Trồng rừng góp phần ngăn ngừa đại dịch

12/08/2021, 15:54

Bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống xanh, sạch và phát triển bền vững là một trong những yếu tố góp phần ngăn ngừa các đại dịch. Trong đó, trồng cây gây rừng là việc làm hết sức cần thiết cho việc bảo vệ môi trường sống của chúng ta.

Chương trình đã trồng 2.000 cây gỗ lớn bản địa trên diện tích 4 ha tại rừng Đồng Nai và chuẩn bị trồng thêm gần 10.000 cây gỗ lớn tại Thanh Hóa. Ảnh: VGP/Minh Thi

Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Gaia (một tổ chức khoa học kỹ thuật phi lợi nhuận, với sứ mệnh trao quyền và thúc đẩy các hoạt động bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường, nhằm tạo dựng một tương lai nơi con người sống hoà hợp với Trái đất) cho biết, nếu như trước đây, phải vài trăm năm, hay vài chục năm mới có một đại dịch, thì chỉ từ thập kỷ 60 của thế kỷ trước đến nay, chúng ta đã trải qua 9 đại dịch kinh hoàng, gồm: Marburg (1967), Ebola (1976), Nipah (1999), Sars (2002), H5N1 (2003), Mers (2012), H7N9 (2013), H1N1 (2009), COVID-19 (2019).

Điều này nghĩa là đại dịch tiếp theo sẽ xảy ra trong thời gian ngắn sắp tới. Và với tốc độ tàn phá thiên nhiên như hiện nay, các đại dịch sẽ càng gần nhau, càng khốc liệt hơn nữa.

Theo WHO, 70% các bệnh truyền nhiễm ở người trong thời gian gần đây là bệnh có nguồn gốc động vật. Hơn 850.000 loài virus gây bệnh mà chúng ta chưa biết trong tổng số 1,7 triệu loại virus chưa được phát hiện có thể đang tồn tại trong thiên nhiên hoang dã. Việc tàn phá thiên nhiên sẽ làm tăng cơ hội con người tiếp xúc với virus, do vậy càng dễ xảy ra đại dịch.

Tính đến ngày 31/12/2017, nước ta có tổng diện tích che phủ rừng là 41,45%, tương ứng với 14.415.381 ha, trong đó, rừng tự nhiên chiếm khoảng 70,8%, còn lại là rừng trồng. Tại rất nhiều địa phương, diện tích rừng tự nhiên đang bị suy giảm mạnh. Nhiều khu rừng là rừng nghèo kiệt. Các khu rừng trồng phần lớn là rừng nghèo loài, không có tầng tán, không có giá trị sinh thái cao như rừng tự nhiên.  

Thấy được tầm quan trọng của việc trồng rừng để ngăn ngừa đại dịch tiếp theo, mặc dù dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp, nhưng Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Gaia vẫn quyết tâm đẩy mạnh chiến dịch, nỗ lực trồng rừng.

Những ngày qua, Gaia đã tổ chức nhiều cuộc họp, làm việc trực tuyến với các nhà tài trợ và cả đối tác địa phương để chuẩn bị công tác trồng rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai; đã trồng xong 2.000 cây gỗ lớn bản địa trên diện tích 4 ha tại các khu rừng ở Đồng Nai và chuẩn bị trồng thêm gần 10.000 cây gỗ lớn tại Thanh Hóa.

Đến hôm nay, với sự nỗ lực của Khu Bảo tồn thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai, người dân địa phương và đặc biệt là sự giám sát của đội ngũ Gaia, 2.000 cây gỗ lớn bản địa thuộc 7 loài, gồm chiêu liêu, giáng hương, ươi, dầu, gõ đỏ, gõ mật, bằng lăng đã được trồng thành công.

Khu rừng sẽ tiếp tục được Gaia phối hợp với Khu Bảo tồn chăm sóc và giám sát trong 4 năm để đảm bảo tỷ lệ sống cao nhất. Báo cáo giám sát khu rừng sẽ được cập nhật hàng năm và gửi đến các đơn vị, cá nhân tài trợ khu rừng. Gaia rất mong nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhiều đơn vị các nhân, chung sức trồng rừng ngăn đại dịch tiếp theo.

 

Novaland là một trong những doanh nghiệp tích cực trong chương trình trồng cây hướng đến “Vì một Việt Nam xanh”. Ảnh: VGP/Minh Thi

Đây là hoạt động trong khuôn khổ chiến dịch “Trồng rừng ngăn đại dịch tiếp theo”do Gaia phát động vào tháng 6 vừa qua. Ngoài trồng rừng, chiến dịch còn có nhiều nội dung truyền thông trên các trang mạng xã hội nhằm giúp công chúng hiểu rõ về đại dịch và vai trò của việc trồng rừng, phục hồi thiên nhiên trong việc ngăn chặn đại dịch tiếp theo.

Bà Đỗ Thị Thanh Huyền, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Gaia cho rằng, phục hồi thiên nhiên là giải pháp tốt nhất, bền vững nhất để ngăn chặn đại dịch tiếp theo: “Việc trồng rừng sẽ làm tăng đa dạng sinh học, tạo môi trường sống an toàn cho các loài động, thực vật hoang dã, do vậy tăng khả năng kháng bệnh, ngăn ngừa đại dịch cho con người”.

Hướng tới mục tiêu chung vì lợi ích và sự phát triển bền vững cho môi trường, cộng đồng và xã hội, đồng thời lan tỏa tới nhiều doanh nghiệp khác trong việc giữ gìn, góp phần làm cho Việt Nam ngày càng tươi đẹp hơn, bầu khí quyển ngày càng trong lành hơn, môi trường sống nhờ đó thêm phần xanh - sạch - đẹp, vào tháng 4 vừa qua, Tập đoàn Novaland cũng đã tham gia và đồng hành với tỉnh Lâm Đồng trong chương trình “Trồng 50 triệu cây xanh giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn tỉnh với tổng ngân sách tài trợ hơn 11 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Novaland đã cam kết đồng hành cùng với tỉnh Bình Thuận trong suốt 5 năm để trồng mới 8 triệu cây xanh tại Bình Thuận. Để góp sức cùng chương trình trồng cây hướng tới "một Việt Nam xanh", dự kiến Novaland sẽ đồng hành cùng các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Đồng Nai.

Minh Thi

Theo Báo điện tử Chính phủ

Thời gian đăng: 11:25, 12/08/2021

Nguồn