Lối đi nào cho người lao động khuyết tật
Chế tài pháp luật về việc từ chối tuyển dụng, kì thị, phân biệt đối xử người lao động là người khuyết tật (NKT) trong quan hệ lao động đã được quy định rõ ràng, vậy tại sao NKT vẫn bơ vơ, thất nghiệp giữa xã hội xô bồ này và giải pháp nào để khắc phục?
Hiện nay, vấn đề phân biệt đối xử trong tuyển dụng và quản lý lao động là NKT còn khá phổ biến. Mặc dù pháp luật đã có những quy định liên quan đến trách nhiệm của NSDLĐ là NKT nhưng trên thực tế triển khai và áp dụng thực sự chưa hiệu quả và khả thi. Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 quay trở lại với tính chất phức tạp hơn như hiện nay cho thấy rõ được việc quyền lợi về việc làm và thu nhập của người lao động nói chung và người khuyết tật nói riêng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Xoay quanh vấn đề này, Tạp chí điện tử Đồng Hành Việt đã có buổi phỏng vấn, trao đổi cùng Tiến sĩ, Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Phó Tổng biên tập Tạp chí Điện tử Đồng Hành Việt kiêm Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp.
Ảnh: TS.LS Nguyễn Hồng Thái - Phó Tổng biên tập Tạp chí Điện tử Đồng Hành Việt kiêm Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp
PV: Quan điểm của ông về vấn đề tuyển dụng và sử dụng người lao động là NKT hiện nay?
TS. LS Nguyễn Hồng Thái: NKT là đối tượng luôn dành được sự quan tâm của tất cả các quốc gia, dân tộc nhưng thực tế hiện nay NKT học nghề đã khó, tiếp cận với việc làm còn khó hơn. Không thể phủ nhận hiện nay đã có một số nhỏ những NSDLĐ đã có những nhìn nhận tích cực đối với NKT nhưng phần lớn vẫn có không ít cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp từ chối tuyển dụng hoặc dè dặt khi xét hồ sơ xin việc của NKT. Không ít NKT đi xin việc làm, các nhà tuyển dụng vẫn đặt NKT lên bàn cân so sánh với người bình thường bởi mức độ nhanh nhẹn, linh hoạt trong công việc chưa kể đến trình độ, khả năng tiếp cận công việc.
Hành lang pháp luật luôn bảo vệ những người yếu thế, đặc biệt là NKT. Thể hiện sự quan tâm đến vấn đề này, Luật người khuyết tật năm 2010 và Bộ luật lao động năm 2019 đã có những quy định, chế tài cụ thể về tuyển dụng, quản lý lao động và vấn đề việc làm đối với lao động là NKT.
Tuy nhiên, hiện nay do tác động của đại dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp chao đảo, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng dẫn đến giảm giờ làm việc, tạm ngừng hợp đồng, cắt giảm lương thậm chí sàng lọc nhân sự. Điều này khiến lao động là người khuyết tật rơi vào tình trạng nguy hiểm, không đảm bảo quyền lợi tối thiểu theo quy định thậm chí nguy cơ mất việc làm càng tăng cao.
PV: Pháp luật quy định như thế nào về trách nhiệm của NSDLĐ trong vấn đề tuyển dụng NKT?
TS. LS Nguyễn Hồng Thái: Theo khoản 2 Điều 33 Luật người khuyết tật năm 2010: “Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không được từ chối tuyển dụng NKT có đủ tiêu chuẩn tuyển dụng vào làm việc hoặc đặt ra tiêu chuẩn tuyển dụng trái quy định của pháp luật nhằm hạn chế cơ hội làm việc của người khuyết tật.”
Tiêu chuẩn tuyển dụng là những yêu cầu mà nhà tuyển dụng mong muốn ứng viên phải đạt được, tùy từng việc làm khác nhau thì nhà tuyển dụng đặt ra những tiêu chuẩn khác nhau. Khi NKT đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn tuyển dụng, NSDLĐ phải xem xét NKT ngang bằng với những cá nhân khác, không được đặt ra những tiêu chuẩn mang tính chất kì thị, phân biệt tuyển dụng NKT. Quy định này được đặt ra nhằm đảm bảo sự công bằng trong thị trường lao động việc làm, là hành lang pháp lý khuyến khích NKT hòa nhập với cộng đồng, phát huy được những điểm mạnh của bản thân, san sẻ bớt gánh nặng tài chính cho gia đình và xã hội.
Trường hợp vi phạm sẽ bị phạt từ 1.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng, đồng thời, buộc thực hiện theo đúng quy định nêu trên theo Điều 13 Nghị định 144/2013/NĐ-CP.
Ảnh minh họa (Nguồn: internet)
PV: Pháp luật quy định như thế nào về trách nhiệm của NSDLĐ đối với NKT trong quá trình làm việc?
TS. LS Nguyễn Hồng Thái: Bộ luật lao động năm 2019 quy định chi tiết tại Mục 4 trong Chương XI về người lao động là NKT. Theo đó, trách nhiệm của NSDLĐ về việc làm đối với NKT được quy định tại Điều 159 Bộ luật này, cụ thể:
“Điều 159. Sử dụng lao động là người khuyết tật
1. Người sử dụng lao động phải bảo đảm về điều kiện lao động, công cụ lao động, an toàn, vệ sinh lao động và tổ chức khám sức khỏe định kỳ phù hợp với người lao động là người khuyết tật.
2. Người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của người lao động là người khuyết tật khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của họ.”
NSDLĐ phải bảo đảm về điều kiện lao động, công cụ lao động, an toàn, vệ sinh lao động và tổ chức khám sức khỏe định kỳ phù hợp với người lao động là NKT.
- Về điều kiện lao động: Điều kiện lao động là tổng thể các yếu tố kỹ thuật, tổ chức lao động, kinh tế, xã hội, tự nhiên, môi trường và văn hoá xung quanh con người nơi làm việc. Điều kiện lao động thể hiện qua quá trình công nghệ, công cụ lao động, đối tượng lao động, năng lực của người lao động và sự tác động qua lại giữa các yếu tố trên tạo nên điều kiện làm việc của con người trong quá trình lao động sản xuất.
Hơn ai hết, NKT là những người nhạy cảm về sức khỏe nên họ cần được đảm bảo điều kiện lao động tốt. Điều kiện lao động tốt ở đây thể hiện bằng việc họ được làm việc trong môi trường ít bụi, không có hoặc rất ít khí độc (phải được trang bị khẩu trang y tế khi có khí độc), không có hoặc rất ít có tiếng ồn tại nơi làm việc. Ngoài ra, nơi làm việc cần đảm bảo đủ không gian, ánh sáng… để tránh làm ảnh hưởng đến sức khỏe NKT.
- Về công cụ lao động: Công cụ lao động được hiểu một cách đơn giản là yếu tố cần phải có để người lao động thực hiện hoạt động sản,có tính quyết định đến năng suất lao động, chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp. Khi có công cụ lao động tốt sẽ giúp tiết kiệm được thời gian, công sức của người lao động.
- Về an toàn, vệ sinh lao động: Là các giải pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho người lao động trực tiếp và những người xung quanh. Các giải pháp này bao gồm cung cấp đồ bảo hộ, tổ chức công tác huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động nơi làm việc, trang bị bình cứu hỏa, vật dụng phòng cháy chữa cháy…
Pháp luật lao động yêu cầu NSDLĐ phải đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động, Điều 12 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 nghiêm cấm NSDLĐ trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
-Về chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật: Doanh nghiệp phải thường xuyên chăm sóc sức khỏe của họ bằng việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ ít nhất 06 tháng/lần.
Bên cạnh đó, NSDLĐ phải tham khảo ý kiến lao động là NKT khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của họ.
Mặt khác, với mong muốn bảo vệ NKT, tránh việc lợi dụng sử dụng người lao động khuyết tật làm thêm giờ, làm việc ban đêm hay làm những công việc nặng nhọc, độc hại, Điều 160 Bộ luật lao động 2019 cấm các hành vi:
- Sử dụng người lao động là NKT nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, trừ trường hợp người lao động là NKT đồng ý.
- Sử dụng người lao động là NKT làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành mà không có sự đồng ý của NKT sau khi đã được NSDLĐ cung cấp đầy đủ thông tin về công việc đó.
PV: Theo như ông trao đổi, với tình hình dịch Covid -19 diễn biến phức tạp hiện nay, NKT bị ảnh hưởng nhiều đến việc làm và thu nhập. Vậy theo ông cần có những giải pháp nào để khắc phục tình trạng trên?
TS. LS Nguyễn Hồng Thái: Hiện nay, định kiến sử dụng người lao động là NKT còn tồn tại và rất khó tháo gỡ trong thời gian ngắn. Mặt khác, chế tài xử phạt đối với hành vi phân biệt đối xử NKT trong tuyển dụng, quản lý lao động còn khá nhẹ nhàng, chưa đủ sức răn đe, thậm chí việc giám sát, xử phạt chưa triệt để. Thiết nghĩ cơ quan nhà nước và cộng đồng xã hội cần có những biện pháp triệt để khắc phục tình trạng trên nhằm tạo cơ hội cho NKT được hòa đồng trong cuộc sống và được bình đẳng trong công việc. Chẳng hạn như:
Về chính sách, nhà nước cần chú trọng hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng dạy nghề, đào tạo nghề cho người khuyết tật. Căn cứ vào những dạng tật, mức độ khuyết tật khác nhau thì có những kế hoạch đào tạo nghề tương ứng, hướng dẫn chi tiết cho người khuyết tật. Bên cạnh đó, tùy điều kiện, ngành nghề nổi trội của từng địa phương, nhà nước có những chính sách, quy định về tổ chức dạy nghề cho phù hợp. Cần tăng cường khả năng tiếp cận và cung cấp các dịch vụ việc làm cho người khuyết tật, tạo điều kiện hỗ trợ lao động là người khuyết tật tiếp cận thuận lợi với nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm. Việc nâng cao tay nghề là điều kiện cần và đủ để người lao động có thể tìm kiếm việc làm, tự tạo việc làm cho chính bản thân mình và cho xã hội.
Mặt khác, những chính sách ưu tiên, hỗ trợ doanh nghiệp như đã quy định trong Luật người khuyết 2010 đối với doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh có từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật chưa khả thi. Xét thấy cần giảm tỷ lệ 30% xuống một mức thấp hơn hoặc áp dụng chính sách ưu đãi tương ứng với tỷ lệ sử dụng người khuyết tật, mức độ khuyết tật của người lao động. Cùng với đó, thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội, giải quyết việc làm, đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với hoạt động kinh doanh, tạo điều kiện tối đa cho NKT sớm quay trở lại thị trường lao động.
Về phía NSDLĐ, các nhà tuyển dụng, doanh nghiệp cần có cái nhìn khách quan hơn đối với năng lực, khả năng lao động của người khuyết tật, tránh việc tồn tại những định kiến sai lệch khi đánh giá họ. Thực tế cho thấy, rất nhiều người khuyết tật có khả năng hoàn thành tốt công việc được giao; không những vậy, họ còn luôn học hỏi, sáng tạo không ngừng, đem lại nhiều giá trị tốt đẹp cho cuộc sống. Hơn nữa, NSDLĐ cần nhận thức đúng về bình đẳng giới, mối quan hệ lao động giữa hai bên là sự bình đẳng, tôn trọng, hai bên cùng có lợi, loại bỏ quan niệm trọng nam, khinh nữ để cùng tạo nên môi trường lao động lý tưởng.
Về phía NKT, việc nhận thức, hiểu biết về quyền và nghĩa vụ của mình trong mối quan hệ lao động còn hạn chế. Bởi thế khi quyền lợi NKT bị xâm phạm thì NKT không biết hoặc không thể lên tiếng đòi lại công bằng, quyền lợi. Và có khi một số NKT “an phận”, ngại hoặc không dám đòi hỏi quyền lợi của mình do NKT luôn đứng trước nguy cơ sàng lọc, mất việc trong thời dịch Covid-19, chỉ cần có việc làm duy trì cuộc sống là được. Chính vì thế, NKT phải tự trang bị cho mình kiến thức pháp luật để làm vũ khí tự bảo vệ quyền lợi của bản thân. Để hỗ trợ NKT tiếp cận được với kiến thức pháp luật, các cơ quan, doanh nghiệp cần đổi mới, linh hoạt trong công tác truyền thông đến NKT có các dạng tật khác nhau ví dụ truyền hình, mạng xã hội, buổi diễn giải trực tiếp, các cuộc thi phát động phong trào,…
Cuối cùng, chính bản thân người khuyết tật cần nhìn nhận, đánh giá lại giá trị của mình. Người khuyết tật cần vượt qua những rào cản tự ti, mặc cảm, xác định được điểm mạnh, điểm yếu để phát triển bản thân, có những định hướng đúng đắn cho tương lai. Cùng với đó, không ngừng trau dồi nâng cao trình độ, kỹ năng, thái độ nghề nghiệp nhằm đáp ứng được yêu cầu của người tuyển dụng.
Vâng, xin cảm ơn chia sẻ rất hữu ích từ TS.LS Nguyễn Hồng Thái!
Theo Đồng hành Việt Online