Tác động của khu vực kinh tế tư nhân đến lực lượng sản xuất ở nước ta hiện nay

18/06/2021, 15:36

Sự tồn tại và phát triển của khu vực kinh tế tư nhân là tất yếu vì nó phù hợp với một bộ phận không nhỏ lực lượng sản xuất ở nước ta hiện nay. Một trong những tác động tích cực đó là tham gia giải quyết việc làm cho bộ phận lao động là người khuyết tật. Bên cạnh đó cũng có những tác động tiêu cực yêu cầu cần phải có những chính sách hợp lý để phát huy những tác động tích cực, hạn chế những

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Từ góc độ triết học, bài viết tập trung phân tích và làm rõ những tác động của khu vực kinh tế tư nhân đến lực lượng sản xuất cả những tác động tích cực và tiêu cực, góp phần cung cấp luận cứ cho việc hoạch định các chính sách đối với khu vực kinh tế tư nhân nhằm phát huy những tác động tích cực, hạn chế những tác động tiêu cực làm cho khu vực kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng trong quá trình hiện thực hóa khát vọng hùng cường của đất nước vào giữa thế kỷ XXI.

Đặt vấn đề

Trong thực tế, mỗi khu vực kinh tế thường được đặc trưng bởi một quan hệ sản xuất nhất định và quan hệ sản xuất đặc trưng của khu vực kinh tế tư nhân là quan hệ sản xuất dựa trên chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Từ đó có thể hiểu “Khu vực kinh tế tư nhân” là khu vực kinh tế bao gồm các hình thức tổ chức kinh tế được hình thành và phát triển dựa trên chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất do cá nhân lập ra hoặc thông qua việc liên doanh, liên kết mà ở đó trên 50% vốn điều lệ là sở hữu tư nhân. Theo nghĩa đó, khu vực kinh tế tư nhân ở nước ta hiện nay bao gồm kinh tế cá thể, kinh tế tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân.

Mặt khác, mỗi quan hệ sản xuất thường được hình thành trên một bộ phận lực lượng sản xuất nhất định và phải phù hợp với trình độ của bộ phận lực lượng sản xuất đó (bao gồm người lao động và tư liệu sản xuất). Do vậy, sự tồn tại và phát triển của khu vực kinh tế tư nhân ở nước ta là minh chứng cho sự phù hợp với một bộ phận lực lượng sản xuất ở nước ta hiện nay, đồng thời có tác động trở lại lực lượng sản xuất xã hội. Trong thực tế, sự tác động đó diễn ra tích cực hay tiêu cực phụ thuộc vào mục đích hoạt động của chủ thể sở hữu tư nhân. Tuy nhiên, các chủ thể lãnh đạo xã hội vẫn có thể định hướng và điều tiết để làm thay đổi sự tác động đó theo những mục tiêu nhất định.

Do vậy, việc phân tích về sự tác động của khu vực kinh tế tư nhân đến lực lượng sản xuất ở nước ta hiện nay là cần thiết, nhằm cung cấp cơ sở cho các chủ thể lãnh đạo xã hội trong việc ban hành các cơ chế, chính sách để phát huy những tác động tích cực, hạn chế những tác động tiêu cực, làm cho khu vực kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng trong quá trình hiện thực hóa khát vọng hùng cường của đất nước.

1. Những tác động tích cực của khu vực kinh tế tư nhân đến lực lượng sản xuất

Một là: Những tác động tích cực đến nhân tố con người

Những tác động tích cực của khu vực kinh tế tư nhân đến nhân tố con người trong lực lượng sản xuất thể hiện ở sự hình thành, phát triển đội ngũ Doanh nhân Việt Nam và mức độ thu hút lao động, giải quyết việc làm của khu vực kinh tế tư nhân.

- Sự hình thành và phát triển đội ngũ Doanh nhân Việt Nam

Kể từ khi khu vực kinh tế tư nhân được thừa nhận và được khuyến khích phát triển đã có sự tác động tích cực đến cá nhân người chủ sở hữu, từng bước hình thành và phát triển đội ngũ Doanh nhân Việt Nam.

Về số lượng, số liệu do Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố cho thấy, hiện nay cả nước đã có 544.394 doanh nghiệp đăng ký hoạt động và khoảng 3,5 triệu hộ kinh doanh cá thể, với khoảng 5 triệu Doanh nhân (tính cả các chủ hộ kinh doanh cá thể) thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có nhiều ngành mũi nhọn như tài chính, tín dụng, du lịch, dịch vụ, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ... Con số 5 triệu chủ doanh nghiệp ở nước ta hiện nay cho thấy, đây là một tỷ lệ khá lớn (chiếm khoảng 6% dân số và khoảng 10% lực lượng lao động xã hội).

Về chất lượng, đội ngũ Doanh nhân Việt Nam chủ yếu là những người có tư liệu sản xuất, nhưng không tham gia vào các khu vực kinh tế khác mà tự bỏ vốn kết hợp với sức lao động và trình độ chuyên môn, trình độ tổ chức và quản lý sản xuất của chính mình để tiến hành sản xuất, kinh doanh. Cùng với một bộ phận cán bộ viên chức đã nghỉ hưu nhưng còn sức khỏe và có nguyện vọng đầu tư vào sản xuất, kinh doanh để tạo ra những giá trị cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội. Phần lớn là những người có trình độ chuyên môn cao, tay nghề giỏi, trình độ khoa học quản lý hiện đại…, từng có bề dày kinh nghiệm trong sản xuất và tổ chức, quản lý sản xuất, được đào tạo bài bản từ nguồn kinh phí không nhỏ của nhà nước. Chính vì vậy, việc tiếp tục sử dụng và phát huy lực lượng này trong khu vực tư nhân tư nhân sẽ có những tác động tích cực đến sự phát triển lực lượng sản xuất xã hội nói chung và nâng cao trình độ đội ngũ Doanh nhân Việt Nam nói riêng.

Từ đó có thể khẳng định chắc chắn rằng, không có khu vực kinh tế tư nhân thì không có đội ngũ Doanh nhân Việt Nam. Nói cách khác, sự hình thành và phát triển của đội ngũ Doanh nhân Việt Nam là kết quả của những tác động tích cực của khu vực kinh tế tư nhân đến lực lượng sản xuất ở nước ta hiện nay.

- Mức độ thu hút lao động và giải quyết việc làm

Thực tiễn quá trình đổi mới đất nước không thể phủ nhận vai trò và những đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân trong việc thu hút lao động và giải quyết việc làm. Thực tế cho thấy, khu vực kinh tế tư nhân luôn thể hiện tính hấp dẫn, khả năng thu hút, khai thác và sử dụng một bộ phận không nhỏ (chúng tôi nhấn mạnh) lực lượng lao động trong xã hội. Để minh chứng cho nhận định này, trong bảng 1 chúng tôi sử dụng số liệu từ Niên giám thống kê năm 2019 do Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố, để đối sánh về số lượng và tỷ trọng lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong khu vực kinh tế tư nhân trong mối tương quan với các khu vực kinh tế khác trong giai đoạn 2010 - 2019.

Bảng 1: Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong khu vực kinh tế tư nhân trong mối tương quan với các khu vực kinh tế khác trong giai đoạn 2010 – 2019.

 

Khu vực kinh tế

Năm 2010

Năm 2015

Năm 2019

Số lượng (nghìn người)

Tỷ trọng (%)

Số lượng (nghìn người)

Tỷ trọng (%)

Số lượng (nghìn người)

Tỷ trọng (%)

Nhà nước

5.025

10,2

4.799

9

4.226

7,7

Tập thể

226

0,5

405

0,8

847

1,6

Tư nhân

43.873

89,3

47.906

90,2

49.586

90,7

Tổng số

49.124

100

53.110

100

54.659

100

Nguồn: Tính toán của tác giả dựa trên số liệu trong Niên giám thống kê năm 2019

Bảng 1 cho thấy, trong 10 năm qua tỷ trọng lao động đang làm việc trong khu vực kinh tế tư nhân luôn tăng và chiếm đa số lực lượng lao động xã hội (từ 89,3% năm 2010, lên 90,2% năm 2015 và 90,7% vào năm 2019). Đó là những con số hết sức thuyết phục để minh chứng về sức hút và khả năng giải quyết việc làm của khu vực kinh tế tư nhân ở nước ta hiện nay.

Bên cạnh đó, cách thức tổ chức và quản lý sản xuất hiệu quả của khu vực kinh tế tư nhân đã và đang tác động tích cực đến việc làm thay đổi thói quen, ý thức của một bộ phận người lao động Việt Nam, từ lối tư duy tiểu nông, chủ nghĩa bình quân và tư tưởng ỷ lại đã nhanh chóng chuyển biến và hình thành lối tư duy năng động theo cơ chế thị trường, coi trọng tri thức và hiệu quả, đề cao tính kỷ luật lao động, hình thành và phát triển ý thức, tác phong công nghiệp…, góp phần tích cực trong việc thay đổi và nâng cao chất lượng người lao động Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập của đất nước.

Không những thế, trong vấn đề thu hút lao động, một thực trạng đáng quan tâm hiện nay là có hiện tượng một số cán bộ viên chức trong bộ máy nhà nước, hoặc trong các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước “tự nguyện rời bỏ” khu vực nhà nước sang làm việc trong khu vực kinh tế tư nhân. Đáng chú ý, phần lớn trong số đó là những người có trình độ cao, có kinh nghiệm thực tiễn, đã được đào tạo từ nguồn kinh phí không nhỏ của nhà nước. Hiện tượng này được ví như là một sự “chảy máu chất xám” từ khu vực nhà nước sang khu vực kinh tế tư nhân mà nhiều người quan ngại xem đây là một thực trạng đáng báo động. Tuy nhiên, theo chúng tôi, thực trạng trên chỉ phản ánh tính hiệu quả trong cách thức tổ chức và quản lý sản xuất của khu vực kinh tế tư nhân so với các khu vực kinh tế khác, từ đó có thể sẽ tạo ra một cuộc “chạy đua” hay nhiều người còn gọi là cuộc “săn đầu người” giữa các khu vực kinh tế ở nước ta hiện nay. Chính vì vậy, đây là một dấu hiệu đáng mừng hơn là đáng lo và là điều tất yếu trong nền kinh tế thị trường nếu muốn lực lượng lao động nước nhà phát triển và hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, khu vực kinh tế tư nhân còn tham gia tạo công ăn việc làm và giải quyết việc làm cho một bộ phận người khuyết tật nhưng còn khả năng lao động. Theo Báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và Người khuyết tật Việt Nam về Kết quả hoạt động năm 2017 cho thấy: “Ước tính cả nước hiện có khoảng 4,2 triệu người khuyết tật trong độ tuổi lao động (chiếm gần 60% tổng số người khuyết tật của cả nước) nhưng chỉ có khoảng 1,38 triệu người (chiếm 32%) còn khả năng lao động. Trong số 1,38 triệu người còn khả năng lao động đó có trên 70% tham gia hoạt động kinh tế, nhưng chỉ có khoảng 1.500 lao động là người khuyết tật đang làm việc tại các cơ sở sản xuất kinh doanh của người khuyết tật thuộc Hội người mù quản lý và trên 2.000 lao động là người khuyết tật đang làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và Người khuyết tật Việt Nam (VAIDE). Đáng chú ý, ước tính còn khoảng 16.000 lao động khuyết tật đang làm việc trong khu vực kinh tế tư nhân dưới hình thức các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tư nhân, các hộ gia đình hoặc tự tạo việc làm…”[1]. Số liệu trên cho thấy, khu vực kinh tế tư nhân đang tham gia giải quyết việc làm cho một bộ phận lao động là người khuyết tật ở nước ta hiện nay.

Hai là: Những tác động tích cực trong việc huy động và sử dụng tư liệu sản xuất

Ở nước ta hiện nay, nguồn vốn nhàn rỗi trong nhân dân được đánh giá là rất lớn, kể từ khi kinh tế tư nhân được thừa nhận, được tạo điều kiện và khuyến khích phát triển, những người nắm giữ các nguồn vốn nhàn rỗi đã được tạo điều kiện thuận lợi và được khuyến khích đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, làm cho số vốn đầu tư từ nguồn sở hữu tư nhân tăng lên đáng kể. Sử dụng số liệu do Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố hàng năm, trong bảng 2 chúng tôi tiến hành đối sánh về số lượng và tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân trong mối tương quan với các khu vực kinh tế khác giai đoạn 2010 - 2019.

Bảng 2: Số lượng và tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân trong mối tương quan với các khu vực kinh tế khác giai đoạn 2010 - 2019.

Khu vực kinh tế

Năm 2010

Năm 2015

Năm 2019

Số lượng (tỷ đồng)

Tỷ trọng (%)

Số lượng (tỷ đồng)

Tỷ trọng (%)

Số lượng (tỷ đồng)

Tỷ trọng (%)

Nhà nước

316.285

38,1

519.878

38

634.948

31

Tập thể

207.569

25,0

317.773

23,3

505.141

24,6

Tư nhân

306.424

36,9

528.827

38,7

906.749

44,3

Tổng số

830.278

100

1.366.478

100

2.046.838

100

Nguồn: Tính toán của tác giả dựa trên số liệu Niên giám thống kê năm 2019.

Qua bảng 2 chúng ta thấy, tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân trong 10 năm qua đã tăng lên đáng kể, từ mức 36,9% năm 2010 lên 38,6% năm 2015 và đạt mức 44,3% vào năm 2019. Theo đó, từ năm 2015 đến nay tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân luôn ở mức cao nhất trong tổng số vốn đầu tư toàn xã hội. Điều đó cho thấy, khả năng khai thác các nguồn tư liệu sản xuất thuộc sở hữu tư nhân vào quá trình sản xuất là rất lớn và còn nhiều tiềm năng.

Bên cạnh đó, khu vực kinh tế tư nhân đang thể hiện tính tích cực và hiệu quả trong việc khai thác và sử dụng các nguồn lực tư liệu sản xuất vào quá trình sản xuất, góp phần xóa bỏ tình trạng vô chủ hoặc không xác định người sở hữu và người sử dụng một cách cụ thể, dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc” đối với các nguồn lực tư liệu sản xuất xã hội như trước đây. Sự tồn tại và phát triển của khu vực kinh tế tư nhân đã làm cho mỗi thửa đất, mỗi khu rừng, mỗi diện tích mặt nước ao, hồ, sông, biển…, đều có người sở hữu, người sử dụng cụ thể.

Hơn nữa, để khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn tư liệu sản xuất, các chủ thể kinh tế tư nhân phải sử dụng đồng vốn của mình một cách hiệu quả vì kết quả của việc huy động và sử dụng các nguồn tư liệu sản xuất sẽ tạo ra nhiều lợi ích cho người chủ sở hữu nếu như việc sử dụng có hiệu quả và ngược lại. Điều này tạo nên sự khác biệt căn bản trong việc huy động và sử dụng các nguồn lực tư liệu sản xuất của khu vực kinh tế tư nhân so với các khu vực kinh tế khác.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

2. Những tác động tiêu cực của khu vực kinh tế tư nhân đến lực lượng sản xuất

Một là, những tác động tiêu cực đến nhân tố con người

Nhìn chung thu nhập và mức sống của một bộ phận người lao động trong khu vực kinh tế tư nhân ở nước ta hiện nay vẫn còn thấp so với mặt bằng chung của xã hội, đồng thời đã xuất hiện các mâu thuẫn giữa người sử dụng lao động và người lao động. Theo kết quả khảo sát về tiền lương và mức sống tối thiểu của người lao động khu vực doanh nghiệp, vừa được Viện Công nhân - Công đoàn thuộc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam công bố cho thấy, có 35,6% số người lao động được hỏi cho biết thu nhập của họ không đủ chi tiêu; 44,7% cho rằng họ phải chắt chiu, dành dụm và thật tiết kiệm mới đủ trang trải cuộc sống; 17,9% khẳng định tạm đủ trang trải cuộc sống; chỉ có 1,9% cho biết đủ trang trải cuộc sống và có phần tích luỹ.

Bên cạnh đó, theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, kể từ khi Bộ luật Lao động có hiệu lực thi hành (năm 1995) đến nay cả nước đã xảy ra 4.922 cuộc đình công/ngừng việc tập thể, trong đó khu vực kinh tế nhà nước chỉ xảy ra 100 vụ, còn khu vực kinh tế tư nhân có đến 4.822 vụ (các hình thức tổ chức kinh tế có vốn đầu tư của tư nhân nước ngoài xảy ra 3.522 vụ và các hình thức tổ chức kinh tế tư nhân trong nước xảy ra 1.300 vụ). Điều đó cho thấy, các cuộc đình công ở nước ta thời gian qua, chủ yếu diễn ra ở khu vực kinh tế tư nhân mà nguyên nhân chủ yếu là đòi quyền và lợi ích thông qua thu nhập thực tế của người lao động, ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như doanh nghiệp yêu cầu người lao động làm thêm giờ quá quy định, tăng ca liên tục, điều kiện lao động không đảm bảo, chất lượng bữa ăn trưa kém, hay do doanh nghiệp né tránh đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế cho người lao động, hoặc không ký hợp đồng với người lao động… Như vậy, thực trạng thu nhập của người lao động trong khu vực kinh tế tư nhân đã dẫn đến các mâu thuẫn giữa người lao động và người sử dụng lao động, thực trạng đó không chỉ phản ánh những điều bất hợp lý trong quan hệ phân phối sản phẩm của khu vực kinh tế tư nhân, mà còn có sự tác động tiêu cực đến lực lượng sản xuất xã hội.

Đáng chú ý, lý do chính mà các nhà đầu tư tư nhân nước ngoài đầu tư vào Việt Nam qua hình thức FDI là muốn tận dụng nguồn nhân lực giá rẻ, sức khỏe và tuổi trẻ của lao động Việt Nam khi “hầu hết các doanh nghiệp FDI tuyển lao động trình độ thấp với 80% lao động được tuyển không cần bằng cấp chứng chỉ trong 5 năm qua. Lý do chính là nhiều nhà đầu tư muốn tận dụng lao động giá rẻ, trẻ khỏe”[2]. Bên cạnh đó, trong khu vực kinh tế này đang có xu hướng chỉ tuyển dụng lao động dưới 35 tuổi. Nhận định về thực trạng này, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam khẳng định: “tình trạng thải loại lao động sau tuổi 35 là có thật”[3] dẫn đến “Tỷ lệ biến động lao động trong các doanh nghiệp FDI luôn từ 20 - 30%/năm đặt ra nhiều vấn đề về tiền lương, bảo hiểm xã hội. Có đến 17,8% lao động trong các doanh nghiệp FDI đang có ý định “nhảy việc”, tức sự gắn bó ổn định, vị trí việc làm hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu an cư lạc nghiệp”[4]. Thực trạng đó đang tác động tiêu cực đến người lao động Việt Nam, nhất là những lao động sau 35 tuổi, gây ra những sức ép đối với xã hội trong việc giải quyết việc làm và thực hiện các chế độ chính sách đối với bộ phận lao động này, vì thực tế cho thấy người lao động ở độ tuổi này hầu như rất khó có cơ hội tìm việc làm mới trong khu vực có quan hệ lao động “Có rất ít cơ hội việc làm dành cho người lao động sau tuổi 35. Nhiều doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp FDI, chỉ tuyển dụng người lao động từ 18 - 35 tuổi. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp chỉ tuyển lao động tới 30 tuổi”[5].

Hai là, những tác động tiêu cực đến tư liệu sản xuất

Phần lớn các hình thức tổ chức kinh tế trong khu vực kinh tế tư nhân ở nước ta hiện nay đang sử dụng các thiết bị thủ công, cơ giới trong khai thác và sử dụng tư liệu sản xuất. Thực trạng đó không chỉ làm lãng phí và thất thoát nguồn tài nguyên quốc gia, gia tăng tình trạng ô nhiễm môi trường mà còn tác động tiêu cực đến việc khai thác và sử dụng tư liệu sản xuất của đất nước.

Cùng với đó, vấn đề đáng lưu ý hiện nay là việc giao tư liệu sản xuất cho các cá nhân, hộ gia đình còn nhiều vướng mắc dẫn đến tình trạng tư liệu sản xuất bị phân chia manh mún, nhỏ lẻ và không liền kề nhau…, đã làm cho hiệu quả sử dụng không cao, tại nhiều địa phương đã xuất hiện tình trạng người dân bỏ hoang tư liệu sản xuất. Điều đó phản ánh tình trạng khai thác và sử dụng manh mún, phân tán và kém hiệu quả về tư liệu sản xuất của một số hình thức tổ chức kinh tế trong khu vực kinh tế tư nhân ở nước ta hiện nay.

Bên cạnh đó, hiệu quả sử dụng tư liệu sản xuất của khu vực kinh tế tư nhân được đánh giá vẫn còn thấp so với tiềm năng và không đồng đều giữa các ngành kinh tế có sự tham gia của tư nhân khi nhiều nguồn lực tư liệu sản xuất thuộc quyền sở hữu của tư nhân, hoặc đã được giao cho tư nhân quản lý, khai thác và sử dụng vẫn chưa phát huy được hiệu quả kinh tế; thậm chí không được khai thác, sử dụng, hoặc sử dụng không đúng mục đích… Đáng chú ý, sau một thời gian khai thác và sử dụng, nhiều nguồn lực tư liệu sản xuất thuộc sở hữu của tư nhân hoặc đã giao cho tư nhân quản lý, khai thác và sử dụng đã bị giảm sút đáng kể. Đối với các hộ sản xuất kinh doanh cá thể, các làng nghề, thậm chí ngay cả ở một số doanh nghiệp tư nhân lớn, quá trình sản xuất đã và đang gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, sức khỏe nhân dân và sự phát triển bền vững của đất nước. Điều đó phản ánh những tác động tiêu cực của khu vực kinh tế tư nhân đến lực lượng sản xuất ở nước ta hiện nay.

Kết luận

Sự tồn tại và phát triển của khu vực kinh tế tư nhân là tất yếu vì nó phù hợp với một bộ phận không nhỏ lực lượng sản xuất ở nước ta hiện nay. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực đến lực lượng sản xuất như hình thành và phát triển đội ngũ Doanh nhân Việt Nam cả về số lượng và chất lượng, giải quyết việc làm cho bộ phận lao động là người khuyết tật, nâng cao chất lượng lao động, sử dụng hiệu quả các nguồn tư liệu sản xuất… Khu vực kinh tế tư nhân cũng có những tác động tiêu cực đến lực lượng sản xuất xã hội khi chất lượng đội ngũ Doanh nhân và lực lượng lao động còn nhiều yếu kém, thu nhập của người lao động còn thấp, các chế độ khác chưa được đảm bảo, chủ yếu tận dụng nguồn lao động giá rẻ, sức khỏe và tuổi trẻ của người lao động; việc khai thác và sử dụng tư liệu sản xuất còn nhiều hạn chế, nhất là chưa quan tâm đến mục tiêu phát triển bền vững của đất nước mà chủ yếu vì lợi ích trước mắt của cá nhân người chủ sở hữu… Tất cả những điều đó đặt ra yêu cầu cần phải có những chính sách hợp lý để phát huy những tác động tích cực, hạn chế những tác động tiêu cực, đưa khu vực kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng trong quá trình hiện thực hóa khát vọng hùng cường của đất nước vào giữa thế kỷ XXI./.

 

Danh mục tài liệu tham khảo:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 03/06/2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

2. Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và Người khuyết tật Việt Nam (2018): Báo cáo kết quả hoạt động năm 2017.

Tổng cục Thống kê Việt Nam (2020): Niên giám Thống kê năm 2019. Nxb Thống kê, Hà Nội.

3. Lê Xuân Tùng: Quan hệ sản xuất trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2008.

4.http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/xa-hoi/2018-11-08/co-hay-khong-lao-dong-trong-doanh-nghiep-fdi-tre-mai-khong-gia-64066.aspx

5. https://nhandan.com.vn/bhxh-va-cuoc-song/noi-niem-lao-dong-sau-tuoi-35-326612

 


[1] Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và Người khuyết tật Việt Nam: Báo cáo kết quả hoạt động năm 2017.

[2],3http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/xa-hoi/2018-11-08/co-hay-khong-lao-dong-trong-doanh-nghiep-fdi-tre-mai-khong-gia-64066.aspx

[3],4 https://nhandan.com.vn/bhxh-va-cuoc-song/noi-niem-lao-dong-sau-tuoi-35-326612/

 

 

[* Bài viết là kết quả nghiên cứu đề tài cấp cơ sở: “Tác động của quan hệ sản xuất đến lực lượng sản xuất trong khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam - Thực trạng và giải pháp đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa”.]

TS. Nguyễn Văn Thắng

TS. Nguyễn Nam Thắng

TS. Đặng Ánh Tuyết

Học viện Chính trị Khu vực I

Hải Chi

Nguồn: Donghanhviet.vn