Thủ tướng dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Bỉ và tiếp lãnh đạo các tập đoàn lớn
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Bỉ, chiều 15/12 (giờ địa phương), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Bỉ.
Cùng dự có Công chúa Vương quốc Bỉ Astrid; lãnh đạo một số bộ, ngành và đông đảo doanh nghiệp Việt Nam và Bỉ.
Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Liên đoàn giới chủ Vương quốc Bỉ cho biết, Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) đã có hiệu lực được 2 năm. Nhờ đó, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Bỉ tăng đáng kể. Cũng từ đó góp phần cho mối quan hệ Bỉ-Việt đang tốt đẹp hơn bao giờ hết.
Chủ tịch Liên đoàn giới chủ Bỉ cũng cho biết, Bỉ có nền kinh tế rất mở, với hơn 80% GDP là từ xuất khẩu. Do đó, Bỉ rất muốn tăng cường hợp tác với các nước, trong đó có Việt Nam. Ông hy vọng và tin tưởng sau chuyến thăm Vương quốc Bỉ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, quan hệ hai nước, nhất là quan hệ thương mại, sẽ được thúc đẩy lên những mốc mới, trên tinh thần hai bên cùng thắng.
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, ngày nay tình hình thế giới thay đổi nhanh, biến đổi lớn, như: Cạnh tranh chiến lược, rủi ro xung đột, nguy cơ suy thoái kinh tế, khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng lương thực, biến đổi khí hậu... Theo Thủ tướng, đây đều là những vấn đề toàn cầu, không có quốc gia nào có thể tự giải quyết hoặc đứng ngoài cuộc, do đó phải kêu gọi đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương.
Trong bối cảnh đó, trải qua gần nửa thế kỷ, quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam và Vương quốc Bỉ đang tiến triển rất tốt đẹp và không ngừng được củng cố và phát triển tích cực, đa dạng, phong phú và thực chất trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục… Hiện nay, Bỉ có tổng vốn đăng ký đầu tư tại Việt Nam lên đến gần 1,1 tỷ USD; kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Bỉ ước năm 2022 đạt gần 5 tỷ USD. Bỉ được coi là một trong những thị trường cửa ngõ vào EU đối với các mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam.
Thông tin về kinh tế Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ cho biết, sau hơn 35 năm đổi mới, mở cửa và hội nhập, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Ước tính hết năm 2022, quy mô nền kinh tế đạt gần 400 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người trên 4.000 USD năm 2021; quy mô thương mại khoảng 750 tỷ USD, thuộc nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do với trên 60 nước, vùng lãnh thổ trong đó có những thị trường lớn nhất trên thế giới, trong đó có EU.
Trong năm 2022, nhờ kiểm soát tốt đại dịch COVID-19, kinh tế-xã hội của Việt Nam đạt nhiều kết quả quan trọng. Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiềm soát; kinh tế tăng trưởng khá; các cân đối lớn được đảm bảo. Việt Nam tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, trật tự an toàn xã hội...
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam đang xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN, Nhà nước pháp quyền XHCN, nền dân chủ XHCN. Trong suốt quá trình đó, Việt Nam không đánh đổi môi trường, công bằng, an sinh xã hội lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Cùng với đó, Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; quyết tâm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, chủ động, thực chất, hiệu quả.
"Đây là nền tảng rất quan trọng, tạo thêm động lực và niềm tin cho các doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư phát triển sâu rộng, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng mong các doanh nghiệp Bỉ và châu Âu tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng... để thúc đẩy sản xuất kinh doanh hiệu quả bền vững tại Việt Nam; đề nghị các doanh nghiệp Bỉ và châu Âu tiếp tục đầu tư và kêu gọi thêm các doanh nghiệp bạn đầu tư vào Việt Nam, trong đó ưu tiên thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp; ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực liên quan chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu, chuẩn đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế trí thức; đầu tư phát triển hạ tầng (bao gồm hạ tầng cứng, hạ tầng mềm), logistics, nông nghiệp công nghệ cao, bền vững... mà Bỉ có thế mạnh, Việt Nam cần.
Thủ tướng cho rằng, trong kinh doanh khó tránh khỏi những khó khăn, song điều quan trọng là phải cùng nhau tìm ra điểm vướng mắc để giải quyết. Trên quan điểm đảm bảo hài hòa lợi ích người dân, doanh nghiệp, nhà nước; lợi ích hài hòa, rủi ro, khó khăn chia sẻ, Thủ tướng tin tưởng trong thời gian tới, các doanh nghiệp Bỉ sẽ đầu tư thành công hơn tại Việt Nam; và có thêm nhiều doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam; góp phần đưa quan hệ Việt Nam-Bỉ ngày càng thực chất, hiệu quả.
Cũng tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Công chúa Vương quốc Bỉ Astrid và quan chức hai nước chứng kiến lễ ký kết các văn kiện hợp tác giữa các bộ, ngành, doanh nghiệp hai nước.
Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp lãnh đạo các doanh nghiệp của Bỉ: Tổng giám đốc điều hành Công ty Brussels Airport Piet Demunter; Chủ tịch Công ty Pharos John Martin; Chủ tịch Công ty AGEAS Bart De Smet.
Lãnh đạo các doanh nghiệp bày tỏ thiện cảm lớn dành cho đất nước, con người Việt Nam; thông báo tình hình triển khai các dự án và kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam; nêu một số ý kiến liên quan tới các thủ tục đầu tư. Trong đó, Tổng Giám đốc điều hành Brussels Airport, ông Piet Demunter thông báo về dự kiến mở đường bay thẳng Bỉ-Việt Nam.
Thủ tướng đánh giá cao các hoạt động đầu tư thành công của các doanh nghiệp tại Việt Nam; hoan nghênh và ủng hộ các kế hoạch, dự án mới; đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục mở rộng đầu tư trên các lĩnh vực; ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp và cho biết sẽ giao các cơ quan tích cực xem xét, nghiên cứu, xử lý.
Hà Văn
Theo baochinhphu.vn
Thời gian đăng: 16/12/2022 00:49