Khởi công 3 cụm công nghiệp hiện đại tại tỉnh Thái Nguyên
Các cụm công nghiệp này được nhà đầu tư quy hoạch phát triển thành các cụm logistics thông minh và khu vực hóa chuỗi cung ứng, đồng thời phát triển logistics xanh.
Ngày 2/11, tại thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, Công ty cổ phần công nghệ viễn thông Sài Gòn (SAIGONTEL) đã khởi công xây dựng cụm công nghiệp Tân Phú 1, cụm công nghiệp Tân Phú 2. Đồng thời, động thổ cụm công nghiệp Lương Sơn, thành phố Sông Công.
Phát biểu tại lễ khởi công, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân kỳ vọng dự án hoàn thành, đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả, trở thành những cụm công nghiệp kiểu mẫu của cả nước và yêu cầu nhà đầu tư tập trung nguồn lực triển khai dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ như đúng cam kết, tuân thủ đúng quy định của pháp luật về quay hoạch, đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường…
Thứ trưởng Bộ Công Thương đánh giá cao những kết quả của tỉnh Thái Nguyên trong các lĩnh vực, nhất là phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ. Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đề nghị tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả việc quản lý, phát triển cụm công nghiệp, rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới các chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp phù hợp với thực tế tại địa phương, tăng cường xúc tiến đầu tư...
Cụm công nghiệp Tân Phú 1 và Tân Phú 2 có tổng diện tích gần 75 ha thuộc địa bàn xã Đông Cao và xã Tân Phú, thành phố Phổ Yên với tổng vốn đầu tư 486 tỷ đồng có vị trí rất thuận lợi về giao thông, thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa, đồng thời tạo mối liên kết với các tỉnh lân cận.
Với lợi thế có trục kết nối giao thông với đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, từ hai cụm công nghiệp này chỉ mất 30 phút để di chuyển đến sân bay Nội Bài và khoảng một giờ để đến trung tâm Thủ đô Hà Nội, thuận tiện kết nối đến Cảng nước sâu Cái Lân (Quảng Ninh) hay cảng Đình Vũ (Hải Phòng).
Trong khi đó, cụm công nghiệp Lương Sơn có diện tích gần 35 ha tại phường Lương Sơn, thành phố Sông Công có tổng vốn đầu tư hơn 300 tỷ đồng nằm trong vùng kinh tế trong điểm phía Bắc, có vị trí thuận lợi để kết nối giao thương với Hà Nội, Hải Phòng, cửa khẩu Lạng Sơn...
Với vị trí chiến lược, thuận lợi, các cụm công nghiệp này được nhà đầu tư quy hoạch phát triển thành các cụm logistics thông minh và khu vực hóa chuỗi cung ứng, đồng thời phát triển logistics xanh, nhằm thu hút các dự án đầu tư có công nghệ hiện đại, có hợp tác chuyển giao công nghệ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả sử dụng tài nguyên và lao động, có giá trị gia tăng cao…
Cùng đó, các cụm công nghiệp cũng được đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo khả năng cung ứng điện, viễn thông, cấp thoát nước, xử lý nước thải cùng các dịch vụ hỗ trợ, đáp ứng yêu cầu và tiêu chuẩn của cụm hiện đại, phát triển bền vững.
Sự kiện hôm nay có ý nghĩa quan trọng, góp phần giúp Thái Nguyên hiện thực hóa mục tiêu của mình là xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và Vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030.
Nguyễn Đức
Theo baochinhphu.vn
Thời gian đăng: 02/11/2022 20:46