Tăng trưởng nông nghiệp là ‘tấm đệm’ đảm bảo an sinh xã hội

22/07/2021, 18:26

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn ra phức tạp, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng 3,82% trong 6 tháng đầu năm. Sự tăng trưởng này không những là “tấm đệm” đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo an ninh lương thực trong giai đoạn khó khăn mà còn chứng tỏ sự chuẩn bị và thực thi các chính sách kinh tế nông nghiệp đã thực sự phát huy hiệu quả.

PGS. TS Phạm Tất Thắng - Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Đây là nhận định của PGS.TS Phạm Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp của Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương khi trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ về mức tăng trưởng ấn tượng của ngành nông nghiệp trong thời gian qua.

Tạo được “đường cao tốc” trong xuất khẩu nông, lâm, thủy sản

Ông đánh giá thế nào về tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong những tháng đầu năm, đặc biệt là xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản tăng hơn 28% so với cùng kỳ năm 2020, thưa ông?

PGS.TS Phạm Tất Thắng: Cách đây không lâu, nhiều ý kiến lo lắng cho xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản của Việt Nam nhưng trên thực tế thì cả năm 2020 và đầu năm 2021, xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp diễn ra tương đối thuận lợi. Điều này biểu hiện ở việc nhiều mặt hàng nông sản đạt gia trị tỷ đô và vào được chuỗi cung ứng của các thị trường hiện đại như: Nhật Bản, Australia, châu Âu, Mỹ… Nhiều mặt hàng được đánh giá cao như vải thiều, xoài, nhãn, vú sữa…

Điều đáng mừng hơn là chúng ta đã thiết lập được chuỗi giá trị từ khâu thu hoạch, đóng gói và vận chuyển đến thị trường muốn tiêu thụ. Lần đầu tiên chúng ta đã sử dụng phương tiện hiện đại như máy bay để vận chuyển nông sản, thực phẩm kịp thời, đảm bảo chất lượng tốt nhất khi đến tay người tiêu dùng.

Tôi cho rằng, kết quả này cho thấy, chúng ta đã có những bước chuẩn bị về chính sách rất tốt để tận dụng tối đa các cam kết trong thương mại tự do với các thị trường hiện đại, tạo thuận lợi đưa sản phẩm nông sản vào các thị trường khó tính. Ví dụ, việc ký Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) đã mang lại nhiều lợi ích trong xuất khẩu nông sản, đưa được gạo, tôm sang châu Âu… trong bối cảnh khó khăn vì đại dịch như hiện nay.

Nguyên nhân chính tạo nên sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp nói chung và xuất khẩu các sản phẩm của ngành này nói riêng là gì, thưa ông?

PGS.TS Phạm Tất Thắng: Tôi cho rằng gốc rễ sâu xa là thị trường thế giới vẫn có nhu cầu lớn và đánh giá cao các sản phẩm nông nghiệp vùng nhiệt đới của Việt Nam. Điều quan trọng là chúng ta đã tận dụng cơ hội và phát huy lợi thế đó.

Chính phủ đã ký các hiệp định thương mại tự do tạo nên các “đường cao tốc” trong xuất khẩu nông sản, nối con đường sản xuất đến tận nơi tiêu thụ. Cùng với đó, ngành nông nghiệp đã bước đầu ứng dụng được khoa học công nghệ để cho ra các sản phẩm chất lượng hơn và quan trọng là phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng, thị trường xuất khẩu.

Cùng với đó, các chính sách xây dựng thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý… cho nông sản cũng được ngành nông nghiệp làm tương đối tốt. Điều này rất phù hợp với chiến lược điều hành “mục tiêu kép” của Chính phủ hiện nay.

“Mục tiêu kép” giúp nông dân được mùa, được giá

Nói đến “mục tiêu kép” của Chính phủ đó là vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, ông nhìn nhận thế nào về việc thực hiện quan điểm điều hành này của Chính phủ trong phát triển nông nghiệp, thưa ông?

PGS.TS Phạm Tất Thắng: Trước những đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19, chỉ đạo điều hành của Chính phủ  về “mục tiêu kép” rất sát sao. Các bộ, ngành cũng đã áp dụng phù hợp và tạo được sự chuyển biến rõ nét.

Tôi lấy ví dụ mặt hàng vải thiều của Bắc Giang. Để có được vụ vải thành công như vừa qua, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương đã vào cuộc rất nhanh, phối hợp với tỉnh, huyện, xã, nắm bắt rõ nhu cầu từ địa phương, kịp thời giải quyết các nhu cầu đó. Đặc biệt trong mùa dịch, chúng ta vẫn đưa thương nhân nước ngoài đến được vùng vải để họ tiếp cận được nguồn hàng, vừa thúc đẩy bán hàng vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

Cùng với đó, cơ quan chức năng đã làm những thủ tục hết sức kịp thời để các container xuống tận xã, thôn nhận hàng đưa đi. Với sự phối hợp chặt chẽ từ Bộ, ngành đến địa phương và người sản xuất, quả vải của Việt Nam đã đi được đến những thị trường khó tính như Nhật Bản, Australia.

Không những vậy, việc phối hợp giữa cơ quan chính quyền các cấp và những hội, đoàn thể, các sàn thương mại điện tử trong nước đã giúp không chỉ xuất khẩu thuận lợi mà tiêu thụ nội địa cũng rất tốt. Tôi cho rằng, những chính sách phù hợp, đúng trọng tâm, trọng điểm đã giúp người nông dân thu hoạch nông sản vừa được mùa, vừa được giá dù dịch bệnh tác động tiêu cực đến quá trình sản xuất và tiêu thụ.

Với diễn biến tình hình dịch bệnh còn hết sức phức tạp như hiện nay, ông có cho rằng việc phấn đấu “mục tiêu kép” là phù hợp?

PGS.TS Phạm Tất Thắng: Tôi được biết Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trưởng tới 6,7%, đây là mục tiêu hết sức cao và cần nhiều nỗ lực. Dịch COVID-19 bùng phát trở lại khiến việc hoàn thành mục tiêu này trở nên khó khăn hơn . Tuy nhiên, tôi vẫn ủng hộ việc tập trung chỉ đạo thực hiện “mục tiêu kép”.

Tôi cho rằng, chỉ đạo điều hành của Chính phủ rất khẩn trương và quyết liệt nhưng lại cũng rất mềm mỏng và phù hợp với tình hình thực tế. Chính phủ đã điều hành linh hoạt “mục tiêu kép”, căn cứ vào thực tế của từng lĩnh vực, từng địa phương để có các biện pháp cụ thể khác nhau chứ không công thức, không giống nhau.

Quan trọng nhất, sự huy động và vào cuộc quyết liệt của Thủ tướng và Chính phủ đã kéo theo sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Tôi cảm giác các địa phương muốn chậm, muốn ì cũng không được.

Theo ông, trong thời gian tới, Chính phủ cần tập trung vào những điểm nào trong chỉ đạo điều hành để phát triển nông nghiệp nói riêng và kinh tế nói chung trong bối cảnh khó khăn hiện nay?

PGS.TS Phạm Tất Thắng: Mục tiêu của chúng ta tương đối rõ nhưng phụ thuộc kết quả chống dịch COVID-19. Tôi cho rằng, nếu chúng ta thực hiện tốt chống dịch và nhất quán chủ trương “mục tiêu kép” thì cần chú ý nhiều hơn nữa đến phát triển nền kinh tế số, doanh nghiệp số, làm thể nào để hàng hoá được lưu thông và sản xuất dựa vào công nghiệp số nhiều hơn nữa.

Có một điều tôi vẫn băn khoăn là dù Chính phủ đã có chủ trương và nhìn ra tiềm năng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, coi bộ phận này là động lực phát triển kinh tế, tuy nhiên các doanh nghiệp này vẫn chưa thực sự vào cuộc. Có lẽ, cần định hướng cho đối tượng doanh nghiệp rõ ràng hơn để họ ý thức được vị trí của mình và có đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển kinh tế của đất nước.

Bên cạnh đó, dưới góc độ là người nghiên cứu chính sách, tôi cho rằng cách điều hành và vận hành của nhiều bộ, ngành vẫn chưa hướng về doanh nghiệp và thực sự làm những việc doanh nghiệp cần. Đó là trở ngại lớn trong phát triển kinh tế

Trong khi các địa phương đã nhận thức rõ việc nếu không quyết liệt sẽ bị tụt hậu, nghèo đói hơn “hàng xóm” (các địa phương khác) nên đã có những chuyển biến rất tích cực. Nhưng để tạo nên một hiệu quả tổng thể cao nhất đòi hỏi chính sách phải được đồng bộ từ trung ương. Nếu vẫn còn những giấy phép con, quy định liên ngành… núp dưới nghị định này, thông tư kia để trục lợi chính sách thì sẽ làm cản trở sự phát triển của các thành phần kinh tế và ảnh hưởng đến việc thực thi “mục tiêu kép” Chính phủ đề ra.

Đỗ Hương (thực hiện)

Theo Báo điện tử Chính phủ

Thời gian đăng: 17:41, 22/07/2021

Nguồn: