Ngân hàng đón xu hướng, thanh toán không tiền mặt phát triển mạnh
Dịch COVID-19 đã thúc đẩy tiến trình chuyển dịch hành vi thanh toán không dùng tiền mặt của người dân. Sự chuyển dịch này tiếp tục được duy trì sau đại dịch, thậm chí còn tăng trưởng nhiều hơn khi các ngân hàng nắm bắt xu hướng, tích cực triển khai các dịch vụ, công nghệ hiện đại, với nhiều chương trình ưu đãi.
Bùng nổ dịch vụ thanh toán hiện đại, mới mẻ
Theo Thống kê của Vụ Thanh toán-Ngân hàng Nhà nước (NHNN): Trong năm 2022, các dịch vụ, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), nhất là các dịch vụ thanh toán mới, hiện đại.
Các chỉ số TTKDTM tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, việc triển khai các dịch vụ thanh toán điện tử qua Internet và điện thoại di động đã đạt được những kết quả ấn tượng, thu hút số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ khá lớn cũng như số lượng và giá trị giao dịch tăng cao. Trong 11 tháng đầu năm 2022 so với 11 tháng đầu năm 2021, giao dịch TTKDTM tăng 85,6% về số lượng và 31,39% về giá trị; qua kênh Internet tăng 89,36% về số lượng và 40,55% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 116,1% về số lượng và 92,3% về giá trị; qua phương thức QR code tăng 182,5% về số lượng và 210,6% về giá trị...
Chia sẻ với Báo điện tử Chính phủ, ông Phùng Duy Khương, Phó Tổng Giám đốc thường trực phụ trách khu vực phía Nam, kiêm Giám đốc Khối Khách hàng Cá nhân (VPBank) cho hay: Hưởng ứng chủ trương của Chính phủ về TTKDTM trong những năm gần đây, VPBank đã đi trước đón đầu đẩy mạnh hoạt động đầu tư và phát triển ngân hàng số, triển khai nhiều ứng dụng ngân hàng số hiện đại. Cụ thể, ứng dụng ngân hàng số VPBank NEO là 1 Super App (siêu ứng dụng) của VPBank đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khách hàng, từ gửi tiền, thanh toán, mở thẻ tín dụng và vay 100% số hoá. Super App cho phép khách hàng mở tài khoản trực tuyến trên điện thoại thông minh qua công nghệ định danh eKYC đã ghi nhận số lượng khách hàng đăng ký sử dụng app tính tới cuối quý III vừa qua tăng 67% so với cùng kỳ, đưa tổng số khách hàng đăng ký sử dụng app lên 4,4 triệu khách hàng. Số lượng giao dịch qua VPBank NEO năm 2022 tăng mạnh. Cùng với đó, tỉ lệ huy động tiền gửi có kỳ hạn online trên nền tảng số này đạt 71%, tăng 15% so với cuối năm 2021. Ngoài ra, ngân hàng số Cake by VPBank – dịch vụ ngân hàng được "đo ni, đóng giày" cho nhóm khách hàng trẻ, chỉ sau thời gian ngắn ra mắt, đã có được hơn 2,7 triệu khách hàng tham gia, góp phần định hình xu hướng TTKDTM của giới trẻ tại Việt Nam.
"Các kết quả khả quan nói trên chính là trái ngọt từ chiến lược chuyển đổi số mạnh mẽ của VPBank từ trước đại dịch và COVID-19 là chất xúc tác giúp đẩy nhanh hơn quá trình này, nhằm đáp ứng các nhu cầu về TTKDTM của khách hàng, hỗ trợ tiến trình xây dựng một nền kinh tế số, xã hội số của Chính phủ", lãnh đạo VPBank chia sẻ.
Còn ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng Giám đốc Sacombank chia sẻ: Sacombank nhận diện và đón đầu xu hướng này từ rất sớm và đã đầu tư lớn về hạ tầng kỹ thuật để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ hiện đại, mang lợi ích thiết thực cho khách hàng cá nhân lẫn doanh nghiệp (DN). Đơn cử có thể kể đến công nghệ xác thực trực tuyến (eKYC), mở tài khoản, mở thẻ phi vật lý 100% online chỉ trong một vài thao tác, công nghệ thanh toán chạm bằng điện thoại,… hay công nghệ Tap to phone – công nghệ chấp nhận thanh toán không tiếp xúc bằng thiết bị di động cho phép đơn vị chấp nhận thẻ sử dụng điện thoại di động hoặc máy tính bảng như một thiết bị POS để thanh toán không tiếp xúc.
Cùng với giải pháp "Phê duyệt nhà bán hàng siêu tốc" (Rapid Seller Onboarding), DN/hộ kinh doanh có thể hoàn tất cài đặt, đăng ký trực tuyến để trở thành đơn vị chấp nhận thẻ nhanh chóng và dễ dàng. Giải pháp này đáp ứng yêu cầu về chi phí và nhu cầu của các DN cần nhiều điểm chấp nhận thanh toán di động như công ty bảo hiểm, vận chuyển hàng hóa thu tiền tại nhà, nhà hàng ăn uống thanh toán tại bàn, tiểu thương… mà không cần phải lắp đặt thêm các thiết bị phần cứng, đường truyền.
"Bên cạnh đó, chúng tôi cũng từng bước xây dựng hệ sinh thái thanh toán, kết nối dịch vụ công, viễn thông, các đối tác cung ứng dịch vụ thường ngày,… ngay trên ứng dụng điện thoại để phục vụ khách hàng toàn diện hơn", ông Nguyễn Minh Tâm cho biết.
Bên cạnh dịch vụ mới, Sacombank đầu tư nâng cấp hệ thống bảo mật và ứng dụng các công nghệ bảo mật tiên tiến nhất như: Ứng dụng công nghệ bảo mật 3D-Secure phiên bản 2.0, được áp dụng hệ thống quản lý rủi ro xác thực Risk-based Authentication (RBA) để quyết định các giao dịch cần xác thực và không cần xác thực nhằm tăng tỉ lệ xử lý giao dịch và đảm bảo thông tin bảo mật.
Ông Đinh Văn Chiến – Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân của Tiên Phong Bank (TPBank) cho biết, TPBank chọn cách cho ra mắt bộ sưu tập 5 tính năng cá nhân hóa bao gồm: Thanh toán bằng khuôn mặt (Facepay), chuyển tiền dễ dàng như chat (Chatpay), thanh toán bằng giọng nói (Voicepay), tài khoản sử dụng Nickname, giao diện widgets tùy biến theo sở thích (MeZone)… trên app của TPBank.
Ngân hàng này đã phối hợp cùng Công ty Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) triển khai tích hợp thành công hệ thống thanh toán bù trừ tự động – Automated Clearing House trong chuyển tiền nhanh liên ngân hàng tại quầy giao dịch và tích hợp vào app TPBank. Tính năng này giúp khách hàng có thể thực hiện chuyển tiền nhanh theo thời gian thực, chuyển tiền định danh số điện thoại, thanh toán tự động dịch vụ công như cước, thuế, dịch vụ yêu cầu thanh toán… thông suốt 24/7, tiết kiệm thời gian và được thông báo ngay kết quả...
TPBank xây dựng ứng dụng ngân hàng điện tử eBankX cho khách hàng cá nhân, eBankBiz cho khách hàng DN. Trên tất cả các nền tảng này, TPBank áp dụng các công nghệ hỗ trợ cho người dùng như: Ứng dụng thành công Trợ lý ảo T’Aio (chatbot) với trí thông minh nhân tạo AI và công nghệ máy học Machine Learning, trợ lý ảo Chatbot ở trên các kênh giao tiếp số đã hỗ trợ giải đáp tới 80% yêu cầu của khách hàng với cơ chế thường trực 24/7 và phản hồi ngay lập tức...
Hoàn thiện hệ sinh thái, mở rộng độ phủ sóng đến vùng sâu vùng xa
Nhấn mạnh tầm quan trọng của hành lang pháp lý, ông Phùng Duy Khương, Phó Tổng giám đốc VPBank nhận định: VPBank nói riêng cần hoàn thiện hơn nữa hệ sinh thái các sản phẩm, dịch vụ và giải pháp tài chính số. Do đó, đại diện VPBank kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước ban hành các cơ chế, chính sách và hành lang pháp lý phù hợp, để các ngân hàng có thể triển khai các sản phẩm, dịch vụ và giải pháp tài chính trực tuyến một cách thuận lợi. Cần xem xét công nhận chữ ký số cho các giao dịch vay mua nhà, mua xe, hay hợp thức hóa việc định danh trực tuyến (eKYC) và cuộc gọi có hình ảnh (video call), trong trường hợp xảy ra tranh chấp và tố tụng giữa hai bên.
Dưới góc độ cơ quan quản lý, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh tHNN nêu một số định hướng, giải pháp thúc đẩy TTKDTM trong năm 2023. Đó là, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, NHNN tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp thúc đẩy TTKDTM tại Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng.
NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, trong đó tập trung nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện dự thảo các Thông tư hướng dẫn khi Nghị định về TTKDTM được Chính phủ ban hành. NHNN sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung tại Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng nhằm thúc đẩy, tạo thuận lợi các ngân hàng thương mại, tổ chức trung gian thanh toán cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, bảo mật, tiện ích. NHNN cũng sẽ đánh giá thí điểm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile – Money; tiếp tục chỉ đạo nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, mở rộng phát triển Hệ thống bù trừ điện tử tự động cho các giao dịch thanh toán bán lẻ (ACH) tại Việt Nam theo hướng mở rộng sản phẩm dịch vụ và mở rộng kết nối các ngân hàng, trung gian thanh toán các đơn vị cung cấp dịch vụ.
Dưới góc độ Hiệp hội Ngân hàng, ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Chủ tịch Chi hội thẻ, Hiệp hội Ngân hàng (kiêm Phó Tổng Giám đốc Sacombank) cho biết: "Tuy phương thức TTKDTM đã đạt được những thành tựu to lớn, nhưng sự bùng nổ này vẫn chủ yếu tập trung ở khu vực thành thị. Trong khi đó, khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa với nhiều dư địa vẫn còn đang bỏ ngỏ, hơn 90% giao dịch tại đây vẫn là giao dịch tiền mặt và người dân không có ATM để rút tiền khi cần, không có máy chấp nhận thẻ để giao dịch. Không nhiều ngân hàng mạnh tay đầu tư cho hạ tầng chấp nhận thẻ, vì chi phí cao, lợi nhuận biên lại thấp. Hiện dân số Việt Nam đạt gần 100 triệu dân, nhưng tỷ lệ máy POS, mPOS chỉ có hơn 400.000 máy".
Con số này cho thấy sự phát triển còn rất hạn chế của mạng lưới chấp nhận thẻ, chỉ phục vụ được 30% nhu cầu thực tế so với tổng nhu cầu của cả nước lên đến 1,2 triệu thiết bị. Ngoài ra, việc thay đổi tập quán sử dụng tiền mặt cũng gặp nhiều khó khăn, khi người dân vẫn còn nghi ngại tính an toàn của các công nghệ mới vì tình hình gian lận trong thanh toán điện tử ngày càng gia tăng và tinh vi hơn. Theo nghiên cứu của tổ chức thẻ Mastercard, gần 80% người dùng sẵn lòng sử dụng công nghệ thanh toán mới nếu nhận thấy chúng an toàn.
Theo kết quả nghiên cứu của tổ chức thẻ Visa, người dùng Việt Nam đã có sự thay đổi rõ rệt trong thói quen thanh toán, cụ thể 76% người dùng đã sử dụng ví điện tử và 82% người đã sử dụng thẻ, hơn 50% bắt đầu sử dụng thẻ thường xuyên hơn, trong khi 64% đã tăng mức độ sử dụng thanh toán không tiếp xúc. Theo thống kê từ Hiệp hội ngân hàng Việt Nam, tổng số lượng thẻ lưu hành đạt gần 130 triệu thẻ tính đến hết tháng 6/2022, tăng gần 20% so với cùng kỳ, trong đó mức tăng trưởng của thẻ mới đạt đến 50%.
Để thúc đẩy TTKDTM tại Việt Nam, ông Nguyễn Minh Tâm cho rằng, việc chung tay là vô cùng cần thiết. Các ngân hàng, công ty tài chính cần quan tâm nhiều hơn việc đầu tư, mở rộng mạng lưới chấp nhận thẻ tại khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa để người dân có nơi để sử dụng; xây dựng nhiều hơn các hoạt động trải nghiệm phương thức thanh toán mới, khuyến mãi hấp dẫn để thu hút sự quan tâm, chú ý của cộng đồng. Ngân hàng và công ty tài chính cũng cần đa dạng phương thức hợp tác, xây dựng hệ sinh thái ngân hàng mở, phục vụ đa kênh nhu cầu người dùng.
Các đơn vị hành chính công cần quyết liệt hơn trong công tác ứng dụng công nghệ thanh toán không tiền mặt, sẵn lòng chia sẻ phí để tạo động lực cho các ngân hàng trong công tác phát triển hệ sinh thái thanh toán.
"Quan trọng là ngành ngân hàng cần tiếp tục đẩy mạnh truyền thông lợi ích và tính an toàn của TTKDTM, đồng thời hoàn thiện thêm hành lang pháp lý, cơ chế kiểm soát rủi ro, đặc biệt là ban hành các văn bản hướng dẫn chia sẻ dữ liệu ngành, tiêu chuẩn về Open API để mở ra tương lai mới cho ngành ngân hàng đó là hệ sinh thái ngân hàng mở (Open Banking)", ông Nguyễn Minh Tâm nhấn mạnh.
Huy Thắng
Theo baochinhphu.vn
Thời gian đăng: 02/01/2023 09:57