Tăng cường xử lý hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp
Tổng cục Thuế vừa ban hành văn bản chấn chỉnh, kiểm tra, rà soát, có biện pháp phòng ngừa xử lý đối với người nộp thuế có rủi ro về hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.
Các bị can mua bán hoá đơn bị thẩm vấn. |
Thời vừa gian qua, ngành thuế đã tập trung cải cách thủ tục hành chính thuế, Luật Quản lý thuế quy định người nộp thuế tự khai, tự nộp và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật, doanh nghiệp có quyền phát hành hóa đơn để sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, gần đây, một bộ phận doanh nghiệp vẫn tiếp tục lợi dụng sự thông thoáng của cơ chế, chính sách để sử dụng hóa đơn không hợp pháp và mua bán hóa đơn trái phép thu lợi bất chính, như trường hợp 13 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa do 8 đối tượng thành lập để bán hóa đơn GTGT thu lợi bất chính.
Trước tình hình này, nhằm kịp thời ngăn chặn việc thành lập doanh nghiệp để mua bán hóa đơn trái phép, sử dụng hóa đơn không hợp pháp thu lời bất chính, thất thu ngân sách Nhà nước, Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện và tăng cường triển khai một số giải pháp.
Cụ thể, Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện và tăng cường tuyên truyền hỗ trợ, hướng dẫn người nộp thuế thực hiện đúng quy định của pháp luật trong chấp hành Luật Quản lý thuế, chấp hành nghiêm các quy định về sử dụng hóa đơn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đẩy mạnh tuyên truyền việc nhận diện hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp và chế tài xử lý đối với từng hành vi để người nộp thuế biết và tránh tham gia vào các giao dịch mua bán hóa đơn.
Cơ quan thuế các địa phương cần phối hợp với các đơn vị truyền thông công khai thông tin doanh nghiệp có hành vi mua bán hóa đơn để nêu gương góp phần “cảnh tỉnh” các đối tượng đã và đang có ý định vi phạm pháp luật về hóa đơn.
Tổng cục Thuế chỉ đạo tất cả các đơn vị trong ngành rà soát, giám sát chặt chẽ, kịp thời đối với các doanh nghiệp có rủi ro cao về hành vi in, phát hành, mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp; tăng cường rà soát, kiểm tra phát hiện người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro về quản lý, sử dụng hóa đơn.
Đồng thời, thu thập thông tin dữ liệu về người nộp thuế do Cục Thuế, Chi cục Thuế đang quản lý và thông tin về người nộp thuế từ các cơ quan khác như thông tin giao dịch đáng ngờ từ cơ quan giám sát ngân hàng; thông tin từ cơ quan quản lý Nhà nước khác như: Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước; đơn thư tố cáo; phương tiện thông tin truyền thông…
Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế cũng yêu cầu các đơn vị phải nhận biết các dấu hiệu về hành vi và cách thức của người nộp thuế mua bán, sử dụng hóa đơn như doanh nghiệp có phát hành hóa đơn số lượng lớn nhưng tạm ngưng kinh doanh hoặc những doanh nghiệp đã có thông báo bỏ địa chỉ kinh doanh nhưng xin hoạt động trở lại, có doanh thu biến động lớn, sử dụng nhiều hóa đơn nhưng không phát sinh số thuế phải nộp hoặc số thuế phải nộp không tương xứng với doanh thu; những doanh nghiệp báo cáo sử dụng hóa đơn có số lượng hóa đơn sử dụng bằng không (0) hoặc lượng hóa đơn sử dụng lớn bất thường.
Các bộ phận chức năng của cơ quan thuế thực hiện việc xác minh tình trạng hoạt động của người nộp thuế tại địa chỉ đã đăng ký với cơ quan thuế mình quản lý theo quy định.
Song song với đó, các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ với nhau để cập nhật kịp thời, đầy đủ các thông tin về người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký để thông báo công khai thông tin về doanh nghiệp đã phát hành hóa đơn nhưng bỏ trốn hoặc tạm ngừng hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp sử dụng không hợp pháp hóa đơn trên trang web của ngành thuế và các phương tiện thông tin đại chúng để ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật thuế, hành vi mua bán trái phép hóa đơn.
Đặc biệt, văn bản nhấn mạnh, phải rà soát, đánh giá những doanh nghiệp có rủi ro cao về hóa đơn để thực hiện thanh tra, kiểm tra đúng đối tượng, có trọng tâm.
Để tăng cường hiệu quả quản lý, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định về hoá đơn điện tử để tạo thuận lợi đối với công tác thanh tra, kiểm tra thuế, truy lần hóa đơn và xử lý các sai phạm kịp thời. Theo quy định, các hành vi mua bán hóa đơn trái phép có thể bị xử phạt hành chính hoặc nặng hơn, có thể bị xử lý hình sự theo Điều 203, Bộ luật Hình sự 2015 về tội in, phát hành mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước. Mức phạt cho cá nhân cao nhất từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm… |
Anh Minh
Theo Báo điện tử Chính phủ
Thời gian đăng: 16:30, 30/07/2021