Quản lý thực phẩm chức năng sản xuất trong nước - Quy định và thực tiễn
Thực phẩm chức năng là loại thực phẩm đặc thù với mục đích sử dụng là hỗ trợ sức khỏe con người. Các sản phẩm chức năng hỗ trợ cho sức khỏe của người khuyết tật đang được sử dụng rộng rãi như sản phẩm bổ sung canxi, thực phẩm bổ sung thị lực,… đang được sử dụng rộng rãi. Là một sản phẩm nằm giữa thuốc và thực phẩm thường, liên quan trực tiếp đến sức khỏe của người sử dụng nên thực phẩm chức năng được quản lý chặt chẽ từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Ảnh (Nguồn internet)
I. Hành lang pháp lý liên quan đến thực phẩm chức năng
Khoản 23 Điều 2 Luật An toàn thực phẩm năm 2010, sửa đổi bổ sung năm 2018 quy định Thực phẩm chức năng là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh, bao gồm thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học. Việc sản xuất, buôn bán, quản lý thực phẩm chức năng chịu sự quản lý, giám sát chặt chẽ của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
1. Yêu cầu chung đối với thực phẩm chức năng sản xuất trong nước
1.1. Điều kiện sản xuất thực phẩm chức năng
Để cơ sở được sản xuất thực phẩm chức năng phải tuân thủ đầy đủ quy định nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh thực phẩm. Tất cả các cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải có giấy chứng nhận thực hành sản xuất tốt (GMP).
GMP là một phần của hệ thống quản lý chất lượng nhằm đảm bảo kiểm soát các điều kiện về cơ sở hạ tầng của xưởng sản xuất thực phẩm chức năng, điều kiện về nhân sự và kiểm soát các quá trình sản xuất để đạt những tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh cung cấp cho người tiêu dùng loại bỏ những nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Những tiêu chuẩn phải chấp hành trong tiêu chuẩn GMP theo intech.vn bao gồm:
– Nhà xưởng và phương tiện chế biến được thiết kế, xây dựng phù hợp với trình tự của dây chuyền công nghệ chế biến, phân thành các khu an toàn như: tập kết nguyên liệu, chế biến, bao gói, bảo quản… Quy trình này giúp bảo đảm không lây nhiễm chéo lẫn nhau giữa nguyên liệu, bán thành phẩm, thành phẩm; giữa thực phẩm với các vật liệu bao bì, hóa chất tẩy rửa hoặc phế liệu.
– Kiểm soát vệ sinh nhà xưởng: Nghĩa là nhà xưởng, thiết bị, dụng cụ và các phương tiện vật chất khác luôn đạt vệ sinh ở chuẩn cho phép. Ngoài ra, phương tiện vệ sinh, hệ thống cấp – thoát nước, các bề mặt tiếp xúc với sản phẩm, các phụ phẩm, chất thải, dụng cụ chứa đựng, đồ dùng cá nhân phải luôn ở tình trạng đạt tiêu chuẩn vệ sinh và hoạt động tốt.
– Kiểm soát quá trình chế biến: Nhà sản xuất có biện pháp kiểm soát chất lượng với nguyên liệu, quá trình chế biến; theo dõi, giám sát hoạt động vệ sinh; thực hiện phòng ngừa sản phẩm có thể nhiễm bẩn; thử nghiệm các chỉ tiêu vi sinh, hóa học, tạp chất ở khâu cần thiết để xác định nguy cơ lây nhiễm.
– Yêu cầu về sức khỏe người lao động: Nhà sản xuất có chế độ khám sức khỏe thường xuyên cho người lao động để phát hiện, điều trị và cách ly những người mắc bệnh truyền nhiễm, tránh lây lan. Những người tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm phải thực hiện nghiêm ngặt các quy định vệ sinh.
– Kiểm soát khâu bảo quản và phân phối trong vận chuyển, bảo quản thành phẩm, bảo đảm tránh nhiễm bẩn bởi các tác nhân lý, hóa, vi sinh… không làm phân hủy sản phẩm.
1.2. Công bố thực phẩm chức năng sản xuất trong nước
Thực phẩm chức năng sản xuất trong nước đã có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố hợp quy và đăng ký bản công bố hợp quy tại Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm) trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường. Thực phẩm chức năng sản xuất trong nước chưa có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và đăng ký bản công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm tại Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm) trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.
Hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm đối với sản phẩm sản xuất trong nước gồm theo quy định cụ thể tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP, hỗ trợ quan trọng là Phiếu kết quả kiểm nghiệm an toàn thực phẩm của sản phẩm trong thời hạn 12 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ được cấp bởi phòng kiểm nghiệm được chỉ định hoặc phòng kiểm nghiệm được công nhận phù hợp ISO 17025 của sản phẩm được công bố, bằng chứng khoa học chứng minh công dụng của sản phẩm hoặc của thành phần tạo nên công dụng đã công bố (bản chính hoặc bản sao có xác nhận của tổ chức, cá nhân).
Hồ sơ nộp đăng ký bản công bố sản phẩm có thể nộp trực tiếp, nộp đường bưu điện hay nộp dịch vụ công trực tuyến.
Đối với một số sản phẩm đặc biệt cần có yêu cầu về báo cáo thử nghiệm hiệu quả về công dụng cụ thể là Sản phẩm phải thử nghiệm hiệu quả về công dụng đối với sức khỏe con người bao gồm:
- Sản phẩm công bố khuyến cáo có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh;
- Sản phẩm công bố công dụng mới chưa được công nhận tại các quốc gia khác trên thế giới;
- Sản phẩm có chứa hoạt chất mới chưa được cho phép sử dụng;
- Sản phẩm bảo vệ sức khỏe có công thức khác với sản phẩm đã có bằng chứng khoa học chứng minh, lần đầu tiên đưa ra lưu thông trên thị trường;
- Sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật, động vật lần đầu tiên đưa ra thị trường có thành phần cấu tạo khác với thành phần cấu tạo của các sản phẩm y học cổ truyền cổ phương, cổ phương gia giảm đã được đăng tải trên các tạp chí khoa học;
- Thực phẩm dinh dưỡng y học và thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt chưa được cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ quan được ủy quyền hoặc pháp luật của nước xuất xứ cho phép, nước xuất khẩu xác nhận về công dụng, đối tượng sử dụng và cách dùng được phép ghi trên nhãn hàng hóa.
Việc thử nghiệm hiệu quả về công dụng đối với sức khỏe con người phải được thực hiện tại các tổ chức có chức năng nghiên cứu khoa học về y học. Riêng đối với sản phẩm công bố khuyến cáo có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh phải được thực hiện tại các bệnh viện có chức năng nghiên cứu khoa học từ tuyến tỉnh trở lên.
Trong trường hợp đánh giá thử nghiệm hiệu quả về công dụng đối với sức khỏe con người được thực hiện tại nước ngoài, việc thử nghiệm phải được thực hiện ở đơn vị được cơ quan thẩm quyền nước sở tại thừa nhận, công nhận hoặc kết quả thử nghiệm được
1.3. Yêu cầu đối với ghi nhãn thực phẩm chức năng
Khi ghi nhãn thực phảm chức năng phải thực hiện theo quy định ghi nhãn đối với thực phẩm bao gói sẵn về tên sản phẩm, thành phần cấu tạo của sản phẩm; Ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và hướng dẫn bảo quản; Hướng dẫn sử dụng Công bố khuyến cáo về nguy cơ, nếu có; Tên sản phẩm và các nội dung trên nhãn phải phù hợp nội dung đã công bố và các tài liệu kèm theo trong hồ sơ công bố sản phẩm. Ngoài ra, việc ghi nhãn thực phẩm chức năng đối với từng nhóm thực phẩm cụ thể còn phải tuân thủ quy định tại các điều 9, 11 và 13 Thông tư số 43/2014/TT-BYT.
1.4. Yêu cầu đối với quảng cáo thực phẩm chức năng
Việc quảng cáo thực phẩm chức năng phải được thực hiện theo quy định pháp luật về quảng cáo. Trước khi phân phối sản phẩm ra thị trường cần phải thực hiện thủ tục xin phép quảng cáo thực phẩm chức năng. Việc quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên phương tiện nghe nhìn phải có dòng chữ chú ý: “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”; chữ viết, lời đọc phải nhìn được và nghe rõ ràng trong điều kiện bình thường.
2. Quản lý đối với các hành vi vi phạm quy định về an toàn của thực phẩm chức năng
2.1. Thu hồi và xử lý thực phẩm chức năng không bảo đảm an toàn
Trong một số trường hợp, thực phẩm chức năng phải được thu hồi để xử lý theo quy định để tránh sản phẩm là thực phẩm chức năng bày bán trên thị trường ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Những sản phẩm là thực phẩm chức năng quá thời hạn sử dụng, không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật hoặc quy định về an toàn thực phẩm của Bộ Y tế, thông tin sản phẩm lưu thông trên thị trường không phù hợp với nội dung đã được xác nhận bởi cơ quan cấp Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc không phù hợp với nội dung Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật, lưu thông trên thị trường mà chưa có chứng nhận hợp quy hoặc xác nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm, khi cơ quan thẩm quyền các nước hoặc tổ chức quốc tế cảnh báo và được Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế khẳng định về tính không an toàn của sản phẩm.
Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng có trách nhiệm thu hồi và báo cáo với Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế. Tổ chức cá nhân sản xuất, kinh doah các sản phẩm thực phẩm chức năng không đảm bảo chịu mọi chi phí cho việc thu hồi và xử lý sản phẩm theo quy định.
Khi sản phẩm là thực phẩm chức năng có dấu hiệu vi phạm, cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành việc truy nguyên nguồn gốc được tiến hành tại nơi đóng gói cuối cùng của sản phẩm. Việc truy nguyên nguồn gốc các nguyên liệu là nguyên nhân gây mất an toàn thực phẩm được điều tra tại cơ sở là xuất xứ của sản phẩm vi phạm và thông qua các nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra để truy nguyên đến tận cùng cơ sở cung cấp nguyên liệu hoặc vùng sản xuất nguyên liệu.
2.2. Xử phạt vi phạm hành chính vi phạm quy định sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng
Bên cạnh việc thu hồi, truy nguyên nguồn gốc thực phẩm chức năng thì các quy định xử phạt vi phạm hành chính cũng được hoàn thiện để đảm bảo đủ cơ sở pháp lý xử lý, ngăn chặn, cảnh báo đối với các hành vi vi phạm quy định sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng.
Các quy định về xử phạt vi phạm hành chính được quy định cụ thể tại Nghị định số 115/2018/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, trong đó nổi bật là các nội dung quy định xử phạt về các hành vi: Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn đối với sản phẩm thực phẩm; Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, cung cấp thực phẩm; Vi phạm quy định khác về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, cung cấp thực phẩm; Vi phạm quy định về quảng cáo, thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm; kiểm nghiệm thực phẩm; phân tích nguy cơ, phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm; truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không an toàn.
Ngoài ra, tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP Quy định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế cũng có các quy định liên quan đến sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng.
Liên quan đến vấn đề quảng cáo và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động kinh doanh thực phẩm chức năng, hiện nay đã có các quy định xử phạt tại Nghị định số 38/2021/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo; Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
II. Thực tiễn quản lý nhà nước về thực phẩm chức năng sản xuất trong nước
Thực phẩm chức năng là một sản phẩm đặc thù, là thực phẩm chế biến, có công thức để cải thiện sức khỏe, giao thoa giữa thuốc và thực phẩm thường. Là thực phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dùng nên quy định dành cho sản phẩm này rất chặt chẽ. Điều kiện sản xuất, an toàn vệ sinh thực phẩm, công bố sản phẩm, quảng cáo,… đều được điều chỉnh bởi các quy phạm rõ ràng, cụ thể.
Thủ tục hành chính liên quan đến thực phẩm chức năng được thực hiện đồng bộ trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến quốc gia. Quá trình giải quyết tủ tục được cập nhật và theo dõi trên trang thông tin điện tử thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng theo dõi thực hiện. Quy trình, điều kiện, thành phần hồ sơ, biểu mẫu thực hiện đều được quy định khá chi tiết và đồng bộ, có khả năng thực hiện được trên thực tế
Xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, quảng cáo thực phẩm chức năng được quy định tại các văn bản pháp luật rõ ràng.
Tuy đã có những quy định quản lý khá chặt chẽ, tuy nhiên, nhiều cơ sở sản xuất, cá nhân kinh doanh vì lợi nhuận mà sản xuất sản phẩm kém chất lượng, sản phẩm có hại, không đúng với tiêu chuẩn đã công bố. Một số sản phẩm khi kiểm tra trên thị trường có thành phần, tỷ lệ sản phẩm không giống bản công bố tiêu chuẩn công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm tại Bộ Y tế, thậm chí có một số sản phẩm có chứa những chất gây hại ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Về quảng cáo thực phẩm chức năng, mặc dù đã có quy định rất chặt chẽ nhưng nhiều doanh nghiệp cá nhân, lợi dụng các nền tảng chưa được quản lý chặt trên các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội để quảng cáo, bản sản phẩm chưa được công bố, sản phẩm là thực phẩm chức năng nhưng chưa được kiểm tra, kiểm nghiệm. Nhiều cá nhân sử dụng hình ảnh dược sỹ, bác sỹ, bộ đội, công an để gây niềm tin với người dùng để tuồn bán sản phẩm kém chất lượng với mức giá cao, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng.
Mức xử phạt vi phạm hành chính về kinh doanh thực phẩm chức năng mặc dù đã rõ ràng, cụ thể nhưng mức răn đe chưa cao. Vì lợi nhuận cao từ các sản phẩm thực phẩm chức năng, nhiều doanh nghiệp, cá nhân vẫn cố tình làm trái, bán các sản phẩm chưa được kiểm nghiệm, quảng cáo sai nội dung theo quy định, quảng cáo thực phẩm chức năng như sản phẩm thuộc để lôi kéo người tiêu dùng.
III. Giải pháp quản lý nhà nước về kinh doanh thực phẩm chức năng sản xuất trong nước
1. Hoàn thiện chính sách, pháp luật về quảng cáo thực phẩm chức năng
Hiện nay hệ thống văn bản pháp luật về thực phẩm chức năng được ban hành rất nhiều, tuy nhiên khi triển khai trên thực tế gặp rất nhiều khó khăn. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế góp phần thiết lập môi trường cạnh tranh lành mạnh và phát triển bền vững thì yêu cầu hoàn thiện pháp luật về quảng cáo thực phẩm chức năng càng trở nên cấp thiết. Một số kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật về quảng cáo thực phẩm chức năng như sau:
Một là, mở rộng phạm vi điều chỉnh quảng cáo quy định Điều 26 Luật Quảng cáo năm 2012 không chỉ bó hẹp bởi hình thức ghi âm, ghi hình. Bởi cùng với sự phát triển công nghệ số vượt bậc như hiện nay thì các hình thức quảng cáo thực phẩm chức năng ngày càng trở nên đa dạng, tinh vi, tập trung, đánh vào quyết định mua hàng của người tiêu dùng. Việc không nằm trong phạm vi điều chỉnh khiến công tác quản lý, phát hiện hành vi sai trái trong hoạt động kinh doanh thực phẩm chức năng rất khó được kiểm soát.
Hai là, điều chỉnh chế tài xử lý vi phạm nghiêm khắc hơn, mang tính răn đe thể hiện qua các hình thức xử phạt, mức tiền phạt cao, biện pháp khắc phục hậu quả. Đồng thời xem xét truy cứu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, biện phá buộc nộp lại số tiền bất hợp pháp do thực hiện hành vi phát hành tài liệu, ấn phẩm, thông tin, truyền thông về thực phẩm chức năng không chính xác, không đúng sự thật.
Ba là, xem xét bổ sung nghĩa vụ “chịu trách nhiệm trước pháp luật về sản phẩm quảng cáo do mình phát hành” của người phát hành quảng cáo trong Luật An toàn thực phẩm.
Bốn là, xem xét bãi bỏ các thủ tục hành chính, đang gây cản trở, khó khăn cho hoạt đông đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp nhằm tạo hành lang thông thoáng và điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp song vẫn trên cơ sở lấy việc đảm bảo an toàn sức khỏe nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu. Ví dụ giảm bớt thủ tục hành chính cho doanh nghiệp trong việc công bố hợp quy, công bố phù hợp với quy định an toàn thực phẩm và thay vào đó tập trung mạnh vào công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra theo quy định, quy chuẩn kỹ thuật và quy chuẩn do cơ sở công bố áp dụng.
2. Kiện toàn và nâng cao năng lực bộ máy quản lý thực phẩm chức năng trong hoạt động thương mại
Năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và thực phẩm chức năng là yếu tố quyết định hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thực phẩm chức năng. Chính vì vậy, muốn nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý thực phẩm chức năng trong hoạt động thương mại, trước hết phải kiện toàn và nâng cao năng lực của các cơ quan này.
- Cần tiếp tục kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về thực phẩm chức năng nói chung xây dựng hệ thống tổ chức quản lý từ Trung ương đến địa phương. Cụ thể là tập trung kiện toàn, thống nhất phối hợp trong quản lý, phân cấp quản lý giữa các Bộ, ngành và địa phương, tránh chồng chéo.
- Tăng cường năng lực cho hoạt động thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm từ Trung ương đến địa phương. Củng cố, kiện toàn các cơ quan kiểm tra nhà nước về thực phẩm chức năng và chỉ định các cơ quan, tổ chức có đủ điều kiện kiểm nghiệm về an toàn thực phẩm, thực phẩm chức năng tham gia kiểm định, giám định chất lượng hàng hóa. Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và hài hòa tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế.
- Kiểm nghiệm: Quy hoạch và phát triển hệ thống kiểm nghiệm thực phẩm chức năng, tổ chức đánh giá năng lực, sắp xếp lại các phòng kiểm nghiệm; xây dựng các quy trình quy phạm kỹ thuật kiểm nghiệm thống nhất cho từng loại chỉ tiêu.
3. Nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý an toàn thực phẩm, thực phẩm chức năng
Đội ngũ cán bộ, công chức là yếu tố quyết định trực tiếp đến việc thành công hay thất bại của công tác đấu tranh bài trừ những thực phẩm chức năng kém chất lượng. Để đảm bảo có một đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực có thể đáp ứng được yêu cầu công việc đòi hỏi phải làm tốt ngay từ đầu từ khâu tuyển dụng, bố trí và đào tạo cán bộ, công chức. Đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp:
- Tăng cường biên chế cho đội ngũ chuyên trách của các tuyến, đủ khả năng quản lý và điều hành các hoạt động kinh doanh thực phẩm chức năng trên phạm vi toàn quốc.
- Nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ công chức làm công tác quản lý an toàn thực phẩm, thực phẩm chức năng.
- Đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật, điều kiện làm việc cho cán bộ, công chức làm công tác quản lý thực phẩm chức năng.
- Thực hiện tốt chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, công chức làm công tác quản lý thực phẩm chức năng.
4. Nâng cao hiệu quả công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về thực phẩm chức năng
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng về các nội dung như: xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm, ghi nhãn, kiểm nghiệm định kỳ sản phẩm thực phẩm, cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Kiểm tra, giám sát việc quảng cáo thực phẩm chức năng trên địa bàn, giám sát chặt chẽ việc tổ chức hội thảo giới thiệu thực phẩm chức năng theo quy định của pháp luật. Phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các sai phạm, kịp thời ngăn chặn sản phẩm không đảm bảo lưu thông trên thị trường. Xử lý nghiêm việc lợi dụng hội thảo giới thiệu sản phẩm để khám chữa bệnh tư vấn trái phép, bán và giới thiệu thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh.
Đặc biệt tập trung hơn nữa đến công tác hậu kiểm, chú trọng triển khai việc giám sát, kiểm tra, xử lý sau khi thanh tra, kiểm tra và đôn đốc thực hiện kết luận thanh tra đảm bảo thực hiện nghiêm túc quyết định xử phạt vi phạm, tránh tái phạm. Công khai tên cơ sở vi phạm, nội dung vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật.
5. Tuyên truyền, giáo dục pháp luật về thực phẩm chức năng
Cần triển khai quyết liệt và thường xuyên hơn công tác giáo dục, truyền thông, phổ biến kiến thức về thực phẩm chức năng cho cộng đồng với các hình thức phương tiện tuyên truyền đa dạng, phong phú cả ở cấp Trung ương và địa phương, đặc biệt chú trọng phổ biến cho cộng đồng về Luật An toàn thực phẩm và các văn bản pháp luật liên quan.
Đổi mới, nâng cao hiệu quả các hình thức, phương pháp truyền thông, giáo dục về thực phẩm chức năng, cụ thể: nộ dung truyền thông phải phù hợp với các đối tượng, đơn giản, dễ hiểu, tập trung vào các nội dung chính, hướng dẫn người tiêu dùng lựa chọn đúng sản phẩm thực phẩm chức năng khi thực sự có nhu cầu và dùng đúng hướng dẫn sử dụng, không sử dụng sản phẩm theo cách truyền miệng khi không hiểu rõ về sản phẩm.
Đồng thời, tổ chức ký cam kết với các tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm, cam kết không vận chuyển, kinh doanh thực phẩm chức năng nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm.
KẾT LUẬN
Quản lý an toàn sản phẩm là thực phẩm chức năng sản xuất trong nước có vai trò vô cùng quan trọng. Quản lý tốt việc sản xuất thực phẩm chức năng trong nước góp phần đảm bảo quyền và lợi ích của người tiêu dùng trong nước. Mặt khác, quản lý tốt sản phẩm là thực phẩm chức năng sản xuất trong nước giúp tăng năng lực cạnh tranh của các nhà sản xuất thực phẩm chức năng trong nước đối với sản phẩm là thực phẩm chức năng nhập khẩu. Thực phẩm chức năng trong nước hỗ trợ người già, người khuyết tật sản xuất trong nước cần được kiểm soát chặt chẽ hơn nữa, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng trong nước.
TS.LS Nguyễn Hồng Thái
Theo donghanhviet.vn
Thời gian đăng: 9:38 - 15/08/2021