Phát triển bền vững các khu công nghiệp, khu chế xuất

28/10/2022, 08:12

Sau 30 năm phát triển, các KCN, KCX TPHCM đã đạt được những thành tựu đáng kể. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại những hạn chế cần được nhìn nhận và khắc phục để Thành phố có thể tiếp tục khẳng định vai trò đầu tàu.

Phát triển bền vững các khu công nghiệp, khu chế xuất - Ảnh 1.

Lũy kế đến tháng 9 năm 2022, các KCX, KCN TPHCM thu hút được 1.674 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 12,33 tỷ USD, trong đó vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỉ trọng 45%

Trong giai đoạn đầu thực hiện chính sách đổi mới, mở cửa theo tinh thần Nghị quyết Đại Hội Đảng lần thứ VI năm 1986, Chính phủ chủ trương làm thí điểm một mô hình kinh tế nhằm thực hiện chủ trương phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, mở cửa, thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế để phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Với sự quyết đoán của Chính phủ, cùng với nỗ lực của TPHCM, mô hình khu chế xuất đầu tiên của cả nước - khu chế xuất Tân Thuận đã được thành lập vào ngày 25/11/1991. Trong 4 năm thí điểm, từ năm 1992 đến năm 1996, TPHCM thành lập thêm 2 khu chế xuất (KCX), đó là Linh Trung 1 và Linh Trung 2.

Đến nay, TPHCM có 3 KCX và 14 khu công nghiệp (KCN) đi vào hoạt động với tổng diện tích 3.811,71 ha, đạt 64% diện tích quy hoạch của 23 KCX, KCN Thành phố, tỉ lệ lấp đầy đạt 77%.

Sau 30 năm phát triển, các KCN, KCX TPHCM đã đạt được những thành tựu đáng kể, tuy nhiên vẫn còn tồn tại những mặt hạn chế cần được nhìn nhận và khắc phục để Thành phố có thể tiếp tục khẳng định vai trò đầu tàu.

Bài 1: Phát triển các KCN, KCX: Vai trò đầu tàu của TPHCM có xu hướng giảm

Theo báo cáo, lũy kế đến tháng 9 năm 2022, các KCX, KCN TPHCM đã thu hút được 1.674 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 12,33 tỷ USD, trong đó vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng 45%. Bình quân hằng năm, các KCX, KCN Thành phố thu hút hơn 260 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, chiếm tỷ trọng 58% vốn đầu tư nước ngoài của Thành phố trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp.

Giá trị xuất khẩu trung bình hằng năm của KCX, KCN đạt 7 tỷ USD, chiếm trên 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của Thành phố; trung bình hằng năm nộp ngân sách Nhà nước hơn 22.000 tỷ đồng, chiếm 6% thu ngân sách Thành phố (không kể dầu thô). Các KCX, KCN đã giải quyết việc làm cho hơn 281.000 lao động, chiếm 6% lực lượng lao động của Thành phố, trong đó tính riêng lao động trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng là 18%.

Một trong những yếu tố quan trọng góp phần quyết định cho sự phát triển các KCX, KCN của Thành phố nói riêng và cả nước nói chung là cơ chế quản lý "một cửa tại chỗ". Cơ chế này ra đời và vận hành lần đầu tiên cùng với việc ra đời và phát triển của KCX Tân Thuận. Lần đầu tiên trong phạm vi cả nước, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho cơ quan quản lý đặc thù ở địa phương là Ban Quản lý các khu chế xuất Thành phố con dấu quốc huy và chỉ đạo các Bộ ủy quyền cho Ban Quản lý để xử lý tại chỗ những vấn đề phát sinh tại KCX. Với những bước tiến đột phá trong thu hút đầu tư vào các KCX, KCN tại Thành phố, cơ chế quản lý "một cửa tại chỗ" đã được nhân rộng, áp dụng rộng rãi và trở thành nguyên tắc hoạt động của các ban quản lý KCX, KCN, khu kinh tế (KKT) trong cả nước từ đó đến nay.

Phát triển bền vững các khu công nghiệp, khu chế xuất - Ảnh 2.

Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM, phát biểu tại Hội nghị tổng kết 30 năm thành lập các KCX, KCN Thành phố sáng 27/10 - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Nhận diện những khó khăn, hạn chế

Theo ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM, hiện chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư vào KCX, KCN tại Thành phố chưa đáp ứng yêu cầu phát triển theo chiều sâu, chưa thu hút được nhiều dự án có quy mô vốn đầu tư lớn, công nghệ tiên tiến với hàm lượng chất xám, giá trị gia tăng cao và có tính chất lan tỏa. Đa số các dự án có quy mô vốn nhỏ.

Nguyên nhân của việc này, theo ông Hưng, là do ở giai đoạn đầu phát triển, tiêu chí "lấp đầy" được đặt lên hàng đầu để giải quyết lao động thất nghiệp, tiếp cận với công nghệ, nguồn vốn và trình độ quản lý từ nước ngoài nên chưa có sự chọn lọc dự án đầu tư. Tính hấp dẫn của KCX, KCN Thành phố giảm về các mặt như: Chính sách ưu đãi, kết cấu hạ tầng đồng bộ, giá cho thuê lại đất, nguồn nhân lực; khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nên thiếu quỹ đất lớn.

Ngoài ra, hiệu quả sử dụng đất chưa cao. Tỉ suất thu hút đầu tư trung bình trên 01 ha đất công nghiệp đã cho thuê đạt 6,23 triệu USD. Tỉ lệ này tuy có gia tăng qua các thời kỳ nhưng vẫn tương đối thấp so với tiềm năng và lợi thế của Thành phố.

Hơn nữa, mô hình phát triển của các KCN chậm được đổi mới, các KCN chủ yếu phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực. Liên kết, hợp tác trong KCX, KCN, giữa các KCX, KCN với nhau và giữa KCX, KCN với khu vực bên ngoài còn hạn chế, mức độ nội địa hóa còn thấp; thiếu các KCN chuyên ngành, chuyên môn hóa.

Một hạn chế nữa, theo ông Hưng, là hạ tầng phục vụ KCN còn thiếu đồng bộ. Một số KCN được thành lập vào giai đoạn đầu nên thiếu các công trình hạ tầng xã hội phục vụ công nhân, do KCN không quy hoạch đủ đất dành cho các dự án dịch vụ, hạ tầng phúc lợi xã hội. Do đó, hạ tầng xã hội tại các KCX, KCN chưa đáp ứng được nhu cầu của hơn 71% lao động nhập cư từ các tỉnh. Hệ thống giao thông kết nối đến KCX, KCN mặc dù có cải thiện nhưng chưa được quy hoạch và đầu tư xây dựng đồng bộ với sự phát triển của KCX, KCN.

Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu đầu tư. Chương trình giảng dạy tại các trường còn mang nặng tính lý thuyết, chậm đổi mới, nội dung đào tạo chưa gắn với nhu cầu thực tiễn. Nhiều lao động đã được đào tạo qua trường lớp nhưng khi được tuyển dụng, doanh nghiệp vẫn phải đào tạo lại.

Vấn đề quan trọng không kém, theo ông Hưng, đó là mô hình quản lý theo cơ chế "một cửa tại chỗ" còn nhiều bất cập. Quy định về KCX, KCN chỉ chịu sự điều chỉnh ở cấp nghị định, chưa được thể chế hóa ở cấp luật. Vị trí, chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Ban Quản lý khu công nghiệp chưa rõ ràng, ổn định, nhất quán, chưa được phân cấp đầy đủ và đủ căn cứ pháp lý để triển khai thực hiện chủ trương cải cách thủ tục hành chính theo mô hình "một cửa, tại chỗ" của Chính phủ. Các văn bản quy phạm pháp luật quản lý chuyên ngành không thống nhất với quy định chức năng, nhiệm vụ của Ban Quản lý quy định tại Nghị định quy định về KCN, KKT. Để thực hiện hiệu lực và hiệu quả vai trò của mình, Ban Quản lý phải kiến nghị hoặc xin ủy quyền của các cơ quan chức năng, kể cả cấp sở và cấp quận, huyện.

Còn theo ông Nguyễn Hoàng Năng, nguyên Trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Thành phố, nhiều KCN chưa là đòn bẩy để tạo sự chuyển động mạnh mẽ về sản xuất, công nghiệp tập trung, chưa phát triển bền vững.

Việc xây dựng các KCX, KCN mang ý nghĩa chiến lược đối với kinh tế trên địa bàn Thành phố. Tuy nhiên, do bất lợi về hạ tầng giao thông kết nối và nhất là giá đất nông nghiệp, nên việc xây dựng mới và mở rộng các KCX, KCN tập trung gặp khó khăn. Sau 30 năm phát triển, diện tích các KCX, KCN tập trung mới chỉ đạt được khoảng 64,37% diện tích đất quy hoạch cho các KCX, KCN tập trung. Nếu không khắc phục được những bất lợi trên để mở rộng và phát triển mới các KCX, KCN thì không chỉ khó khăn đối với việc phát triển 4 nhóm ngành công nghiệp chủ lực, phát triển công nghiệp hỗ trợ, mà còn ảnh hướng đến mục tiêu kiểm soát sự ô nhiễm môi trường đối với các cơ sở công nghiệp nằm ngoài các KCN tập trung.

Ông Năng cũng cho rằng, cần nhận rõ, TPHCM là đơn vị mở đầu và dẫn đầu về phát triển KCN, KCX trong một thời gian dài, nhưng những năm gần đây, vai trò đầu tàu trong phát triển KCN, KCX có xu hướng giảm. Hiện có 6 doanh nghiệp FDI trong KCX, KCN được chứng nhận là doanh nghiệp công nghệ cao và hơn 20 doanh nghiệp khác đầu tư vào những lĩnh vực kỹ thuật công nghệ cao như: Cơ khí chính xác, linh kiện điện - điện tử, tự động hóa, thiết bị y tế cao cấp, pin năng lượng mặt trời… Đặc biệt, một số nhà đầu tư bắt đầu đi vào công nghệ của nền kinh tế tri thức như sản xuất con chíp, thiết kế vi mạch, như Công ty Mtex, Renesas,… Một số doanh nghiệp trong nước đạt chuẩn khoa học-công nghệ như Công ty Tiến Tuấn, Công ty Savifarm, Công ty Hoàng Hạc. Tuy nhiên, tỉ lệ doanh nghiệp công nghệ cao của các KCN, KCX vẫn ở mức thấp trên tổng số hơn 1.600 doanh nghiệp đang hoạt động trong KCX, KCN.

Anh Thơ

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Thời gian đăng: 27/10/2022 3:46 PM

Nguồn