Hỗ trợ pháp lý cho DNNVV tạo điều kiện việc làm cho người lao động khuyết tật
Sự hạn chế về kiến thức pháp lý ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển và cạnh tranh của các doanh nghiệp nên nhu cầu về được hỗ trợ pháp lý của các DNNVV là rất cần thiết. Việc tạo điều kiện, hỗ trợ pháp lý cho DNNVV phát triển cũng chính là hỗ trợ người lao động đặc biệt lao động khuyết tật có nhiều cơ hội hơn trong lao động và làm việc.
Trong những năm gần đây, môi trường kinh doanh của nước ta có những thay đổi đáng kể, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) phát triển mạnh mẽ. Theo một nghiên cứu của Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, tính đến tháng 6/2020 DNNVV chiếm 96,7% tổng số doanh nghiệp cả nước. Tuy nhiên, hầu hết DNNVV hiện nay không có bộ phận pháp chế mà thay vào đó mọi hợp đồng kinh tế của các doanh nghiệp với các đối tác đều do chính bộ phận kế toán soạn thảo hoặc sử dụng các hợp đồng có sẵn nhằm tiết kiệm chi phí. Chính vì thiếu kỹ năng cũng như kiến thức về pháp luật nên rất nhiều hợp đồng của DNNVV không phù hợp với nội dung giao kết, rất thiếu chặt chẽ, lõng lẻo, và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Và chỉ khi có thiệt hại, các doanh nghiệp mới tìm đến các văn phòng luật sư để nhờ tư vấn. Sự hạn chế về kiến thức pháp lý ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển và cạnh tranh của các doanh nghiệp. Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam chính thức tham gia vào các hiệp định thương mại thế hệ mới, việc không nắm chắc và không tuân thủ các thông lệ quốc tế sẽ khiến các doanh nghiệp của Việt Nam bị thụt lùi và không có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Như vậy, có thể nói, nhu cầu về được hỗ trợ pháp lý của các DNNVV là rất cần thiết. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển giúp cho lao động khuyết tât có nhiều cơ hội hơn trong lao động và làm việc.
Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
Khung pháp lý về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Khi Việt Nam gia nhập WTO, nhận thấy nhu cầu về cần hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp là cần thiết, vì vậy Chính Phủ đã ban hành Nghị định 66/2008/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Trong giai đoạn 2010 – 2020, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã đạt được những thành tựu nhất định. Bên cạnh đó, Chính phủ còn ban hành Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vào ngày 12/06/2017. Căn cứ vào Điều 14 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 về hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý, Chính phủ ban hành Nghị định 55/2019/NĐ-CP vào ngày 24/6/2019 về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, thay thế Nghị định số 66/2008/NĐ-CP.
Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp và các Ban, Ngành có liên quan đã phối hợp triển khai Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp bằng những hình thức linh hoạt và bước đầu đạt được những ảnh hưởng nhất định.
Phát huy vai trò của mạng xã hội, các phương tiện truyền thông trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật và cuộc cách mạng công nghệ 4.0, Việt Nam đang là một trong những nước có tốc độ phát triển Internet mạnh mẽ với nhu cầu, khả năng sử dụng ngày càng gia tăng và phổ biến. Doanh nghiệp từ đó có thể tiếp cận thông tin nhanh chóng, thuận tiện hơn thông qua các nguồn như các trang tin tức điện tử, chương trình truyền hình, Google, Facebook, Zalo, Youtube,…
Nắm bắt được xu thể phát triển chung hiện nay, trong năm 2019-2020, Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (viết tắt là Chương trình 585) đã triển khai xây dựng nhiều chương trình truyền hình, video phổ biến pháp luật cho doanh nghiệp được phát sóng trên các kênh truyền hình và kênh Youtube, Facebook Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Chương trình đã xây dựng 63 clip tập huấn trực tuyến cho các doanh nghiệp với thời lượng 10-15 phút/1 clip. Các clip này cung cấp kiến thức pháp luật cần thiết cho doanh nghiệp, đồng thời giúp doanh nghiệp phòng và tránh được các sai sót thường gặp trong việc ký kết, thực hiện hợp đồng; giải quyết tranh chấp; quản trị nội bộ doanh nghiệp; thực hiện dự án đầu tư; quản lý, sử dụng lao động, quản lý về tài chính và thuế ... Để cho các cá nhân, tổ chức và đặc biệt là doanh nghiệp có thể cập nhật một cách dễ dàng, Chương trình đã đăng tải các clip tập huấn trực tuyến cho các doanh nghiệp lên kênh Youtube, Facebook Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và đăng tải trên trang thông tin hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp...
Bên cạnh đó, Chương trình 585 còn phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam và Đài tiếng nói Việt Nam để xây dựng và phát sóng Chương trình phổ biến pháp luật cho doanh nghiệp. Tính đến hết năm 2020, chương trình này đã phát sóng 1.744 số với thời lượng 04-06 phút/1 số trên Đài Tiếng nói Việt Nam và 352 số với thời lượng lên tới 25 phút/1 số trên Đài Truyền hình Việt Nam.
Không chỉ cung cấp thông tin pháp luật đến các doanh nghiệp thông qua các chương trình truyền hình, video mà Chương trình 585 còn xuất bản 47 bản tin, tài liệu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; trong đó có 26 bản tin hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp với số lượng phát hành trên 20.000 cuốn theo các chuyên đề về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và phát miễn phí tới các Bộ, Ngành, Ủy ban nhân dân, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp trên khắp cả nước.
Để nắm bắt rõ hơn về tình hình và nhu cầu của doanh nghiệp, Chương trình 585 còn thiết lập mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại 30 địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; đặc biệt triển khai Chương trình tư vấn pháp luật trên truyền hình tại 09 địa phương.
Đặc biệt, trong năm 2020, khi mà những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế và các doanh nghiệp, Chương trình 585 đã kịp thời triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý liên quan cho doanh nghiệp, góp phần giúp doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua một số hình thức khác nhau. Trong đó, nổi bật là các hoạt động: xây dựng và phát sóng Chương trình Kinh doanh và Pháp luật với 43 số trên Đài Truyền hình Việt Nam và 219 số trên Đài Tiếng nói Việt Nam; xây dựng 45 clip bài giảng điện tử bồi dưỡng trực tuyến về pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp;… Và đặc biệt là xây dựng và phát sóng Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 trên Đài truyền hình Quốc hội với nội dung bao gồm: Trao đổi, hỏi đáp, cung cấp các thông tin, chính sách hỗ trợ của Nhà nước giúp doanh nghiệp phục hồi, vượt qua giai đoạn khó khăn khi sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19; Giải đáp những khó khăn, vướng mắc pháp lý của doanh nghiệp đang gặp phải trong quá trình sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 về các quy định pháp luật, cụ thể: Pháp luật về giải quyết tranh chấp hợp đồng, Pháp luật về đầu tư, Pháp luật về tín dụng - ngân hàng, Pháp luật về thuế, Pháp luật về phá sản, Pháp luật về lao động, Pháp luật về bảo hiểm xã hội; Hỏi đáp, trao đổi, bình luận về những vấn đề pháp lý mang tính thời sự xoay quanh việc giúp đỡ doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19; Định hướng, phân tích các giải pháp giúp đỡ doanh nghiệp xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh trong bối cảnh dịch Covid-19 từ ba mối quan hệ pháp luật: doanh nghiệp với Nhà nước, doanh nghiệp với doanh nghiệp và doanh nghiệp với khách hàng; Các tình huống pháp lý, vụ việc vướng mắc điển hình trong thực tiễn phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và hướng xử lý theo đặc thù hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19.
Ngoài ra, để đẩy mạnh hơn công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, đồng thời tiếp cận đến nhiều doanh nghiệp, Ban quản lý Chương trình 585 đã xây dựng website: https://htpldn.moj.gov.vn/Pages/TrangChu.aspx. Website này là nơi cung cấp đến các doanh nghiệp những nội dung mới nhất về Chương trình 585, đồng thời cũng là nơi hỗ trợ pháp luật trực tuyến cho doanh nghiệp.
Các chương trình nói trên của Chương trình 585 đã nhận được sự quan tâm, cũng như phản hồi tích cực từ các cá nhân, các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước. Như vậy có thể nói, mạng xã hội và các phương tiện truyền thông đã góp phần không nhỏ vào những thành tựu đã đạt được của Chương trình 585, đặc biệt là trong thời kỳ công nghệ phát triển như hiện nay. Các quy định luật mới nhất, các nội dung, hình ảnh đã được cập nhật một cách nhanh chóng và chính xác đến các doanh nghiệp trên khắp cả nước.
Hạn chế trong công tác Hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp giai đoạn 2010-2020
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được trong quá trình thực hiện, Chương trình 585 vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần phải cải thiện để đạt được hiệu quả tốt hơn trong giai đoạn 2021-2025.
Thứ nhất, vẫn chưa có sự phối hợp tích cực từ phía doanh nghiệp trong quá trình thực hiện Chương trình 585. Nhiều doanh nghiệp không tích cực tham gia các lớp tập huấn, buổi tọa đàm khi nhận được lời mời; trả lời miễn cưỡng, không sát với thực tế khi được khảo sát nhu cầu hỗ trợ pháp lý. Doanh nghiệp vẫn còn tâm lý e ngại của các doanh nghiệp khi tham gia các chương trình hỗ trợ.
Thứ hai, đội ngũ cán bộ phụ trách công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp chưa nhiều, chủ yếu thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm, chưa được thường xuyên bồi dưỡng về nghiệp vụ nên đôi lúc còn lúng túng trong việc hỗ trợ, pháp lý khi doanh nghiệp có yêu cầu. Và chế độ đãi ngộ dành cho các cán bộ phụ trách này còn hạn chế.
Thứ ba, chưa chủ động và tích cực trong việc năm bắt bắt nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp. Đội ngũ cán bộ phụ trách công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp chỉ cung cấp những gì họ có, mà chưa thực sự tìm hiểu doanh nghiệp cần gì, doanh nghiệp muốn gì để từ đó có thể tư vấn đúng trọng tâm cho doanh nghiệp.
Thứ tư, kinh phí phục vụ cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong những năm gần đây mặc dù đã được quan tâm đầu tư song vẫn còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đề ra; cơ chế, chính sách dành cho các cơ quan thực hiện hỗ trợ pháp lý chưa rõ ràng.
Thứ năm, hiện nay vẫn có nhiều bộ ngành, tỉnh thành chưa tích cực vào cuộc trong hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, chưa xây dựng được chương trình hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp.
Đề xuất để tháo gỡ khó khăn trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
Từ những khó khăn, vướng mắc đã nêu trên phát huy hiệu quả của công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần thực hiện đồng bộ những biện pháp sau đây:
Thứ nhất, cần tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng, nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp, việc khảo sát có thể thực hiện trực tiếp hoặc thông qua các tổ chức đại diện của doanh nghiệp. Ngoài ra, có thể kết hợp với các chuyên gia, luật sư giỏi để tổ chức buổi hội thảo, tọa đàm, đối thoại các chuyên đề pháp luật về kinh doanh cho doanh nghiệp. Từ đó các cơ quan quản lý Nhà nước có thể lắng nghe, tiếp thu ý kiến phản hồi từ phía doanh nghiệp, sau đó đề xuất, kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật.
Thứ hai, cần phải có sự hợp tác giữa doanh nghiệp với cơ quan nhà nước, các tổ chức đại diện của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải chủ động cung cấp các thông tin về khó khăn, vướng mắc, nhu cầu cần hỗ trợ pháp lý cho cơ quan nhà nước; tin tưởng vào khả năng và nội dung tư vấn, hỗ trợ của cơ quan nhà nước; sẵn sàng sử dụng các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ pháp lý, nhất là việc lựa chọn các hình thức giải quyết tranh chấp khi có các tranh chấp xảy ra.
Thứ ba, chuyên môn hóa đội ngũ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại các cơ quan quản lý nhà nước. Nội dung cần tập trung vào các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp như: pháp luật về quản trị doanh nghiệp, hợp đồng, lao động và bảo hiểm xã hội, pháp luật về thuế, kế toán, pháp luật về cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, đầu tư...; kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp như kỹ năng phổ biến, tuyên truyền pháp luật, kỹ năng tư vấn pháp luật, kỹ năng soạn thảo, đàm phán, ký kết hợp đồng trong kinh doanh; kỹ năng giải quyết tranh chấp trong kinh doanh. Việc chuyên môn hóa như vậy sẽ đồng thời với việc tạo điều kiện để họ nâng cao kiến thức, kỹ năng và văn hóa ứng xử trong công tác trợ giúp doanh nghiệp cũng như nâng cao trách nhiệm công việc. Bên cạnh đó, nên tạo điều kiện và khuyến khích các tổ chức hành nghề luật sư tham gia hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Điều này mang đến nhiều lợi ích, vừa tiết kiệm chi phí cho Chương trình, vừa nâng cao hiệu quả hỗ trợ vì đây là đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp, có chuyên môn, kỹ năng và kinh nghiệm. Việc tạo điều kiện cho đội ngũ luật sư tham gia Chương trình còn mang lại lợi ích về lâu dài: tạo thói quen sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp; đội ngũ luật sư có điều kiện để nâng cao nghiệp vụ và hoạt động chuyên sâu; những điều này là tiền đề quan trọng cho sự phát triển thị trường dịch vụ pháp lý và từng bước nâng cao ý thức pháp luật của doanh nghiệp.
Thứ tư, tăng cường xây dựng, đăng tải, phát sóng các chương trình phổ biến pháp luật cho doanh nghiệp trên các đài truyền hình, báo, tạp chí, mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác. Trong đó, chú trọng tuyên truyền những điểm mới của pháp luật về kinh doanh hiện hành, phân tích những tác động của sự thay đổi đó đối với hoạt động của doanh nghiệp; cung cấp các tình huống pháp lý, những vướng mắc trong thực tiễn thường gặp và cảnh báo những rủi ro pháp lý khi doanh nghiệp không tuân thủ quy định, từ đó đề xuất các giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp.
Thứ năm, thiết lập và duy trì mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại các địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Thứ sáu, thường xuyên cập nhật các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật bao gồm văn bản luật, văn bản dưới luật; liên kết với các cơ sở dữ liệu pháp luật hiện có ở các trang thông tin làm nguồn dữ liệu. Đồng thời phải phân loại có hệ thống văn bản pháp quy theo từng lĩnh vực chuyên môn: thuế, hải quan, doanh nghiệp, đầu tư, đất đai, cạnh tranh, thương mại quốc tế; các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, các quy định trong thương mại quốc tế....
Hướng tới thực hiện chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2025
Kế thừa, phát huy kết quả của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015 – 2020, căn cứ vào Nghị định 55/2019/NĐ-CP, ngày 19/01/2021, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định số 81/QĐ-TTG phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho DNNVV giai đoạn 2021 – 2025.
Triển khai đồng bộ, hiệu quả, công khai, minh bạch, ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đáp ứng nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp; bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực; Định hướng cho các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của các bộ, ngành, địa phương; Nâng cao hiểu biết, ý thức và thói quen tuân thủ pháp luật, hạn chế rủi ro, vướng mắc pháp lý trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa, thúc đẩy sự tham gia xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật kịp thời nhằm phục vụ doanh nghiệp phát triển, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật là những mục tiêu chung xuyên suốt Chương trình giai đoạn 2021 – 2025. Bên cạnh đó, Chương trình còn đề ra những mục tiêu cụ thể như sau:
a) Cung cấp thông tin pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, gồm: (i) xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng 01 cơ sở dữ liệu về vụ việc, vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; (ii) cung cấp các chính sách, đề án, chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của các bộ, ngành, địa phương; (iii) tiếp nhận 100% phản ánh từ doanh nghiệp nhỏ và vừa để đề xuất, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết vướng mắc, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật hiệu quả.
b) Bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho: (i) tối thiểu 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro pháp lý trong kinh doanh; (ii) tối thiểu 60% người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm nâng cao năng lực hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
c) Tổ chức các hoạt động tư vấn pháp luật, bao gồm: tư vấn trực tiếp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; tư vấn pháp luật qua diễn đàn, đối thoại và các hoạt động tư vấn khác phù hợp với quy định của pháp luật nhằm đảm bảo 100% đề nghị tư vấn của doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua Chương trình được giải quyết hoặc kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Một trong những nội dung của Chương trình đó là xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu pháp luật bao gồm: Các bản án, quyết định của tòa án; phán quyết, quyết định của trọng tài thương mại; quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; quyết định xử lý vi phạm hành chính liên quan đến doanh nghiệp có hiệu lực thi hành và được phép công khai hoặc kết nối với cổng thông tin điện tử công khai các văn bản này; Các văn bản trả lời của bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đối với các vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong quá trình áp dụng pháp luật; Các văn bản tư vấn pháp luật của mạng lưới tư vấn viên pháp luật đối với các vụ việc, vướng mắc pháp lý theo yêu cầu của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đây là một trong những điểm nổi bật của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2025. Xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu pháp luật không chỉ dành cho DNNVV mà còn dành cho cộng đồng doanh nghiệp nói chúng và những cá nhân, tổ chức liên quan đến pháp luật bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia pháp lý khác, các trường Đại học, các tổ chức đào tạo pháp luật,…
Bên cạnh đó, kế thừa những thành tựu đã đạt được khi biết cách tận dụng ưu thế của mạng xã hội, phương tiện truyền thông trong giai đoạn 2010 – 2020, Chương trình mới vẫn tiếp tục xây dựng các chuyên mục nâng cao kiến thức pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của DNNVV trên đài truyền hình, đài phát thanh và các phương tiện thông tin, truyền thông khác; xây dựng các phóng sự, chuyên đề pháp luật để cập nhật kịp thời, cung cấp thông tin pháp luật các lĩnh vực, vấn đề pháp lý mà DNNVV quan tâm nhằm đăng tải trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội; xây dựng và phát hành định kỳ các bản tin pháp luật, tài liệu điện tử theo chuyên đề về các lĩnh vực pháp luật, thông tin pháp lý, cảnh báo vi phạm pháp luật, rủi ro pháp lý... nhằm hỗ trợ pháp lý cho DNNVV.
Ngoài ra, không chỉ hướng đến tổ chức sự kiện, hội nghị, diễn đàn để cung cấp thông tin về các chính sách, hoạt động hỗ trợ pháp lý, giải quyết vướng mắc về các vấn đề pháp lý theo quy định của Nghị định số 55/2019/NĐ-CP, mà Chương trình mới còn hướng đến ứng dụng công nghệ thông tin để tổ chức các diễn đàn kinh doanh và pháp luật cho các DNNVV.
Bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho DNNVV cũng là một trong những nội dung mà Chương trình mới hướng đến. Bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho DNNVV bao gồm các hoạt động: Tổ chức các chương trình, hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho người quản lý, điều hành, người phụ trách công tác pháp chế và người lao động của DNNVV; Xây dựng hệ thống bài giảng, tài liệu điện tử cung cấp kiến thức pháp luật đầu tư, kinh doanh, các cam kết quốc tế cần thiết cho DNNVV; Tổ chức các chương trình bồi dưỡng (trực tiếp hoặc qua phương tiện truyền thông) giữa chuyên gia pháp lý với người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho DNNVV; Tổ chức các chương trình bồi dưỡng, trao đổi kinh nghiệm, nhân rộng mô hình hiệu quả trong công tác hỗ trợ pháp lý cho DNNVV.
Hoạt động hỗ trợ pháp lý liên ngành cho DNNVV có thể diễn ra thông qua các hình thức khác nhau như: Tư vấn pháp luật qua diễn đàn, đối thoại; tư vấn qua thư điện tử, mạng xã hội và ứng dụng thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tư vấn thông qua mạng lưới tư vấn viên pháp luật.
Nhìn chung, để có thể hoàn thành tốt mục tiêu của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho DNNVV trong giai đoạn 2021 – 2025, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước cần phải phối hợp với nhau, tham gia tích cực và khắc phục những hạn chế còn tồn đọng trong giai đoạn 2010-2020. Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vừa và nhỏ chính là một phương án để tạo điều kiện việc làm cho người lao động khuyết tật.
Nguyễn Khương
Theo: donghanhviet.vn