Phổ cập hạ tầng số, tạo động lực tăng trưởng kinh tế

29/12/2023, 16:36

Năm 2024 là năm phổ cập hạ tầng số, phổ cập các thành tố nền tảng của chuyển đổi số, phát triển các ứng dụng số để phát triển kinh tế số, tạo ra động lực mới để tăng trưởng kinh tế và tăng năng suất lao động.

 

Phổ cập hạ tầng số, tạo động lực tăng trưởng kinh tế- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/PT

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh thông tin này tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức ngày 29/12. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang dự Hội nghị.

Theo Tư lệnh ngành TT&TT, Chương trình chuyển đổi số quốc gia ở nước ta đã triển khai được 4 năm. Năm đầu tiên 2020 là năm khởi động chuyển đổi số quốc gia. Năm 2021 là năm tổng diễn tập chuyển đổi số trên phạm vi toàn quốc để phòng chống COVID-19. Năm 2022 là năm "tổng tiến công" với sự phát triển của các nền tảng số dùng chung quốc gia của Việt Nam. Năm 2023 là năm dữ liệu số.

"Đến nay, chúng ta đã đủ điều kiện để chuyển đổi số quốc gia gắn với nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế xã hội của đất nước", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng, kinh tế số là động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng. Kinh tế số của Việt Nam đang chiếm 16,5% GDP và luôn có tốc độ tăng trưởng cao hơn tăng trưởng GDP khoảng 3 lần. Đặc biệt kinh tế số còn giúp tăng năng suất lao động.

Như vậy, kinh tế số là một mũi tên trúng 2 đích, vừa tăng trưởng GDP, vừa tăng năng suất lao động.

Trong phiên họp tổng kết năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ năm 2024 của Uỷ ban quốc gia về chuyển đổi số mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã định hướng chuyển đổi số trong năm 2024.

Đó là phát triển kinh tế số với 4 trụ cột: công nghiệp, công nghệ thông tin và truyền thông, số hoá các ngành, quản trị số và dữ liệu số để tạo động lực phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Phổ cập hạ tầng số, tạo động lực tăng trưởng kinh tế- Ảnh 2.

Toàn cảnh Hội nghị - Ảnh: VGP/PT

Năm 2024 phổ cập hạ tầng số

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, năm 2024 cũng là năm phổ cập hạ tầng số, phổ cập các thành tố nền tảng của chuyển đổi số, phát triển các ứng dụng số để phát triển kinh tế số, tạo ra động lực mới để tăng trưởng kinh tế và tăng năng suất lao động.

Hạ tầng số của Việt Nam bao gồm: hạ tầng viễn thông, hạ tầng IOT, hạ tầng tính toán và hạ tầng dữ liệu, hạ tầng cung cấp công nghệ số như dịch vụ.

Hạ tầng số Việt Nam có dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn.

"Hạ tầng này phải được ưu tiên đầu tư, hiện đại hoá và đi trước một bước để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia", Bộ trưởng khẳng định.

Mặt trận chính của báo chí, truyền thông là không gian mạng

Năm 2024 cũng là năm lĩnh vực báo chí, xuất bản, truyền thông sẽ coi không gian mạng là mặt trận chính, với nhận thức Thắng - Bại thông qua không gian mạng. Nhiệm vụ này vừa bảo đảm chuyển đổi số báo chí, vừa bảo đảm không gian mạng lành mạnh, xử lý thông tin xấu độc trên mạng, quản lý các nền tảng số xuyên biên giới hoạt động tại Việt Nam và phải tuân thủ pháp luật của Việt Nam.

Dịch vụ công thực chất phải có 70% người dân sử dụng

Năm 2024 cũng là năm dịch vụ công trực tuyến phải hoàn chỉnh và thực chất. Dịch vụ công trực tuyến hoàn chỉnh là phải được làm từ nhà, từ xa, người dân không đến nộp hồ sơ tại trung tâm một cửa. Dịch vụ công thực chất thì ít nhất phải có 70% người dân sử dụng.

Theo Bộ trưởng, năm 2023, chúng ta đã làm được một số dịch vụ công trực tuyến hoàn thiện và thực chất, thậm chí có đến 95% người dân sử dụng, tạo niềm tin và quyết tâm để chúng ta làm mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2024. Từ đó, kết thúc giai đoạn Chính phủ điện tử và thực sự bắt đầu giai đoạn Chính phủ số tại Việt Nam.

Năm 2024 sẽ ứng dụng mạnh mẽ AI

Năm 2024 sẽ là năm ứng dụng mạnh mẽ AI, trợ lý ảo. Bộ trưởng cho rằng, với 120.000 văn bản, thể chế trong hệ thống pháp luật đã vượt quá khả năng xử lý của cá nhân. Số lượng này đang tiếp tục tăng qua mỗi năm.

Vì vậy, lời giải duy nhất hiện nay là hãy để AI xử lý số lớn, con người thì xử lý số nhỏ. Số nhỏ cần nhiều sự tưởng tượng, cần nhiều sáng tạo và đó là thế mạnh của con người. Số lớn thì con người luôn thấy không thoải mái khi làm, thấy vất vả khi làm và có xu thế thoái thác. Và hiện nay AI đã có thể làm thay được, lại làm tốt hơn rất nhiều.

"Nhiều cán bộ công chức hiện nay sợ trách nhiệm, không dám làm, một phần là do không thể hiểu hết, biết hết các quy định của pháp luật. Một nền tảng làm việc số thông qua một trợ lý ảo giúp việc cho cán bộ công chức thì ít nhất 70-90% công việc có quá nhiều dữ liệu sẽ được trợ lý ảo xử lý. Như vậy, năng suất lao động tăng, chất lượng công việc tăng và công việc của con người cũng sẽ thú vị hơn vì được tập trung vào những việc sáng tạo".

Một số kết quả nổi bật của ngành TT&TT trong năm 2023:

Doanh thu toàn ngành ước đạt 3.744.214 tỷ đồng, tăng 1,49% so với năm 2022.

Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 99.323 tỷ đồng, tăng 1,31% so với năm 2022.

Đóng góp vào GDP của ngành TT&TT ước đạt 887.398 tỷ đồng, tăng 1,34% so với năm 2022.

Luật Giao dịch điện tử và Luật Viễn thông đã được Quốc hội khóa XV thông qua. Sau 14 năm, ngành TT&TT có 2 Luật được ban hành trong một năm.

Ngành TT&TT đã triển khai thử nghiệm 5G tại 59 tỉnh, thành; tỷ lệ dân số được phủ sóng 4G lên đến 99,8%.

Độ phủ cáp quang đến từng hộ gia đình gần 80% so với trung bình thế giới khoảng 60%. Kết quả này nhằm thực hiện mục tiêu chuyển đổi số toàn dân toàn diện.

Riêng lĩnh vực công nghiệp công nghệ số có những bước tiến mạnh mẽ. Doanh thu của lĩnh vực đạt 142 tỷ đô với tỷ lệ giá trị Việt Nam chiếm 28,7%. Khoảng 1.500 doanh nghiệp công nghệ số có doanh thu từ thị trường nước ngoài (tăng gần 4% so với năm 2022).

Năm 2023 cũng là năm đổi mới cách tiếp cận về bảo vệ người dân trên không gian mạng. Gần 125 nghìn nguồn website đã được thiết lập và kết nối, tích hợp với các giải pháp an toàn thông tin mạng.

Hiền Minh

Theo Báo Điện tử Chính phủ 

Ngày đăng: 29/12/2023  11:03

Nguồn