Kinh tế thị trường định hướng XHCN: Sự tiếp nối tư tưởng Hồ Chí Minh về nền kinh tế nhiều thành phần ở nước ta
Nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa ở nước ta, dựa vững chắc nền tảng chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh, tham khảo những xu hướng của các nền kinh tế hiện đại, xuất phát từ thực tiễn và yêu cầu của Việt Nam và do chính Đảng ta, Nhân dân ta sáng tạo ra.
Sinh thời Bác Hồ rất quan tâm đội ngũ doanh nhân (Ảnh: Tư liệu) |
Trong những tháng ngày gian khó, trải nghiệm sự bất ổn của các nền kinh tế thị trường hiện đại và thế giới công nghệ 4.0 trong việc đối phó với đại dịch COVID-19, đọc bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CHXN ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhớ tới Bác Hồ, suy ngẫm về Chương trình nghị sự phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc... chúng ta ngộ ra rằng: Thế giới hiện đại đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng rất mong manh, kinh tế không thể nào tách rời khỏi xã hội, công nghệ không thể thay thế hết cho con người, chủ nghĩa cá nhân vị kỷ và lợi nhuận không thể là mục tiêu tối thượng, dân tộc không thể tách khỏi toàn cầu, kinh tế thị trường không thể thiếu tính nhân văn... phát triển bền vững phải trở thành lẽ sống. Và đó cũng chính là những lý giải cho việc lựa chọn con đường xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa ở nước ta mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khái quát trong bài viết của mình.
Thật ra, mô hình nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa đã được manh nha trong tư tưởng của Bác Hồ từ gần 100 năm về trước. Trong Điều lệ của Tổ chức Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, được viết vào năm 1924, Bác Hồ đã chỉ dẫn: Sau này, chúng ta sẽ thành lập Chính phủ nhân dân và thực hành chính sách “Tân kinh tế”. Chính sách Tân kinh tế mà Bác nhắc tới ở đây chính là chính sách kinh tế mới của Lenin. Tân kinh tế thực chất là chính sách kinh tế nhiều thành phần dưới sự lãnh đạo của Nhà nước chuyên chính vô sản - một chính sách kinh tế được áp dụng trong thời kỳ quá độ ở nước Nga vào giữa những năm 20 của thế kỷ trước.
Tất nhiên, đó chỉ là một mô hình sơ khai và chưa hoàn thiện, phù hợp với hoàn cảnh bấy giờ của nước Nga, nhưng đã gợi ý cho Hồ Chí Minh về mô hình kinh tế trong thời kỳ quá độ ở Việt Nam. Sau này, trong nhiều bài nói, bài viết của Người, đặc biệt là trong cuốn “Thường thức kinh tế học” xuất bản vào năm 1953, Bác Hồ đã đề cập về những thiết kế ban đầu của mô hình nền kinh tế nhiều thành phần đó.
Tuy nhiên, do điều kiện của chiến tranh và cơ chế kinh tế kế hoạch tập trung diễn ra trong nhiều thập kỷ sau đó, mô hình kinh tế nhiều thành phần theo tư tưởng của Người đã không trở thành hiện thực. Hơn một thập kỷ sau ngày thống nhất đất nước, vào năm 1986, Đại hội lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khởi động hành trình đổi mới ở nước ta với chủ trương xây dựng “nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước”. Có thể nói với chủ trương này, Đại hội Đảng lần thứ VI đã đánh dấu sự trở về với tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “nền kinh tế nhiều thành phần” dưới sự lãnh đạo của “Chính phủ nhân dân”, phù hợp với yêu cầu của giai đoạn mới.
Trải qua một phần ba thế kỷ, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Việt Nam đã trở thành một mẫu hình thành công của quá trình chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch tập trung sang kinh tế thị trường, mở cửa và hội nhập quốc tế. Việt Nam cũng đã kể cho thế giới câu chuyện thoát nghèo vĩ đại, đưa được hàng chục triệu đồng bào thoát khỏi đói nghèo và trở thành một nước có thu nhập trung bình, đang vững vàng trên con đường tiến tới mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập nước.
Thực tiễn đó đã chứng minh con đường thực hiện chính sách “Tân kinh tế”, dưới sự lãnh đạo của “Chính phủ nhân dân” theo cách nói của Bác Hồ , hay “nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước” xã hội chủ nghĩa, theo cách diễn đạt của Đại hội Đảng lần thứ VI, hoặc “nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa” theo cách nói hiện nay của Đảng ta, là sự lựa chọn đúng đắn và sự kế thừa và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường phát triển đất nước trong điều kiện cụ thể của chúng ta. Sự lựa chọn này cũng phù hợp với những xu thế tiến bộ của nền kinh tế thị trường hiện đại trên thế giới khi các “mục tiêu” phát triển bền vững của nền kinh tế và yêu cầu “kinh doanh có trách nhiệm xã hội” của doanh nghiệp ngày càng được đề cao.
Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cho thấy: Nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa ở nước ta, dựa vững chắc nền tảng chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh, tham khảo những xu hướng của các nền kinh tế hiện đại, xuất phát từ thực tiễn và yêu cầu của Việt Nam và do chính Đảng ta, Nhân dân ta sáng tạo ra.
Đó là một nền kinh tế thị trường kiểu mới trong lịch sử phát triển của nhân loại - một kiểu tổ chức kinh tế vừa tuân thủ quy luật của kinh tế thị trường vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội, sự quản lý của Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Đó cũng là một nền kinh tế thị trường bảo đảm thống nhất các chính sách kinh tế và chính sách xã hội, bảo đảm tăng trưởng kinh tế đi đôi với việc thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội... nhắm tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đó là ước vọng ngàn đời của dân tộc Việt, là điểm đặc sắc của Việt Nam trong mô hình kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập và rất nhân văn của chúng ta.
TS Vũ Tiến Lộc
Uỷ viên Uỷ Ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch VCCI
Theo Báo điện tử Chính phủ
Thời gian đăng: 08:26, 04/08/2021