Đồng hành, hỗ trợ phụ nữ Bến Tre phát triển kinh tế
10 năm qua, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh Bến Tre đã phát huy hiệu quả vai trò đồng hành, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo, nâng cao vị thế của phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới… với những thành tựu quan trọng và ý nghĩa thiết thực.
Theo Quyết định số 1100/QĐ-UBND ngày 28/6/2013 của UBND tỉnh Bến Tre, Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế trực thuộc Hội LHPN tỉnh, nguồn vốn hoạt động trên cơ sở hợp nhất từ 3 nguồn: Dự án "Cải thiện tình trạng và vị thế của phụ nữ nghèo thông qua hoạt động của tổ chức tài chính vi mô nhỏ bền vững" do tổ chức Terdeshommes Thụy Sĩ đầu tư năm 2007; Dự án "Nâng cao chất lượng cuộc sống cho phụ nữ nghèo thông qua hoạt động tài chính vi mô" do Quỹ Unilever - Việt Nam đầu tư năm 2008; và Dự án IFAD tỉnh Bến Tre triển khai hợp phần tín dụng nông thôn cho người nghèo của dự án "Phát triển nông thôn với người nghèo" (gọi tắt là DBRP), nguồn vốn triển khai tại 50 xã thuộc 8 huyện.
Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh Bến Tre (gọi tắt là FWED) chính thức đi vào hoạt động với tầm nhìn là sẽ trở thành tổ chức tài chính vi mô hàng đầu về cung cấp dịch vụ tín dụng - tiết kiệm chất lượng cao, bền vững và các dịch vụ phi tài chính cho nhóm đối tượng có thu nhập thấp trên phạm vi toàn tỉnh Bến Tre. Quỹ có nhiệm vụ hỗ trợ vốn cho các hộ nghèo, hộ thu nhập thấp, hộ có nhu cầu sản xuất nhưng thiếu vốn… được tiếp cận nguồn vốn lâu dài để phát triển sản xuất, kinh tế gia đình, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần cùng địa phương thực hiện chủ trương kéo giảm hộ nghèo, xây dựng nông thôn mới và nâng cao vị thế người phụ nữ trong gia đình và xã hội.
Trải qua một thập kỷ nỗ lực, kiên trì, bền bỉ thực hiện, đến tháng 3/2023, Quỹ đã duy trì và phát triển tốt tại 157 xã, phường, thị trấn, thành phố; thành lập 8 phòng giao dịch tại 9 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, được Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bến Tre cấp 5 giấy chứng nhận chương trình Tài chính vi mô theo Quyết định 20/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Quỹ đã thành lập được 1.397 cụm và 6.092 nhóm bảo lãnh có khách hàng vay vốn thường xuyên; hỗ trợ hơn 19.500 khách hàng vay vốn với dư nợ cho vay đạt 167 tỷ đồng, số dư tiền tiết kiệm các khách hàng gửi vào Quỹ đạt 49 tỷ đồng.
Từ các chương trình vốn vay của Quỹ, mỗi năm giúp trên 300 khách hàng thoát nghèo hoặc chuyển loại hộ từ nghèo sang cận nghèo, trong đó khoảng 50% hộ do phụ nữ làm chủ.
Ngoài ra, với hơn 90% khách hàng là nữ thì nguồn vốn này đã giúp nâng cao vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội thông qua việc phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời thông qua các buổi họp cụm vay vốn, Quỹ đã giúp các chị em tiếp cận nhiều kiến thức trong việc xây dựng gia đình "No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc"; biết tính toán lập được kế hoạch sản xuất kinh doanh trước khi đầu tư vốn để sử dụng vốn có hiệu quả. Nhiều chị đã chủ động vươn lên, từ làm thuê trở thành làm chủ, tạo được việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
Song song với đó, công tác an sinh xã hội luôn được Quỹ quan tâm thực hiện như trao tặng quà cho thành viên có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết, xây dựng mái ấm tình thương, học bổng cho con em thành viên nhân dịp đầu năm học mới; hỗ trợ dụng cụ chứa nước cho thành viên trong đợt hạn mặn; hỗ trợ thành viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và hưởng ứng chương trình "Mẹ đỡ đầu" do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động. Quỹ nhận chăm sóc đỡ đầu cho 5 trường hợp là con em của thành viên vay vốn và hội viên phụ nữ bị mồ côi do đại dịch COVID-19 tại địa bàn các huyện Bình Đại, Châu Thành và Mỏ Cày Bắc (mỗi bé 500.000 đồng/tháng),... với tổng kinh phí trên 3 tỷ đồng.
Nhật Thy
Theo Báo điện tử Chính phủ
Thời gian đăng: 01/06/2023 15:42