Start-up Việt: Kỳ vọng phát triển mạnh mẽ sau đại dịch
Nhiều chuyên gia nhận định, đại dịch COVID-19 là chất xúc tác mạnh mẽ để các mô hình kinh doanh đột phá xuất hiện. Với những nỗ lực từ phía Chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số và tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, các start-up Việt sẽ có nhiều cơ hội để bứt phá khi hoạt động đầu tư dần phục hồi.
Trong bối cảnh dịch COVID-19, nhiều start-up tăng trưởng mạnh nhờ sản phẩm và công nghệ phù hợp với thời đại - Ảnh: HG |
Chất xúc tác mạnh mẽ
Từ năm 2016, khi Thủ tướng Chính phủ phát động Năm quốc gia khởi nghiệp, làn sóng start-up đã nhanh chóng lớn mạnh, phủ khắp các lĩnh vực và lan tỏa ra cả nước. Nhiều mô hình, ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, đặc biệt là của các bạn trẻ, đã đạt được thành công, góp phần phát triển kinh tế-xã hội và tạo việc làm cho người lao động.
Trong gần 2 năm qua, giống như mọi doanh nghiệp trong nền kinh tế, các công ty start-up cũng gánh chịu những tác động nặng nề từ đại dịch COVID-19.
Chia sẻ điều này, ông Trần Quang Hưng, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội, đại diện Quỹ đầu tư Vinacapital Ventures, nhà đồng sáng lập mô hình không gian làm việc chung Up Co-working Space cho biết, qua khảo sát, trong năm vừa qua, khoảng một nửa lượng đầu tư mạo hiểm vào các start-up Việt Nam đã giảm.
“Tuy nhiên, trong khó khăn luôn có những cơ hội xuất hiện và doanh nghiệp nào nhanh nhạy, thay đổi kịp với thời cuộc có thể mang lại giá trị, đột phá mới”, ông Trần Quang Hưng nhấn mạnh.
Và cũng không thể phủ nhận có những start-up tăng trưởng mạnh nhờ sản phẩm và công nghệ phù hợp với thời đại và bối cảnh chống dịch.
Anh Vương Hoài Nam, Giám đốc Công nghệ của Techainer (Tốp 10 Giải pháp trí tuệ nhân tạo Việt Nam năm 2020 cung cấp các giải pháp công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) giúp doanh nghiệp quản trị rủi ro) cho hay, trong khi rất nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng và thực hiện giãn cách xã hội theo yêu cầu phòng, chống dịch thì đặc thù của ngành công nghệ thông tin là ít bị ảnh hưởng nhất bởi họ ít sử dụng nguyên, vật liệu và có thể duy trì làm việc từ xa.
Đó cũng chính là lợi thế của Techainer, giúp họ duy trì hoạt động trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Đặc biệt, để cải thiện các vấn đề đang gặp phải, nhiều doanh nghiệp lại quan tâm đến ứng dụng công nghệ để cải thiện hoạt động, cải cách lại bộ máy, dễ dàng bắt nhịp với thị trường sau khi dịch bệnh được kiểm soát và doanh nghiệp được hoạt động trở lại. Theo đó, 9 tháng đầu năm 2021, tổng giá trị hợp đồng mà Techainer ký kết đã lên tới 9 con số, tăng trưởng 150% so với cùng kỳ năm 2020.
Không chỉ có AI, trong bối cảnh dịch COVID-19, khi sự quan tâm đổ dồn về phía công nghệ tiên phong thì blockchain như một “thỏi nam châm” thu hút các start-up trong công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam.
Là một start-up khá thành công hiện nay, anh Đặng Vương Anh, nhà sáng lập của TAPME (một ứng dụng game sử dụng công nghệ blockchain) chia sẻ, sau không ít lần “bầm dập” khi khởi nghiệp, nhóm đã tìm ra hướng đi mới, đó là việc sử dụng công nghệ blockchain như một công cụ quản lý tài khoản của người chơi, bảo đảm tính công bằng và minh bạch.
Dù đang trong quá trình chạy thử nhưng bản Alpha của TAPME thu được kết quả khá ấn tượng khi số lượng người đăng ký sử dụng (user) trong 2 tuần qua đạt gần 1,9 triệu (tại Việt Nam); lượt người theo dõi (followers) trên Telegram là gần 180.000, trên kênh Twitter là hơn 50.000.
Theo anh Đặng Vương Anh, công nghệ blockchain đang phát triển nhanh chóng tại Việt Nam. Tạp chí Forbes cũng dự đoán Việt Nam sẽ sớm trở thành trung tâm sáng kiến phát triển blockchain của khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, anh Đặng Vương Anh cho rằng, blockchain không phải là một "bức tranh toàn màu hồng". Trên thị trường, có không ít “mảng tối” như giá trị giao dịch khổng lồ làm gia tăng đột biến lượng hacker nhằm trục lợi trên sản phẩm. Do xây dựng trên công nghệ mới nên các nền tảng còn nhiều lỗ hổng. Tính ẩn danh và sự thiếu hiểu biết của nhà đầu tư cũng dẫn đến nhiều dự án có vấn đề, tạo tiếng xấu chung cho công nghệ này. Thế nên, blockchain giống như “miền Tây hoang dã”, nhiều cạm bẫy nhưng cũng là mảnh đất màu mỡ để khai phá. Trong đó, Việt Nam hội tụ nhiều yếu tố để nắm bắt cơ hội này, đặc biệt trong thời điểm gần như có vạch xuất phát ngang hàng với các quốc gia phát triển khác.
Nhiều cơ hội bứt phá
Theo nhận định của ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, các start-up được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ sau thời kỳ COVID-19 ở Việt Nam.
Theo HSBC, trong những năm gần đây, Việt Nam nổi lên như một trung tâm khởi nghiệp, gần theo kịp các quốc gia như Indonesia và Singapore. Với nền dân số trí thức trẻ, độ phủ mạng internet và tỉ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao cùng sự ủng hộ của Chính phủ, Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững vị thế là điểm đến hấp dẫn với cả nhà đầu tư lẫn công ty công nghệ.
Báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư công nghệ Việt Nam do Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) công bố tháng 6/2021 cũng phân tích triển vọng năm 2021 rằng, mặc dù thị trường đầu tư công nghệ Việt Nam có sự chững lại do tác động của COVID-19 nhưng các nhà sáng lập tại Việt Nam đã tận dụng mọi nguồn lực có thể để trụ vững và tiếp tục phát triển. Khủng hoảng luôn là chất xúc tác mạnh mẽ để các mô hình kinh doanh đột phá xuất hiện.
“Với những nỗ lực từ phía Chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số và tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, các start-up Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để bứt phá khi hoạt động đầu tư dần phục hồi”, Báo cáo nhận định.
Mới đây, Quỹ đầu tư mạo hiểm Golden Gate Ventures của Singapore cũng nhận định, cuối thập kỷ này, sẽ có thêm nhiều start-up ở Đông Nam Á xuất hiện với số lượng các công ty phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) hằng năm trong khu vực này dự kiến sẽ vượt qua con số 300 vào năm 2030.
Trong số đó, Việt Nam được đánh giá là “ngôi sao đang lên” của khu vực và sẽ trở thành quốc gia có hệ sinh thái khởi nghiệp lớn thứ 3 ở Đông Nam Á vào năm 2022 với thêm nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm trong khu vực cam kết rót vốn đầu tư giai đoạn đầu vào các công ty khởi nghiệp tại đây.
Bà Nguyễn Thị Diệu Hằng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TPHCM cũng cho hay: “Đây là giai đoạn có thể tái khởi nghiệp rất mạnh mẽ vì thời điểm này, chi phí thấp hơn so với bình thường. Chẳng hạn như chi phí mặt bằng bây giờ sẽ ít hơn, chi phí nhân sự cũng thấp hơn”.
Theo ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ KH&CN), các start-up đã đưa ra nhiều giải pháp ngay trong bối cảnh đại dịch và hy vọng sau này sẽ có thêm nhiều giải pháp hơn nữa. Chẳng hạn như trong lĩnh vực giáo dục, y tế, những ý tưởng của start-up Việt dường như đi trước một bước. Đây chính là cơ hội để lan tỏa những ý tưởng đó, tuy nhiên, để làm được điều này, cần sự chung tay của rất nhiều bộ, ban, ngành để mở đường cho những ý tưởng mới.
Vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố Dự án “Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp có tính đổi mới sáng tạo” (ADB Ventures). Hoạt động sẽ được thực hiện trong 2 năm (2021-2023) với sự tài trợ của ADB nhằm tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn đầu tư mạo hiểm cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Hoàng Giang
Theo Báo điện tử Chính phủ
Thời gian đăng: 15:25, 19/10/2021