Ra mắt Làng công nghệ Metaverse đầu tiên tại Việt Nam
Làng công nghệ Metaverse sẽ mở đầu cho xu hướng mới, một cổng kết nối quốc tế với Việt Nam, giúp tìm kiếm những tài năng của Việt Nam để tiến vào những sân chơi lớn.
Ra mắt làng Metaverse - Ảnh: VGP/Lưu Hương
Trong khuôn khổ Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia-Techfest Việt Nam 2022, sáng 15/6 tại TP. Đà Nẵng đã ra mắt Làng Metaverse.
Metaverse là nền tảng công nghệ đang nhận được sự quan tâm của giới chuyên môn toàn cầu, được tạo nên bởi công nghệ mô phỏng.
Phát biểu tại buổi lễ ra mắt Làng Metaverse, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ KH&CN), cho hay, tại Singapore, Seoul (Hàn Quốc), Thung lũng Silicon (Mỹ) và rất nhiều trung tâm khởi nghiệp sáng tạo khác trên thế giới đã quen thuộc với Metaverse. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên cụm từ này được xuất hiện trên bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam hướng đến quốc tế, đó là một xu hướng công nghệ, một mô hình kinh doanh rất mới, hướng tới tương lai.
"Làng Metaverse sẽ mở đầu cho xu hướng mới, một cổng kết nối quốc tế đến với Việt Nam, giúp tìm kiếm những tài năng của Việt Nam đến những sân chơi lớn", ông Phạm Hồng Quất chia sẻ.
Làng Metaverse lựa chọn Đà Nẵng là nơi ra mắt vì nơi đây có hệ sinh thái hỗ trợ các tài năng trẻ rất tốt, từ các tập đoàn, các trường đại học, các sở ngành, có nhiều sáng kiến được quốc tế đánh giá cao.
Cũng theo Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Chính phủ, các tập đoàn cần phải là người ra đề, dẫn dắt, đặt hàng, sử dụng những sản phẩm của thế hệ trẻ, sau đó lan tỏa ra nền kinh tế quốc gia; những người đi trước trong vai trò cố vấn phải là những huấn luyện viên, luôn thúc đẩy để các bạn trẻ đổi mới sáng tạo.
"Có thất bại cũng không nề hà, sẵn sàng làm lại, tập hợp nhóm lại với nhau để làm sức mạnh tổng hợp chung để cạnh tranh với quốc tế, đây chính là một trong những mục tiêu mà Làng Metaverse được hình thành và triết lý hoạt động của làng trong bối cảnh vừa hợp tác, vừa cạnh tranh, hội nhập với quốc tế", Phạm Hồng Quất mong muốn.
Sự kiện Làng Metaverse ra mắt nhằm lan toả, góp phần đưa công nghệ thực tế ảo từng bước ứng dụng vào cuộc sống, kết nối startup Việt Nam với quốc tế và tiếp cận với những nền tảng công nghệ mới nhất, bắt kịp xu hướng công nghệ toàn cầu và tạo ra được giá trị mới trong lĩnh vực công nghệ thực tế ảo tại Việt Nam.
Triển lãm các sản phẩm Metaverse - Ảnh: VGP/Lưu Hương
Theo, ông Võ Đức Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng, Trưởng Làng Metaverse cho hay, trong năm 2022, Làng Metaverse sẽ tổ chức nhiều chương trình, sự kiện lớn như: Hỗ trợ 800 doanh nghiệp lên Metaverse; tổ chức cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Metaverse, tham dự Diễn đàn toàn cầu Metaverse tại Hàn Quốc, tọa đàm hằng tháng về Metaverse, mô hình đô thị thông minh trên Metaverse; phối hợp các địa phương trong nước tổ chức sự kiện Techfest địa phương. Ngoài ra, làng cũng sẽ ra mắt quỹ học bổng nhằm tài trợ cho những dự án nghiên cứu về metaverse, blockchaik, kinh tế số.
"Đặc biệt, việc tìm kiếm các dự án Metaverse tiềm năng để giới thiệu cho các nhà đầu tư, hỗ trợ cho các dự án phát triển thành kỳ lân công nghệ, đó là ước mơ của chúng tôi", ông Võ Đức Anh, Trưởng Làng Metaverse kỳ vọng.
Ngay sau lễ ra mắt, hội thảo khoa học "Metaverse-giải mã và đối thoại với tương lai" đã được tổ chức.
Hội thảo quy tụ các nhà quản lý, chính sách, chuyên gia trong và ngoài nước về Metaverse cùng thảo luận, chia sẻ làm rõ các tiềm năng, xu hướng, cơ hội, thách thức đối với Metaverse. Bên cạnh đó là hoạt động triển lãm các sản phẩm Metaverse do các startup công nghệ trình diễn.
Trong cấu phần của Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia - Techfest 2022 có hơn 30 làng công nghệ, trong đó có Làng Metaverse được hình thành mới lần đầu tiên trong năm 2022 nhằm đánh giá và nắm bắt xu hướng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn với Metaverse trong thời gian tới. Metaverse được xem là internet thế hệ mới thay đổi cách chúng ta sống, làm việc với các vấn đề thường gặp như giáo dục, kinh tế, quản lý... Dự kiến đến năm 2030, quy mô thị trường sẽ vào khoảng 1.000 tỷ USD theo nghĩa hẹp, 8.000 tỷ USD theo nghĩa rộng.
Lưu Hương
Theo Báo điện tử Chính phủ
Thời gian đăng: 15/06/2022 14:44