Năm 2023: Kho bạc quản lý thu chi minh bạch, hiệu quả
Ngày 12/01, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã tổ chức họp báo thông tin về kết quả công tác trọng tâm năm 2023.
Năm 2025 sẽ không còn chi tiền mặt
Theo KBNN, năm 2023 là năm thứ 2 thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đó, hệ thống KBNN đã nỗ lực hiện đại hóa phương thức thu, chi NSNN; tăng cường trao đổi, phối hợp, kết nối với các đơn vị liên quan, thúc đẩy các kênh thanh toán điện tử nhằm gia tăng tiện ích, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, người dân như tiếp tục thực hiện kết nối liên thông giữa các hệ thống, chương trình với cơ quan thuế, hải quan, Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng quốc gia (IPBS) và các hệ thống thanh toán của các ngân hàng thương mại.
Theo thống kê, trong năm 2023 số thu chi NSNN bằng tiền mặt tại hệ thống KBNN tiếp tục giảm, số thu NSNN bằng tiền mặt chiếm khoảng 0,069% so với tổng thu NSNN, giảm 0,091% so với năm 2022; số chi NSNN bằng tiền mặt chiếm khoảng 0,097% so với tổng chi NSNN,giảm 0,263% so với năm 2022.
Chia sẻ tại buổi họp báo, ông Nguyễn Văn Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp - Pháp chế (KBNN) cho biết: để có những kết quả như trên hệ thống KBNN đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt, từ việc tổ chức thực hiện đến cơ chế chính sách; xây dựng đề án thanh toán không dùng tiền mặt với mục đích chung để giảm thu – chi tiền mặt qua KBNN.
Ông Nguyễn Văn Quang cho biết, thực tế vẫn còn những khoản chi tiền mặt qua KBNN dù chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Theo quy định hiện nay, những khoản được phép chi tiền mặt qua KBNN như: Khoản thanh toán cá nhân của các đơn vị hưởng lương ngân sách chưa có điều kiện để chuyển khoản được như tai các vùng sâu vùng xa; một số khoản chi bằng tiền mặ như chi trả nợ, chi đền bù giải phóng mặt bằng; chi về nghiệp vụ mật của khối an ninh quốc phòng.
Cùng với đó, theo quy định, mua sắm hàng hoá dịch vụ dưới 5 triệu đồng được phép thanh toán bằng tiền mặt qua KBNN. Ngoài ra với những khoản chi mua sắm hàng hoá ở mức dưới 100 triệu đồng cũng có thể được rút tiền mặt tại kho bạc. Từ 100 triệu đồng trở lên thì rút tiền mặt tại ngân hàng.
"Với những mức đã giảm đáng kể như vậy, mục tiêu của hệ thống KBNN là đến năm 2025 không còn chi tiền mặt. Về thu tiền mặt thì chỉ hướng tới giảm mức thấp nhất vì theo quy định của Luật Quản lý thuế, với người nộp thuế nộp thuế, phí, lệ phí có quyền chọn phương thức nộp bằng tiền mặt hay chuyển khoản tại các điểm thu…", ông Nguyễn Văn Quang nói.
Lãnh đạo KBNN cho biết thêm: Thời gian tới, KBNN cũng tiếp tục mở rộng các kênh thanh toán phối hợp thu với ngân hàng thương mại; mở rộng các tài khoản chuyên thu, đẩy mạnh các kênh thu nộp điện tử qua các kênh trung gian than toán. Đồng thời mở rộng phạm vi địa bàn bắt buộc phải thanh toán qua kênh chuyển khoản bằng cách phối hợp với Ngân hàng Nhà nước khảo sát các địa bàn, những nơi có thể thực hiện tốt việc trả lương qua tài khoản, nhất là ở những vùng sâu vùng xa.
Bên cạnh đó, để tạo thuận lợi tối đa cho đơn vị sử dụng ngân sách, KBNN đã triển khai uỷ quyền thanh toán các khoản chi điện, nước, dịch vụ viễn thông. Tính đến ngày 31/12/2023, có tổng cộng 39.388 đơn vị sử dụng ngân sách đã uỷ quyền để KBNN thực hiện thanh toán số tiền hơn 1.459 tỷ đồng cho dịch vụ điện, nước và 176 tỷ đồng cho dịch vụ viễn thông trên toàn quốc.
Theo ông Trần Mạnh Hà, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi (KBNN), sau khi uỷ quyền cho KBNN, đơn vị sử dụng ngân sách không cần lập hồ sơ thanh toán qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến. Các hoá đơn của đơn vị sử dụng ngân sách sẽ được KBNN tự động thanh toán ngay sau khi nhận được thông tin từ nhà cung cấp dịch vụ. Do ngày thanh toán được ấn định trước, việc triển khai chương trình góp phần tăng hiệu quả cho công tác dự báo ngân quỹ. Đồng thời, các nhà cung cấp phối hợp với KBNN cũng được hưởng lợi từ chương trình do dòng tiền được lưu thông nhanh chóng, chủ động trong xây dựng và thực hiện kế hoạch.
"Hiện nay có khoảng 120 nghìn đơn vị sử dụng ngân sách, tính trung bình mỗi tháng sẽ có khoảng 240 nghìn hồ sơ đề nghị thanh toán khoản chi điện, nước với quy trình thực hiện trên dịch vụ công trực tuyến giống như các khoản chi khác. Với gần 40 đơn vị sử dụng ngân sách đã thực hiện uỷ quyền thanh toán, ước tính giảm được tổng số 90.684 hồ sơ giao dịch/tháng). Điều này đã giúp tiết kiệm thời gian và chi phí hoạt động", ông Trần Mạnh Hà cho biết.
Cũng nhờ việc uỷ quyền thanh toán tự động này, hệ thống dịch vụ công cũng đã giảm đáng kể việc ách tắc,nhất là thời điểm cuối năm khi mỗi ngày trung bình có đến 600-700 hồ sơ đề nghị thanh toán.
Thời gian tới, KBNN sẽ tiếp tục phối hợp với các nhà cung cấp, đơn vị sử dụng ngân sách để phát triển và mở rộng việc uỷ quyền thanh toán. Đồng thời sẽ có lộ trình để dần dần phủ sóng tới khắp các đơn vị sử dụng ngân sách.
Số dư Quỹ Vaccine phòng COVID-19 còn hơn 3 nghìn tỷ đồng
Lãnh đạo KBNNN cho biết thêm, tính đến ngày 31/12/2023, tổng số tiền ủng hộ vào Quỹ vaccine phòng COVID-19 là 10.871 tỷ đồng (bao gồm lãi tiền gửi ngân hàng 229,4 tỷ đồng).
Chi từ Quỹ là 7.672,2 tỷ đồng. Trong đó, chi mua và sử dụng vaccine 7.667, 6 tỷ đồng; chi hỗ trợ nghiên cứu, thử nghiệm vaccine 4,6 tỷ đồng. Số dư Quỹ tính đến cuối ngày 31/12/2023 là 3,198,7 tỷ đồng.
KBNN khẳng định, Quỹ vaccine phòng COVID-19 tiếp tục được quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch Quỹ theo Quyết định số 779/QĐ-TTg ngày 26.5.2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Nguồn tiền của Quỹ được dùng để hỗ trợ mua vaccine và nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước, theo phê duyệt của Thủ tướng và đề nghị của Bộ Y tế. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp nhu cầu kinh phí, trình Thủ tướng quyết định chi từ quỹ.
Thực hiện nguyên tắc bảo toàn và phát triển Quỹ, căn cứ kế hoạch chi của Bộ Y tế, khả năng nguồn vốn nhà rỗi của Quỹ và tình hình thị trường, Ban Quản lý Quỹ đã tổ chức thực hiện việc gửi tiền có kỳ hạn tại ngân hàng thương mại theo nguyên tắc đấu thầu cạnh tranh lãi suất, đảm bảo công khai, minh bạch theo đúng quy định.
Hiện Quỹ được công khai Báo cáo tài chính và danh sách các tổ chức, cá nhân đóng góp theo định kỳ trên Cổng thông tin điện tử của KBNN.
Thông tin thêm về công tác quản lý quỹ của KBNN, bà Trần Thị Huệ, Phó Tổng Giám đốc KBNN - cho biết, theo thông lệ chung về quản lý ngân quỹ, từ 2017 KBNN trình Bộ Tài chính và các cấp có thẩm quyền để nâng cao hiệu quả dòng tiền mà KBNN đang quản lý.
Trước đây thì chỉ gửi không kỳ hạn tại ngân hàng thương mại, để phục vụ nhu cầu thanh toán. Tuy nhiên, qua các năm số dư tương đối ổn định, nên KBNN trình và Chính phủ ban hành Nghị định 24 để được sử dụng dòng tiền trong thời gian tạm thời nhàn rỗi.
"Ưu tiên số một khi sử dụng nguồn tiền đó là cho ngân sách trung ương hoặc ngân sách địa phương vay, tạm ứng..., còn nếu ngân sách trung ương ngân sách địa phương hết nhu cầu, KBNN sẽ gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại. Ngoài ra, KBNN dùng nguồn tiền nhàn rỗi để mua lại trái phiếu Chính phủ (TPCP) đang lưu hành với thời gian quy định là tối đa 3 tháng", bà Trần Thị Huệ cho hay.
Anh Minh
Theo Báo Điện tử Chính phủ
Ngày đăng: 12/01/2024 14:08