Những cam kết, thỏa thuận căn cơ, sâu sắc về y tế

13/11/2021, 10:17

Các cam kết, thỏa thuận và đề xuất về y tế trong chuyến công tác châu Âu của Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác vừa có tính trước mắt, vừa gắn với chiến lược tổng thể trong hợp tác với các quốc gia. Đây sẽ là những hợp tác bài bản, căn cơ, sâu sắc và toàn diện.

Việc nâng cao hệ thống y tế dự phòng, xét nghiệm, phòng thí nghiệm, vaccine, sinh phẩm và thuốc là rất quan trọng - Ảnh: VGP/Hiền Minh

Hệ thống y tế dự phòng sẽ được đổi mới

Đánh giá cao các cam kết, thỏa thuận trong lĩnh vực y tế của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác trong chuyến đi châu Âu vừa qua, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, trong thời điểm hiện nay, vấn đề nâng cao hệ thống y tế dự phòng, xét nghiệm, phòng thí nghiệm, vaccine, sinh phẩm và thuốc là rất quan trọng. Thực tế đã chứng minh, trong giai đoạn chống dịch vừa qua, chúng ta đã gặp nhiều khó khăn từ trang thiết bị đến nhân lực, đặc biệt là y tế dự phòng còn hạn chế.

Trong chuyến công tác châu Âu của Thủ tướng đã có những ký kết, thỏa thuận hợp tác giữa các bộ ngành, doanh  nghiệp của Việt Nam với các đối tác của Pháp, Anh, vốn là những quốc gia có rất nhiều thành tựu về y học. Trong đó, Pháp là quốc gia có truyền thống y học lâu đời, đặc biệt là vấn đề y học dự phòng về vaccine, virus, vi khuẩn…

“Nếu như các lần trước, chúng ta cũng hợp tác với Pháp trong vấn đề về ngoại khoa và điều trị thì lần này, Thủ tướng đã dành thời gian, sự quan tâm cho vấn đề về y tế dự phòng, vaccine, sinh phẩm, các labo nghiên cứu dịch tễ… Đây là những vấn đề rất cần thiết ngay trước mắt trong công tác phòng, chống dịch cũng như chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của người dân”, PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Xét về tính chiến lược lâu dài, vị chuyên gia này cho biết, nước ta rất cần phải nâng chất lượng hệ thống dự phòng, nghiên cứu dịch tễ, các phòng thí nghiệm, phòng xét nghiệm…, mà Pháp lại là quốc gia có kinh nghiệm đào tạo nhân lực trong lĩnh vực này. Chính vì vậy, trong chuyến thăm và làm việc tại Viện Pasteur Paris (Pháp), Thủ  tướng đã đề nghị đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu chuyên sâu về y học phân tử, miễn dịch học, thuốc dự phòng, thuốc điều trị, hỗ trợ về công nghệ, nguồn nhân lực, hoàn thiện thể chế và nhất là tìm nguồn kinh phí cho việc nghiên cứu và mở rộng hợp tác của các Viện Pasteur, đặc biệt là sinh phẩm xét nghiệm, vaccine phòng chống, dịch bệnh liên quan đến các nước vùng nhiệt đới.

Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế Việt Nam và cơ quan chức năng của Pháp, các Viện Pasteur bắt tay ngay vào việc hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam.

“Từ vấn đề chuyên ngành, vấn đề sức khỏe nhưng các giải pháp trong chuyến đi lần này của Thủ tướng và đoàn công tác đặt ra đã gắn với chiến lược tổng thể trong hợp tác với các quốc gia. Tôi cho rằng, đây là những hợp tác bài bản, căn cơ, sâu sắc và toàn diện”, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam khẳng định.

Vị chuyên gia này cũng hy vọng, sau những thỏa thuận, cam kết, đề xuất này, hệ thống y tế dự phòng của nước ta sẽ được đổi mới, đặc biệt là đổi mới về vấn đề nhân lực.

Các thỏa thuận, cam kết mang tính chiến lược tổng thể lâu dài

Các thỏa thuận, cam kết và đề xuất của Thủ tướng Chính phủ trong chuyến công tác châu Âu vừa rồi không chỉ là các giải pháp mang tính trước mắt, mà còn là các giải pháp lâu dài được nâng tầm thành một chiến lược căn cơ và bài bản.

Thủ tướng đã làm việc với Tập đoàn Dược phẩm Sanofi và Công ty AstraZeneca - những hãng dược nổi tiếng trên thế giới. Trong đó, Sanofi đã sản xuất rất nhiều loại vaccine cho trẻ em và rất nhiều loại thuốc, AstraZeneca cũng đang sản xuất vaccine phòng COVID-19 với số lượng rất lớn.

Theo đó, Thủ tướng đã đề nghị Sanofi hỗ trợ, hợp tác với Việt Nam trong hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, đào tạo nâng cao trình độ nguồn nhân lực cũng như về tài chính, công nghệ, năng lực quản trị… để cải thiện năng lực y tế và phát triển ngành công nghiệp dược.

“Đó là những đề nghị, thỏa thuận trong lĩnh vực sản xuất thuốc - một lĩnh vực cũng rất cần thiết cho Việt Nam. Ngành dược của chúng ta hiện nay vẫn còn hạn chế, khó khăn. Có thể nói, các thỏa thuận, cam kết với 2 hãng này (Sanofi và AstraZeneca) sẽ là những hợp tác có giá trị lớn đối với chúng ta”, PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết.

Về phía AstraZeneca, Công ty này sẽ đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng (90 triệu USD) nhằm hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất dược phẩm trong nước, giúp bệnh nhân tiếp cận tốt hơn với các loại thuốc chất lượng cao được sản xuất ngay tại Việt Nam. Dự kiến, trong giai đoạn 2022-2030, sẽ có 3 sản phẩm thuốc quan trọng được sản xuất gia công trong nước.

Dưới sự hướng dẫn của Bộ Y tế, AstraZeneca sẽ lựa chọn một đối tác tại Việt Nam để chuyển giao công nghệ sản xuất và cung cấp những kiến thức chuyên môn, quy trình kỹ thuật cần thiết nhằm bảo đảm các sản phẩm thuốc điều trị bệnh không lây nhiễm của AstraZeneca được sản xuất trong nước sẽ có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn toàn cầu của tập đoàn.

Khoản đầu tư mới này nối tiếp khoản đầu tư trị giá 5.000 tỷ đồng (220 triệu USD) của AstraZeneca vào Việt Nam trong giai đoạn 2020-2024 được công bố vào năm 2019.

Bên cạnh đó, AstraZeneca và Công ty Cổ phần Vaccine Việt Nam (VNVC) đã ký thỏa thuận cung ứng thêm một số lượng vaccine COVID-19 của AstraZeneca và hỗn hợp kháng thể đơn dòng có tác dụng kéo dài lên tới 12 tháng mang tên AZD7442.

Bà Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc Cung ứng Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, sau hợp đồng đầu tiên đặt mua 30 triệu liều vaccine COVID-19 của AstraZeneca, Hệ thống tiêm chủng VNVC tiếp tục ký hợp đồng mua thêm 25 triệu liều, nâng tổng số vaccine mà VNVC đặt mua về Việt Nam đến thời điểm này lên tới 55 triệu liều. Gần 22 triệu liều vaccine COVID-19 của hợp đồng đầu tiên đã được chuyển về Việt Nam. Hợp đồng mua thêm 25 triệu liều vaccine COVID-19 tiếp theo trong năm 2022 được đánh giá là hợp đồng quan trọng, tiếp tục mang về cho Việt Nam nguồn vaccine chất lượng cao với số lượng lớn, đáp ứng nhu cầu cấp bách về vaccine cho người dân, đặc biệt bổ sung mũi tiêm nhắc lại cho lực lượng tuyến đầu chống dịch hoặc mũi 3 cho những người không có đáp ứng miễn dịch tốt.

“VNVC và AstraZeneca đang lên kế hoạch cung ứng hơn 25 triệu liều vaccine COVID-19 trong hợp đồng mới ký này về Việt Nam. Dự kiến, trong tháng 11/2021, sẽ hoàn thành bàn giao 30 triệu liều vaccine của hợp đồng đầu tiên để VNVC chuyển giao phi lợi nhuận toàn bộ số vaccine này cho Chính phủ như cam kết. Ngay sau đó, đầu tháng 12/2021, lô đầu tiên của hợp đồng mới ký này sẽ có mặt tại Việt Nam”, bà Vũ Thị Thu Hà cho biết.

Với sự hợp tác thành công thông qua bản ký thỏa thuận cung ứng vaccine này, ngay trong chuyến công tác của Thủ tướng và đoàn tại Vương quốc Anh, số lượng vaccine phòng COVID-19 về Việt Nam sẽ nhiều hơn nhằm đạt mục tiêu phủ vaccine cho người dân.

Hiền Minh 

Theo Báo điện tử Chính phủ

Thời gian đăng: 17:28, 12/11/2021

Nguồn