Giải pháp kinh tế và pháp lý tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp giai đoạn Covid-19
Nhằm cung cấp một số thông tin liên quan đến chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 cùng với đó là phân tích, hướng dẫn một số giải pháp về kinh tế và pháp lý hợp đồng, sáng ngày 31/8, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh tại Cần Thơ và Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập Quốc tế TP. Hồ Chí Minh (CIIS) tổ chức chương trình đối thoại doanh nghiệp “Giải pháp kinh tế và pháp lý tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp giai đoạn Covid-19” bằng hình thức trực tuyến.
Ảnh minh họa.
Sự bùng phát dịch bệnh Covid-19 gây ra những thách thức chưa từng có cho nền kinh tế và được dự báo sẽ tiếp tục tác động tiêu cực đến sự phát triển thị trường Việt Nam trong năm nay. Ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, dịch bệnh khiến chuỗi cung ứng, lưu chuyển thương mại bị gián đoạn, gây đình trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và tác động trực tiếp đến các lao động, việc làm trên khu vực. Tuy vậy, theo thống kế từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh tại Cần Thơ, tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2021 của tỉnh Long An đạt 3,4 tỉ USD (tăng 22,53% so với cùng kỳ) và Tiền Giang đạt 1,89 tỉ USD (tăng 30,07%). Đây là dấu hiệu cho thấy bức tranh kinh tế Đồng bằng Sông Cửu Long khả quan dù các tỉnh vẫn đang đối mặt với dịch bệnh Covid-19.
Với mục tiêu cung cấp một số thông tin liên quan đến chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19 cùng với đó là phân tích, hướng dẫn một số giải pháp về kinh tế và pháp lý hợp đồng, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh tại Cần Thơ và Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập Quốc tế TP. Hồ Chí Minh (CIIS) tổ chức chương trình đối thoại doanh nghiệp “Giải pháp kinh tế và pháp lý tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp giai đoạn Covid-19”.
Chương trình đối thoại tập trung vào 3 nội dung chính: (i) Ảnh hưởng của Covid-19 đối với doanh nghiệp Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, mức độ chịu thiệt hại và khó khăn của doanh nghiệp; (ii) Những rủi ro phát sinh trong giai đoạn Covid-19 và những hệ quả sau dịch doanh nghiệp phải đối mặt nhìn từ góc độ kinh tế; (iii) Những rủi ro phát sinh trong giai đoạn Covid-19 và những hệ quả sau dịch doanh nghiệp phải đối mặt nhìn từ góc độ pháp lý.
Tại chương trình đối thoại, bà Võ Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh tại Cần Thơ có những chia sẻ về các thống kê về ảnh hưởng của Covid-19 đến doanh nghiệp khu vực Cần Thơ. Theo đó, doanh nghiệp đánh giá các nguồn lực khác như đất đai, tiếp cận thông tin, chính sách mới nhìn chung không mấy lạc quan. Ngoài ra, doanh nghiệp cho rằng chưa thể tiếp cận được chính sách mới hỗ trợ khó khăn phát sinh do dịch bệnh,… Bà Võ Thị Thu Hương kiến nghị một số nhóm giải pháp như sự thống nhất của các địa phương theo quy định của chính phủ để tránh gây tổn thất về thời gian và chi phí xét nghiệm nhanh Covid-19; ưu tiên tiêm ngừa vaccine cho người lao động tham gia sản xuất 3 tại chỗ để đảm bảo sản xuất liên tục, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất, tạo tâm lý cho người lao động an tâm; mô hình “3 tại chỗ” nên xem xét lại, đưa ra mô hình hoặc chính sách phù hợp hơn…
Ông Trần Khắc Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng cũng đề xuất 2 kiến nghị như khai thông lưu chuyển hàng hóa để đảm bảo duy trì lưu thông mạch máu hàng hóa kinh tế, tránh kinh tế toàn vùng bị hạn chế, rơi vào tình trạng “chết lâm sàng”; Chính phủ có các hình thức chỉ đạo thực hiện các chính sách tài chính, tín dụng tốt để tạo đòn bẩy mạnh mẽ khi hoạt động sản xuất, kinh doanh được mở lại…
Về những rủi ro phát sinh trong giai đoạn Covid-19 và những hệ quả sau dịch doanh nghiệp phải đối mặt nhìn từ góc độ kinh tế, ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh đã chia sẻ ban đầu về một số kinh nghiệm ứng phó của doanh nghiệp nhằm giảm thiểu thiệt hại do Covid-19. Trong đó nêu lên một số vấn đề về diễn biến của đại dịch Covid-19 và các chính sách kiềm chế dịch bệnh và hỗ trợ doanh nghiệp hiện thời. Bên cạnh đó là một số kinh nghiệm từ góc độ kinh tế thị trường nhằm giúp doanh nghiệp ứng phó trong giai đoạn hiện nay.
Đặc biệt, PGS.TS Đỗ Văn Đại, Trưởng Khoa Luật Dân sự, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã phân tích chi tiết một số điểm khác biệt và các lưu ý khi áp dụng trên thực tiễn về yếu tố bất khả kháng và hoàn cảnh thay đổi cơ bản; những vấn đề về hủy bỏ hợp đồng khi xảy ra sự kiện Covid-19.
Ngoài ra, PGS.TS Đỗ Văn Đại cũng đưa ra một số khuyến nghị về việc lựa chọn phương án phù hợp nhằm giảm thiểu rủi ro khi thực hiện hợp đồng trong giai đoạn Covid-19 và biện pháp xử lý mâu thuẫn khi các bên không đạt được thỏa thuận.
LINH NHI
Theo lsvn.vn
Thời gian đăng: 15:09 31/08/202