Mạo danh Thứ trưởng xuất bản sách: Trách nhiệm của NXB Lao động đến đâu?
Theo quy định tại Điều 21, Điều 22 Luật Xuất bản năm 2012 và được hướng dẫn chi tiết tại Điều 10 Nghị định 195/2012/NĐ-CP của Chính phủ thì việc xuất bản tác phẩm, tài liệu và tái bản xuất bản phẩm chỉ được thực hiện sau khi có văn bản chấp thuận của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật.
Vụ việc một số đối tượng mạo danh Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh để in và phát hành sách “Chỉ dẫn tra cứu và áp dụng Luật Xử lý vi phạm hành chính” do Nhà xuất bản Lao động liên kết với Nhà sách Dân Hiền xuất bản đang được Bộ Tư pháp phối hợp với các cơ quan liên quan để làm rõ.
Hai cuốn sách “Chỉ dẫn tra cứu và áp dụng Luật Xử lý vi phạm hành chính” mạo danh thứ trưởng Bộ Tư pháp chủ biên.
Theo Luật sư Đặng Văn Cường, Điều 4 Luật Xuất bản năm 2012 thì xuất bản là việc tổ chức, khai thác bản thảo, biên tập thành bản mẫu để in và phát hành hoặc để phát hành trực tiếp qua các phương tiện điện tử; còn xuất bản phẩm là tác phẩm, tài liệu về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ, văn học, nghệ thuật được xuất bản thông qua nhà xuất bản hoặc cơ quan, tổ chức được cấp giấy phép xuất bản bằng các ngôn ngữ khác nhau, bằng hình ảnh, âm thanh và được thể hiện dưới các hình thức: Sách in; sách chữ nổi; tranh, ảnh, bản đồ, áp-phích, tờ rời, tờ gấp...
Cũng theo quy định của Luật này, thì mọi xuất bản phẩm phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền. Mọi hành vi xuất bản mà không đăng ký, không có quyết định xuất bản hoặc không có giấy phép xuất bản được coi là hành vi nghiêm cấm theo quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 10 Luật Xuất bản.
Nhà xuất bản phải chịu trách nhiệm
Về việc đăng ký xuất bản thì theo quy định tại Điều 21, Điều 22 Luật Xuất bản năm 2012 và được hướng dẫn chi tiết tại Điều 10 Nghị định 195/2012/NĐ-CP của Chính phủ thì việc xuất bản tác phẩm, tài liệu và tái bản xuất bản phẩm chỉ được thực hiện sau khi có văn bản chấp thuận của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật.
Luật sư Cường cho biết, trước khi xuất bản tác phẩm, tài liệu hoặc tái bản xuất bản phẩm, nhà xuất bản phải đăng ký xuất bản với Bộ Thông tin và Truyền thông theo mẫu quy định. Nội dung đăng ký xuất bản phải phù hợp với tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của nhà xuất bản. Việc đăng ký xuất bản của nhà xuất bản không giới hạn số lượng tác phẩm, tài liệu, xuất bản phẩm trong mỗi lần đăng ký và nhà xuất bản chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung đăng ký xuất bản.
Hồ sơ đăng ký xuất bản gồm có: Bản đăng ký, trong đó có tóm tắt về đề tài, chủ đề và nội dung của từng tác phẩm, tài liệu đăng ký xuất bản, xuất bản phẩm đăng ký tái bản, các thông tin khác theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định; văn bản thẩm định nội dung đối với tác phẩm, tài liệu thuộc loại phải thẩm định.
Như vậy, theo quy định trên thì việc xuất bản tác phẩm chỉ được thực hiện có sự đồng ý của tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm. Đồng thời, nhà xuất bản phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung đăng ký xuất bản. Do vậy, liên quan đến vụ việc mạo danh thứ trưởng Bộ Tư pháp làm chủ biên tác phẩm thì cần làm rõ có hay không việc xuất bản sách mà không được sự đồng ý cuả tác giả, giả mạo tác giả hoặc thực hiện không đúng nội dung đăng ký xuất bản để có căn cứ xem xét trách nhiệm của nhà xuất bản theo quy định pháp luật.
Mức xử lý
Về chế tài xử lý, Luật sư Cường cho biết, nếu xuất bản xuất bản phẩm không đúng với nội dung xác nhận đăng ký xuất bản về tên xuất bản phẩm, tên tác giả, tên dịch giả (nếu có), thể loại, ngữ xuất bản, đối tác liên kết đối với từng xuất bản phẩm thì sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 23 Nghị định 119/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản.
Nếu xuất bản tác phẩm, tài liệu và tái bản xuất bản phẩm nhưng không có văn bản chấp thuận của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật đối với từng xuất bản phẩm thì phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng theo quy định tại điểm h khoản 4 Điều 23 Nghị định 119/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Ngoài hình thức xử phạt tiền thì tổ chức, cá nhân vi phạm phải buộc thu hồi, tiêu hủy sản phẩm vi phạm.
Còn nếu liên kết xuất bản, tái bản tác phẩm, tài liệu nhưng không có văn bản hợp pháp chứng minh đã được sự chấp thuận của chủ sở hữu quyền tác giả đối với từng tên xuất bản phẩm thì sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 27 Nghị định 119/2020/NĐ-CP của Chính phủ về vi phạm quy định về liên kết trong hoạt động xuất bản và buộc thu hồi xuất bản phẩm; nộp lại số lợi bất hợp pháp theo quy định pháp luật.
"Có thể thấy vụ việc này không chỉ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín cá nhân, cơ quan, tổ chức mà còn có thể gây hệ lụy nguy hiểm nếu nội dung trong sách có sai sót, áp dụng sai pháp luật, gây nhầm lẫn cho người đọc. Do đó, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để xác minh, làm rõ sai phạm để có cơ sở xử lý nghiêm theo quy định pháp luật", Luật Cường nói.
HOÀNG LÂM
Theo lsvn.vn
Thời gian đăng: 06:29 15/09/202