Tập trung nguồn lực cho dự án sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

24/12/2024, 11:20

Tại Kỳ họp thứ 9, diễn ra vào tháng 6/2025, dự kiến Bộ Công Thương sẽ trình Quốc hội cho ý kiến dự thảo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (sửa đổi).

Cả nước tiết kiệm điện 7% nhờ Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Trình Quốc hội Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại Kỳ họp thứ 9

Chính phủ cho ý kiến về 06 đề nghị xây dựng luật, 01 dự án pháp lệnh

Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Công Thương diễn ra vào chiều 23/12, báo cáo của Bộ Công Thương nêu rõ, Bộ Công Thương trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua tại một Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV vào tháng 6/2025 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

tk-bo20241224083200
Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ được sửa đổi và trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ 9. Ảnh minh họa: Cấn Dũng

Theo đó, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được Quốc hội thông qua tháng 6/2010, có hiệu lực từ 1/1/2011. Qua 14 năm triển khai thực hiện, Luật đã tạo dựng hành lang pháp lý, tháo gỡ rào cản, cụ thể hóa các quy định về biện pháp quản lý, kỹ thuật và chính sách thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong toàn bộ các lĩnh vực, tạo điều kiện triển khai đồng bộ hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả bền vững của đất nước.

Tuy nhiên, trong thực tiễn triển khai và cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, Luật đã bộc lộ những hạn chế. Đặc biệt với cam kết mạnh mẽ của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam về giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 (Net Zero) thì nhiều ý kiến cho rằng cần thiết phải sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo hướng tăng cường các chế tài mang tính bắt buộc, chuyển từ cơ chế “khuyến khích” sang “bắt buộc.

Theo Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương, nhiều nội dung quy định trong Luật còn mang tính khuyến khích, cơ chế thực thi, chế tài xử lý vi phạm còn chưa đủ mạnh. Bên cạnh đó, nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả quy định tại Luật còn khoảng trống. Hoạt động kiểm toán năng lượng có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, chất lượng kiểm toán năng lượng còn thấp.

Do đó, cần phải xem xét sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo hướng tăng cường các quy định, chế tài mang tính bắt buộc, làm rõ các cơ chế ưu đãi, khuyến khích.

Chẳng hạn, Luật quy định các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm phải áp dụng mô hình quản lý năng lượng, có trách nhiệm bổ nhiệm người quản lý năng lượng nhằm xây dựng kế hoạch hàng năm và 5 năm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phải thực hiện kiểm toán năng lượng 3 năm một lần, song tính tuân thủ còn nhiều hạn chế, có hiện tượng doanh nghiệp thực hiện mang tính đối phó.

Mặc dù chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng bằng các công cụ tài chính truyền thống (hỗ trợ vốn, đất đai, miễn giảm thuế, phí) đã có, song chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nên chưa có tác dụng khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực này một cách bền vững...

Đề xuất sửa đổi 5 nhóm nội dung

Theo dự thảo luật, Bộ Công Thương đề xuất tập trung vào 5 chính sách.

Một là, chính sách về quản lý năng lượng: Bổ sung quy định về quản lý năng lượng đối với mô hình tập đoàn, tổng công ty, đặc biệt trong lĩnh vực kiểm soát định mức hao hụt xăng dầu; xem xét điều chỉnh tăng cường trách nhiệm của địa phương trong việc kiểm tra tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức tiêu thụ năng lượng của các doanh nghiệp tại địa phương...

q420241123135322
Hiện chế tài cho xử lý các đơn vị chưa tuân thủ nghiêm Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn thiếu và yếu. Ảnh minh họa: Ngọc Lan

Hai là, chính sách phát triển nguồn nhân lực, tư vấn dịch vụ năng lượng và mạng lưới đơn vị tư vấn dịch vụ năng lượng. Trong đó, sẽ sửa đổi, bổ sung quy định của luật liên quan đến hoạt động đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn cho các tổ chức, cá nhân tư vấn hoạt động trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, lực lượng kiểm toán viên năng lượng và người quản lý năng lượng tại cơ sở sử dụng năng lượng; nghiên cứu xây dựng các cơ chế hỗ trợ và hình thành hệ thống các công ty dịch vụ tư vấn năng lượng…

Ba là, chính sách phát triển các công cụ thị trường tiết kiệm năng lượng, bao gồm xây dựng công cụ quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; bổ sung, làm rõ các quy định về hỗ trợ thuế, hỗ trợ tài chính đối với hoạt động đầu tư các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, các dự án nâng cấp, cải tạo dây chuyền sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất bằng công nghệ tiết kiệm năng lượng…

Bốn là, chính sách quản lý hiệu suất năng lượng của phương tiện thiết bị trên thị trường. Theo đó, Bộ Công Thương nghiên cứu mở rộng, bổ sung danh mục phương tiện, thiết bị tiêu thụ năng lượng vào chương trình dán nhãn năng lượng; bổ sung đối tượng dán nhãn năng lượng cho nhóm vật liệu xây dựng là sản phẩm kính, gạch không nung...

Năm là, tổ chức triển khai thực hiện và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Cụ thể, bổ sung quy định cụ thể trách nhiệm của bộ, ngành và UBND các tỉnh về mua sắm trang thiết bị tiết kiệm năng lượng trong các dự án đầu tư từ ngân sách nhà nước; rà soát việc phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giữa các cơ quan Trung ương và địa phương, quy định cụ thể vai trò, trách nhiệm của cơ quan đầu mối quốc gia, các bộ, ngành liên quan và địa phương...

Là 1 trong 5 khâu của ngành điện

Trước đó, ngày 2/12/2024, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 541/TB-VPCP kết luận của Thường trực Chính phủ về Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Trên cơ sở báo cáo của Bộ Công Thương, ý kiến phát biểu của lãnh đạo các bộ, cơ quan, Thường trực Chính phủ kết luận, đánh giá cao Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan chuẩn bị hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trình Chính phủ theo đúng quy định.

“Đây là một trong 5 khâu cần được quan tâm của ngành điện (nguồn điện, truyền tải điện, phân phối điện, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và giá điện)”- Thông báo nhấn mạnh đồng thời yêu cầu Bộ Công Thương tập trung nguồn lực trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào tháng 6/2025

Việc xây dựng luật phải theo tinh thần chỉ quy định các vấn đề khung, ngắn gọn, đi thẳng vào các chính sách. Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các quy định pháp luật có liên quan.

Việc phát triển các dịch vụ tư vấn là hết sức cần thiết, tuy nhiên cần nghiên cứu xây dựng chính sách phù hợp, bảo đảm công khai, minh bạch, phát huy được thế mạnh của hoạt động tư vấn…

Văn phòng Chính phủ đã đề nghị Bộ Công Thương tập trung nguồn lực, khẩn trương xây dựng dự án Luật để sớm hoàn thành và trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp 9 (tháng 6/2025) theo quy trình một kỳ họp.

 

Thu Hường

Theo Báo Công Thương

Thời gian đăng: 09:03, 24/12/2024

Nguồn