EVN chủ động ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống dịch COVID -19

20/08/2021, 09:22

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các đơn vị trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chủ động ứng dụng khoa học công nghệ và thành tựu CMCN lần thứ 4 trong việc nghiên cứu và đưa ra những giải pháp, sáng chế góp phần vừa phòng, chống dịch COVID-19 vừa bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh vừa bảo đảo cung ứng điện.

Máy đo thân nhiệt tự động của CPCEMEC. Ảnh: đơn vị cung cấp

Robot phun khử khuẩn, máy đo thân nhiệt tự động có tính năng quét mã QR khai báo y tế, buồng khử khuẩn tự động,… là những sáng chế/giải pháp của các đơn vị trong EVN nhằm góp phần phòng, chống dịch.

Những sản phẩm này không chỉ thể hiện sự sáng tạo, chủ động ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, phòng chống dịch trong toàn Tập đoàn mà còn có tính ứng dụng cao trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay.

Robot phun thuốc khử khuẩn và vận chuyển hỗ trợ phòng, chống dịch

Đây là một sản phẩm công nghệ của Công ty Truyền tải điện 2 (PTC2) thuộc Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia.

Robot này có bốn bánh xe, dài 90 cm, rộng 60 cm, cao 35 cm, được điều khiển từ xa bằng tín hiệu radio. Tầm điều khiển xa lên đến gần 1 km và có thể mở rộng với bộ thu phát tín hiệu công suất lớn hơn. Trên robot được gắn hệ thống camera quan sát truyền trực tiếp về người điều khiển, giúp việc điều khiển thuận lợi khi tầm quan sát thiết bị bị hạn chế.

Robot được sáng chế với mục tiêu thực hiện giải pháp phòng ngừa dịch bệnh, cùng với việc bảo đảm  công tác vận hành, cung cấp điện an toàn, liên tục lưới điện truyền tải trong bố cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Ưu điểm của robot này là triển khai nhanh, hiệu quả việc phun thuốc sát khuẩn các khu vực có khối lượng, diện tích lớn (như khuôn viên, lối đi nơi công tác, trụ sở làm việc…). Tổng thể tích dung dịch sát khuẩn hiện nay robot có thể mang theo khoảng 10 lít và có thể nâng cấp. Robot giúp hạn chế tiếp xúc trực tiếp với các dung dịch phun đối với người thực hiện và giảm thời gian phun so với phương pháp phun thủ công.

Robot còn có thể chuyên chở nhu yếu phẩm cung cấp cho các khu vực cô lập hoặc yêu cầu cách ly cao như tại các trạm biến áp trong thời gian cao điểm của dịch bệnh.

Được biết, trong các đợt dịch COVID-19 bùng phát vừa qua, PTC2 đã sử dụng robot phun thuốc sát khuẩn tại văn phòng làm việc, các trạm biến áp 220 kV, 500 kV thuộc phạm vi quản lý của Công ty. Đồng thời, hỗ trợ phun thuốc sát khuẩn tại Bệnh viện 199, Bộ Công an, TP. Đà Nẵng. Hỗ trợ chuyên chở các nhu yếu phẩm cho lực lượng vận hành đang cách ly tại các trạm biến áp. 

Theo đánh giá của PTC2, robot hoạt động hiệu quả đã thay thế con người làm các công việc có tính độc hại, nguy hiểm cao. Sản phẩm này đã đạt giải Nhì tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật lực lượng vũ trang TP. Đà Nẵng lần thứ VI, năm 2021.

Máy đo thân nhiệt tự động có tích hợp quét mã QR khai báo y tế

Đo thân nhiệt là một trong các biện pháp được sử dụng để tầm soát, phát hiện sớm dấu hiệu nhiễm COVID-19. Tuy nhiên, tại nhiều nơi, các phương pháp đo thực hiện thủ công, có nguy cơ lây nhiễm cho đội ngũ giám sát tại chỗ và tốn nhân lực thực hiện. Để khắc phục những bất cập này, nhóm kỹ sư Trung tâm Sản xuất thiết bị đo điện tử Điện lực miền Trung (CPCEMEC-Tổng công ty Điện lực miền Trung) đã chế tạo thiết bị đo thân nhiệt tự động.

Máy đo thân nhiệt này có nhiều tính năng nổi bật như: Đo nhiệt độ không tiếp xúc, tự động thông báo kết quả đo bằng giọng nói thông qua loa và hiển thị qua hệ thống màn hình; cảnh báo, kiểm soát thông tin bằng âm thanh nếu nhiệt độ vượt quá ngưỡng cài đặt nhiệt độ 37 độ C. Đồng thời, hệ thống còn quản lý  thân nhiệt hằng ngày của từng người bằng phần mềm truy xuất hình ảnh, thời gian của các cá nhân có thân nhiệt vượt quá quy định.

Trong tháng 6/2021, 15 máy đo thân nhiệt tự động do CPCEMEC sản xuất chính thức được EVNCPC tặng, bàn giao sử dụng tại các chốt kiểm soát dịch TP. Đà Nẵng. Các lực lượng chức năng đã đánh giá cao hiệu quả thiết bị mang lại, giúp việc đo thân nhiệt tại các chốt kiểm dịch Thành phố nhanh chóng và thuận tiện hơn trước.

Tiếp đó, đầu tháng 7/2021, theo đề nghị của cơ quan chức năng, CPCEMEC đã tích hợp thêm tính năng quét mã QR khai báo y tế vào máy đo thân nhiệt, nhằm kiểm soát thông tin khai báo y tế của người dân khi qua các chốt kiểm dịch.Theo đó, người khai báo khi đo thân nhiệt và thực hiện quét mã QR khai báo y tế trước camera của máy đo là hoàn thành kiểm tra khai báo y tế.

Khi nhận thông tin mã QR, hệ thống sẽ tự động trích xuất thông tin và trả kết quả cùng hình ảnh người dân để cán bộ kiểm chốt theo dõi kiểm tra và xử lý. Với mã QR báo nhãn màu xanh, người dân đã khai báo thành công. Ngược lại, nếu mã QR khi quét có nhãn màu đỏ là mã QR đã hết hạn, không hợp lệ; hoặc người khai báo đã có các triệu chứng ho, sốt…, tiếp xúc với các trường hợp nghi nhiễm COVID-19. Qua đó, giúp công tác kiểm dịch được nhanh chóng, thuận tiện, đảm bảo liên kết thông tin chính xác.

 

 

Buồng khử khuẩn tự động của Đoàn Thanh niên Truyền tải điện Đắk Nông. Ảnh: Đơn vị cung cấp

Buồng khử khuẩn tự động

Xuất phát từ yêu cầu thực tế giữa tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, Đoàn Thanh niên Truyền tải điện Đắk Nông (Công ty Truyền tải điện 3) đã triển khai thực hiện ý tưởng, thiết kế và thi công lắp đặt thành công Buồng khử khuẩn tự động. Hiện sản phẩm này đã được đưa vào sử dụng tại Trạm biến áp 500 kV Đắk Nông (tại TP. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông).

Thiết bị có cấu tạo gồm 5 bộ phận chính, gồm một buồng khối hộp chữ nhật đứng có lối vào và lối ra; bộ tạo hơi sương giúp tạo ra luồng hơi khử khuẩn; bộ điều khiển, đèn báo; cảm biến tiệm cận kích hoạt hoạt động và hệ thống dẫn hơi khử khuẩn điều hướng luồng hơi sương đến vị trí quanh cơ thể.

Theo đó, khi có người đi vào buồng khử khuẩn, quét qua cảm biến tiệm cận sẽ kích hoạt hệ thống hoạt động tự động. Ngoài ra, có thể sử dụng nút ấn bằng tay để khởi động chế độ khử khuẩn khi cần thiết. Buồng khử khuẩn tự động giúp tiết kiệm thời gian thực hiện, đồng thời kiểm soát tốt việc sát khuẩn toàn thân, hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo. Đây là giải pháp hỗ trợ ngăn ngừa lây nhiễm dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho nhân viên đơn vị và cộng đồng.

Những sáng chế và giải pháp công nghệ này của các đơn vị trực thuộc EVN không chỉ bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh và nhiệm vụ cung cấp điện trong mọi tình huống mà còn có khả năng ứng dụng rất cao phục vụ phòng, chống dịch COVID -19 hiện nay.

Toàn Thắng

Theo Báo điện tử Chính phủ

Thời gian đăng: 11:06, 19/08/2021

Nguồn