Giáo viên tự tin sử dụng CNTT dạy chương trình mới

21/08/2021, 16:46

Sử dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy trở thành nhu cầu tự thân của mỗi giáo viên khi các thầy, cô đều hiểu rằng đây là xu thế không thể thiếu trong thời đại công nghệ số.

Đội ngũ giáo viên đang nỗ lực cải thiện trình độ CNTT để mang tới những bài giảng tốt nhất cho học sinh - Ảnh minh hoạ

Sau hơn một năm tự bồi dưỡng các module triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới (CT GDPT 2018) trên hệ thống quản lý học tập trực tuyến (LMS), nhiều giáo viên phổ thông, từ người lớn tuổi với kỹ năng công nghệ thông tin (CNTT) có phần hạn chế đến người trẻ tuổi chưa giàu kinh nghiệm giảng dạy, giờ đây tự tin, vững vàng hơn để tiếp tục thực hiện chương trình và ứng dụng CNTT trong dạy học.

Biến thách thức trở thành “bệ phóng”

Ở tuổi gần 50, cô giáo Nguyễn Thị Thu (Trường Tiểu học-THCS Hải Yến, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá) trong năm học vừa qua vẫn đều đặn lên lớp với giáo án điện tử để giảng dạy cho học trò lớp 1. Những vụng về, lúng túng lúc ban đầu khi ứng dụng CNTT vào dạy học, giờ được thay thế bằng sự tự tin, thao tác nhanh, chuẩn xác.

Việc tổ chức các hoạt động cho học sinh tham gia để tự khám phá và chiếm lĩnh kiến thức, từ đó hình thành các năng lực, phẩm chất cần thiết, cũng đã trở nên quen thuộc với người giáo viên hơn 20 năm dạy theo lối truyền thụ kiến thức thuần tuý. Kết quả là lứa học sinh lớp 1 vừa qua kết thúc năm học đầu tiên theo CT GDPT 2018 đều tự tin, hoạt bát, đọc, viết, tính toán tốt.

Những khó khăn ban đầu khi thực hiện theo chương trình mới, vừa dạy học sinh, vừa tự bồi dưỡng khả năng CNTT để triển khai chương trình, giờ đã thành “trái ngọt”.

Cô Thu cho biết, từ năm 2020, cô và các đồng nghiệp được cấp tài khoản để vào học 3 module theo Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP), về hướng dẫn triển khai CT GDPT 2018, các phương pháp giảng dạy và kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng phát triển năng lực.

Khác với những lần bồi dưỡng trước kia, lần này, cô và đồng nghiệp không phải đi xa, không phải bỏ lớp trong một vài ngày để tập huấn tập trung. Các giáo viên vẫn duy trì công việc ở trường, ở nhà và song song tự bồi dưỡng qua mạng. Đây là lần đầu tiên các giáo viên như cô Thu được tiếp cận toàn bộ học liệu bồi dưỡng gốc do Trung ương cung cấp.

Tuy nhiên, các giáo viên cũng còn gặp không ít khó khăn khi tự bồi dưỡng qua mạng, như việc thao tác trên LMS để đăng nhập, truy cập các tài liệu và video, làm bài kiểm tra, tương tác với giáo viên cốt cán… Những thao tác kỹ thuật này, đối với không ít thầy cô, nhất là các giáo viên lớn tuổi, là trở ngại không hề nhỏ.

“Giáo viên trẻ hướng dẫn giáo viên có tuổi. Giáo viên dạy Tin học và Ban Giám hiệu, tổ chuyên môn cùng tham gia giúp sức. Cứ như thế, trình độ CNTT và khả năng ứng dụng CNTT vào dạy học của các giáo viên lớn tuổi ở trường tiến bộ lên rõ rệt. Đến bây giờ, các thầy, cô đều thông thạo thao tác trên LMS, xây dựng được bài giảng điện tử, nghiên cứu sách giáo khoa và tập huấn sử dụng sách giáo khoa qua mạng”, cô Trần Thị Thuỷ, Hiệu phó Trường Tiểu học Xuân Ái (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) chia sẻ.

Cô dạy nhẹ nhàng, trò học hiệu quả

Theo từng đối tượng học sinh, các giáo viên đã linh hoạt, chủ động áp dụng nhiều hình thức tổ chức dạy học và hoạt động giáo dục phù hợp nhằm khơi gợi sự hứng thú cho các em.

“Khi hoàn thành khoá bồi dưỡng tập trung với giảng viên sư phạm, về trường, tôi có dạy một vài tiết để đồng nghiệp dự giờ, tham khảo phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực. Các đồng nghiệp sau đó đều nhận xét là cô giáo dạy nhẹ nhàng và học trò tham gia sôi nổi, hứng thú, hiệu quả”, cô Nguyễn Thị Lựu, giáo viên Trường Tiểu học Thị trấn (huyện miền núi Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hoá) cho biết. 

Cô Lựu nhận xét về hệ thống học liệu bồi dưỡng của Bộ GD&ĐT trên LMS rất chất lượng, khoa học, chi tiết, dễ hiểu và bám sát thực tế dạy học phổ thông.

Tuy nhiên, cô Nguyễn Thị Thu (Trường Tiểu học-THCS Hải Yến, tỉnh Thanh Hoá) cho rằng, sẽ tốt hơn nếu tổ chức được một vài buổi để giảng viên sư phạm hướng dẫn cho đội ngũ giáo viên đại trà. Theo cô Thu, giáo viên cốt cán do cũng đang trong quá trình bồi dưỡng để đáp ứng được yêu cầu của CT GDPT mới, nên chỉ giải quyết được phần nào vướng mắc khi hỗ trợ giáo viên đại trà tự bồi dưỡng. Giảng viên sư phạm, với sự thông hiểu về khoa học giáo dục và CT GDPT mới, có thể giải đáp tường tận cho giáo viên đại trà.

“Quan trọng nhất để tạo nên hiệu quả sau bồi dưỡng chính là sự tâm huyết, nỗ lực nghiên cứu, vận dụng vào thực tế dạy học của mỗi thầy, cô. Bởi lẽ, nếu được giảng viên sư phạm hướng dẫn mà giáo viên không cố gắng thì mãi mãi vẫn chỉ là “người mù được dắt tay đi” chứ không tự mình đi được tới đích”, cô Thu nói.

Nhật Nam

Theo Báo điện tử Chính phủ

Thời gian đăng: 07:52, 21/08/2021

Nguồn