Cách xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam
Bộ Công thương đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Thông tư quy định cách xác định hàng hoá sản xuất tại Việt Nam.
Ảnh minh họa.
Dự thảo Thông tư nêu rõ nguyên tắc xác định và thể hiện hàng hoá sản xuất tại Việt Nam. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa tự xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam và tự chịu trách nhiệm về việc xác định của mình theo quy định.
Hàng hóa sản xuất tại Việt Nam theo quy định tại Thông tư này không mặc nhiên được coi là hàng hóa xuất khẩu có xuất xứ Việt Nam theo các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa. Việc xác định xuất xứ hàng hóa đối với hàng hóa xuất khẩu thực hiện theo quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu hoặc quy định của nước nhập khẩu về xác định xuất xứ hàng hóa.
Hàng hóa “sản xuất tại Việt Nam” được thể hiện hoặc ghi trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.
Tổ chức, cá nhân thể hiện hoặc ghi hàng hóa sản xuất tại Việt Nam bằng tiếng Việt. Trường hợp thể hiện hoặc ghi thêm bằng tiếng nước ngoài thì phải sử dụng cụm từ tương đương.
Trường hợp không xác định được hàng hóa là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam theo quy định tại Thông tư này thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa và thể hiện bằng một trong các cụm từ hoặc kết hợp các cụm từ sau: “lắp ráp tại Việt Nam”; “đóng chai tại Việt Nam”; “phối trộn tại Việt Nam”; “hoàn tất tại Việt Nam”; “đóng gói tại Việt Nam”; “dán nhãn tại Việt Nam” hoặc theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.
Theo dự thảo, hàng hoá được xác định là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam bao gồm:
- Cây trồng và các sản phẩm từ cây trồng được trồng và thu hoạch tại Việt Nam.
- Động vật sống được sinh ra và nuôi dưỡng tại Việt Nam.
- Sản phẩm từ động vật sống nêu tại khoản 2 Điều này.
- Sản phẩm thu được từ săn bắn, đặt bẫy, đánh bắt, nuôi trồng, thu lượm hoặc săn bắt tại Việt Nam.
- Khoáng sản và chất sản sinh tự nhiên, không được liệt kê từ khoản 1 đến khoản 4 Điều này, được chiết xuất hoặc lấy ra từ đất, nước, đáy biển hoặc dưới đáy biển của Việt Nam.
- Sản phẩm lấy từ nước, đáy biển hoặc dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải, nơi Việt Nam có quyền khai thác đối với vùng nước, đáy biển và dưới đáy biển theo luật pháp quốc tế.
- Sản phẩm đánh bắt và hải sản khác đánh bắt từ vùng biển quốc tế bằng tàu được đăng ký ở Việt Nam hoặc được phép treo cờ của Việt Nam.
- Sản phẩm được chế biến hoặc được sản xuất từ các sản phẩm nêu tại khoản 7 Điều này ngay trên tàu được đăng ký ở Việt Nam hoặc được phép treo cờ của Việt Nam.
- Vật phẩm thu được trong quá trình sản xuất hoặc tiêu dùng ở Việt Nam hiện không còn thực hiện được chức năng ban đầu, không thể sửa chữa hay khôi phục được và chỉ có thể vứt bỏ hoặc dùng làm các nguyên liệu, vật liệu thô, hoặc sử dụng vào mục đích tái chế.
- Hàng hoá thu được hoặc được gia công, chế biến tại Việt Nam từ các sản phẩm nêu từ khoản 1 đến khoản 9 Điều này.
- Trường hợp hàng hóa trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng tại Việt Nam nhưng không thuộc các trường hợp xác định từ khoản 1 đến khoản 10 Điều này thì áp dụng các phương pháp xác định tại Điều 6, Điều 7 và chi tiết quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
VĂN QUANG
Theo lsvn.vn
Thời gian đăng: 02/11/2022 14:31