Ngăn chặn tình trạng giả mạo giấy tờ, giả mạo chữ ký của người yêu cầu công chứng, chứng thực
Thời gian qua, tình trạng giả mạo giấy tờ, giả mạo chữ ký của người yêu cầu công chứng, chứng thực diễn ra phổ biến. Lợi dụng sơ hở của công chứng viên, nhân viên công chứng và cán bộ, công chức làm công tác chứng thực không thu thập chữ ký, không kiểm tra kỹ nhân thân, các đối tượng đã làm giả người khác ký tên vào hợp đồng thế chấp sử dụng đất để vay tiền ngân hàng và chiếm đoạt...
Ảnh minh họa.
Để ngăn chặn tình trạng giả mạo giấy tờ, giả mạo chữ ký của người yêu cầu công chứng, chứng thực gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức, gây mất an ninh trật tự xã hội tại địa phương, tác giả kiến nghị thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định Luật Công chứng và các văn bản hướng dẫn thi hành; Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch; Thông tư số 01/2020/TT-BTP ngày 03/3/2020 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch; cũng như các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền.
Thứ hai, các tổ chức hành nghề công chứng và Ủy ban nhân dân cấp xã trong quá trình chứng nhận các hợp đồng, giao dịch tuyệt đối không để xảy ra tình trạng vi phạm thủ tục công chứng, chứng thực dẫn đến tạo điều kiện cho người tham gia hợp đồng, giao dịch giả mạo người yêu cầu công chứng, chứng thực; giả mạo người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng, giao dịch; giả mạo chữ ký của người yêu cầu công chứng, chứng thực hoặc giả mạo giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu công chứng, chứng thực. Việc ký, điểm chỉ của người yêu cầu công chứng, chứng thực, người làm chứng, người phiên dịch phải được thực hiện trước mặt công chứng viên hoặc trước mặt người có thẩm quyền chứng thực hoặc người tiếp nhận hồ sơ chứng thực theo quy định của pháp luật công chứng, chứng thực.
Thứ ba, các tổ chức hành nghề công chứng và Ủy ban nhân dân cấp xã thường xuyên rà soát việc đăng ký chữ ký mẫu của các tổ chức tín dụng. Trường hợp người có thẩm quyền giao kết hợp đồng của tổ chức tín dụng đã đăng ký chữ ký mẫu thì người có thẩm quyền chứng nhận hợp đồng, giao dịch hoặc người tiếp nhận hồ sơ phải đối chiếu chữ ký mẫu với chữ ký trong hợp đồng trước khi thực hiện việc công chứng, chứng thực.
Thứ tư, các tổ chức hành nghề công chứng và Ủy ban nhân dân cấp xã khi tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng, chứng thực phải yêu cầu người yêu cầu công chứng, chứng thực xuất trình bản chính của các giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu và thực hiện đối chiếu trước khi thực hiện các bước tiếp theo theo quy định của pháp luật. Các tổ chức hành nghề công chứng không để xảy ra tình trạng nhân viên lấy trước chữ ký, dấu điểm chỉ của người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch trước khi chuyển hồ sơ cho Công chứng viên kiểm tra, thực hiện chứng nhận hợp đồng, giao dịch, dễ tạo điều kiện cho người tham gia hợp đồng, giao dịch và những người có liên quan lợi dụng để thực hiện hành vi gian dối hoặc làm căn cứ để khởi kiện yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng là vô hiệu.
Thứ năm, trang bị các thiết bị ghi hình (camera) tại các tổ chức hành nghề công chứng và Ủy ban nhân dân cấp xã và có kế hoạch lưu trữ các video lâu dài nhằm phục vụ cho việc truy xuất sau này (nếu có); đồng thời trang bị các thiết bị nhằm phát hiện giấy tờ giả mạo, soi chiếu dấu vân tay.
Thứ sáu, các đương sự chủ động tìm hiểu tình trạng pháp lý của tài sản là đối tượng của hợp đồng, giao dịch trước khi tiến hành ký kết như liên hệ các cơ quan có thẩm quyền cấp các loại giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu để biết thông tin. Nghiên cứu các phương thức thanh toán phù hợp với điều kiện của mình nhằm đảm bảo hạn chế thấp nhất các rủi ro có thể xảy ra như: 02 bên có thể thỏa thuận sau khi thực hiện xong các các thủ tục đăng ký biến động tài sản, sang tên, đổi chủ thì bên mua mới giao tiền cho bên bán; thanh toán bằng hình thức chuyển khoản của các tổ chức tín dụng; nếu thanh toán bằng tiền mặt thì có thể liên hệ Văn phòng Thừa phát lại để lập Vi bằng nhằm ghi nhận sự kiện giao nhận tiền…
Thứ bảy, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với công tác công chứng, chứng thực tại địa phương. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực công chứng, chứng thực; thường xuyên khuyến cáo các tổ chức, cá nhân nhận diện và hướng dẫn các biện pháp phòng tránh, ngăn chặn hành vi giấy tờ, giả mạo chữ ký của người yêu cầu công chứng, chứng thực...
Minh Đức
Tạp chí Điện tử Luật sư Việt Nam
Ngày đăng: 26/08/2023 18:08