Nghị quyết 128/NQ-CP: Tạo ‘luồng sinh khí’ mới cho địa phương, doanh nghiệp
Nhìn lại 1 năm qua, việc ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP được đánh giá là “bước đi quả cảm” và sáng suốt, tạo luồng sinh khí mới cho các địa phương và doanh nghiệp, hoạt động sản xuất và việc di chuyển của người lao động dần chuyển sang trạng thái bình thường mới.
Sự phục hồi, phát triển ấn tượng của địa phương
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết việc Nghị quyết 128/NQ-CP về quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 đã tạo ra sự biến đổi mạnh mẽ. Chuyển từ quan điểm "không COVID" sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả" là một trong những cơ sở quan trọng để triển khai các chính sách cụ thể, đi đúng và trúng các điểm nghẽn, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, người lao động ổn định đời sống, giảm chi phí, khắc phục khó khăn, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.
"Nếu không có Nghị quyết này, không có sự chuyển hướng này, tình hình KT-XH tại một số địa phương sẽ không thể phát triển ấn tượng, phục hồi nhanh như bây giờ. Nhất là tại các địa phương vùng Đông Nam Bộ và vùng ĐBSCL chịu ảnh hưởng nặng nề trong thời gian dịch bệnh bùng phát cao điểm như TPHCM, Đồng Nai, Bình Bương, Bà Rịa-Vũng Tàu, TP. Cần Thơ, Tiền Giang", Thứ trưởng Đông nhấn mạnh.
Trong nhiều năm qua, vùng Đông Nam Bộ có vai trò quan trọng trong nền kinh tế cả nước, đóng góp khoảng 32-35% GDP và 44-46% tổng thu NSNN, riêng TPHCM là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, công nghệ thông tin của cả nước. Vùng cũng là trung tâm sản xuất công nghiệp hàng đầu, có khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh, thu hút FDI lớn nhất cả nước.
Do đó, theo đại diện lãnh đạo Bộ KH&ĐT, nếu không có Nghị quyết 128 của Chính phủ, các địa phương vùng Đông Nam Bộ khó phục hồi thì chắc chắn tình hình phát triển KT-XH trong 9 tháng đầu năm của cả nước không thể đạt các kết quả ấn tượng như hiện nay.
9 tháng qua, một số địa phương trước đây bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 đã lấy lại được đà phục hồi và có mức tăng trưởng cao như: Cần Thơ (17,57%); Đà Nẵng (16,76%); Quảng Ninh (10,12%); TPHCM (9,96%); TP. Hà Nội (9,69%); Long An (9,43%); Đồng Nai (8,62%); Bà Rịa – Vũng Tàu (8,03%); Bình Dương (7,91%). Đặc biệt là hai trung tâm kinh tế lớn cùa cả nước là TP. Hà Nội và TPHCM đã có tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đóng góp lớn vào tăng trưởng chung của cả nước.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 128 cũng đã đề ra cách thức quản lý trong công tác phòng chống dịch, cũng như phát triển KT-XH để các địa phương căn cứ vào đó ban hành các quyết định triển khai cho phù hợp với thực tiễn tại địa phương mình. Vì lẽ đó, Nghị quyết 128 không chỉ tác động lớn đến các địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nặng nề mà còn giúp cho các địa phương khác trên cả nước thích ứng trong phòng dịch và phát triển kinh tế một cách bền vững, hiệu quả.
Gỡ khó cho doanh nghiệp, tạo hành lang phát triển thuận lợi hơn cho các địa phương
Nói về những điểm cần lưu ý để tiếp tục "thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả" với bối cảnh tiềm ẩn nhiều biến động, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho rằng cần tiếp tục quan tâm đến các kiến nghị các doanh nghiệp và tạo hành lang phát triển thuận lợi, tăng cường liên kết và phát triển đồng bộ tại các địa phương.
Theo ông Đông, hơn tất cả các hỗ trợ khác, điều doanh nghiệp mong mỏi nhất từ phía các cơ quan chính quyền là đơn giản hóa các thủ tục, đàm bảo tính minh bạch, rõ ràng, nhất quán trong thực thi triển khai các quy định, chính sách trên toàn quốc, đặc biệt là thái độ phục vụ, sát cánh cùng doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ cấp thực thi.
Cần coi việc thực hiện các giải pháp, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và khôi phục nền kinh tế là nhiệm vụ trọng yếu, cấp bách, cần sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị.
"Cần có sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm và nhiệt tâm hơn nữa của của các cấp, các ngành, đặc biệt ở cấp thực thi chính sách tại tất cả các địa phương", Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết.
Cũng theo ông Đông, yếu tố bảo đảm sự chỉ đạo nhất quán, tập trung, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương là hết sức quan trọng. Trên cơ sở đó, tập trung cải cách, đổi mới thể chế chính sách để thích ứng với bối cảnh mới, công khai và minh bạch các định hướng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, có hướng dẫn cụ thể để các địa phương thực hiện và lắng nghe phản hồi, tiếp thu từ các địa phương để bổ sung, hoàn thiện. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để hình thành và phát huy hiệu quả sức mạnh của các vùng hay vành đai kinh tế.
Bên cạnh đó, đại diện lãnh đạo Bộ KH&ĐT cũng cho rằng, cần chủ động dự báo và có phương án trong mọi tình huống để có phương án thích ứng, kiến tạo và nắm bắt các cơ hội mới. Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ được xem như kim chỉ nam trong hành động của các bộ, ngành, địa phương chính là chủ động xây dựng chính sách và chuẩn bị các nguồn lực cần thiết triển khai các giải pháp dài hạn hỗ trợ doanh nghiệp. Qua đó, chủ động thích ứng với các biến động trong tương lai, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, đón đầu các xu hướng mới để có thể vươn lên, bắt kịp và tiến cùng với thế giới./.
Minh Ngọc
Theo baochinhphu.vn
Thời gian đăng: 13/10/2022 07:23