khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại tại Điều 155, Bộ luật Tố tụng hình sự là một trong những quy định rất phổ biến, được nghiên cứu và phân tích nhiều trên thực tế. Nếu người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ. Tuy nhiên, việc đình chỉ vụ án trong trường hợp này cũng đang tồn tại những khó khăn, bất cập nhất định. Bài viết làm rõ vấn đề này, đưa ra kiến nghị khắc phục.

Thứ nhất, trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu đối với một số bị can trong vụ án có nhiều bị can:

Trong một vụ án hình sự có thể có rất nhiều bị can, trường hợp ban đầu bị hại, người đại diện hợp pháp của bị hại yêu cầu khởi tố vụ án nhưng sau đó lại có đơn rút yêu cầu. Trong đơn rút yêu cầu, bị hại, người đại diện hợp pháp của bị hại nêu rõ chỉ rút yêu cầu đối với một số bị can, các bị can còn lại vẫn tiếp tục yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự. Lúc này, các cơ quan tiến hành tố tụng có những cách giải quyết khác nhau:

- Một, ra quyết định đình chỉ vụ án (tức là đình chỉ tất cả các bị can). Lý giải cho cách thức xử lý này, cơ quan tiến hành tố tụng cho rằng, bị hại, người đại diện hợp pháp của bị hại chỉ có quyền yêu cầu khởi tố vụ án và rút yêu cầu khởi tố vụ án; không có quyền yêu cầu khởi tố bị can. Do đó, khi bị hại, người đại diện hợp pháp của bị hại có đơn rút yêu cầu thì ngay lập tức, vụ án được đình chỉ toàn bộ;

- Hai, ra quyết định đình chỉ đối với các bị can được bị hại, người đại diện hợp pháp của bị hại rút yêu cầu. Đây là cách thức được nhiều cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng. Họ cho rằng, bị hại, người đại diện hợp pháp của bị hại có quyền yêu cầu khởi tố vụ án đối với bị can nhất định, nên khi có đơn rút yêu cầu đối với bị can nào thì chỉ bị can đó được đình chỉ.

Việc nhận thức và áp dụng thiếu thống nhất này rất dễ dẫn đến tình trạng khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự, làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật.

Để giải quyết trường hợp này, trước mắt cần có hướng dẫn của liên ngành các cơ quan tiến hành tố tụng, xa hơn cần có quy định chi tiết hơn về vấn đề này. Theo đó, cần tôn trọng quyền định đoạt của họ, khi bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của bị hại rút đơn yêu cầu đối với bị can nào thì chỉ đình chỉ đối với bị can đó.

Thứ hai, người tiến hành tố tụng có được động viên, khuyến khích, gợi ý các bên thỏa thuận, bị hại, người đại diện hợp pháp của bị hại rút đơn yêu cầu không?

Ảnh minh họa

Trên thực tiễn giải quyết vụ án hình sự thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại, trước tiên là Điều Tra viên, Kiểm Sát viên thường bắt gặp tình trạng động viên, khuyến khích và gợi ý các bên thỏa thuận, để bị hại, người đại diện hợp pháp của bị hại rút đơn và ra quyết định đình chỉ, khép lại vụ án. Nhưng cũng chính vì vậy, nhiều trường hợp bị hại, người đại diện hợp pháp của bị hại quay lại tố cáo, khiếu nại hành vi này của người tiến hành tố tụng. Vậy, liệu người tiến hành tố tụng có được thực hiện hành vi đó hay không, về phía quy định của pháp luật, người tiến hành tố tụng có nghĩa vụ phải giải thích quyền và nghĩa vụ cho những người tham gia tố tụng. Khi thực hiện nghĩa vụ này, họ có thể có những lời lẽ thiên về động viên, khuyến khích và gợi ý cho bị hại, người đại diện hợp pháp của bị hại thỏa thuận rồi rút đơn. Cá nhân tác giả cho rằng, điều đó cũng không có gì lạ và bất thường. Hành vi đó chỉ là bất thường và vi phạm nếu vượt quá giới hạn của “động viên, khuyến khích, gợi ý”, chẳng hạn như có lời đe dọa, dọa nạt, ép buộc…

Có nhiều người băn khoăn rằng, việc người tiến hành tố tụng động viên, khuyến khích như vậy liệu có xuất phát từ lợi ích, có tôn trọng quyền của bị hại, người đại diện hợp pháp của bị hại hay chỉ xuất phát từ mục đích cá nhân. Thực chất, việc nhiều người băn khoăn như vậy cũng không có gì lạ. Tuy nhiên, như tác giả đã phân tích, việc động viên, khuyến khích cho dù xuất phát từ lợi ích nào thì cũng chỉ là động viên, khuyến khích. Quyền quyết định vẫn nằm trong tay bị hại, người đại diện hợp pháp của bị hại. Đó là còn chưa kể việc thỏa thuận rõ ràng có lợi cho cả hai bên, nêu bị hại, người đại diện hợp pháp của bị hại vẫn quyết định yêu cầu thì chủ thể tiến hành tố tụng sẽ tôn trọng và thực hiện theo quy định pháp luật.

Thứ ba, khi có quan điểm khác nhau giữa bị hại và người đại diện hợp pháp của bị hại hoặc giữa những người đại diện hợp pháp của bị hại với nhau thì sẽ giải quyết như thế nào?

BLTTHS hiện nay trao quyền yêu cầu cũng như rút yêu cầu cho cả hai chủ thể là bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của bị hại của bị hại dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết. Nhưng thực tế lại có nhiều trường hợp mà bị hại và người đại diện hợp pháp của bị hại hoặc giữa những người đại diện hợp pháp của bị hại có quan điểm mâu thuẫn với nhau.

Một, khi bị hại và người đại diện hợp pháp của bị hại có quan điểm khác nhau, ví dụ bị hại muốn rút yêu cầu nhưng người đại diện hợp pháp của bị hại vẫn yêu cầu hoặc ngược lại.

Hai, giữa những người đại diện hợp pháp của bị hại có quan điểm khác nhau, ví dụ bị hại chết, có cả bố và mẹ là người đại diện hợp pháp của bị hại, bố bị hại muốn rút đơn nhưng mẹ bị hại vẫn yêu cầu hoặc ngược lại.

Trong những trường hợp trên, hiện chưa có căn cứ pháp luật để giải quyết theo hướng nào. Tuy nhiên, có thể thấy một số vấn đề đã rõ ràng như sau, nếu bị hại là người từ đủ 18 tuổi trở lên thì đương nhiên quyền sẽ thuộc về bị hại, nếu bị hại là người có nhược điểm về tâm thần, thể chất hoặc đã chết thì quyền sẽ thuộc về người đại diện hợp pháp của bị hại. Tuy nhiên, còn hai trường hợp cần giải quyết là bị hại dưới 18 tuổi (không có nhược điểm về tâm thần, thể chất) và trường hợp giữa những người người đại diện hợp pháp của bị hại có quan điểm khác nhau.

Để giải quyết vấn đề này, tác giả đề xuất như sau:

- Trường hợp bị hại và người đại diện hợp pháp của bị hại có quan điểm khác nhau: Nếu bị hại từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì theo ý kiến của bị hại; nếu bị hại dưới 16 tuổi thì theo ý kiến của người đại diện hợp pháp của bị hại. Bởi, trong pháp luật hình sự Việt Nam, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phải chịu trách nhiệm về mọi tội phạm, có nghĩa là phải chịu trách nhiệm về cả các hành vi phạm tội ít nghiêm trọng, cho thấy rằng, pháp luật hình sự thừa nhận khả năng nhận thức của họ đối với cả nhóm ít nghiêm trọng. Đối với người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm về một số tội phạm, có nghĩa pháp luật hình sự thừa nhận họ chưa đủ nhận thức đối với các hành vi còn lại. Tương tự như vậy, bị hại cũng nên được nhìn nhận tương tự, bị hại từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi đã đủ nhận thức đối với các hành vi ít nghiêm trọng, do đó họ nên có quyền quyết định và ý kiến của họ được ưu tiên; còn bị hại dưới 16 tuổi thì chưa đủ nhận thức đối với các hành vi được khởi tố theo yêu cầu nên phải ưu tiên theo ý kiến của người đại diện hợp pháp của bị hại;

- Trường hợp giữa những người người đại diện hợp pháp của bị hại có quan điểm khác nhau. Trường hợp này, cơ quan, người tiến hành tố tụng không thể yêu cầu những người người đại diện hợp pháp của bị hại chỉ lựa chọn 01 người tham gia tố tụng; cũng không thể bắt họ phải thống nhất quan điểm với nhau. Do đó, trước tiên cần xác định ai là người đã có yêu cầu, nếu xác định được người đã yêu cầu thì theo ý kiến của người đó. Nếu tất cả người đại diện hợp pháp của bị hại đều có yêu cầu khởi tố thì thông thường hiện nay, vụ án vẫn được tiếp tục giải quyết. Tuy nhiên, vấn đề này cũng cần có sự hướng dẫn của các chủ thể có thẩm quyền.

Như vậy, chỉ một vấn đề rút yêu cầu khởi tố của bị hại, người đại diện hợp pháp của bị hại đã tồn tại nhiều hạn chế dù cho đã có một vài văn bản hướng dẫn. Thời gian tới, vẫn còn có văn bản hướng dẫn đầy đủ, cụ thể, rõ ràng hơn.

Nguyễn Văn Linh

Tạp chí Điện tử Luật sư Việt Nam

Ngày đăng: 11/07/2023 22:03

Nguồn: