Tổng doanh thu của Top 10 doanh nghiệp công nghệ thông tin đạt hơn 162.000 tỷ đồng
Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) vừa công bố và vinh danh top 10 doanh nghiệp CNTT Việt Nam năm 2022. Theo Ban tổ chức, tổng doanh thu năm 2021 của các doanh nghiệp này đạt 162.333 tỷ đồng.
Theo Ban tổ chức, chương trình năm nay nhận được sự ủng hộ và tham gia của đông đảo các doanh nghiệp với 147 đề cử trong 20 lĩnh vực từ 92 doanh nghiệp.
Số liệu thống kê từ Ban tổ chức cũng cho thấy, tổng doanh thu năm 2021 của các doanh nghiệp được vinh danh Top 10 năm nay đạt 162.333 tỷ đồng, tương đương 7 tỷ USD, chiếm 51% doanh thu của toàn ngành phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam, với tổng số nhân sự 175.601 người.
Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) cho biết, dù tình hình thế giới phức tạp, tuy nhiên kinh tế Việt Nam lại đang có bước phát triển rất mạnh mẽ, với các dự đoán tích cực từ tất cả các tổ chức đánh giá quốc tế. Tiến trình chuyển đổi số Việt Nam cũng đang bước vào giai đoạn tăng tốc từ cơ quan, đến doanh nghiệp, người dân, tạo đà cho sự phát triển toàn diện của Việt Nam.
Các doanh nghiệp công nghệ số đang gánh vác trên vai sứ mệnh, lĩnh ấn tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia, cũng đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành đối tác chuyển đổi số cho các cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Danh sách các Top 10 doanh nghiệp CNTT năm nay phản ánh rõ nét về các xu hướng, đặc trưng và hơi thở của ngành.
Đạt được ‘cú đúp’ tại 2 hạng mục Top 10 doanh nghiệp cung cấp nền tảng chuyển đổi số và Top 10 doanh nghiệp cung cấp giải pháp Chính phủ số, bà Đinh Thị Thúy, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần MISA cho biết, danh vị Top 10 doanh nghiệp CNTT sẽ giúp các doanh nghiệp như MISA khẳng định được uy tín và chất lượng của những giải pháp số đang đồng hành cùng chương trình chuyển đổi số quốc gia. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tăng cường đưa các nền tảng số vào các doanh nghiệp, hộ kinh doanh chuyển đổi số toàn diện. Đặc biệt, đó cũng là trách nhiệm phổ rộng dịch vụ công nghệ số đến tất cả mọi lĩnh vực trong xã hội.
Nhân dịp này, Ban Tổ chức Top 10 doanh nghiệp CNTT Việt Nam 2022 cũng đã quyết định thành lập, lựa chọn và trao chứng nhận Doanh nghiệp CNTT nghìn tỷ cho những doanh nghiệp lớn có doanh thu từ 1.000 tỷ đồng trở lên.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng chia sẻ, công cuộc chuyển đổi số là của toàn dân. Tinh thần doanh nhân công nghệ số (technopreneur) lan tỏa trong toàn dân là động lực thúc đẩy sự tham gia của toàn dân vào công cuộc chuyển đổi số. Các tập đoàn, doanh nghiệp thương mại, dịch vụ lớn trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội chuyển hướng hoạt động sang lĩnh vực công nghệ số, đầu tư nghiên cứu công nghệ lõi. Các bệnh viện lớn cũng đồng thời là doanh nghiệp công nghệ số về y tế, các trường đại học lớn cũng đồng thời là doanh nghiệp công nghệ số về giáo dục. Các doanh nghiệp công nghệ thông tin đã khẳng định được thương hiệu đảm nhận các sứ mệnh tiên phong nghiên cứu, phát triển các nền tảng số.
Các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo về công nghệ số hãy bắt tay vào giải quyết các bài toán của Việt Nam bằng công nghệ số, bằng các mô hình vận hành đột phá, rồi từ Việt Nam đi ra thế giới. Chìa khóa của công cuộc chuyển đổi số là các nền tảng số.
"Hiện, có hơn 50 bài toán đã được công bố. Chính phủ mong muốn và kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp công nghệ số nhận lấy sứ mệnh, mỗi doanh nghiệp lớn nhận lấy một nhiệm vụ cụ thể. Chính phủ hành động bằng cách lựa chọn ra các nền tảng tốt, sử dụng bộ máy tuyên truyền để lan tỏa, phổ biến, nhân rộng trên phạm vì toàn quốc các mô hình tốt, các câu chuyện thành công", Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết.
Hiền Minh
Theo baochinhphu.vn
Thời gian đăng: 10/09/2022 15:22