Một số vướng mắc khi áp dụng pháp luật về tội “Làm nhục đồng đội” tại Điều 397 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017

21/08/2023, 13:02

Tội “Làm nhục đồng đội” xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm, sức khỏe của đồng đội. Trong thời gian vừa qua, đối tượng pháp tội này có xu hướng gia tăng, rất nhiều vụ việc đau lòng đã xảy ra, phần lớn khi có vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, các cơ quan tiến hành tố tụng đã xử lý đúng người, đúng tội, tuy nhiên trên thực tế việc áp dụng Điều 397 BLHS vẫn còn một số khó khăn nhất định.

Ảnh minh họa.

Quy định của pháp luật

Tội “Làm nhục đồng đội” được quy định tại Điều 397, BLHS 2015, cụ thể:

“1. Người nào trong quan hệ công tác mà xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự đồng đội, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Là chỉ huy hoặc sỹ quan;

b) Đối với chỉ huy hoặc cấp trên; c) Vì lý do công vụ của nạn nhân; d) Trong khu vực có chiến sự;

đ) Phạm tội 02 lần trở lên;

e) Đối với 02 người trở lên;

g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;

h) Làm nạn nhân tự sát”.

Khách thể của tội phạm

Tội “Làm nhục đồng đội” đã xâm phạm nghiêm trọng tới danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tư cách của đồng chí, đồng đội. Đồng đội ở đây là những người phục vụ, làm việc trong lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam, không phân biệt cấp bậc, chức vụ, cấp trên cấp dưới không có mối quan hệ lãnh đạo  - phục tùng, bất kể cá nhân đó đang công tác ở đâu, cương vị nào đều là đồng đội của cá nhân khác, miễn là cùng công tác trong quân đội.

Mặt khách quan của tội phạm

Hành vi làm nhục đồng đội thường được thể hiện bằng lời nói hoặc cử chỉ hành động.

Về lời nói: Thường sử dụng những ngôn từ mang tính chất xúc phạm, mang tính hạ bệ, sỉ nhục nhằm hạ thấp nhân cách, vai trò, vị thế của đồng đội hoặc lệnh cho đồng đội làm những hành vi sai với điều lệnh, điều lệ quân đội với mục đích làm cho tinh thần của đồng đội bị tổn hại và cảm thấy bị nhục nhã trước người khác.

Về cử chỉ, hành động: Thường có những hành vi làm nhục như nhổ nước bọt vào mặt, ném chất bẩn vào người, lột trần quần áo trước mặt nhiều người.

Hành vi làm nhục này thường được tiến hành ở nơi có đông người, trước mặt tập thể, có thể có mặt người bị làm nhục hoặc không nhưng đều nhằm mục đích để cho họ biết việc nạn nhân đang bị xúc phạm.

Hậu quả: Việc xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nạn nhân làm nạn nhân bị tổn thương nghiêm trọng về tinh thần. Để đánh giá hậu quả tới mức độ nào phải căn cứ vào thái độ, nhận thức của người phạm tội; cường độ phạm tội là cao hay thấp, thời gian của hành vi phạm tội, bối cảnh khi thực hiện hành vi phạm tội. Tội “Làm nhục đồng đội” là tội phạm mà pháp luật hình sự quy định có cấu thành hình thức nên tội này được coi là hoàn thành từ khi người phạm tội có lời nói hoặc hành động xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của đồng đội. Hậu quả do hành vi làm nhục gây nên không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm của tội “Làm nhục đồng đội”.

Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm là bất kể ai đang công tác trong lực lượng quân đội như sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đang tại ngũ, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện; dân quân, tự vệ trong thời gian phối thuộc quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu; công dân được trưng tập vào phục vụ chiến đấu; công dân được trưng tập vào phục vụ trong quân đội và họ có đủ năng lực trách nhiệm hình sự giống như các loại tội phạm khác.

Mặt chủ quan của tội phạm

Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình đang xúc phạm nghiêm trọng tới danh dự, nhân phẩm của đồng đội nhưng vẫn thực hiện và mong muốn hậu quả xảy ra.

Vướng mắc trong quá trình định tội danh

Thứ nhất, tội “Làm nhục đồng đội” theo khoản 1 Điều 397, BLHS 2015 thì phải được thực hiện trong quan hệ công tác, vậy trong trường hợp đối tượng đang là quân nhân tại ngũ không phải đang thực hiện nhiệm vụ của quân đội, cơ quan đơn vị đang trong thời gian nghỉ phép hoặc nghỉ ốm mà lại có hành vi xúc phạm tới danh dự, nhân phẩm đồng đội của mình thì có được coi là phạm tội hay không.

Thứ hai, việc xác định hành vi có mang tính chất làm nhục đồng đội hay không còn gặp nhiều khó khăn vì việc xác định này phải căn cứ vào nhiều yếu tố, trên thực tế có những vụ án có nhiều quan điểm khác nhau về định tội danh, việc xác định một người phạm tội này mặc dù theo phân tích lý luận là vậy nhưng trên thực tiễn phải khẳng định là “cực kì khó khăn” do tính chất đặc thù của quân đội, việc phát hiện và xử lý loại tội phạm này thường ở mức độ thấp vì chỉ khi có hậu quả như nạn nhân tự sát hoặc rối loạn tâm thần thì mới có cơ sở để xử lý.

Thứ ba, trong một vụ án hình sự để xác định một hành vi của chủ thể có cấu thành một tội phạm hay không thường các cơ quan tiến hành tố tụng phải xem xét tới mối quan hệ nhân quả giữa hành vi khách quan của tội phạm và hậu quả thực tế xảy ra. Tại điểm điểm g, h khoản 2 của Điều 397 quy định về hậu quả vật chất của tội phạm là “gây rối loạn tậm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên”, “làm nạn nhân tự sát”, nhưng làm thế nào để xác định hành vi làm nhục đồng đội của chủ thể là nguyên nhân gây nên hai hậu quả trên là rất khó khăn mà chưa có một hướng dẫn nào làm rõ được vấn đề này, nhiều trường hợp người tự sát đang bị trầm cảm hoặc có rối loạn tâm thần sẵn, chỉ bởi 1 vài câu nói có phần nặng lời của đồng đội đã tiến hành tự sát vậy phải xử lý thế nào trong trường hợp này hay có vụ án trên thực tế đã xảy ra như sau: A và B đều là chiến sỹ đang thực hiện nghĩa vụ quân sự, A là cấp trên của B, trong quá trình công tác, thực hiện nhiệm vụ thì có phát sinh những vấn đề nhất định, A có một số lời nói và hành vi đối với B như phê bình trước tiểu đội, vỗ vào người B, B sau đó đã uống thuốc tẩy rửa bồn cầu tự sát, B chết, các cơ quan tiến hành tố tụng khi xử lý vụ án đã có rất nhiều quan điểm khác nhau và vẫn chưa đi đến được thống nhất, có quan điểm cho rằng hành vi của A đã phạm tội trên với lý giải đó là hành vi nhằm hạ thấp danh dự, nhân phẩm của B, những hành vi tưởng trừng như bình thường như vỗ vai, nhưng đó không hề mang tính chất “thân thiện”, quan điểm khác cho rằng A không phạm tội vì không đủ cơ sở để xác định hành vi của A có mang tính làm nhục hay không, nguyên nhân B chết là gì đến giờ về quan điểm giải quyết vụ án các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn chưa có sự thống nhất từ đó làm vụ án đã bị kéo dài gây tốn kém công sức, tiền bạc của nhà nước cũng như của các bên liên quan.

Kiến nghị

Theo tác giả, cần có hướng dẫn trong trường hợp quân nhân có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của đồng đội trong trường hợp không đang thực hiện nhiệm vụ của quân đội vẫn bị coi là làm nhục đồng đội vì đã là người quân nhân phục vụ trong quân đội thì mọi lời nói, tác phong đều phải chuẩn mực.

Cơ quan có thẩm quyền cũng cần có hướng dẫn trong việc định tội danh, nếu quy định như Điều 397 BLHS mà không có văn bản hướng dẫn thì sẽ dẫn đến việc xử lý loại tội này rất khó khăn, nhiều khả năng có thể bị oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm vì rõ ràng không có một “quy chuẩn” pháp luật nào xác định hành vi của chủ thể bị truy tố có mang tính làm nhục hay không, đồng thời cần hướng dẫn phương pháp xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi của người bị truy tố và hậu quả xảy ra, có như vậy mới tránh được việc oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm.

Vũ Việt Phương

Tạp chí Điện tử Luật sư Việt Nam

Ngày đăng: 20/08/2023 00:15

Nguồn: