Nhiều địa phương nới lỏng giãn cách, mở lại các hoạt động kinh doanh dịch vụ

21/09/2021, 14:27

Nhiều địa phương trên cả nước đã bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội, người dân được đi lại, làm việc, mở lại các hoạt động kinh doanh dịch vụ trong khuôn khổ đảm bảo quy định phòng, chống dịch Covid-19.

Nhiều địa phương nới lỏng giãn cách, mở lại các hoạt động kinh doanh dịch vụ

Hà Nội áp dụng Chỉ thị số 15/CT-TTg, mở lại nhiều dịch vụ từ 06h ngày 21/9

Tối 20/9, ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã ký ban hành hoả tốc Công điện số 22/CT-UBND về việc điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.

Theo đó, từ 06h ngày 21/9/2021, Hà Nội áp dụng Chỉ thị số 15/CT-TTg (ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ) và một số biện pháp cao hơn phù hợp với tình hình thực tế cho đến khi hoàn thành việc tiêm chủng mũi 2 cho toàn bộ người dân trong độ tuổi tiêm chủng.

Đối với hoạt động cơ sở kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn được điều chỉnh như sau:

- Các cơ quan, công sở, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn (trừ các lực lượng vũ trang, cơ quan, đơn vị, lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch) bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc theo nguyên tắc 50/50 (50% tại trụ sở và 50% sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà). Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo hình thức trực tiếp của các cơ quan, đơn vị (nếu có) hoạt động bình thường, đảm bảo kịp thời giải quyết thủ tục hành chính cho các cá nhân và tổ chức theo quy định.

- Các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung không quá 20 người trong 1 phòng (trường hợp hội họp đông người thực sự cấp thiết do cấp ủy, chính quyền địa phương quyết định và phải đảm bảo thực hiện giãn cách tối thiểu, các biện pháp phòng chống dịch); không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các địa điểm công cộng.

- Các cơ sở cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng kinh doanh hoa, quả, trái cây, chuỗi kinh doanh nông sản thực phẩm trên địa bàn; cửa hàng thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao phục vụ khám chữa bệnh và phòng chống dịch; dịch vụ khám chữa bệnh, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp, chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, cơ sở cai nghiện, cơ sở bảo trợ xã hội; cửa hàng cắt tóc, gội đầu; dịch vụ kinh doanh, sửa chữa, rửa xe ôtô, xe máy, phương tiện giao thông, điện tử, điện lạnh và đồ gia dụng; cơ sở kinh doanh văn phòng phẩm, sách, thiết bị, đồ dùng học tập; cửa hàng kinh doanh vật tư, vật liệu xây dựng; hoạt động kinh doanh trên các sàn điện tử thương mại, sử dụng dịch vụ giao hàng trực tuyến; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (chỉ bán hàng mang về) và đóng cửa trước 21 giờ hàng ngày.

- Ngoài xe mô tô, xe hai bánh vận chuyển bưu gửi, hàng hóa đang được phép hoạt động, cho phép xe mô tô, xe hai bánh tham gia ứng dụng công nghệ được phép hoạt động. 

TP. HCM sẽ tiếp nhận hồ sơ trực tiếp, giải quyết và trả kết quả hồ sơ thủ tục hành chính cho người dân từ tháng 10

Ngày 20/9, UBND TP.HCM cho biết từ nay đến hết tháng 9/2021, thành phố tiếp tục tạm ngưng tiếp nhận, giải quyết trực tiếp thủ tục hành chính tại trụ sở, chỉ tiếp nhận thủ tục hành chính bằng hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (trả kết quả qua mạng hoặc dịch vụ bưu chính công ích) và các thủ tục hành chính đặc biệt, cấp bách phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Riêng các cơ quan có trụ sở tại Quận 7, Huyện Cần Giờ và Huyện Củ Chi, khu công nghệ cao thì không giới hạn số lượng công chức làm việc tại trụ sở miễn là đã tiêm 2 mũi vaccine. Người đến liên hệ giải quyết hồ sơ trực tiếp tại trụ sở phải tiêm 2 mũi vaccine, nếu chưa tiêm đủ thì phải có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19.

Từ ngày 01 - 31/10, các cơ quan, đơn vị trên toàn thành phố sẽ tiếp nhận hồ sơ trực tiếp, giải quyết và trả kết quả hồ sơ thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức. Các cơ quan chỉ bố trí 50% công chức toàn đơn vị làm việc tại trụ sở, những công chức này phải được tiêm đủ 2 mũi vaccine (hoặc được cấp thẻ xanh Covid), số còn lại tiếp tục làm việc tại nhà. Các địa phương đã kiểm soát được dịch thì bố trí công chức đã có thẻ xanh Covid làm việc trực tiếp theo nhu cầu.

Kể từ tháng 11/2021, các cơ quan được tăng thêm số lượng công chức làm việc tại trụ sở, người dân đến giao dịch phải được cấp thẻ xanh Covid, nếu chỉ được cấp thẻ vàng Covid thì phải có kết quả xét nghiệm âm tính. Dù người dân có thể nộp hồ sơ trực tiếp nhưng chính quyền tiếp tục khuyến khích nộp hồ sơ trực tuyến để giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Long An chiều 20/9, ông Nguyễn Văn Được, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Long An chỉ đạo các đơn vị, địa phương nới lỏng giãn cách, thu hẹp phạm vi các khu vực phong tỏa trên địa bàn; dần khôi phục các hoạt động kinh tế, xã hội.

Ngay sau cuộc họp, UBND tỉnh Long An đã ban hành văn bản quy định về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Theo đó, Long An quyết định nới lỏng thực hiện giãn cách xã hội từ thực hiện Chỉ thị 16, xuống áp dụng theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ trên phạm vi toàn tỉnh từ 00 giờ ngày 21/9. Trung tâm hành chính công được mở cửa hoạt động trở lại. Các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, nhà hàng được phép hoạt động, nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch; cơ sở dịch vụ ăn, uống, giải khát chỉ phục vụ mang về.

Các nhà máy, cơ sở sản xuất được hoạt động khi đáp ứng các tiêu chí, điều kiện UBND tỉnh Long An đã ban hành trước đó. Công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu; tổ chức tín dụng, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động tín dụng và bổ trợ doanh nghiệp, chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển... được hoạt động, nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Tuy nhiên, người dân không tập trung trên 10 người ngoài phạm vi công sở và trường học, bệnh viện; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp. Tiếp tục dừng tất cả các hoạt động thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng; các nghi lễ tôn giáo, hoạt động tập trung trên 20 người tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự, đám tang, đám cưới; dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng liên tỉnh và nội tỉnh, trừ xe đưa rước công nhân; dừng các hoạt động, dịch vụ như karaoke, vũ trường, quán bar, phòng tập thể hình...

Chiều 20/9, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Lâm Đồng cho biết, đã ban hành văn bản 6700/UBND-VX3 về việc dừng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg tại xã Trạm Hành và Xuân Trường thành phố Đà Lạt, từ 00 giờ ngày 21/9/2021. Như vậy, trên địa bàn thành phố Đà Lạt không còn địa phương nào thực hiện giãn cách xã hội. 

Trong ngày 20/9, người dân tại 103/170 xã, phường vùng xanh ở Đồng Nai khi nới lỏng giãn cách được tự do đi lại trong xã, phường. Nguyên tắc chỉ được đi qua vùng xanh, nếu qua vùng đỏ, cam, vàng thì phải đợi đến khi các vùng này xanh mới được quay về. Trong ngày đầu nới lỏng giãn cách, người dân ở các vùng xanh đổ ra đường khá đông, một số hàng quán bán thực phẩm thiết yếu cũng bắt đầu mở lại, bán mang về.

Ngày 20/9, tỉnh Lào Cai đã cho phép nhiều dịch vụ được hoạt động trở lại trên địa bàn nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo quy định của Bộ Y tế. 

Theo đó, từ 5h ngày 20/9, các phòng tập gym, yoga, thể dục, thể thao, dạy múa,bể bơi trên địa bàn tỉnh Lào Cai được hoạt động trở lại nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch như: Đo thân nhiệt người đến tập, chia các ca tập để hạn chế đông người. Trong một thời điểm không được tập trung quá 20 người, khoảng cách ít nhất 1m giữa những người tập; thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn thiết bị máy móc, dụng cụ hỗ trợ người tập. Bố trí dung dịch sát khuẩn tay tại cửa ra vào và yêu cầu khách sát khuẩn tay ít nhất 2 lần (khi đến và trước khi về).

Đối với các dịch vụ nêu trên, chủ cơ sở phải tạo mã QR-code và yêu cầu khách đến bắt buộc phải khai báo y tế điện tử, check mã QR-code. Nếu không thực hiện đúng các quy định, để xảy ra hậu quả liên quan đến dịch Covid-19, chủ cơ sở hoàn toàn chịu trách nhiệm.

HỒNG HẠNH

Theo lsvn.vn

Thời gian đăng: 21/09/2021 06:25

Nguồn