Cơ giới hóa khâu thu hoạch mía đường: MỘT DỰ ÁN KHOA HỌC HỢP LÒNG DÂN
Lâu nay, việc thu hoạch mía đường chủ yếu là thủ công, chi phí cao, tổn thất sau thu hoạch rất lớn, người trồng mía bị thiệt hại nặng nề. Theo thống kê, bình quân, nông dân thiệt hại khoảng 8 triệu đồng/ha; mỗi năm, cả nước sẽ lãng phí gần 4 nghìn tỉ đồng do thu hoạch mía thủ công.
Vừa qua, Công ty TNHHMTV Lê Ngọc – Tây Ninh và Hiệp hội Những người Lao động Sáng tạo Việt Nam-Văn phòng Đại diện tại Tp.Hồ Chí Minh đã đề xuất dự án cơ giới hóa thu hoạch mía “Hỗ trợ thương mại hóa máy máy thu hoạch mía nguyên cây có trọng lượng nhẹ phù hợp điều kiện canh tác ở Tây Ninh và Nam Bộ”. Dự án đã được Bộ Khoa học Công nghệ phê duyệt và đặt hàng tại Quyết định số 2416/QĐ-BKHCN ngày 24 tháng 8 năm 2018. Đây là dự án khoa học mang tính cấp thiết, hợp lòng dân.
Tác giả (thứ 3 từ trái sang) với Chủ tịch và 2 Phó Chủ tịch Hiệp hội Những người Lao động Sáng tạo Việt Nam.
Hiện nay, diện tích mía của cả nước có trên 305 ngản héc ta (ha). Trong đó, khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên hơn 200 ngàn ha (riêng tỉnh Tây Ninh trên 30 ngàn ha, trong tỉnh khoảng 25 ngàn ha, vùng biên giới Tây Ninh – Cămpuchia khoảng 8 ngàn ha). Người dân chủ yếu thu hoạch bằng thủ công, chặt bằng dao rựa, róc lá, bó, xếp, bốc vác lên xe tải. Số lượng máy thu hoạch liên hợp cắt khúc (cắt thành đoạn) rất ít; giá mua từ 7 - 14 tỉ đồng/cái. Hiện cả nước có 28 cái (riêng ở Tây Ninh có 17 cái), chiếm từ 5-7% (riêng Tây Ninh chiếm 10 -12%), còn phải thu hoạch bằng thủ công (chiếm 93 -95 %).
Chi phí cho thu hoạch mía bằng thủ công cũng rất lớn, chiếm từ 25 đến 35% tổng thu từ mía. Giá thu hoạch hiện nay từ 200 đến 350 ngàn đồng/tấn, chưa kể phải chi cho trung chuyển (tăng bo đầu vụ) từ 70 đến 100 ngàn đồng/tấn. Ví dụ: vụ mía 2017-2018: Một tấn mía với 09 CCS (chữ đường) thu được 810.000 đồng thì phải chi phí cho thu hoạch từ 200 đến 350 ngàn đồng (chưa kể chi phí cho tăng bo), chỉ còn thu được từ 460 đến 610 ngàn đồng/tấn.Với năng suất mía trung bình 80 tấn/ha thì nông dân chỉ thu được từ 36,8 đến 48,8 triệu đồng. Người trồng mía cầm chắc lỗ từ 12 đến 8 triệu đồng/ha. Nếu năng suất thấp hơn sẽ còn lỗ nhiều hơn.
Tổn thất sau thu hoạch mía là rất lớn. Theo kết quả điều tra của Sở KHCN Tây Ninh và các Công ty mía đường ở Tây Ninh thì số gốc mía (gốc mía có chất lượng đường cao nhất) bỏ lại trên ruộng sau thu hoạch từ 5 -14 tấn/ha, tương đương mất đi từ 5 - 13 triệu đồng/ha. Quy ra cả nước sẽ lãng phí từ 1600 – 4000 tỉ đồng/năm.
Chi phí sản xuất đường tại Việt Nam hiện cao hơn từ 20-40% so với bình quân trên thế giới. Một trong các nguyên nhân khiến chi phí sản xuất cao đã được các chuyên gia và nhà khoa học chỉ ra là việc ứng dụng cơ giới hóa (CGH) trong quá trình sản xuất mía nguyên liệu ở Việt Nam còn ở mức thấp và thiếu đồng bộ. Tỷ lệ áp dụng CGH ở các khâu không đồng đều: Khâu làm đất đạt 65-70%, khâu trồng mía đạt 30%, khâu chăm sóc đạt trên 30%, khâu thu hoạch đạt 5-12%.
Theo các chuyên gia trồng mía hàng đầu đến từ Mỹ, Úc và một số nước Châu Á, việc áp dụng CGH trong sản xuất mía sẽ giúp tăng năng suất đường trên mỗi ha thêm 15-20%, đồng thời chi phí sản xuất sẽ giảm đến 20% so với phương thức canh tác hiện tại. Việc thiếu hụt lao động thủ công khi vào vụ tại các vùng trồng mía hiện nay khiến giá nhân công tăng cao gấp 2- 3 lần so với khi không vào chính vụ. Vì vậy, việc ứng dụng CGH vào trong sản xuất mía còn góp phần giải quyết khâu lao động nặng nhọc, tính thời vụ khẩn trương, giải phóng sức lao động, nâng cao thu nhập cho người sản xuất.
Trước mắt và lâu dài cây mía phải chịu các khoản chi phí rất cao, Ngành mía đường sẽ không cạnh tranh nổi với các nước trong khu vực, có nguy cơ bị tiêu diệt. Tổn hại cho nông dân nói riêng, cho Ngành mía đường và Quốc gia nói chung là rất lớn. Nên rất cần thương mại hóa nhanh máy thu hoạch mía (MTH) nguyên cây cỡ nhỏ này ở tỉnh Tây Ninh, trong khu vực Nam Bộ nói riêng, và trong cả nước nói chung.
Thời gian qua nhiều người dân và nhiều doanh nghiệp đã đi khảo sát, tìm hiểu để có được mẫu MTH mía nguyên cây phù hợp cho từng vùng nhưng đến nay vẫn chưa có. Đặc biệt, Công ty TNHH MTV Lê Ngọc cùng nhiều doanh nghiệp; chủ hộ trồng mía ở Tây Ninh và Hiệp hội Những người Lao động Sáng tạo Việt Nam - Văn phòng đại diện tại Tp.HCM đã gửi Công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ KHCN về việc phát triển và thương mại hóa máy thu hoạch mía nguyên cây phù hợp với điều kiện ở Tây Ninh và Nam Bộ. Hiện tại đã có nhiều đơn vị đặt hàng trước, có thể khẳng định nhu cầu của thị trường trước tình trạng nhân công khan hiếm và giá thành cao như hiện nay là rất lớn.
Vừa qua, Công ty TNHH.MTV Lê Ngọc đã được Bộ Khoa học và Công nghệ đặt hàng thuộc chương trình “ Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020” theo Quyết định số 2416/QĐ-BKHCN ngày 24 tháng 8 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Trong đó xét giao trực tiếp không qua tuyển chọn cho Công ty TNHH.MTV Lê Ngọc: Dự án “Hỗ trợ thương mại hóa máy máy thu hoạch mía nguyên cây có trọng lượng nhẹ phù hợp điều kiện canh tác ở Tây Ninh và Nam Bộ”;
Máy thu hoạch mía của Dự án chủ yếu được ứng dụng từ các đề tài nghiên cứu và Sáng tạo của nông dân trồng mía ở trong nước, nên giá thành hạ, vật tư phụ tùng thay thế dễ dàng. Thông số chính của MTH mía là: Năng suất (chặt, hạ, róc lá, cắt/đánh tơi ngọn, đổ đống): 01-1,2ha/ca; Tỷ lệ cắt sót: không quá 5%; có trọng lượng nhẹ từ 2-3tấn/cái; Giá thành từ 1,5 – 2,2 triệu đồng/cái.
Công ty TNHH MTV Lê Ngọc và các đơn vị phối hợp tham gia Dự án là những đơn vị có năng lực, đã phân tích kỹ về nhu cầu của thị trường cũng như yêu cầu kỹ thuật của mẫu máy trong dự án. Mẫu máy của dự án có tính ưu việt và có nhu cầu cao trên thị trường, nên sản xuất hàng loạt và thương mại hóa nhanh. Dự án có hiệu quả kinh tế cao, thời gian thu hồi vốn ngắn, đề nghị nhà nước hổ trợ một phần kinh phí và các Doanh nghiệp hợp tác…chắc chắn Dự án sẽ có tính khả thi rất cao, đáp ứng lòng mong đợi của người trồng mía./.
KS. LÊ NGỌC TĨNH
UVBTV Hiệp hội Những người Lao động Sáng tạo Việt Nam
(Bài đăng trên Đặc san Sáng tạo, tháng 12/2018)
Nguồn: http://sangtaovietnam.vn