Kiên trì ‘mục tiêu kép’ và sự đền đáp
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ về tình hình kinh tế của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021, TS. Trần Du Lịch - chuyên gia kinh tế tại TPHCM, cho rằng chúng ta được đền đáp những thành quả xứng đáng với sự kiên trì thực hiện mục tiêu kép trong thời gian dài.
Ảnh minh họa |
TS. Trần Du Lịch cho biết, theo công bố của Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 5,64%, trong đó, quý II có tốc độ khá hơn, ước đạt 6,61% theo số liệu Tổng cục Thống kê mới công bố, so với dự báo có thấp hơn một chút. Trong tình hình hiện nay, nhất là đợt dịch bệnh thứ 4 bùng phát tác động rất lớn không chỉ đối với ngành dịch vụ mà còn đến cả hoạt động sản xuất thì kết quả tăng trưởng như vậy là rất thành công. Thành quả được đền đáp xứng đáng với sự kiên trì thực hiện mục tiêu kép trong thời gian dài của Việt Nam.
Vị chuyên gia này nhìn nhận, đóng góp chủ yếu, với tỷ lệ tới hơn 59% là khu vực công nghiệp và xây dựng. Nông nghiệp cũng có mức tăng trưởng khá, trong khi dịch vụ có khó khăn hơn. Các chỉ số như xuất khẩu, thu ngân sách đều tích cực, đặc biệt lạm phát trong tầm kiểm soát trong khi biến động giá cả rất nhiều, nhất là giá xăng dầu, vận tải…
Nói về ảnh hưởng của dịch bệnh với ngành dịch vụ, theo TS. Trần Du Lịch, việc đóng cửa một số dịch vụ đô thị như vũ trường, sân golf, quán ăn… không ảnh hưởng nhiều đến đóng góp vào GDP ngay. Tuy nhiên phải nhìn ảnh hưởng ở góc độ lao động và thu nhập của người lao động, kéo theo đó là sức mua trên thị trường. Để thực hiện mục tiêu kép, duy trì tăng trưởng, chúng ta dựa trên 3 trụ cột, đó là tăng xuất khẩu, phát triển thị trường nội địa và tăng đầu tư công. Ngoài làm gãy đổ đối với ngành du lịch, dịch bệnh còn ảnh hưởng lớn đến thương mại, nhất là tại những thành phố lớn.
Ngoài ra, còn vấn đề xâm nhập của dịch bệnh vào các khu công nghiệp trong khi hoạt động sản xuất công nghiệp của Việt Nam là chế biến, chế tạo gắn với xuất khẩu. Tuy vậy, những nỗ lực và kết quả chống dịch xâm nhập vào các khu công nghiệp tại Bắc Ninh, Bắc Giang và gần đây nhất là TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai cho thấy tình hình đã ổn định, sản xuất đã được khôi phục.
Mặc dù còn những khó khăn trong phòng, chống dịch ở một số địa phương nhưng theo chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch: Có thể thấy Chính phủ cũng đã nhận rõ khó khăn cần giải quyết mà bằng chứng là Nghị quyết 63 vừa được ban hành với các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và thúc đẩy xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
Đánh giá về Nghị quyết 63 với 5 mục tiêu và 9 giải pháp, TS. Trần Du Lịch cho rằng Nghị quyết được ban hành kịp thời, tiếp tục kiên trì với “mục tiêu kép”, ưu tiên chống dịch nhưng phải phục hồi sản xuất.
Trong đó, vấn đề chống dịch được đề cập khá thận trọng, nhấn mạnh biện pháp chống dịch phải tương ứng với mức độ của dịch bệnh mà không làm thái quá, không tràn lan gây ảnh hưởng tới sản xuất. Nguyên tắc là chống dịch nhưng phải chú ý đến phát triển kinh tế, hài hòa trong cách làm, không cực đoan nhưng không lơ là, chủ quan. Mặt khác, Chính phủ đồng thời chuyển hướng trong chỉ đạo từ “phòng ngự sang tấn công”, trong đó vũ khí quan trọng nhất là nỗ lực đẩy nhanh tiêm vaccine, sớm tiến tới miễn dịch cộng đồng.
“Qua 7 ngày tổ chức chiến dịch tiêm chủng tại TPHCM cho thấy sự chuẩn bị và triển khai của chúng ta là rất tốt. Điều này cũng cho thấy những chủ trương của Chính phủ được người dân hưởng ứng rất cao”, TS. Trần Du Lịch bày tỏ và cho hay: “Ấn tượng nhất trong đợt dịch năm ngoái là sự tuân thủ giãn cách xã hội và thành quả là chúng ta đã hạn chế được sự lây lan của dịch bệnh, đạt kết quả tăng trưởng dương, được cả thế giới ngưỡng mộ. Đến đợt dịch này, hình ảnh người dân xếp hàng trong trật tự chờ trong khi có nước phải đi tìm người để tiêm vaccine thì thực sự chúng ta có niềm tin sẽ sớm chiến thắng dịch bệnh”.
Theo TS. Trần Du Lịch, diễn biến bất thường của đợt dịch thứ 4 ảnh hưởng khá tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội nhưng cơ bản Chính phủ vẫn kiểm soát được tình hình và tạo được sự yên tâm, tin tưởng ở người dân, đó là yếu tố rất mấu chốt.
Cùng với đó, những chỉ số của thị trường chứng khoán, hoạt động tài chính - ngân hàng, bất động sản khá ổn định. Nếu đợt dịch thứ 4 này tiếp tục được kiểm soát hiệu quả, tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm sẽ đạt kết quả cao hơn và mục tiêu tăng trưởng GDP mức 6,5% trong năm 2021 là có thể đạt được.
Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ các đợt dịch trước đây, những giải pháp hỗ trợ của Chính phủ cho người dân cần làm tốt hơn, nhất là trong đảm bảo an sinh xã hội.
Đối với các doanh nghiệp, dù có khó khăn thế nào cũng cần hạn chế tối đa đứt gãy chuỗi sản xuất bằng các chính sách hỗ trợ về tín dụng, thuế, nhất là những ngành then chốt của nền kinh tế, không phân biệt tư nhân hay nhà nước.
“Tôi tin rằng, nếu triển khai có hiệu quả Nghị quyết 63, mục tiêu tăng trưởng cho cả năm rất khả quan. Nhưng để đảm bảo điều kiện bình thường mới trong những năm tới, thời kỳ hậu COVID-19, công thức của Việt Nam phải là nhanh chóng có đủ vaccine + 5K. Vì vậy, công tác tuyên truyền và các biện pháp để người dân ý thức, nghiêm túc thực hiện phòng dịch vẫn sẽ phải tiếp tục được đề cao. Điều này giúp cho tăng trưởng kinh tế ổn định trong tương lai”, chuyên gia Trần Du Lịch nhấn mạnh.
Mạnh Hùng
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
Thời gian đăng: 07:08, 01/07/2021