Kiểm soát xuất nhập khẩu hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ

04/09/2021, 08:49

Việc kiểm soát hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ tại các cửa khẩu và khu vực biên giới được thực hiện bởi cơ quan hải quan. Thông qua các hoạt động, quy trình nghiệp vụ trong dây chuyền và ngoài dây chuyền thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, cơ quan hải quan góp phần ngăn chặn và xử lý kịp thời hàng hóa giả mạo sở hữu trí tuệ.

Ảnh minh họa. 

Quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) là tài sản trí tuệ của chủ thể quyền được xác lập và bảo hộ theo quy định của pháp luật. Theo đó, các chủ thể quyền có quyền độc quyền khai thác các lợi ích kinh tế từ việc sử dụng các đối tượng SHTT, cho phép người khác sử dụng, (chuyển giao quyền sử dụng) hoặc chuyển nhượng quyền sở hữu. Hoạt động sản xuất, buôn bán, vận chuyển hay xuất nhập khẩu hàng hóa chứa các đối tượng SHTT, cụ thể là hàng hóa mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý giả mạo hoặc hàng hóa sao chép lậu gây thiệt hại cho các chủ thể quyền, là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý theo các biện pháp hình sự, dân sự và hành chính. Cơ quan hải quan là một trong những cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi giả mạo SHTT khi thực hiện nhiệm vụ kiểm soát hải quan và/hoặc theo yêu cầu của chủ thể quyền SHTT.

Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, hàng hóa giả mạo về SHTT bao gồm hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và giả mạo chỉ dẫn địa lý (gọi chung là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu) và hàng hóa sao chép lậu. Trong đó, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là hàng hóa, bao bì của hàng hóa có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý; hàng hóa sao chép lậu là bản sao được sản xuất mà không được phép của chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan [1]. Quy định này của Luật SHTT hoàn toàn phù hợp và tương thích với pháp luật quốc tế, chẳng hạn Hiệp định thương mại chống hàng giả (Anti-Counterfeiting Trade Agreement - ACTA) [2], Hiệp định về các biện pháp ngăn chặn nhập khẩu hàng giả (Agreement on measures to discourange the importation of counterfeit goods) [3], Hiệp định về các khía cạnh thương mại liên quan đến SHTT (Agreement on trade-related aspects of IPR - TRIPS) [4].

Hàng hóa giả mạo về SHTT là hàng hóa có những đặc điểm, hình thức thể hiện giống hệt với hàng hóa do chính các chủ thể quyền SHTT sản xuất hoặc đưa ra thị trường. Xét về đặc tính gây thiệt hại, hàng hóa giả mạo về SHTT được sản xuất một cách trái phép thường không bảo đảm chất lượng và không đáp ứng được yêu cầu của nhà sản xuất chính hãng. Do đó, các hàng hóa này tiềm ẩm nguy cơ gây thiệt hại và có khả năng gây thiệt hại cao nhất về an toàn, sức khỏe và kinh tế cho người tiêu dùng, xâm phạm đến quyền khai thác và sử dụng hợp pháp các đối tượng quyền SHTT của chủ sở hữu quyền. Tại Việt Nam, các hành vi xuất nhập khẩu, lưu hành hàng hóa giả mạo SHTT có thể bị xử lý theo các biện pháp hành chính, dân sự và hình sự, trong đó việc kiểm soát hàng hóa giả mạo về SHTT trong thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc thẩm quyền của cơ quan hải quan.

Kiểm soát xuất nhập khẩu hàng hoá giả mạo về SHTT

Dưới góc độ pháp luật hải quan, “kiểm soát hải quan [5] là hoạt động nghiệp vụ do cơ quan hải quan thực hiện, thông qua các biện pháp như: tuần tra, điều tra, xác minh hoặc các biện pháp nghiệp vụ khác để phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và hành vi khác vi phạm pháp luật về hải quan. Hoạt động này chủ yếu do lực lượng kiểm soát chống buôn lậu của hải quan thực hiện song song với quá trình thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu và không bao gồm hoạt động kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu trước, trong và sau thông quan.

Dưới dưới góc độ pháp luật SHTT, kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến SHTT [6] là một biện pháp hỗ trợ hải quan xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHTT theo yêu cầu của chủ thể quyền SHTT. Do đó, việc kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến SHTT nên được hiểu “là biện pháp do chủ thể quyền SHTT và cơ quan hải quan thực hiện đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu nhằm phát hiện, xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT” [7] tại biên giới. Việc kiểm soát hàng hóa giả mạo về SHTT là một biện pháp có phạm vi rộng hơn một hoạt động nghiệp vụ của hải quan. Để áp dụng biện pháp này, hải quan không chỉ thực hiện các hoạt động nghiệp vụ, mà còn thực hiện các hoạt động cần thiết khác theo chức năng, nhiệm vụ và vai trò của mình trong thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu để kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu giả mạo SHTT tại biên giới như: xử lý vi phạm, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan và chủ thể quyền,… Việc kiểm soát xuất nhập khẩu hàng hóa giả mạo SHTT không phải là một biện pháp bảo vệ quyền SHTT độc lập, mà thực chất là biện pháp mang tính hỗ trợ để hải quan xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHTT bằng biện pháp hành chính.

Sự khác biệt giữa kiểm soát xuất nhập khẩu hàng hóa giả mạo về SHTT với các biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền khác

Về bản chất, việc kiểm soát xuất nhập khẩu hàng hóa giả mạo về SHTT là biện pháp hỗ trợ mang tính tiền đề giúp cơ quan hải quan có cơ sở để xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHTT bằng biện pháp hành chính. Trong khi đó, các biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT khác như: biện pháp dân sự, biện pháp hình sự và biện pháp hành chính là những biện pháp bảo vệ quyền SHTT độc lập.

Về chủ thể thực hiện, kiểm soát xuất nhập khẩu hàng hóa giả mạo về SHTT chỉ duy nhất do cơ quan hải quan thực hiện. Trong khi đó, việc xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT bằng biện pháp dân sự do tòa án thực hiện [8] và xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT bằng biện pháp hình sự có sự tham gia của các cơ quan tố tụng như: cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án [9]. Việc xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT bằng biện pháp hành chính, sau khi hàng hóa thông quan, do các cơ quan có thẩm quyền khác như: cơ quan thanh tra chuyên ngành, công an, quản lý thị trường, ủy ban nhân dân các cấp thực hiện.

Về căn cứ pháp lý, việc kiểm soát xuất nhập khẩu hàng hóa giả mạo về SHTT nói riêng và xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT nói chung, ngoài việc phải căn cứ vào các quy định của pháp luật về SHTT, còn phải tuân thủ các quy định của pháp luật chuyên ngành tương ứng. Cụ thể, việc kiểm soát xuất nhập khẩu hàng hóa giả mạo về SHTT không những chỉ thực hiện trên cơ sở các quy định pháp luật SHTT, Luật Hải quan, mà khi áp dụng biện pháp hành chính để xử lý hàng giả mạo SHTT còn phải bảo đảm thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Tương tự, biện pháp hình sự thực hiện theo quy định của pháp luật hình sự và tố tụng hình sự; biện pháp dân sự phải tuân thủ các quy định của pháp luật dân sự, cụ thể là Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng dân sự.

Về kết quả thực hiện, do biện pháp kiểm soát xuất nhập khẩu hàng hóa giả mạo về SHTT là biện pháp mang tính hỗ trợ cơ quan hải quan ra quyết định có xử lý hành vi xâm phạm quyền bằng biện pháp hành chính hay không. Đối với các biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT khác, hệ quả pháp lý là các quyết định hành chính (quyết định xử phạt vi phạm hành chính) hoặc quyết định tố tụng (quyết định đình chỉ điều tra hoặc tạm đình chỉ điều tra; quyết định không đưa vụ án ra xét xử, quyết định công nhận hoà giả thành, bản án của tòa án) tương ứng.

Kiểm soát hàng hóa giả mạo về SHTT trong thông quan

Việc kiểm soát hàng hóa giả mạo về SHTT trong thông quan là biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT do cơ quan hải quan thực hiện trong quá trình làm thủ tục hải quan cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để phát hiện, ngăn chặn hàng hóa giả mạo về SHTT và xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHTT.

Cơ quan hải quan kiểm soát hàng hóa giả mạo về SHTT thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát để phát hiện hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm quyền SHTT và tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa bị nghi ngờ xâm phạm quyền SHTT. Hai hoạt động này tương đối độc lập với nhau nhưng có mối quan hệ biện chứng. Hoạt động kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giúp hải quan phát hiện hàng hóa có dấu hiệu giả mạo về SHTT và thông báo cho chủ thể quyền đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan. Mặt khác, quyết định tạm dừng làm thủ tục hải quan cho hàng hóa nghi ngờ giả mạo về SHTT là hệ quả của hoạt động kiểm tra, giám sát đối với hàng hóa xuất nhập khẩu trước đó. Hai hoạt động này có thể áp dụng đồng thời hoặc độc lập với nhau. Chủ thể quyền SHTT có thể chỉ yêu cầu kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu mà không yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan khi được cơ quan hải quan thông báo hàng hóa nghi ngờ giả mạo về SHTT. Hoặc trước đó, chủ thể quyền không có đơn yêu cầu hải quan kiểm soát về SHTT, nhưng khi có thông tin về một lô hàng cụ thể nghi ngờ giả mạo về SHTT thì họ có quyền yêu cầu hải quan tạm dừng làm thủ tục hải quan để xác minh và xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT để bảo vệ quyền tài sản hợp pháp của mình.

Kiểm soát hàng hóa giả mạo về SHTT trong thông quan có một số đặc trưng cơ bản sau:

Về không gian địa lý, hải quan kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh và xử lý vi phạm pháp luật đối với hàng hóa giả mạo SHTT tại các khu vực cửa khẩu thuộc phạm vi địa bàn hoạt động hải quan [10]. Trong địa bàn hoạt động, hải quan giữ vai trò và chịu trách nhiệm chính thực hiện các biện pháp kiểm soát đối với hàng hóa giả mạo về SHTT. Ngoài địa bàn hoạt động, hải quan cùng với các cơ quan chức năng liên quan thực hiện với vai trò là cơ quan phối hợp, bảo đảm tuân thủ các quy định về thẩm quyền, chức năng nhiệm vụ được giao.

Về loại hình xuất nhập khẩu, hoạt động kiểm soát hàng hóa giả mạo về SHTT trong quá trình làm thủ tục hải quan được áp dụng đối với mọi loại hình, bao gồm: xuất nhập khẩu thương mại (nhập kinh doanh tiêu dùng, tạm nhập - tái xuất, tạm xuất - tái nhập, chuyển cửa khẩu, sản xuất xuất khẩu) và xuất nhập khẩu phi thương mại.

Về đối tượng, hoạt động kiểm soát liên quan đến hàng hóa giả mạo SHTT trong thông quan tập trung chủ yếu vào hai đối tượng: (1) tất cả hàng hóa xuất nhập khẩu, trừ hàng hóa viện trợ nhân đạo, tài sản di chuyển, hàng hóa được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, hành lý, quà biếu, quà tặng trong tiêu chuẩn miễn thuế và hàng hóa quá cảnh [11]; (2) các tổ chức, cá nhân có hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua lại biên giới, cửa khẩu thuộc địa bàn hoạt động hải quan. Thông qua việc kiểm soát các đối tượng này, cơ quan hải quan thu thập thông tin liên quan đến hàng hóa giả mạo SHTT khi làm thủ tục hải quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu, phân tích và đánh giá để xác định các đối tượng trọng điểm là có rủi ro cao thực hiện các hoạt động xâm phạm quyền SHTT và xác định các mặt hàng trọng điểm có nguy cơ bị làm giả để chủ động ngăn chặn và xử lý vi phạm.

Trong quá trình thông quan, các biện pháp kiểm soát hàng hóa giả mạo về SHTT được thực hiện theo hai phương thức: (1) kiểm soát trong dây chuyền nghiệp vụ thông quan, cụ thể là tại bộ phận làm thủ tục hải quan của chi cục hải quan và (2) kiểm soát ngoài dây chuyền nghiệp vụ thông quan, cụ thể là tại bộ phận kiểm soát chống buôn lậu thuộc chi cục hải quan nơi hàng hóa làm thủ tục, đội kiểm soát hải quan thuộc cục hải quan tỉnh, thành phố hoặc các đội kiểm soát chống buôn lậu thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan.

Kiểm soát trong dây truyền nghiệp vụ thông quan

Khi kiểm tra thông tin khai báo của doanh nghiệp với thông tin đăng ký kiểm soát về SHTT do chủ thể quyền cung cấp và kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa xuất nhập khẩu, nếu xác định hàng hóa có nghi ngờ giả mạo về SHTT, chi cục hải quan tạm thời tạm dừng làm thủ tục hải quan trong 03 ngày làm việc và thông báo bằng văn bản cho chủ thể quyền biết để thực hiện quyền yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa có nghi vấn. Hết thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra thông báo, chủ thể quyền không yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan, chi cục hải quan tiếp tục làm thủ tục thông quan cho lô hàng.

Trong thời gian chờ phản hồi từ chủ thể quyền, chi cục hải quan lấy mẫu hoặc chụp ảnh về hàng hóa, áp dụng biện pháp bảo đảm xử lý vi phạm hành chính nếu có căn cứ chính xác khẳng định hàng hóa giả mạo về SHTT. Trường hợp chủ thể quyền yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan và và nộp khoản tiền bảo đảm (20% trị giá lô hàng bị nghi ngờ hoặc 20 triệu đồng nếu không xác định được trị giá lô hàng trong thời hạn hoặc chứng từ bảo lãnh), chi cục hải quan ra quyết định tạm dừng trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định, thời hạn tạm dừng có thể kéo dài nhưng không quá 20 ngày làm việc. Hết thời hạn tạm dừng làm thủ tục hải quan, nếu kết quả xác minh (về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, giám định về SHTT, xác nhận hàng hóa giả mạo về SHTT của chủ thể quyền) xác định hàng hóa giả mạo SHTT thì hải quan tạm giữ hàng hóa vi phạm và xử phạt vi phạm theo thủ tục hành chính. Nếu kết quả xác minh vụ việc xác định hàng hóa không phải là hàng hóa giả mạo SHTT, hải quan tiếp tục làm thủ tục thông quan cho lô hàng.

Kiểm soát ngoài dây truyền nghiệp vụ thông quan

Kết quả thu thập thông tin từ các tuyến (đường bộ, đường biển và đường hàng không), các địa bàn trọng điểm có rủi ro cao về xâm phạm quyền SHTT và dữ liệu đăng ký kiểm soát biên giới về SHTT do chủ thể quyền cung cấp là cơ sở để đơn vị kiểm soát chống buôn lậu của hải quan phân tích, đánh giá phát hiện các dấu hiệu của hàng hóa giả mạo về SHTT.

Khi phát hiện hàng hóa có dấu hiệu giả mạo về SHTT, đơn vị kiểm soát chống buôn lậu sẽ quyết định khám xét hoặc phối hợp với chi cục hải quan nơi làm thủ tục hoặc chi cục hải quan nơi lưu giữ hàng hóa (đối với trường hợp hàng hóa xuất nhập khẩu theo loại hình chuyển cửa khẩu) để kiểm tra thực tế hàng hóa. Nếu có căn cứ xác định hàng hóa giả mạo về SHTT, đơn vị hải quan phát hiện vi phạm quyết định tạm giữ theo thủ tục hành chính để phục vụ hoạt động điều tra, xác minh.

Đơn vị kiểm soát chống buôn lậu cùng với chi cục hải quan nơi làm thủ tục lấy mẫu hàng hóa giám định về SHTT để có cơ sở xem xét kết luận, xử lý vụ việc và/hoặc yêu cầu chủ thể quyền xác định tình trạng pháp lý của hàng hóa. Đơn vị này có thể trực tiếp hoặc phối hợp với chi cục hải quan nơi làm thủ tục cho hàng hóa điều tra, xác minh thu thập các tài liệu chứng cứ về người nhập khẩu, xuất khẩu vi phạm; nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, quyền và trách nhiệm của các bên liên quan, người chịu trách nhiệm về hàng hóa để xử lý vụ việc [12]. Kết quả điều tra xác minh xác định hàng hóa giả mạo về SHTT, nhưng xét thấy hành vi vi phạm không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự thuộc một trong các tội phạm về xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp theo quy định của Bộ luật Hình sự, cơ quan hải quan xử lý vi phạm về SHTT theo pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

Trường hợp các tài liệu, chứng cứ và kết quả điều tra xác minh không đủ căn cứ để xác định hành vi vi phạm hoặc hàng hóa giả mạo về SHTT, đơn vị kiểm soát chống buôn lậu đề nghị chi cục hải quan nơi làm thủ tục cho hàng hóa tiếp tục thực hiện thủ tục thông quan cho lô hàng.

So sánh giữa kiểm soát hàng hóa giả mạo về SHTT trong dây chuyền với ngoài dây chuyền thông quan hàng hoá XNK

Kiểm soát hàng hóa giả mạo về SHTT trong dây chuyền và ngoài dây chuyền nghiệp vụ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu mặc dù được tiến hành độc lập nhưng lại có mối quan hệ mật thiết với nhau.

Hoạt động kiểm soát trong dây chuyền thông quan gắn liền với quá trình làm thủ tục hải quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu, trong khi đó, đơn vị kiểm soát chống buôn lậu thực hiện kiểm soát ngoài quy trình có thể can thiệp đột xuất để dừng thông quan hàng hóa tại bất cứ giai đoạn nào của quy trình thông quan nếu phát hiện dấu hiệu hàng hóa xuất nhập khẩu giả mạo về SHTT. Ngay cả khi hàng hóa đó đã được hệ thống tự động thông quan (đối với tờ khai luồng xanh), đang làm làm thủ tục hải quan (đối với tờ khai luồng vàng và luồng đỏ) nhưng chưa được tập kết hoặc đang được tập kết tại cửa khẩu để làm thủ tục Hải quan. Các thông tin liên quan đến hàng hóa và kết quả đánh giá rủi ro về SHTT được thu thập trong thông quan là cơ sở, tiền đề để đơn vị kiểm soát chống buôn lậu xây dựng kế hoạch, phương án và áp dụng các biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện, ngăn chặn và bắt giữ hàng hóa giả mạo về SHTT. Ngược lại, các thông tin về hàng hóa vi phạm, chủ thể vi phạm về SHTT sẽ giúp xây dựng các cảnh báo và tiêu chí đánh giá rủi ro về SHTT trong quy trình thông quan.

Điểm giống nhau cơ bản giữa hai hoạt động kiểm soát đều do công chức hải quan thực hiện mặc dù mỗi hoạt động do công chức hải quan thuộc các bộ phận khác nhau đảm nhiệm. Khi phát hiện hàng hóa giả mạo về SHTT, dù hoạt động kiểm soát hải quan diễn ra trong dây chuyền nghiệp vụ hay ngoài dây chuyền nghiệp vụ, thì hành vi vi phạm đều bị cơ quan hải quan xử lý theo pháp luật xử lý vi phạm hành chính hoặc chuyển vụ việc để truy cứu trách nhiệm hình sự, mặc dù có khác nhau về trình tự, thủ tục thực hiện và các biện pháp áp dụng.

Hoạt động kiểm soát hàng hóa giả mạo về SHTT trong thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu là biện pháp xử lý xâm phạm quyền SHTT mang tính đặc thù của hải quan, giữ vai trò quan trọng trong việc xử lý hàng hoá giả mạo về SHTT tại biên giới. Biện pháp này được thực hiện bằng nhiều phương thức khác nhau, khác biệt so với các biện pháp bảo vệ quyền SHTT khác theo quy định của pháp luật về SHTT. Bằng việc thực hiện biện pháp này, Hải quan Việt Nam góp phần kiểm soát có hiệu quả hàng hóa xuất nhập khẩu qua lại biên giới, kịp thời ngăn chặn và xử lý hàng hóa giả mạo về SHTT.

====================================

[1] Điều 213 Luật SHTT 2005, được sửa đổi bổ sung năm 2009.

[2] Điều 5 Hiệp định ACTA đưa ra hai khái niệm về “hàng hóa giả mạo nhãn hiệu” và “hàng hóa sao chép lậu”; www.mofa.go.jp/policy/economy/i_property/pdfs/acta1105_en.pdf.

[3] Điều 1 Hiệp định về các biện pháp ngăn chặn nhập khẩu hàng giả quy định về “hàng hóa giả nhãn hiệu”; https://docs.wto.org/gattdocs/q/GG/L5399/5382.pdf.

[4] Điều 52 Hiệp định TRIPS quy định về hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và hàng hóa xâm phạm quyền tác giả; https://www.wto.org/english/docs_e/legal_e/27-trips.pdf.

[5] Điều 4 Luật Hải quan 2014.

[6] Điều 199 Luật SHTT 2005, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009.

[7] Phí Đình Mạnh (2014), Thực thi quyền SHTT bằng biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại Cục Hải quan tỉnh Lào Cai - Thực trạng và giải pháp, Luận văn Thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, tr 7.

[8] Thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng dân sự.

[9] Thực hiện theo quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự.

[10] Nghị định số 01/2015/NĐ-CP ngày 02/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết phạm vi địa bàn hoạt động hải quan; trách nhiệm phối hợp trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

[11] Điều 73 Luật Hải quan 2014.

[12] Điều 16 Thông tư 13/2020/TT- BTC ngày 06/3/2020 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 13/2015/TT- BTC ngày 30/01/2015 quy định về kiểm tra, giám sát, tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo vệ quyền SHTT; kiểm soát hàng giả và hàng hóa xâm phạm quyền SHTT.

Tiến sĩ, Luật sư NGUYỄN THỊ NGỌC BÍCH

Công ty Luật ADVACAS

Thạc sĩ HỨA THỊ HỒNG

Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị - Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn

Theo lsvn.vn

Thời gian đăng: 00:10 04/09/2021

Nguồn