Thực tiễn và giải pháp hoàn thiện vai trò của Tòa án bảo vệ quyền của người bị buộc tội
Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 đã quy định cụ thể đối tượng bị buộc tội là người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, tùy từng giai đoạn tố tụng khác nhau trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, người buộc tội có tên gọi khác nhau. Cụ thể, khi mới bị bắt giữ, người bị buộc tội được gọi là người bị bắt, kể từ thời điểm bị khởi tố bị can thì người bị buộc tội được gọi là bị c
Ảnh minh họa.
Trong tố tụng hình sự, tuy người bị buộc tội là đối tượng bị buộc tội hoặc bị nghi ngờ phạm tội nhưng họ không bị coi là người có tội, họ có quyền tự mình bào chữa, nhờ Luật sư hoặc người khác bào chữa cho mình theo quy định của Điều 13 BLTTHS 2015: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”; Điều 16 BLTTHS 2015: “Người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, nhờ Luật sư hoặc người khác bào chữa” và quy định tại khoản 4 Điều 31 Hiến pháp năm 2013: “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa”.
Hiện nay, chưa có khái niệm cụ thể về quyền của người bị buộc tội. Vì vậy, có thể hiểu quyền của người bị buộc tội là những nhu cầu và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội (người bị tạm giữ, bị can, bị cáo), phù hợp với chuẩn mực quốc tế và quốc gia được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận khi tham gia vào quan hệ pháp luật trong các giai đoạn tố tụng hình sự, ví dụ như quyền: Quyền bình đẳng nam nữ; quyền tự do ngôn luận; quyền tự do báo chí; quyền tự do cư trú; quyền tự do đi lại; quyền tự do cá nhân; quyền bất khả xâm phạm về thân thể; quyền được bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở,...
1. Thực trạng vai trò của Tòa án trong bảo vệ quyền của người bị buộc tội trong xét xử các vụ án hình sự sơ thẩm
Thứ nhất, vai trò của Tòa án trong bảo vệ quyền của người bị buộc tội trước khi bắt đầu phiên tòa
Ngay sau khi nhận được cáo trạng, quyết định truy tố bị can (trong trường hợp áp dụng thủ tục rút gọn) và nhận được hồ sơ vụ án do Viện Kiểm sát chuyển đến. 100% hồ sơ vụ án được Tòa án đã tiến hành thụ lý vụ án; gửi các văn bản tố tụng; quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; giải quyết các yêu cầu, đề nghị trước khi mở phiên tòa đúng qui định pháp luật.
Trong quá trình giải quyết các vụ án có người bào chữa tham gia tố tụng, Tòa án tiến hành các thủ tục chứng nhận người bào chữa cho bị cáo đối với yêu cầu của bị cáo hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Tòa án tạo điều kiện thuận lợi cho người bào chữa thực hiện quyền của mình như: Sao chụp hồ sơ tài liệu, nhận các văn bản tố tụng tại tòa, tham gia vào tất cả các giai đoạn tố tụng theo quy định pháp luật…
Đặc biệt đối với những vụ án hình sự mà bị cáo thuộc trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa mà không mời Luật sư, Tòa án đã chủ động gửi công văn đề nghị Đoàn Luật sư cử Luật sư tham gia bào chữa và tạo điều kiện thời gian nghiên cứu hồ sơ, thanh toán chế độ cho luật sư đúng quy định.
Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự sơ thẩm, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra một trong các quyết định: Đưa vụ án ra xét xử, trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung, tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án trong thời hạn luật định, không kéo dài thời gian giải quyết vụ án, không làm ảnh hưởng quyền của bị cáo, bảo đảm các quyền của bị cáo được tôn trọng và thực hiện. Thẩm phán được phân giải quyết vụ án đã dành thời gian tìm hiểu về bị cáo, làm tốt công tác chuẩn bị hồ sơ xét xử. Các Tòa án đã cử các hội thẩm tham gia xét xử; gửi quyết định đến Viện Kiểm sát cùng cấp theo đúng quy định pháp luật. Nội dung quyết định đưa vụ án ra xét xử đúng theo quy định, đầy đủ thông tin về thành phần Hội đồng xét xử để bị cáo biết thông tin về những người sẽ trực tiếp xét xử tại phiên tòa. Do vậy mà bị cáo thực hiện được quyền đề nghị Hội đồng xét xử thay đổi người tiến hành tố tụng.
Thứ hai, vai trò của Tòa án trong bảo vệ quyền của người bị buộc tội khi bắt đầu phiên tòa
Từ thực tiễn xét xử tại các phiên tòa xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự nhận thấy, Chủ tọa phiên tòa sơ thẩm đều thực hiện thủ tục khai mạc phiên tòa, công bố quyết định đưa vụ án ra xét xử, yêu cầu Thư ký báo cáo sự vắng mặt, có mặt của những người tham gia tố tụng được triệu tập đến phiên tòa, kiểm tra căn cước của các bị cáo và những người tham gia tố tụng, giải thích quyền và nghĩa vụ của bị cáo và những người tham gia tố tụng khác theo đúng trình tự, thủ tục do pháp luật định. Quyền đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa của bị cáo được Tòa án thực hiện đúng quy định pháp luật để bảo vệ quyền của người bị buộc tội. Những vụ án có sự thay đổi về người tiến hành tố tụng đều có quyết định thay đổi người tiến hành tố tụng, lý do thường là việc thay đổi Kiểm sát viên, thay đổi Thư ký phiên tòa theo quyết định của Viện Kiểm sát hoặc của Tòa án.
Như vậy, thủ tục xem xét yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng đã được thực hiện theo trình tự thủ tục, đúng quy định pháp luật. Việc xem xét đánh giá yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng và quyết định của Hội đồng xét xử là phù hợp, có căn cứ, bảo vệ được quyền của người bị buộc tội tại phiên tòa. Tòa án bảo vệ quyền của bị cáo thông qua hoạt động xét xử, bảo đảm phiên tòa diễn ra công khai, công bằng với sự giám sát của nhân dân, tạo điều kiện cho những người đại diện của địa phương, hay tổ chức đoàn thể tham dự phiên tòa.
Thứ ba, vai trò của Tòa án trong bảo vệ quyền của người bị buộc tội trong giai đoạn xét hỏi
Trong giai đoạn xét hỏi tại phiên tòa xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự, Hội đồng xét xử có vai trò tổ chức, điều khiển tranh tụng tại phiên tòa giữa những người có quyền và lợi ích đối lập nhau theo đúng qui định từ Điều 306 đến Điều 317 BLTTHS.
Chủ tọa phiên tòa điều hành việc hỏi, quyết định ai là người hỏi trước, ai là người hỏi sau; xem xét, thẩm tra công khai, mọi chứng cứ, những mâu thuẫn giữa các lời khai, giữa lời khai với vật chứng được làm sáng tỏ. Qua đó, Tòa án bảo vệ quyền của bị cáo thông qua việc bảo đảm thực hiện quyền trình bày lời khai, đưa ra tài liệu, đồ vật, chứng cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, hạn chế ở mức thấp nhất tình trạng mớm cung, ép cung, bức cung đối với bị cáo. Hội đồng xét xử đã tạo điều kiện cho người bào chữa được phát huy hết trách nhiệm trong bảo vệ quyền của bị cáo, Kiểm sát viên được thực hiện quyền công tố, đồng thời xem xét giải quyết các trường hợp hoãn phiên tòa theo đúng quy định pháp luật. Thông qua xét hỏi công khai, Hội đồng xét xử làm rõ các tình tiết ý nghĩa quan trọng trong vụ án được mô tả trong bản cáo trạng và những tình tiết phát sinh tại phiên tòa. Từ đó, chủ thể bên buộc tội và bên gỡ tội có cơ sở để đưa ra các căn cứ, chứng cứ, quan điểm, lập luận của mình trong việc buộc tội và gỡ tội. Đa số các vụ án hình sự sơ thẩm được Hội đồng xét xử nghiên cứu kỹ hồ sơ trước khi mở phiên tòa, có đề cương xét hỏi cụ thể, giải quyết tốt các tình huống phát sinh tại phiên tòa đúng quy định pháp luật.
Thứ tư, vai trò của Tòa án trong bảo vệ quyền của người bị buộc tội tại giai đoạn tranh luận
Qua hoạt động tranh luận công khai giữa các bên tham gia tố tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã xem xét khách quan, toàn diện toàn bộ các chứng cứ, lập luận được đưa ra. Phần lớn các vụ án hình sự đã tuân thủ việc đảm vệ quyền của bị cáo như quyền được bào chữa, quyền được công khai xét xử, bảo đảm cho những người tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của mình. Qua đó áp dụng hình phạt đối với các bị cáo đảm bảo nghiêm minh, khách quan, công bằng, đúng người, đúng tội.
Thứ năm, vai trò của Tòa án trong bảo vệ quyền của người bị buộc tội tại giai đoạn nghị án và tuyên án
Các bản án hình sự sơ thẩm thể hiện rõ vai trò bảo vệ quyền bị cáo của Tòa án như: Trình bày việc phạm tội của bị cáo với những điều kiện, hoàn cảnh, nhân thân, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo. Các chứng cứ trong bản án được Hội đồng xét xử phân tích đánh giá một cách khách quan, đầy đủ lý lẽ buộc tội và gỡ tội cho bị cáo, cùng với đó là các lời khai của nhân chứng, các tài liệu đồ vật có trong hồ sơ vụ án được đánh giá khách quan, toàn diện, đúng qui định pháp luật. Chủ tọa phiên tòa tuyên án công khai tại phiên tòa. Qua đó, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác được biết những nội dung quyết định của HĐXX về từng vấn đề của vụ án. Trên cơ sở đó, bị cáo có thể thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình.
Thứ sáu, vai trò của Tòa án trong bảo vệ quyền của người bị buộc tội sau khi tuyên án
Tòa án thể hiện vai trò bảo vệ quyền của bị cáo thông qua các hoạt động tố tụng sau khi kết thúc phiên tòa: Thực hiện đúng quy định pháp luật về thủ tục tố tụng sau khi kết thúc phiên tòa, gửi bản án, quyết định của Tòa án; tiến hành thủ tục tiếp nhận và xử lý kháng cáo theo đúng quy định pháp luật.
2. Những hạn chế về vai trò của Tòa án nhân dân trong bảo vệ quyền của người bị buộc tội từ thực tiễn xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự
Thứ nhất, hạn chế trong giai đoạn trước khi bắt đầu phiên tòa
Một số vụ án sơ thẩm hình sự, tại giai đoạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án chưa nghiên cứu kỹ tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án dẫn đến không phát hiện ra một trong các căn cứ trả hồ sơ bổ sung nên không trả lại hồ sơ cho Viện Kiểm sát để yêu cầu bổ sung các chứng cứ (trong đó có chứng cứ gỡ tội cho bị cáo) mà vẫn đưa vụ án ra xét xử dẫn đến tình trạng phải trả hồ sơ sau khi bắt đầu phiên tòa.
Một số trường hợp Tòa án phân công Hội thẩm tham gia giải quyết vụ án nhưng đến trước khi mở phiên tòa, lấy lý do các Hội thẩm trong quyết định đưa vụ án ra xét xử không tham gia được, Chủ tọa phiên tòa cử Hội thẩm khác tham gia. Như vậy, Hội thẩm không có nhiều thời gian chuẩn bị nghiên cứu hồ sơ, trong khi bị cáo cũng không được biết trước hết các thành viên của Hội đồng xét xử làm ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền thay đổi những người tiến hành tố tụng của bị cáo.
Thứ hai, hạn chế trong giai đoạn bắt đầu phiên tòa
Trong một số phiên tòa hình sự sơ thẩm có nhiều bị cáo, người tham dự phiên tòa đông, gây ồn ào, mất trật tự, đội ngũ bảo vệ phiên tòa mỏng không đảm bảo được an ninh trật tự tại phiên tòa; Chủ tọa phiên tòa còn lúng túng, chưa điều hành tốt phần thủ tục bắt đầu phiên tòa như: Chưa giới thiệu hết thành phần Hội đồng xét xử hoặc những người tham gia tố tụng khác, chưa kiểm tra hết căn cước của từng bị cáo, giải quyết chưa thỏa đáng khi có yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng hoặc xin hoãn phiên tòa, chưa giải thích đầy đủ về quyền của người tham gia tố tụng dẫn đến hạn chế hoặc làm mất quyền của người tham gia tố tụng, đặc biệt là đối với bị cáo.
Thứ ba, hạn chế trong giai đoạn xét hỏi
Một số vụ án, Hội đồng xét xử chưa nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, chưa có đề cương xét hỏi cụ thể, chưa giải quyết tốt các tình huống phát sinh tại phiên tòa, việc điều khiển phần xét hỏi còn lúng túng, chưa xem xét, thẩm tra hết những tình tiết còn mâu thuẫn của vụ án dẫn đến định tội, định khung hình phạt đối với bị cáo chưa chính xác.
Trong giai đoạn xét hỏi, một số trường hợp Chủ tọa phiên tòa chưa thực sự là người điều hành việc hỏi, mà vẫn giữ vai trò là người hỏi chính, dành quyền hỏi nhiều hơn so với Kiểm sát viên và người bào chữa cho bị cáo nên không đảm bảo được quyền thể hiện ý kiến, quan điểm buộc tội của Kiểm sát viên và quan điểm gỡ tội của người bào chữa đối với bị cáo. Thực tế có vụ án Tòa án cấp sơ thẩm đánh giá chưa đầy đủ các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án và ngay tại tòa (chứng cứ gỡ tội) do đó tuyên phạt bị cáo ở mức hình phạt cao hơn so với cáo trạng của Viện Kiểm sát.
Thứ tư, hạn chế trong giai đoạn tranh luận
Tại một số phiên tòa hình sự sơ thẩm, Hội đồng xét xử chưa thực sự giữ vai trò là người điều hành, đứng ra phân xử trong quá trình tranh luận giữa bên buộc tội và bên gỡ tội. Hội đồng xét xử vẫn tham gia với vai trò là một bên tranh tụng, đôi khi là bên buộc tội nên chưa thực sự đảm bảo quá trình tranh tụng diễn ra bình đẳng, công bằng và dân chủ giữa các bên tham gia tố tụng. Việc Hội đồng xét xử chưa chú ý đến điều hành tranh tụng tại phiên tòa làm ảnh hưởng đến chất lượng xét xử, chưa đảm bảo quyền của bị cáo tại phiên tòa. Đôi khi, Hội đồng xét xử chưa vận dụng triệt để nguyên tắc suy đoán vô tội, vẫn còn tình trạng “án tại hồ sơ”, chỉ căn cứ vào cáo trạng để quyết định tội danh và hình phạt của bị cáo mà không căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa.
Do đó, một số phán quyết của Tòa án chưa đầy đủ, thiếu khách quan, mang nặng tính áp đặt. Trong một số trường hợp HĐXX chưa tập trung tạo điều kiện tranh luận cho bên gỡ tội, ưu tiên hơn cho Kiểm sát viên làm hạn chế một số quyền của người bào chữa cho bị cáo. Một số Kiểm sát viên còn có tâm lý ngại tranh luận với Luật sư (nhất là vụ án có nhiều Luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo), do vậy Kiểm sát viên tham gia phiên tòa có thái độ thiếu bình tĩnh, tự tin, còn lúng túng khi xử lý các tình huống phát sinh tại phiên tòa. Một số trường hợp Kiểm sát viên còn né tránh các vấn đề còn mâu thuẫn trong vụ án, các tình tiết của vụ án cần tranh luận làm sáng tỏ tại phiên tòa. Vẫn còn tình trạng Kiểm sát viên không chú ý tập trung theo dõi các quan điểm khác nhau về từng vấn đề cần tranh luận nên không đối đáp hoặc đối đáp không đầy đủ từng vấn đề của vụ án.
Hội đồng xét xử chưa thực sự được coi trọng và phát huy hết quyền tự bào chữa, trình bày ý kiến, đưa ra chứng cứ, tài liệu và lập luận của bị cáo. Bị cáo chưa chủ động, tích cực tham gia tranh luận để đối đáp lại với Kiểm sát viên. Đôi khi, người bào chữa cho bị cáo chưa viện dẫn đúng văn bản pháp luật để bào chữa cho bị cáo, chưa trực tiếp đi vào những tình tiết quan trọng của vụ án để tìm ra những chứng cứ gỡ tội hoặc tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo.
Thứ năm, hạn chế trong giai đoạn nghị án và tuyên án
Một số vụ án, khi nghị án, Hội đồng xét xử chưa xem xét khách quan, toàn diện các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ hình phạt của bị cáo, không bảo đảm được các quyền của bị cáo. Hội đồng xét xử ra quyết định mức hình phạt quá nghiêm khắc, hoặc quyết định mức hình phạt nhẹ hơn so với mức độ phạm tội của bị cáo.
Thứ sáu, hạn chế trong giai đoạn sau khi tuyên án
Trong một số vụ án hình sự sơ thẩm, Tòa án cấp sơ thẩm không xác định đúng đối tượng kháng cáo, không xác định rõ nội dung kháng cáo làm kéo dài vụ án, ảnh hưởng đến quyền của bị cáo.
3. Một số giải pháp Hoàn thiện các quy định của BLTTHS về bảo vệ quyền của người bị buộc tội và vai trò bảo vệ quyền của người bị buộc tội của Tòa án
Đảm bảo nguyên tắc tranh tụng trong xét xử
Khoản 5 Điều 103 Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận “nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm”. Điều 26 BLTTHS năm 2015 ghi nhận nguyên tắc: Tranh tụng trong xét xử được bảo đảm theo chúng tôi là còn dè dặt và thận trọng. Trong bối cảnh hiện nay, chưa cho phép chúng ta áp dụng mô hình tranh tụng triệt để bởi nhiều lý do. Tuy nhiên, trong thời gian tới BLTTHS cần đẩy thêm một bước nữa bằng việc quy định nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng hình sự chứ chỉ dừng ở tranh tụng trong khi xét xử như hiện nay. Bởi lẽ, tranh tụng phải được hiểu là một quá trình. Nó bắt đầu ngay từ khi buộc tội (giữ người trong trường hợp khẩn cấp hay khởi tố bị can). Đó là việc bên gỡ tội phải biết chứng cứ lập luận của bên kia và có quyền phản bác. Tranh tụng tại phiên tòa chỉ là bước cuối cùng của tranh tụng. Nói cách khác, muốn đảm bảo tranh tụng, bình đẳng, khách quan giữa các bên thì trong các giai đoạn trước đó các bên, đặc biệt là bên gỡ tội phải được thực hiện các quyền nhằm đảm bảo cho việc tranh tụng tại phiên tòa đạt kết quả cao.
Đảm bảo nguyên tắc suy đoán vô tội
Nguyên tắc suy đoán vô tội là một trong những nguyên tắc cơ bản và đặc biệt quan trọng trong pháp luật tố tụng hình sự tại Việt Nam. Nguyên tắc suy đoán vô tội là căn cứ trong việc bảo vệ quyền của người bị buộc tội. Khi một công dân trở thành nghi can, bị tạm giam, tạm giữ, bị can, bị cáo thì họ đã bị hạn chế một phần sự tự do, nên khó khăn để tự bảo quyền của mình.
Pháp luật quy định người bị buộc tội được coi là vô tội cho đến khi bị kết tội là không phù hợp về nội dung cốt lõi mà điều luật cần quy định. Bởi vì, quy định này cần dứt khoát khẳng định trạng thái vô tội; không thể vừa vô tội, vừa có tội. Theo đó, cần quy định người bị buộc tội được suy đoán vô tội khi tội phạm chưa được chứng minh theo trình tự luật định là phù hợp với logic, với trạng thái vẫn vô tội. Một điều hiển nhiên là, chưa chứng minh được tội phạm có nghĩa là chưa có tội. Còn đến khi tội phạm được chứng minh và kết tội thì lúc đó là có tội. Ở đây cần thể hiện đúng trạng thái chưa có tội chứ không phải là trạng thái có tội.
Hoàn thiện các quy định về quyền của bào chữa cho người bị buộc tội
Người bị buộc tội có quyền tự mình bào chữa hoặc nhờ người bào chữa để bảo vệ quyền của mình. Trong trường hợp người bị buộc tội có người bào chữa, theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 73 BLTTHS 2015, họ có quyền có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu người có thẩm quyền tiến hành lấy lời khai, hỏi cung đồng ý thì mới được hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can.
Để thực hiện được quyền này, người bào chữa được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng báo trước một thời gian hợp lý về thời gian, địa điểm tiến hành hoạt động tố tụng (điểm d khoản 1 Điều 73 BLTTHS 2015). Tuy nhiên, Luật không quy định rõ “thời gian hợp lý” là thế nào, được báo trước bao nhiêu ngày.
Vì vậy cần phải sửa đổi bổ sung thêm quy định người bào chữa được cơ quan có thẩm quyền thông báo trước là bao nhiêu ngày trước thời điểm người bào chữa có mặt khi lấy lời khai của người bị buộc tội, cần bỏ quy định khi Luật sư muốn hỏi người bị buộc tội phải được sự đồng ý của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng theo quy định tại Điều 73, mà cần coi đây là quyền của Luật sư bào chữa và không bị phụ thuộc vào ý chí của bất kỳ ai ngoài việc thượng tôn pháp luật. Đồng thời cũng cần bỏ quy định về nghĩa vụ của Luật sư là phải có trách nhiệm giao nộp các tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc bào chữa mà họ đã thu thập được theo đúng trình tự, thủ tục mà Bộ luật Tố tụng hình sự quy định mà thay vào đó là họ có quyền sử dụng các tài liệu, chứng cứ đó để tham gia tranh tụng tại Tòa án.
Bảo vệ quyền im lặng của người bị buộc tội
BLTTHS 2015 lần đầu tiên ghi nhận quyền im lặng của người bị buộc tội, tuy nhiên, BLTTHS không ghi nhận trực tiếp mà được quy định tại các Điều 59, 60 và 61 của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc ghi nhận quyền im lặng, là nhân quyền cơ bản đối với người bị buộc tội. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự cho thấy quyền im lặng của người bị buộc tội chưa thực sự được quan tâm đúng mức và chưa có những quy định cụ thể, nghiêm ngặt để người bị buộc tội thực hiện quyền im lặng
Hoàn thiện các quy định về quyền của người bị buộc tội
BLTTHS 2015 đã quy định bổ sung những quyền mới của người bị buộc tội, nhằm đảm bảo quy trình thu thập chứng cứ, xác định sự thật của vụ án, đảm bảo sự bình đẳng giữa các chủ thể tham gia tố tụng. Tuy nhiên, những qui định này vẫn còn một số hạn chế cần được sửa đổi, bổ sung như sau:
- Quy định người bị buộc tội có quyền đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật; trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá tại điểm đ, điểm e, khoản 2 Điều 58, Điều 59, Điều 60, Điều 61 nhưng không quy định thủ tục bảo đảm quyền này cho người bị buộc tội. Vì vậy, cần bổ sung quy định việc người bị buộc tội có quyền tự mình hoặc nhờ người khác thu thập chứng cứ trong các giai đoạn tố tụng để bảo vệ quyền tự bào chữa của mình.
- Điểm h khoản 2 Điều 58; điểm g khoản 2 Điều 59; điểm k khoản 2 Điều 60 và điểm n khoản 2, Điều 61 BLTTHS năm 2015 quy định người bị buộc tội có quyền khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, việc thực hiện quyền này của người bị buộc tội luôn gặp nhiều khó khăn và hạn chế. Do đó, cần phải hoàn thiện cơ chế bảo đảm thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo của bị can, bị cáo với những vi phạm, thiếu sót trong hoạt động giải quyết vụ án hình sự của những người có thẩm quyền.
ĐẶNG ĐÌNH THÁI
Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 4
Tạp chí Điện tử Luật sư Việt Nam
Ngày đăng: 11/10/2023 23:03