Tác động của giáo dục và đào tạo tới tăng trưởng kinh tế và hội nhập quốc tế

18/08/2021, 14:19

Quan điểm, định hướng lớn về phát triển giáo dục và đào tạo của nước ta đã được, thể hiện rõ trong văn kiện đại hội Đảng toàn quốc với các quan điểm lớn như: “Phát triển giáo dục và đào tạo cùng với phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư cho phát triển. Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo nhu cầu phát triển của xã hội”; “Lấy chất lượng và hiệu quả đầu ra làm thước đo. Xây dựng và triển khai thực hiện lộ trình tiến tới miễn học phí đối với học sinh phổ thông, trước hết là đối với học sinh tiểu học và trung học cơ sở”; “chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, phát huy nhân tài; đào tạo nhân lực cho phát triển kinh tế tri thức”…..

Tiến sĩ Phạm Kim Thư, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị cho rằng đây là một chủ trương rất đúng đắn của Đảng và Nhà nước, qua đó thấy rằng Đảng, Nhà nước xác định Giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư cho phát triển. Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo nhu cầu phát triển của xã hội. Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc trong ngành Giáo dục, Tiến sĩ cho rằng, xây dựng một xã hội học tập sẽ giúp tăng trưởng kinh tế và hội nhập quốc tế. Sau đây là trao đổi của Tiến sĩ Phạm Kim Thư với Tạp chí Đồng hành Việt.

PV: Xin ông cho biết ảnh hưởng của giáo dục và đào tạo tới tăng trưởng kinh tế và hội nhập quốc tế của mỗi quốc gia như thế nào?

Toàn cầu hóa và thương mại quốc tế đòi hỏi các quốc gia và nền kinh tế của họ phải cạnh tranh với nhau. Các quốc gia có nền kinh tế mạnh sẽ nắm giữ lợi thế cạnh tranh. Một nền kinh tế phát triển sẽ bao gồm nhiều ngành công nghiệp khác nhau với những lợi thế cạnh tranh khác nhau trên thị trường toàn cầu. Hệ thống giáo dục và nền kinh tế của một quốc gia có mối quan hệ qua lại với nhau. Chúng vừa là phương tiện vừa là kết quả của quá trình tác động lẫn nhau. Nền kinh tế không phát triển thì giáo dục cũng không phát triển. Giáo dục không phát triển thì không đủ nhân lực giúp cho kinh tế phát triển. Cả hai đều mang lại lợi ích cho xã hội, giúp các quốc gia phát triển bền vững. Qua đó có thể thấy rằng việc phát triển nguồn nhân lực của một quốc gia sẽ quyết định nền kinh tế của quốc gia đó hoạt động như thế nào; Sự khác biệt về trình độ đào tạo là một yếu tố quan trọng ngăn cách các quốc gia phát triển và đang phát triển; Năng suất của một nền kinh tế tăng lên khi số lượng lao động có trình độ học vấn tăng lên vì những người lao động có tay nghề cao có thể thực hiện các nhiệm vụ hiệu quả hơn….

Ở tất cả các Quốc gia hiện nay giáo dục được chia thành các cấp độ: mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông - trung cấp - dạy nghề, cao đẳng - đại học, sau đại học. Ở Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ, khung cơ cấu giáo dục quốc dân được quy định tại Quyết định số 1981/QĐ-TTg ngày 18/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Nền kinh tế của một quốc gia trở nên năng suất hơn khi tỷ lệ lao động có trình độ cao tăng lên. Tuy nhiên, để đạt được trình độ giáo dục cao hơn là cả một quá trình, cần phải có triết lý giáo dục rõ ràng, phải có chiến lược phát triển giáo dục đào tạo bài bản, tư duy về giáo dục đối với người sử dụng lao động, lao động cần phải thay đổi, tạo ra một xã hội học tập, nơi mà tất cả mọi người, nhất là những đối tượng yếu thế trong xã hội: người nghèo, người khuyết tật đều được học tập…... Một quốc gia không nhất thiết cung cấp một mạng lưới rộng lớn các trường cao đẳng hoặc đại học để được hưởng lợi từ giáo dục; nó có thể cung cấp các chương trình xóa mù chữ cơ bản nhất là đối với trẻ em khuyết tật, trẻ em nghèo, trẻ em tại các khu vực vùng núi, vùng xâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và vẫn có những cải thiện về kinh tế. Các quốc gia có tỷ lệ dân số đi học và tốt nghiệp nhiều hơn có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh hơn các quốc gia có lao động ít học. Do đó, nhiều quốc gia hầu như miễn học phí cho giáo dục tiểu học và trung học, cho những học sinh là hộ nghèo, là trẻ em khuyết tật để cải thiện hoạt động kinh tế. Theo nghĩa này, giáo dục là đầu tư vào vốn con người, tương tự như đầu tư vào trang thiết bị tốt hơn. Theo UNESCO và Chương trình Phát triển Con người của Liên hợp quốc, tỷ lệ giữa số trẻ em trong độ tuổi được đi học trên số trẻ em trong độ tuổi đi học cao hơn ở các quốc gia phát triển hơn là ở các quốc gia đang phát triển.

Đối với doanh nghiệp, năng lực của người lao động có thể được coi như một tài sản. Tài sản này giúp doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm và dịch vụ có thể bán được. Một công ty sử dụng càng nhiều công nhân được đào tạo tốt thì công ty đó về mặt lý thuyết càng có thể sản xuất nhiều hơn. Một nền kinh tế trong đó người sử dụng lao động coi giáo dục như một tài sản thường được gọi là nền kinh tế dựa trên tri thức. Đầu tư vào giáo dục liên quan đến chi phí cơ hội cho người lao động. Giờ học trên lớp đồng nghĩa với việc ít thời gian hơn để làm việc và kiếm thu nhập. Do đó, mặc dù thu nhập của một nhân viên có thể thấp hơn trong thời gian ngắn (khi tham gia các khóa học nâng cao trình độ), nhưng mức lương có thể sẽ cao hơn trong tương lai, sau khi quá trình đào tạo hoàn thành.

PV: Ông có thể cho biết rõ hơn về tác động của đào tạo đến nền kinh tế như thế nào?

Một nền kinh tế thành công nhờ có một lực lượng lao động có khả năng vận hành các ngành công nghiệp ở trình độ cao mà nền kinh tế đó đang giữ lợi thế cạnh tranh so với nền kinh tế của các quốc gia khác. Các quốc gia có thường đưa ra các chính sách phát triển nguồn nhân lực như giảm thuế, cung cấp cơ sở vật chất cho các cơ sở đào tạo để tạo đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài....Mặc dù mỗi quốc gia thường không có khả năng giữ lợi thế cạnh tranh trong tất cả các ngành, nhưng có thể tập trung vào một số ngành mà nguồn nhân lực lành nghề được đào tạo dễ dàng hơn. Sự khác biệt về trình độ đào tạo là một yếu tố quan trọng ngăn cách các quốc gia phát triển và đang phát triển. Mặc dù còn các yếu tố khác, như địa lý và các nguồn lực sẵn có, nhưng việc có nguồn nhân lực được đào tạo tốt hơn sẽ tạo ra sự lan tỏa trong toàn bộ nền kinh tế. Một yếu tố bên ngoài có thể có tác động tích cực đến nền kinh tế do lực lượng lao động được đào tạo bài bản. Nói cách khác, tất cả các doanh nghiệp đều được hưởng lợi từ yếu tố này, sẽ có nguồn lao động lành nghề để tuyển dụng vào làm việc. Trong một số trường hợp, nguồn nhân lực có kỹ năng cao có thể tập trung ở một khu vực địa lý cụ thể như các thành phố lớn, các khu công nghệ cao….. Do đó, các doanh nghiệp có thể chọn giải pháp là đặt trụ sở, sản xuất, kinh doanh tại một khu vực địa lý theo nguồn nhân lực có kỹ năng cao đó.

Nhiều quốc gia hiện nay rất chú trọng đến việc phát triển một hệ thống giáo dục có thể tạo ra những người lao động có khả năng hoạt động trong các ngành công nghiệp mới, chẳng hạn như khoa học và công nghệ. Điều này một phần là do các ngành công nghiệp cũ đã trở nên kém cạnh tranh hơn, và do đó ít có khả năng tiếp tục thống trị nền kinh tế trong bối cảnh các cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra liên tục. Ngoài ra, một phong trào nâng cao trình độ học vấn cơ bản của người dân đã nổi lên, với niềm tin ngày càng tăng rằng tất cả mọi người đều có quyền được học hành.

PV: Còn đối với nhà tuyển dụng thì thế nào thưa ông?

Lý tưởng nhất là các doanh nghiệp, tổ chức có đội ngũ nhân lực làm việc hiệu quả và ít phải chi phí cho công tác quản lý họ. Người sử dụng lao động phải cân nhắc nhiều yếu tố khi quyết định có trả tiền cho việc đào tạo nhân viên hay không như: Chương trình đào tạo sẽ làm tăng năng suất của người lao động? Việc tăng năng suất sẽ đảm bảo chi phí trả cho toàn bộ hay một phần của khóa đào tạo? Nếu người sử dụng lao động trả tiền đào tạo, liệu người lao động có rời công ty để đến với đối thủ cạnh tranh sau khi chương trình đào tạo hoàn thành không? Liệu người lao động mới được đào tạo có yêu cầu tăng lương không? Nếu việc tăng lương được đảm bảo là do kết quả của khóa đào tạo, liệu việc tăng năng suất và lợi nhuận có đủ để bù đắp cho khoản tăng lương và chi phí đào tạo không? Có nên đào tạo đối với những người lao động là người khuyết tật hay không? Để tránh cho việc người lao động mới được đào tạo rời đi, nhiều người sử dụng lao động yêu cầu người lao động phải ở lại công ty trong một khoảng thời gian nhất định để đổi lấy việc được đào tạo, được trả lương.

PV: Theo ông thì đối với người lao động, họ nên làm gì để nâng cao thu nhập của mình?

Thu nhập của Người lao động sẽ được tăng thêm bằng cách phát triển và hoàn thiện các năng lực và kỹ năng của mình. Người lao động có chuyên môn sâu về một công việc cụ thể, một ngành cụ thể, họ càng trở nên có giá trị hơn đối với nhà tuyển dụng. Vấn đề đặt ra là người lao động nên chủ động cập nhật các kỹ thuật tiên tiến hoặc kỹ năng mới để có được công việc với mức lương cao hơn. Thông thường, người lao động sẽ mong muốn mức lương cao hơn, nhưng với tỷ lệ phần trăm nhỏ hơn so với mức năng suất mà người sử dụng lao động đạt được. Nhất là đối tượng lao động đặc biệt là người khuyết tật, khi mà những người này có nhiều hạn chế nhất định trong khi thực hiện công việc so với lao động bình thường. Do đó, việc học tập nâng cao trình độ sẽ là phương án hiệu quả nhất trong việc đáp ứng được yêu cầu cao của công công, từ đó nâng cao được mức lương như mong muốn. Khi tham gia học tập nâng cao trình độ người lao động cần phải xem xét một số yếu tố như: Họ có thể mong đợi đạt được thêm bao nhiêu năng suất? Chi phí cho việc học tập như thế nào? Liệu với mức lương được tăng thêm có đảm bảo đủ cho chi phí tham gia học tập không? Thị trường lao động có bão hòa với lao động được đào tạo trong chuyên ngành đó không? Người lao động có thể bị mất thu nhập so với trước đây khi họ phải vừa đi học vừa đi làm trong khoảng thời gian tương đối dài như vậy không?.....

PV. Theo ông, chúng ta cần làm gì để nâng cao hơn nữa vai trò của giáo dục và đào tạo tới tăng trưởng kinh tế và hội nhập quốc tế?

Chúng ta cần tiếp tục xây dựng xã hội học tập, gần nhất ngày 30/07/2021 Thủ tưởng Chính phủ đã phê duyệt đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030 (Quyết định số 1373/Qđ-TTg), với một số giải pháp chính đã được Thủ tưởng Chính phủ chỉ đạo như:

Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho người dân và toàn xã hội về học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập trong điều kiện phát triển nền kinh tế số, xã hội số thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông xã hội, hệ thống thông tin cơ sở, các cơ sở giáo dục và các phương thức khác;

Thứ hai, hoàn thiện cơ chế, chính sách về xây dựng xã hội học tập: Nghiên cứu, đề xuất xây dựng dự án Luật học tập suốt đời.;  Xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành: Tiêu chí đánh giá việc thực hiện xây dựng xã hội học tập của các địa phương; tiêu chí công dân học tập; tiêu chí công nhận huyện học tập, tỉnh học tập; khung năng lực thông tin phục vụ học tập suốt đời cho công dân; Rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ các trung tâm học tập cộng đồng, nhất là các trung tâm học tập cộng đồng ở các xã biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân, người lao động được đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp; hỗ trợ những người hết tuổi lao động, người nội trợ, người khuyết tật có điều kiện thuận lợi để học tập suốt đời

Thứ ba, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức các hoạt động học tập suốt đời.

Thứ tư, đẩy mạnh hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng. Tăng cường công tác phối hợp, liên kết giữa các ngành, tổ chức, đơn vị, cơ sở giáo dục, cơ sở văn hóa thể thao để tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng thiết thực, hiệu quả gắn với phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương; Tăng cường tổ chức các lớp phổ biến kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ và xóa mù chữ gắn với dạy nghề truyền thống, dạy nghề ngắn hạn và phát triển cộng đồng….

PV: Xin cảm ơn ông!

Đinh Nguyên

Theo donghanhviet.vn

Thời gian đăng: 18/08/2021 - 08:20

Nguồn