Hà Nội: 3 kịch bản tăng trưởng cho 6 tháng cuối năm
Dự báo tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, TP. Hà Nội đã xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng, tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ, lên kế hoạch tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp… nhằm đạt mục tiêu cao nhất so với kế hoạch tăng trưởng của năm 2021.
Các kịch bản tăng trưởng đã được Hà Nội đặt ra để đạt mục tiêu cao nhất so với kế hoạch năm 2021 - Ảnh: VGP/Gia Huy |
Tiếp tục hỗ trợ nhà đầu tư, kinh doanh
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết Thành phố xác định nhiệm vụ trước mắt sẽ là tập trung cao nhất chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, linh hoạt, đồng bộ và hiệu quả công tác phòng chống dịch, thực hiện thành công “mục tiêu kép” - vừa phòng chống dịch vừa bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội.
Trong đó, theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Đỗ Anh Tuấn, để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, Hà Nội đôn đốc triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 01/01/2021 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Trong 6 tháng đầu năm, Thành phố tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp từ khâu đăng ký kinh doanh đến triển khai dự án và tháo gỡ khó khăn; đồng thời rà soát các dự án có sử dụng đất chậm triển khai, tạo môi trường đầu tư lành mạnh và bình đẳng trong tiếp cận đất đai. Chỉ số PCI năm 2020 tiếp tục giữ vững vị trí thứ 9/63 tỉnh, thành phố.
Thu hút đầu tư nước ngoài trong 6 tháng đạt trên 694 triệu USD (trong đó 171 dự án mới số vốn 96,05 triệu USD; 78 dự án bổ sung vốn đầu tư có số vốn trên 477 triệu USD). Thu hút đầu tư trong nước ngoài ngân sách đạt 7.105 tỷ đồng, gồm 10 dự án mới với số vốn 1.470 tỷ đồng, 38 dự án điều chỉnh chủ trương đầu tư với số vốn tăng 5.635 tỷ đồng.
Nhiều nhiệm vụ được Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh để thực hiện Nghị quyết 02 của Chính phủ, như về khởi sự kinh doanh và hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, Thành phố duy trì thực hiện 100% hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng. Hồ sơ doanh nghiệp đăng ký trực tuyến mức độ 3 đạt tỉ lệ 69%, mức độ 4 đạt 31%.
Triển khai thực hiện việc trả kết quả hồ sơ lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp 100% qua dịch vụ bưu chính đối với các doanh nghiệp thuộc địa bàn 6 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hoàng Mai, Hà Đông, Cầu Giấy từ ngày 01/3/2021 và đối với các doanh nghiệp thuộc địa bàn 06 quận còn lại từ ngày 01/6/2021. Kết quả 6 tháng đầu năm 2021, tỉ lệ trả kết quả qua bưu điện đạt khoảng 31% số lượt nhận kết quả. Vì vậy, Hà Nội khuyến khích các doanh nghiệp thuộc các địa bàn còn lại trên địa đăng ký trả kết quả qua bưu điện.
Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt
Trong thời điểm dịch bệnh phức tạp, Thành phố đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: Thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội. Các đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán, các ngân hàng thương mại đã chú trọng và hợp tác với các đơn vị thu ngân sách nhà nước (Hải quan, Bảo hiểm xã hội, Thuế); các đơn vị dịch vụ hành chính công; các đơn vị cung cấp dịch vụ công (điện, nước, học phí, viện phí) đáp ứng cho khách hàng thực hiện thanh toán trực tuyến 24/7 thông qua các kênh thanh toán hiện đại trực tuyến của ngân hàng.
Nhiều thiết bị, phần mềm hệ thống ứng dụng và phát triển ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, điều hành và tác nghiệp của ngân hàng theo mô hinh văn phòng điện tử thông minh, coi đây là biện pháp cơ bản để mở rộng và nâng cao năng lực hoạt động. Hiện nay trên địa bàn có 2.789 máy ATM, gần 100.000 POS chủ yếu tập trung ở các khu vực nội thành, khu trung tâm, đông dân cư.
Việc triển khai phát triển các dịch vụ ngân hàng làm tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng của người dân, góp phần thực hiện kế hoạch phát triển thanh toán không dùng tiên mặt trên địa bàn Hà Nội.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, Hà Nội có 13.125 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 165.730 tỷ đồng (tăng 4% về số lượng doanh nghiệp và giảm 7% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước). Thực hiện thủ tục giảỉ thể cho 1.582 doanh nghiệp (tăng 33% so với cùng kỳ), 7.220 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động (tăng 15% so với cùng kỳ), số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 5.687 doanh nghiệp (tăng 74% so với cùng kỳ). Tổng số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đạt 315.248 doanh nghiệp |
3 kịch bản tăng trưởng cho 6 tháng cuối năm
Theo kế hoạch của UBND TP. Hà Nội, căn cứ dự báo tình hình quốc tế, kịch bản tăng trưởng của cả nước và tình hình sản xuất, kinh doanh 6 tháng đầu năm, Hà Nội dự báo và xây dựng các kịch bản tăng trưởng 6 tháng cuối năm để chỉ đạo, điều hành, phấn đấu đạt mục tiêu cao nhất so với kế hoạch năm 2021.
Kịch bản 1 được đặt ra là kịch bản điều hành: Tăng trưởng quý III đạt 8,59%, quý IV đạt 9,12% và dự báo cả năm đạt 7,50%.
Kịch bản 2 được đặt ra là dịch COVID-19 trên phạm vi cả nước cơ bản được kiểm soát trong tháng 7, không có ổ dịch trên địa bàn Thành phố và các khu công nghiệp, không phải áp dụng giãn cách xã hội. GRDP Quý III tăng 7,45%, quý IV tăng 7,85% và cả năm dự kiến đạt 6,85.
Kịch bản 3 là dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, quý III mới kiểm soát được dịch, các ngành dịch vụ vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19, phục hồi chậm. GRDP quý III tăng 6,17%, quý IV tăng 6,44% và cả năm 2021 dự kiến đạt 6,12%.
Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cao nhất, trong 6 tháng cuối năm, cùng với việc làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, Thành phố triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng thời cơ, chuyển hướng và tổ chức lại các hoạt động kinh tế. Bên cạnh đó, tận dụng cơ hội chuyển hướng đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn kinh tế để đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài; đa dạng hóa sản phẩm gắn với nâng cao sức cạnh tranh, phát triển thị trường, thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị thị trường trong nước và nước ngoài.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 02 của Chính phủ, theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải, Hà Nội phấn đấu năm 2021, các chỉ tiêu về Môi trường kinh doanh được duy trì, Chỉ số PCI năm 2021 của Hà Nội nằm trong nhóm có thứ hạng cao. Các sở, ngành, quận, huyện, thị xã duy trì công khai minh bạch, cập nhật và hướng dẫn rõ ràng 100% các quyết định, chính sách, thủ tục hành chính trên website/trang thông tin điện tử của đơn vị.,.
Bên cạnh đó, giữ vững tỉ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng đạt 100%. Tỉếp tục duy trì 100% thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; phấn đâu 50% hồ sơ trực tuyến được giải quyết đạt mức độ 4; phấn đấu 50% số thủ tục hành chính có quy định tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích.
Hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đang chủ trì phối hợp với các đơn vị lên kế hoạch tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. Để thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh sẽ tiếp tục đơn giản hóa, cắt giảm triệt để thời gian các thủ tục nhằm giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, nhất là các TTHC liên thông, rút gọn đầu mối, rút ngắn thời gian tiếp cận, xử lý trả hồ sơ.
Tăng cường tuyên truyền, nâng cao tỉ lệ sử dụng công trực tuyến đến người dân, doanh nghiệp; bảo đảm thời gian giải quyết TTHC đúng hạn và sớm trước quy định cho doanh nghiệp và người dân; duy trì tỷ lệ 100% hồ sơ đăng ký doanh nghiệp thực hiện qua mạng… Ngoài ra, đơn giản hóa thủ tục cho vay, sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, phân bổ và đẩy nhanh giải ngân vốn cho vay, giải quyết việc làm phục vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống người dân.
Gia Huy
Theo Báo điện tử Chính phủ
Thời gian đăng: 09:42, 17/07/2021