Cảnh báo thủ đoạn mạo danh nhân viên ngân hàng chiếm đoạt tài khoản
Chiếm đoạt được mã OTP do người bị hại cung cấp, các đối tượng đã sử dụng thẻ tín dụng mua sắm điện thoại và mang bán lại rồi chuyển tiền ra nước ngoài.
Ảnh minh họa.
Mới đây, Cơ quan CSĐT, Công an Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Phan Đình Hùng (Sinh năm 2002) trú tại xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế; Cao Văn Tuấn (Sinh năm 1993) trú tại xã Danh Thắng, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang để điều tra về tội "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản".
Theo tài liệu điều tra, các đối tượng lấy cắp các thông tin cá nhân như thẻ CCCD, số điện thoại và thông tin liên quan đến việc đăng ký làm thẻ tín dụng (thẻ cho vay tiêu dùng) của một số ngân hàng để thực hiện hành vi phạm tội.
Thông thường, ngay sau khi người dân đăng ký làm thẻ tín dụng (thẻ cho vay tiêu dùng), khách hàng chưa nhận được thẻ từ hệ thống ngân hàng. Lợi dụng kẽ hở này, các đối tượng đã gọi điện thoại đến một số cá nhân, giới thiệu là nhân viên ngân hàng hỗ trợ người dân sau khi mở thẻ sẽ được nâng hạn mức từ 50 triệu đồng lên đến 100 triệu đồng...
Ngoài ra còn có một số ưu đãi trong việc mua bán hàng, thanh toán hóa đơn qua thẻ tín dụng thông qua hệ thống liên kết giữa ngân hàng và chuỗi cửa hàng, có thể mua bán điện thoại tại các cửa hàng điện máy lớn; mua sắm tại một số cửa hàng thời trang...; thanh toán hóa đơn tại một số cửa hàng ăn uống...
Các đối tượng này đã sử dụng các đầu số điện thoại trên, thông qua nền tảng mạng Internet do Việt Nam cung cấp để thực hiện các cuộc gọi từ nước ngoài về Việt Nam giả mạo dịch vụ chăm sóc khách hàng của toàn bộ hệ thống chi nhánh ngân hàng trên cả nước.
Nhiều người dân do nghĩ là nhân viên ngân hàng đã cung cấp số tài khoản ngân hàng, mật khẩu, mã OTP... để phục vụ cho việc nâng hạn mức khiến các đối tượng đã chiếm quyền sử dụng tài khoản đồng thời chiếm đoạt tiền trong tài khoản tín dụng.
Sau khi chiếm đoạt được quyền sử dụng tài khoản (thẻ tín dụng), đối tượng thường đặt các đơn hàng với giá trị tài sản lớn như điện thoại di động iPhone, Samsung đời cao...
Sau đó, phân công số đối tượng người Việt đang sinh sống tại Việt Nam đến nhận hàng (điện thoại) và đem đi bán cho một số cửa hàng điện thoại tại các tỉnh thành phía Nam và chuyển tiền cho các đối tượng ở nước ngoài.
Khi thực hiện việc chuyển tiền thành công các đối tượng đã chiết khấu lại cho một số đối tượng tại Việt Nam từ 10-15% trên tổng số tiền mà các đối tượng đã chiếm đoạt được.
Trước đó, Bộ Công an đã phát đi cảnh báo về 24 hình thức lừa đảo gồm:
Lừa đảo "combo du lịch giá rẻ".
Lừa đảo cuộc gọi video Deepfake, Deepvoice.
Lừa đảo "khóa SIM" vì chưa chuẩn hóa thuê bao.
Giả mạo biên lai chuyển tiền thành công.
Giả danh giáo viên, nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu.
Chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu nhí.
Thủ đoạn giả danh các công ty tài chính, ngân hàng.
Cài cắm ứng dụng, link quảng cáo cờ bạc, cá độ, tín dụng đen…
Giả mạo trang thông tin điện tử, cơ quan, doanh nghiệp (BHXH, ngân hàng…).
Lừa đảo SMS Brandname, phát tán tin nhắn giả mạo.
Lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đa cấp.
Lừa đảo tuyển cộng tác viên online.
Đánh cắp tài khoản mạng xã hội, nhắn tin lừa đảo.
Giả danh cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án gọi điện lừa đảo.
Rao bán hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử.
Đánh cắp thông tin CCCD đi vay nợ tín dụng.
Lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng.
Lừa đảo dịch vụ lấy lại tiền khi đã bị lừa.
Lừa đảo lấy cắp Telegram OTP.
Lừa đảo tung tin giả về cuộc gọi mất tiền như FlashAI.
Lừa đảo dịch vụ lấy lại Facebook.
Lừa đảo tình cảm, dẫn dụ đầu tư tài chính, gửi bưu kiện, trúng thưởng…
Rải link phishing lừa đảo, seeding quảng cáo bẩn trên Facebook.
Lừa đảo cho số đánh đề.
Theo Bộ Công an, 24 hình thức lừa đảo ở 03 nhóm này nhắm vào người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, thanh niên, công nhân, người lao động và nhân viên văn phòng.
Và một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng này được xác định đến từ nhận thức của người sử dụng. Các cuộc tấn công mạng có xu hướng tập trung chủ yếu vào con người thay vì máy móc, thiết bị.
Ngoài ra, Bộ Công an cũng cho rằng, việc tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức nhằm trang bị cho mỗi cá nhân những kiến thức và kỹ năng cơ bản để bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng là yếu tố then chốt giúp tạo dựng một không gian mạng Việt Nam an toàn, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội số một cách bền vững. Đây là nhiệm vụ cần thiết và cấp bách trong thời đại số hóa, bảo vệ an toàn thông tin cho mọi đối tượng tham gia hoạt động trên môi trường mạng.
Trần Minh
Tạp chí Điện tử Luật sư Việt Nam
Ngày đăng: 28/10/2023 05:56