Giáo dục khởi nghiệp góp phần tạo ra giá trị cho cộng đồng

19/08/2021, 09:24

Giáo dục khởi nghiệp đang mở ra một hướng đi mới trong công tác giáo dục, trang bị cho người học kiến thức về đổi mới sáng tạo, thay đổi tư duy, phương pháp học tập, có kỹ năng xử lý giải quyết vấn đề hiệu quả.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị, học sinh và sinh viên Bùi Văn Linh - Ảnh: VGP/Nhật Nam

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị, học sinh và sinh viên (Bộ GD&ĐT) Bùi Văn Linh cho biết, thời gian qua, hoạt động khởi nghiệp và giáo dục khởi nghiệp trong nhà trường phát triển mạnh, đặc biệt ở bậc đại học. Phong trào này đang mở ra một hướng đi mới trong giáo dục khi học sinh, sinh viên được tiếp cận sớm về hoạt động đổi mới, sáng tạo, giúp các em phát triển được năng lực, tố chất của mình.

Trước đây, hoạt động khởi nghiệp trong nhà trường còn xa lạ, nhưng sau khi Chính phủ lấy năm 2016 làm “Năm đổi mới sáng tạo” thì hoạt động này đã được đẩy mạnh trong các cơ sở giáo dục. Các hoạt động của học sinh, sinh viên thời gian qua gắn với nội dung khởi nghiệp rất sôi động.

Bộ GD&ĐT đã 3 lần tổ chức các cuộc thi “Ngày hội khởi nghiệp”, “Học sinh-sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp”. Ông Bùi Văn Linh cho biết, quan điểm của Bộ GD&ĐT là sẽ triển khai hoạt động này chuyên sâu tại các nhà trường với mục tiêu hằng năm tổ chức truyền cảm hứng khởi nghiệp cho hơn 10.000 học sinh, sinh viên.

“Sau 3 lần tổ chức, các cuộc thi đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo học sinh, sinh viên trong toàn quốc, các cơ sở giáo dục và các doanh nghiệp. Số dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên tăng dần theo từng năm và hàm lượng khoa học công nghệ trong các dự án ngày càng cao. Hầu hết các dự án khởi nghiệp đều xuất phát từ các đề tài nghiên cứu khoa học hoặc các vấn đề thực tiễn cần giải quyết, do đó đã thu hút được sự quan tâm, chú ý của cộng đồng doanh nghiệp, người dân trong và ngoài nước”, ông Bùi Văn Linh chia sẻ.

Năm 2020, Bộ GD&ĐT đã ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu về các dự án cũng như tổ chức bình chọn dự án khởi nghiệp online quốc tế. Sau khi mở cổng bình chọn cho các dự án, chỉ trong vòng 7 ngày, Ban Tổ chức đã nhận được sự quan tâm của hơn 700.000 độc giả đến từ 53 quốc gia, trong đó nhiều dự án đã được các doanh nghiệp quan tâm và dự kiến đầu tư.

Hiện tại, số lượng các cơ sở giáo dục đại học đưa nội dung khởi nghiệp thành môn học bắt buộc hoặc tự chọn tăng từ 15% (cuối năm 2018) lên 30% với tối thiểu 1 tín chỉ/môn học. 70% cơ sở đào tạo đã tổ chức được các hoạt động đào tạo ngắn hạn cho sinh viên thông qua các lớp kỹ năng khởi nghiệp. 50% các đại học, học viện, trường đại học đã có các cuộc thi về khởi nghiệp cấp trường, hằng năm mỗi trường có khoảng từ 10 đến 20 ý tưởng, dự án khởi nghiệp của sinh viên tham dự các cuộc thi.

Đã có rất nhiều trường đại học có hội đồng để hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên như ĐH Ngoại Thương, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế Quốc dân, Đại học Hà Nội… Bộ GD&ĐT đã chọn 3 trường để thí điểm mô hình giáo dục đại học đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp là ĐH Bách khoa Hà Nội, Đại học Huế, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM.

Đặc biệt, giáo dục khởi nghiệp sẽ trở thành nội dung bắt buộc trong trường học từ bậc THCS khi tới đây, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư quy định về công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục. Thông tư này cụ thể hóa nội dung tại Đề án 1665 của Bộ về hỗ trợ khởi nghiệp thành quy định, quy phạm phù hợp để triển khai trong nhà trường.

Ông Bùi Văn Linh cho biết, đưa công tác hỗ trợ khởi nghiệp vào nhà trường chính là để thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo, khát vọng và động lực trong học tập, rèn luyện, giúp người học có tinh thần phục vụ cộng đồng, xã hội, xây dựng và phát triển đất nước. Vì vậy, theo ông, việc ban hành Thông tư này là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu của người học, giải quyết được một số vấn đề tồn tại hạn chế trong việc triển khai công tác này trong các cơ sở giáo dục.

Nếu triển khai tốt công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong ngành giáo dục thì bước đầu sẽ tạo được động lực cho học sinh, sinh viên trong học tập, rèn luyện, hình thành ý thức, tinh thần doanh nhân, tinh thần khởi nghiệp.

Cũng theo ông Bùi Văn Linh, việc đưa giáo dục khởi nghiệp sớm vào nhà trường là nhằm trang bị cho người học kiến thức về đổi mới sáng tạo, thay đổi tư duy, phương pháp học tập, có kỹ năng xử lý giải quyết vấn đề hiệu quả, có khả năng ứng dụng các kỹ năng về đổi mới sáng tạo trong quá trình học tập, rèn luyện. Khởi nghiệp chính là công cụ để hiện thực việc vốn hóa nguồn tri thức, góp phần tạo ra giá trị cho cộng đồng, xã hội.

Nhật Nam

Theo Báo điện tử Chính phủ

Thời gian đăng: 15:21, 18/08/2021

Nguồn