Mở ra ngành năng lượng Việt Nam bền vững, công bằng

22/05/2023, 13:26

Theo đại diện Bộ Công Thương, Việt Nam sẽ tập trung phát triển các dự án điện sử dụng nhiên liệu khí trong nước, khí tự nhiên nhập khẩu và các dự án thủy điện vừa và lớn.

Mở ra ngành năng lượng Việt Nam bền vững, công bằng - Ảnh 1.

Hội nghị công bố Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) - Ảnh: MOIT

Theo Quyết định số 500/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), cơ cấu nguồn điện Việt Nam sẽ có nhiều thay đổi theo hướng ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, giảm và bỏ hẳn nhiệt điện than.

Quy hoạch điện VIII định hướng đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện phục vụ nhu cầu trong nước là 150.489 MW (không bao gồm xuất khẩu, điện mặt trời mái nhà hiện hữu, năng lượng tái tạo để sản xuất năng lượng mới).

Chuyển dịch năng lượng bảo đảm công bằng hợp lý

Thông tin tại Hội nghị công bố Quy hoạch điện VIII do Bộ Công Thương tổ chức chiều 19/5, tại Hà Nội, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho hay, điện là ngành hạ tầng quan trọng, đi trước một bước, đáp ứng nhu cầu kinh tế-xã hội.

Sử dụng tích hợp nguồn năng lượng tái tạo, hệ sinh thái năng lượng, thúc đẩy cạnh tranh, cơ chế thị trường về giá bán điện, chuyển dịch năng lượng bảo đảm công bằng, công lý…

Để phát triển điện lực quốc gia, Bộ Công Thương sẽ tập trung vào việc đầu tư phát triển hệ thống nguồn, lưới điện, phát triển điện nông thôn, lưới điện liên kết với các nước trong khu vực, nhu cầu vốn đầu tư.

Giải pháp thực hiện gồm bảo đảm an ninh cung cấp điện, tạo nguồn vốn và huy động vốn đầu tư phát triển; giải pháp pháp luật và chính sách; việc bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai; giải pháp về khoa học và công nghệ; sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả; phát triển nguồn nhân lực; hợp tác quốc tế…

Đề cập đến mục tiêu của Quy hoạch điện VIII trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, ông Trần Kỳ Phúc, Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho rằng, với tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2021-2030 là 7%; 2031-2050 là 6,5%-7%/năm, để chuyển đổi năng lượng công bằng, quy hoạch đặt mục tiêu năm 2030, tỷ trọng năng lượng tái tạo đạt từ 30,9-39,2%.

Cùng với việc hướng tới đạt tỉ lệ năng lượng tái tạo 47% theo cam kết về chuyển đổi năng lượng công bằng với Việt Nam (JETP), định hướng đến năm 2050, tỉ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5%.

Trong khi đó, các nguồn nhiệt điện than chỉ thực hiện tiếp dự án đã có trong Quy hoạch điện VII và điện VII điều chỉnh đang xây dựng với công suất khoảng 30.000 MW. Dự án này sẽ được chuyển đổi nhiên liệu từ than sang nhiên liệu sinh khối, amoniac khi công nghệ và chi phí phù hợp. Các nhà máy có tuổi thọ trên 40 năm sẽ dừng hoạt động nếu không đủ điều kiện chuyển đổi.

Bên cạnh đó, nhiệt điện khí sẽ ưu tiên sử dụng tối đa khí trong nước cho phát điện, phát triển đồng bộ hạ tầng với quy hoạch. Tổng công suất nguồn khí hóa lỏng đạt 22.400 MW, năm 2050 thì hầu hết các nhà máy sử dụng khí LNG là sử dụng khí hydro, gắn với xây dựng hạ tầng theo quy hoạch.

Với hệ thống lưới điện, sau 2030 sẽ phát triển đường dây truyền tải siêu cao áp để khai thác mạnh nguồn điện gió ngoài khơi. Việc liên kết lưới với các nước trong quy hoạch, sẽ xây dựng các công trình đấu nối giúp nhập khẩu điện từ các nguồn có hiệu quả kinh tế cao. Phát triển hệ sinh thái dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển điện lực

Phát biểu chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị các đơn vị làm tốt công tác truyền thông, phổ biến các nội dung cốt lõi của Quy hoạch tới các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân nhằm thống nhất nhận thức, hành động, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Quy hoạch đề ra.

Bộ trưởng giao Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương tham mưu, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành kế hoạch thực hiện Quy hoạch, bảo đảm công khai, minh bạch, thống nhất, đồng bộ, nhịp nhàng trong quá trình tổ chức thực hiện.

“Cần xác định rõ các nhiệm vụ cụ thể như: Thời gian hoàn thành và phân công trách nhiệm cho từng tổ chức, cá nhân để làm cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, quản lý quy hoạch và huy động các nguồn lực cho phát triển, bảo đảm các phương án quy hoạch được triển khai thực hiện trong thực tiễn”, Bộ trưởng lưu ý.

Bên cạnh đó, tập trung nghiên cứu, tham mưu cho cấp có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các quy định, cơ chế chính sách có liên quan nhằm hoàn thiện khung chính sách về phát triển điện lực, phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm đồng bộ và khả thi, chú trọng đẩy nhanh tiến độ xây dựng Luật Điện lực sửa đổi, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sửa đổ, các cơ chế đấu giá, đấu thầu về điện…

Lãnh đạo Bộ Công Thương đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chủ động thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm cung cấp điện an toàn, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội trong mọi tình huống, tập trung nguồn lực, thực hiện đầu tư các dự án nguồn điện và lưới điện truyền tải, bảo đảm chất lượng và tiến độ theo nhiệm vụ được giao, đồng thời chú trọng thực hiện triệt để các biện pháp đổi mới quản trị doanh nghiệp, giảm tổn thất điện năng, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất-kinh doanh, bảo đảm phát triển bền vững.

Tập đoàn Dầu Khí (PVN), Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) tích cực tìm kiếm các nguồn khí, than ở trong và ngoài nước để bảo đảm cung cấp đầy đủ nhiên liệu cho sản xuất điện năng, phù hợp với nhu cầu phụ tải, chủ động đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, kho cảng phù hợp với lộ trình chuyển dịch năng lượng và tập trung thực hiện đúng tiến độ các dự án nguồn điện được giao.

Tập trung phát triển các dự án sử dụng nhiên liệu khí

Thông tin tại buổi họp báo ngày 18/5, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho rằng, theo quy định của Luật Quy hoạch, danh mục các dự án quan trọng được ưu tiên phát triển của ngành điện đã có trong Quyết định 500 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, Việt Nam sẽ tập trung phát triển các dự án điện sử dụng nhiên liệu khí trong nước, khí tự nhiên nhập khẩu và các dự án thủy điện vừa và lớn cũng như các dự án lưới điện từ 220 kV trở lên…

Trên cơ sở các danh mục dự án như trên, có cơ sở pháp lý quy hoạch để triển khai thực hiện, ông Hoàng Tiến Dũng cho biết thêm, để làm cơ sở triển khai các dự án không phải là dự án ưu tiên, Bộ Công Thương sẽ xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch, trong đó ngoài các nội dung được quy định theo Luật Quy hoạch về xác định nguồn lực để thực hiện quy hoạch thì sẽ có việc tính toán và xác định các dự án cụ thể mà không phải dự án quan trọng, ưu tiên trong Quy hoạch điện VIII để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

“Trong thời gian tới, Bộ Công Thương cũng khẩn trương triển khai các nhiệm vụ được giao như: Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển điện lực, trong đó có việc sử dụng các nguồn điện năng lượng tái tạo, đặc biệt là hoàn thiện Luật Điện lực sửa đổi, xây dựng mới Luật Năng lượng tái tạo cũng như cơ chế mua bán điện trực tiếp để tạo đầy đủ cơ sở pháp lý về chính sách, quy hoạch, kế hoạch khi triển khai”, ông Hoàng Tiến Dũng cho hay.

Phan Trang

Theo Báo điện tử Chính phủ

Thời gian đăng: 19/05/2023  19:18

Nguồn