Giải pháp nâng cao hiệu quả hỗ trợ pháp lý cho DN
Để chương trình hỗ trợ pháp lý miễn phí cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) hiệu quả hơn, cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan hữu quan và sự tin tưởng của DN để tháo gỡ khó khăn khi cần hỗ trợ pháp lý.
TS. Nguyễn Thanh Tú: Tập trung xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa. Ảnh: VGP/Lê Sơn. |
Hỗ trợ pháp lý góp phần cho DN phục hồi sản xuất, kinh doanh
Sáng 28/12, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho DN giai đoạn 2021-2030, thuộc Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho DNNVV, giai đoạn 2021-2025.
Báo cáo của Chương trình cho biết, năm 2021, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và gây ra nhiều thiệt hại đến nền kinh tế nói chung và cộng đồng DN nói riêng, Ban Quản lý Chương trình đã kịp thời triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DNNVV, nhằm giúp đỡ DN phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh bằng nhiều hình thức khác nhau nhằm tiếp cận rộng rãi tới cộng đồng DN trên cả nước. Trong đó, nổi bật là các hoạt động như xây dựng và phát sóng chương trình kinh doanh và pháp luật trên VTV và VOV; xây dựng các clip bài giảng điện tử bồi dưỡng trực tuyến về pháp luật kinh doanh cho DN; phát sóng chương trình hỗ trợ pháp lý góp phần phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN trong bối cảnh COVID-19 trên Truyền hình Quốc hội.
Giai đoạn 2021-2025, Chương trình hướng đến mục tiêu triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, thiết thực Luật Hỗ trợ DNNVV, Nghị định số 55/2019/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho DNNVV, Chương trình của giai đoạn 2021-2025 nhằm triển khai đồng bộ, hiệu quả, công khai, minh bạch, ứng dụng công nghệ trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DNNVV, đáp ứng nhu cầu hỗ trợ pháp lý của DN; bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực.
Đồng thời, định hướng cho các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DNNVV của các bộ, ngành, địa phương; nâng cao hiểu biết, ý thức và thói quen tuân thủ pháp luật, hạn chế rủi ro, vướng mắc pháp lý trong hoạt động kinh doanh của DNNVV, thúc đẩy sự tham gia xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật kịp thời nhằm phục vụ DN phát triển, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật.
Tháo gỡ vướng mắc pháp lý, hạn chế rủi ro cho DN
Nhấn mạnh đến giải pháp trọng tâm của Chương trình thời gian tới, TS. Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế (Bộ Tư pháp), Phó Trưởng Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho DNNVV cho biết, cần hoàn thiện các quy định pháp luật về hỗ trợ pháp lý cho DN, như cần sửa đổi Nghị định 55/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho DNNVV. Trong đó, quan tâm đến mạng lưới tư vấn viên, xử lý những bất cập, vướng mắc về kinh phí, trách nhiệm của luật sư về hỗ trợ pháp lý cho DN, chứ không chỉ “trợ giúp pháp lý” cho đối tượng yếu thế trong xã hội.
Đối với các giải pháp về thực hiện chương trình, ông Nguyễn Thanh Tú lưu ý, cần tập trung xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ pháp lý là mạng lưới tư vấn viên, nâng cao chất lượng hiệu quả chương trình hỗ trợ pháp lý cho DN để thu hút được chuyên gia và DN; thúc đẩy truyền thông, áp dụng công nghệ, khảo sát đánh giá để đưa ra nội dung, chương trình để DN tiếp cận chương trình ngày càng hiệu quả hơn.
“Vướng mắc lớn nhất của DN là khi tiếp cận với cơ quan hành chính. Vì thế, việc tư vấn của các chuyên gia để tháo gỡ khó khăn này chính là điểm nhấn để Chương trình phát huy hiệu quả trong hỗ trợ pháp lý cho DN”, TS. Nguyễn Thanh Tú nêu rõ.
Còn TS. Trần Minh Sơn, Trưởng Văn phòng hỗ trợ Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho DNNVV giai đoạn 2021-2030 cho rằng, nhu cầu hỗ trợ pháp lý của DNNVV rất lớn, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hiện nay khiến nhiều DN lâm vào tình trạng giải thể, phá sản, ngừng hoạt động, đối tượng có nhu cầu hỗ trợ pháp lý đa dạng khi nguồn lực nhà nước có hạn. Vì vậy, việc tổ chức hỗ trợ pháp lý cho DN theo mô hình mạng lưới tư vấn viên sẽ thiết thực cho DN trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới, qua đó sẽ đem lại nhiều hiệu quả thiết thực, trực tiếp cho DNNVV.
TS. Trần Minh Sơn cũng kiến nghị một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới tư vấn viên pháp luật về hỗ trợ pháp lý cho DNNVV giai đoạn 2021-2030.
Đó là, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật và trình Chính phủ thống nhất mức hỗ trợ kinh phí hỗ trợ mạng lưới tư vấn viên, bởi các tư vấn viên pháp luật được bộ, ngành Trung ương công nhận, có phân công, mục tiêu, giám sát, minh bạch với sự thống nhất và phát triển mạng lưới tư vấn viên chuyên nghiệp theo từng lĩnh vực cụ thể; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức hỗ trợ pháp lý cho DN; tổ chức tọa đàm theo chuyên đề giữa tư vấn viên và DN; tăng cường ứng dụng CNTT vào các hoạt động hỗ trợ của mạng lưới tư vấn pháp luật…
Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội Nguyễn Văn Hà: Tư vấn viên cần tạo niềm tin cho DN |
Tạo niềm tin cho DN bước vào không gian rộng lớn
Từ thực tế tư vấn doanh nghiệp hiện nay, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội Nguyễn Văn Hà chỉ ra điểm nghẽn khi DN tiếp cận mạng lưới tư vấn viên hỗ trợ pháp lý là sự e ngại của DN khi cung cấp thông tin cho tư vấn viên liệu có được bảo mật hay không? Do đó, cần xây dựng niềm tin của DN đối với các tư vấn viên để DN kết nối tư vấn viên. “Tư vấn viên cần tạo niềm tin và là người cầm chìa khoá mở những cánh cửa cho DN bước vào những không gian rộng lớn để lựa chọn lĩnh vực tư vấn và tư vấn viên”, luật sư Hà nói.
Trên cơ sở đó, ông Nguyễn Văn Hà kiến nghị thành lập các nhóm tư vấn viên theo lĩnh vực, ngành nghề để có được lực lượng tư vấn viên có chuyên môn sâu để tư vấn cho DN và ký kết các quy chế phối hợp với các đoàn luật sư trên cả nước tham gia vào mạng lưới tư vấn sẽ đáp ứng được phần nào nhu cầu của các DN.
Cần khảo sát, phân loại DN tại các địa phương xem họ cần gì để lựa chọn nhu cầu của DN để tư vấn thực sự hiệu quả. Từ đó để có các nhóm tư vấn viên lựa chọn nhóm vấn đề mà DN ở địa phương đó thực sự cần. Xác định trọng tâm, trọng điểm trong việc tư vấn, không nên làm dàn trải bởi nguồn lực của Nhà nước có hạn.
Ông Nguyễn Duy Lãm, Chủ nhiệm CLB Pháp chế doanh nghiệp phân tích, cần xác định khó khăn vướng mắc của DN để có kế hoạch triển khai công tác hỗ trợ, xác định rõ đầu mối nhân sự làm công tác hỗ trợ pháp chế cho DN ở các bộ, ngành, địa phương để họ tìm đến đúng đầu mối để làm cơ sở phát triển hệ sinh thái hỗ trợ pháp lý cho sau này.
Đồng thời, tập hợp lại các mô hình hay, điển hình tốt trong công tác này mà nhiều địa phương đã và đang thực hiện như “Cà phê doanh nhân”, “Lãnh đạo lắng nghe doanh nhân”, “Bác sĩ DN”… Qua đó, nhân rộng những mô hình hay qua việc lắng nghe, tư vấn, làm thật để hỗ trợ cho DN tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của DN trong sản xuất, kinh doanh của DN.
“Trong các chỉ số về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thì hỗ trợ pháp lý cho DN là một chỉ số quan trọng để đánh giá năng lực cạnh tranh của địa phương”, ông Lãm lưu ý.
Lê Sơn
Theo Báo điện tử Chính phủ
Thời gian đăng: 20:41, 28/12/2021