Tàu Cát Linh-Hà Đông sẵn sàng đón khách vào sáng 6/11

05/11/2021, 08:20

Sáng thứ Bảy (6/11) tới đây, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và TP. Hà Nội sẽ tổ chức Lễ bàn giao, tiếp nhận dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh-Hà Đông và đưa vào khai thác vận hành lúc 7h sáng cùng ngày. Trong 15 ngày đầu, tuyến đường sắt sẽ phục vụ miễn phí.

Dự án đường sắt đô thị đầu tiên của TP. Hà Nội tuyến Cát Linh-Hà Đông đã sẵn sàng đón người dân Thủ đô vào sáng thứ Bảy (6/11) tới đây- Ảnh:VGP/Nhật Bắc

Chiều 4/11, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông và Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn chủ trì buổi họp báo về kế hoạch chuyển giao khai thác giai đoạn đầu tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị Hà Nội (Metro) Hà Nội thông tin, thực hiện khuyến cáo của đơn vị tư vấn Pháp ACT, phía công ty đã bổ sung 82 nhân sự, trong đó 44 nhân viên an toàn ke ga và 38 nhân viên hỗ trợ an toàn trên tàu.

Metro Hà Nội cũng đã tiến hành diễn tập với 63 tình huống có thể xảy ra trong quá trình khai thác, thay vì 10 tình huống như trước kia.

"Kế hoạch vận hành ban đầu chia thành 6 tháng/giai đoạn, vận hành từ thấp đến cao để phù hợp với tình hình dịch COVID-19 và nhu cầu đi lại của người dân. Trong thời gian này dự án được hỗ trợ vận hành bởi liên danh tư vấn khai thác vận hành", ông Trường cho biết.

Về thời gian hoạt động, trong 15 ngày đầu miễn phí, đường sắt Cát Linh - Hà Đông mở cửa từ 5h30 và đóng vào 20h hằng ngày. Trong tuần đầu tiên khai thác 15 phút/chuyến, sang tuần thứ 2 là 10 phút/chuyến. Trường hợp khách đông hơn sẽ điều chỉnh để phù hợp biểu đồ để đạt hiệu quả.

Khi khai thác thương mại, sau thu tiền, mở từ 5h30 sáng và kết thúc 22h30; giờ bình thường vận hành 10 phút/chuyến, còn giờ cao điểm 6 phút/chuyến.

Giá vé được xây dựng trên cơ sở khuyến khích người dân sử dụng hành khách công cộng và được phê duyệt, được cài đặt vào phần mềm máy bán vé. 

Cụ thể, giá vé lượt dựa theo số ga đi, với mức: 7.000-15.000 đồng/vé, vé ngày 30.000 đồng/vé. Vé tháng gồm 2 loại: 200.000 đồng/tháng/vé phổ thông(không định danh), vé ưu tiên 100.000 đồng/tháng, vé tập thể sẽ giảm giá... Việc áp dụng ưu đãi, giảm giá vé được thực hiện theo quy định chung.

Trả lời về việc hành khách sẽ được bảo hiểm ra sao khi sử dụng dịch vụ tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông, ông Vũ Hồng Trường cho hay, tất cả các loại hình vận tải khách công cộng đều đã có bảo hiểm trong giá vé. Kể từ ngày 6/11, khi hành khách đầu tiên đặt chân lên tàu đường sắt Cát Linh- Hà Đông, hợp đồng bảo hiểm của dự án sẽ chính thức được kích hoạt.

Bổ sung thêm về việc bảo đảm an toàn, an ninh trật tự dọc tuyến đường sắt Cát Linh- Hà Đông, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho hay, TP. Hà Nội đã xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho cả tuyến, bao gồm đầy đủ các lực lượng như công an Thành phố, chính quyền các quận, huyện có đường sắt đi qua, lực lượng thanh tra GTVT… 

Trả lời về một vấn đề khá “nóng” được dư luận quan tâm liên quan đến việc Dự án xây dựng theo tiêu chuẩn Trung Quốc nhưng khi nghiệm thu lại là đơn vị tư vấn ACT của Pháp theo tiêu chuẩn châu Âu, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông lý giải, thời điểm ký kết hợp đồng với tổng thầu EPC để triển khai dự án Việt Nam chưa có tiêu chuẩn về thiết kế, đặc biệt là tiêu chuẩn liên quan đến các thiết bị. Bởi vậy, tại thời điểm năm 2013, tiêu chuẩn Việt Nam không có thì sử dụng tiêu chuẩn Trung Quốc.

“Cần phải nói rõ là tư vấn Pháp ACT đánh giá an toàn theo phương pháp của châu Âu, không phải là dùng tiêu chuẩn châu Âu để đánh giá an toàn dự án Cát Linh- Hà Đông. Tuy vậy, đây cũng là bài học cho Bộ GTVT cũng như các đô thị lớn trong việc triển khai các dự án đường sắt đô thị sau này”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết.

Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh-Hà Đông là công trình đường sắt đô thị điểm thí điểm đầu tiên được Bộ GTVT phê duyệt năm 2008.

Dự án có chiều dài 13,05 km với 12 nhà ga và 13 đoàn tàu; đầu tư từ vốn vay của Chính phủ Trung Quốc và đối ứng trong nước. Tổng mức đầu tư (điều chỉnh) là hơn 18.000 tỷ đồng (tăng hơn 9.231 tỷ đồng) so với mức ban đầu.

Dự án đã được cấp chứng nhận an toàn hệ thống, đội ngũ nhân sự phục vụ vận hành khai thác gồm 651 nhân sự theo thiết kế dự án (gồm 41 lái tàu) và 82 nhân sự bổ sung đã được đào tạo, cấp chỉ nghề. Các đoàn tàu đã được cấp chứng nhận đăng kiểm, sau khi bàn giao, đơn vị khai thác vận hành sẽ làm thủ tục đăng ký phương tiện theo quy định.

Trước đó, ngày 29/10 vừa qua, Hội đồng kiểm tra Nhà nước đã đồng ý kết quả nghiệm thu có điều kiện của chủ đầu tư để đưa tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vào khai thác.

Phan Trang

Theo Báo điện tử Chính phủ

Thời gian đăng: 17:20, 04/11/2021

Nguồn